Tuesday, November 10, 2020

 

Thằng Cường

 Thằng Cường đã sáu tuổi mà nhỏ nhắn, khẳng khiu trông như đứa bé mới lên bốn . Trên khuôn mặt bé chỉ có đôi mắt là nổi bật, đôi con ngươi màu nâu hạt dẻ ,cặp mắt thật to tròn! Ngồi cạnh thằng Cường là cháu nó, thằng Đức.  Đức nhỏ hơn Cường chỉ vài tháng ! Thằng Cường trên tay đang cầm củ khoai lang mẹ vừa cho! Nó bẻ từ từ, ăn nhin nhín  từng chút một! Thằng Đức mở thao láo mắt nhìn thằng Cường thèm muốn! Nó cũng có một củ khoai như Cường nhưng đã ăn ngấu nghiến mất rồi!  Chị Bé, mẹ thằng Cường và là bà ngoại của Đức, nhìn con khẽ bảo:

          - Con  bẻ cho Đức một miếng đi con ! Con là cậu nó mà.

          - Không ! Thằng "Chường " là thằng " Chường" thôi ! Chuờng không là thằng " chậu" gì  cả. 

           Thằng bé mếu máo khóc và nhất định không chia sẻ miếng khoai còn lại của nó cho thằng Đức.

          Nghe thằng bé ngọng nghịu lên tiếng. Tôi  bật cười, thằng bé phát âm không được chữ "C"! Thương cái hồn nhiên của thằng bé! Thật ra nó có biết " cậu " là gì đâu! Mà vì sao làm cậu, lại phải chia phần ăn của mình,  nên nó không thèm chức cậu cũng đúng thôi! Sự việc tưởng  như nhỏ nhưng suy gẫm ra mới thấy bi đát làm sao ! Tuổi thơ , tuổi được  ăn no, mặc ấm, được vui chơi !  Vậy mà có người đã muốn tước đoạt đi cái thuộc về nó!  Dù chỉ là một miếng khoai nhưng "miếng khi đói bằng một gói khi no "`! Với thằng bé miếng khoai ấy  lớn đến dường nào ! Lớn đến nỗi nó không thèm cái chức "cậu". Có thể thằng bé không hề có ý nghĩ như vậy. Đó là sự suy nghĩ của tôi thôi ! Nhưng thật lạ , tôi cảm thấy phục thằng bé ! Mới mấy tuổi đầu bé đã biết phản kháng , đã biết tự quyết định cho mình. Nếu tôi là nó tôi cũng nhất quyết không chia phần của mình cho thằng cháu chỉ bằng tuổi mình,  nhưng lớn hơn mình vì mang chức " cậu " . Nó cũng được chia công bằng sao lại còn muốn ăn thêm phần của người khác ? Trong tôi, phải chăng  cái ích kỷ , tham lam cũng  đã nhen nhúm. Như thằng bé tôi cũng tự binh vực cho mình, tôi không ích kỷ , tôi chỉ muốn sự công bằng  mà công bằng ở xã hội tôi đang sống lúc đó sao mà hiếm hoi quá. Hay tại hoàn cảnh đổi thay đã khiến con người thay đổi? Già cũng thay đổi, con nít cũng đổi thay ! Xã hội thì đã hoàn toàn thay đổi ! Từ chế độ Việt Nam Cộng Hoà , một chế độ dân chủ tự do bị chuyển qua chế độ  Xã hội chủ nghĩa." Lúc nào họ cũng hô hoán là " độc lập, tự do " Khẩu hiệu luôn được viết trên  cùng của những chứng từ văn bản nước CHXHCNVN nhưng đã được nhiều người mai mỉa  đổi thành " đập dập , tự lo".

              Sau một chín bảy lăm, cuộc sống người dân thay đổi quá nhiều. Thật nhiều gia đình lâm vào cảnh nghèo đói. Khẩu phần ăn của mọi người bị hạn chế . Người lao động ( ý là người có đi làm ) mỗi tháng chỉ được  mua một số nhu yếu phẩm ở Hợp Tác Xã .  Không đủ ăn ,chị Bé, phải đi mót từng củ khoai, trái bắp, củ sắn... ở những mảnh đất cải thiện ( thường là mảnh đất nhỏ , của riêng không bị xung vào tập thể ).   Vợ chồng chị Bé thật đông con. Ngoài bốn mươi chị đã có đến chín đứa con! Tôi hỏi: " Sao chị đông con vậy? " Chị cười trả lời tôi: " Trời  cho em ạ. Thầy bói nói chị phải có chín đứa con mới ăn nên, làm ra. Giờ chị có đủ năm gái, bốn trai nên chị hết sanh rồi. " Ăn nên làm ra đâu tôi không thấy! Sau năm bảy lăm, gia đinh chị túng quẫn đến thảm thương! Con gái chị, ở nhà chồng thiếu thốn quá phải  chạy về nhà mẹ, cùng bố mẹ làm đất tập thể để đuợc chia khẩu phần gạo hàng tháng! Con đông, lại đang tuổi lớn, gia đình chị thiếu hụt triền miên! Tôi ở gần nhà chị. Ba mẹ tôi tuy vườn đất cũng bị cho vào tập thể nhưng lại có đất "cải thiện ". Mảnh đất trước nhà, chúng tôi trồng su su, trồng trái cây như mận, đào, ổi... Ngoài ra bố tôi có làm một chuồng nuôi thỏ, gà ... nên gia đình tôi vẫn không đến đổi! Trồng được rau cải, su su, rau lang ... Chúng tôi  thường cho chị Bé để chị có thêm thức ăn cho các con! Trong xóm tôi cũng có thật nhiều gia đình thiếu ăn như gia đình chị Bé!  Trước kia,không có hiện tượng trộm cắp ở xóm tôi! Nhưng sau đó, gà bị trộm, trứng bị mất...Cây trái trong vườn chưa kịp chín là mấy nhỏ con chị Bé , con hàng xóm đã vặt sạch! Gà, thỏ nuôi trong chuồng cũng bị bắt mang đi. Những hiện tượng này ngày trước hoàn toàn không có ! Bởi vì đâu ? Tại dân đói quá mà ra! Nghĩ mà thương cho những đứa trẻ lớn lên trong giai đoạn này! Tuổi thơ, tuổi hồn nhiên sống ấm êm, no đủ như ngày xưa không còn nữa! 

       Chiều hôm đó, tôi nấu một nồi khoai lang đầy , mang thêm vài trái bắp vừa được cô học trò ở Đức Trọng  đem biếu mang qua nhà chị Bé, lựa hai trái bắp và hai củ khoai to nhất cho Cường và Đức , còn lại chia đều cho mấy đứa con còn lại của chị Bé ! Nhìn hai cậu cháu ăn ngấu nghiến , ăn nhanh như sợ nếu không ăn sẽ mất phần ăn của mình mà lòng tôi dâng lên niềm thương cảm. Thương mấy cháu quá! Nghĩ đến, ở vào tuổi bé Cường , bé Đức , tuy nhà không giàu có gì! Bố mẹ tôi làm lụng vất vả nuôi anh em chúng tôi nhưng gạo cơm thì không thiếu! Khoai nhà trồng  chỉ để ăn chơi. Ăn vì thích chứ không phải vì đói! Còn bây giờ, một người , một tháng chỉ được mua ba ký gao , còn lại mười ký có khi là bắp chăn nuôi , có lúc là bo bo , bột mì hoặc khoai lang khô . Không hiểu nhân vật nào đã tìm ra câu nói  lái " khoái ăn sang " thành "sáng ăn khoai " để trở thành thành ngữ ưa dùng nói lên cái thực trạng thiếu hụt của người dân lúc ấy!

      Mấy mươi năm qua đi, bao nhiêu người vượt biển ra đi tìm tự do  để thoát đi ách thống trị của kẻ cầm quyền chỉ mang lại bất công , nghèo đói! Họ ra đi để đổi đời, để gia đình con cháu có cuộc sống nó đủ hơn , khởi sắc hơn. Tiền bạc những người ra đi gởi về cũng góp một phần thay đổi những đói nghèo trên quê hương tôi . Chị Bé cũng có vài người con lập gia đình ở xứ người ! Cuộc sống gia đình đã thay đổi hơn!Thằng " Chuờng " ngày xưa hẳn cũng đã bước vào tuổi trung niên? Tôi chưa hề gặp lại cậu bé từ lúc ra đi đến giờ! Nhưng hình ảnh thằng bé với đôi mắt to màu hạt dẽ , mếu máo khóc , hờn dỗi nhưng thật quyết liệt  " Không! Thằng " Chường " là thằng " Chường ". Chường không là thằng " chậu " gì cả ! vẫn  đậm nét trong tôi. Hình ảnh ấy luôn nhắc tôi nghĩ đến những tháng ngày cùng khổ ! Những tháng năm tận cùng của sự thiếu thốn, bần cùng !Hồi tưởng lại vẫn làm tôi thấy xót xa đau buồn ! Ôi quê hương tôi đã có những ngày tháng ...như thế đấy!!!

      Forget Me Not Dalat

 

 

 

 

No comments: