Thursday, June 25, 2009

TRĂNG XƯA TRĂNG XƯA

Chị Lạng khoác lên vai chiếc khăn tắm, rón rén mở cửa. Bà Cửu đang ngồi têm trầu trên chiếc trường kỷ nói vọng ra:
- Nhớ tắm nhanh về sớm, nghe con!
Chị đáp vội :
- Dạ! Con tắm một chút rồi về liền mà mạ. ̀̀̀̀̀̀̀ Từ nhà chị Lạng ra sông chỉ non hai trăm bước. Để khăn tắm lên bụi cỏ cạnh bờ sông. Chị từ từ bước xuống bậc cấp bằng đá, xây sát cạnh bờ. Để nguyên quần áo, chị nhẹ nhàng đặt chân xuống nước, rồi đi lần ra giữa dòng. Sông Hương mùa này nước thật cạn, chỉ cao ngang ngực chị. Nước mát lạnh, chị cảm thấy thật dễ chịu. Gần cả năm nay, chị mới được tắm lại trên dòng sông quê hương của mình. Kể từ lúc thay đổi chỗ làm, đến dạy tại một vùng xa tít ở mũi Cà Mau, mỗi năm chị mới về một lần. Chị ở lại đây một hai tháng. Bà Cửu thương con, không muốn con sống xa nhà nhưng lại chiều theo ý con gái, bà không ngăn cản sự chọn lựa của con mình.
Trăng đã lên, ánh trăng mười sáu nhẹ tỏa, lung linh in bóng xuống dòng sông. Chị Lạng nghịch ngợm lấy tay khỏa nước cho trăng tan, rồi đứng thật yên lặng, hầu như bất động, chờ trăng tụ lại nơi đáy sông. Chị chợt mỉm cười thấy mình đã lập lại những động tác này ở những tháng năm xa xưa cũ.
Trăng nằm đáy nước trong veo.
Cầm chèo ta đập mấy hèo trăng tan.
Khác với thái độ cay cú của người thơ, chị Lạng yêu mặt trăng lồng đáy nước. Chị chỉ muốn trăng lung linh, diễm ảo không tan. Chị chỉ muốn ôm mảnh trăng vào lòng. Chị nín thở, ngụp xuống dòng sông để nhớ lại cảm giác xưa cùng bạn bè tuổi nhỏ lặn xuống sông tìm trăng. Chỉ vài giây sau, chị ngoi lên, mặt mũi, tóc tai sủng ướt. Vuốt mớ tóc dài ra sau, chị Lạng tiếp tục bơi, tiếp tục lặn ngụp, vẫy vùng trên quãng sông vắng. Dòng sông thân thương đã cho chị quá nhiều kỷ niệm của tuổi ấu thơ, cuả tuổi trưởng thành. Nhớ những buổi chiều, sau giờ tan học, cả bọn trai gái trên mười đứa, rủ nhau ra bến sông bơi lội. Cái thưở chưa biết mắc cở, còn tồng ngồng nghịch nước, tạt nước vào nhau rồi cười đùa vang cả khúc sông. Lớn hơn một chút đã biết e thẹn, cũng cùng nhau đi tắm sông nhưng bọn con gái đều mặc cả áo quần xuống nước. Dù vậy, cái phá phách, nghịch ngợm chỉ tăng chứ không giảm. Giờ thì, mỗi người một nơi. Sơn và Thắm sau đám cưới đã dọn vào Lâm Đồng lập nghiệp. Thành và Vinh, đi lính, tử trận ở hạ Lào. Một số bạn sau Mậu Thân đã bỏ Huế ra đi không về nữa. Trong nhóm bạn xưa chỉ có mình Thủy là còn ở đây, sống đạm bạc với mẹ già, nguồn thu nhập chính của hai mẹ con là mảnh vườn trồng cây ăn trái. Vườn nhà Thuỷ có thật nhiều thanh trà. Thanh trà nhà chị ngon nhất xóm, trái ngọt lịm. Trong vườn còn có những cây mận xanh trái nhỏ, dòn và thơm, quyến rũ bọn nàng vô cùng. Bởi thế, sau mỗi lần đi tắm sông về, chị Lạng và các bạn đều ghé nhà Thủy, len lén mạ hắn hái trộm mận, trộm đào rồi chia ra mỗi đứa vài trái, mang về nhà ăn với muối ớt dằm, có bạn không ăn thì để dành hôm sau đi học mang nhem thèm với các bạn cùng lớp. Trái cây ở Kim Long ngon nổi tiếng. Kim Long không những nổi tiếng có trái cây ngon, còn nổi tiếng có nhiều gái đẹp.
Kim Long gái đẹp mỹ miều
Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi.
Những ông vua còn mê gái đẹp Kim Long nữa là! Kim Long thơ mộng trữ tình. Kim Long nằm hiền hòa bên cạnh dòng sông Hương bốn mùa nước trong xanh. Kim Long là quê hương vô cùng yêu dấu của chị. Chị Lạng cảm thấy hãnh diện được sinh ra và lớn lên ở nơi này, được nuôi lớn bằng những giếng nước ngọt ngào thanh khiết. Cây cỏ tươi xanh, nước ngọt ngào. Có lẽ vì vậy mà con gái Kim Long có nước da trắng hồng, mịn màng tươi mát, đẹp tự nhiên không son phấn. Chị Lạng yêu biết bao nhiêu nơi chốn này, nơi chị sinh ra và lớn lên, nơi cho chị biết bao nhiêu kỷ niệm. Chị yêu tiếng hò trên dòng Hương giang, những điệu hò trầm bỗng ngọt ngào thấm đượm lòng người. Chị thương tiếng chuông trong trẻo của Thiên Mụ vào những hồi kinh sáng, chiều. Chị đâu muốn xa Kim Long. Chị đâu muốn xa cố đô yêu dấu của chị. Chị nào muốn xa mạ. Rứa mà chị cũng đành đoạn ra đi. Chị đi để quên Tuấn, quên mối tình đầu đời gắn bó. Nơi đây, một gốc cây, một bụi cỏ, một con đường và...cả dòng sông mênh mông trước mặt, tất cả đầy ắp hình bóng chàng. Cậu con trai cùng học chung trường tiểu học, cùng tắm chung một dòng sông, cùng uống chung dòng nước mát, cùng chạy nhảy chơi đùa, bẻ hoa bắt bướm, cùng phá phách nghịch ngợm bên nhau. Lớn lên , hai đứa thề nguyền gắn bó. Lễ dạm ngõ cũng đã cử hành. Lễ hỏi cũng đã diễn ra. Chị Lạng đã run run xúc động khi nhận chiếc nhẫn đính hôn tự tay chàng đeo vào ngón áp út của mình. Nghĩ mình là người sung sướng nhất, hạnh phúc nhất. Vậy mà! Một buổi sáng mùa Xuân, giặc đã về bắt Tuấn ra đi biệt tăm, biệt tích. Ngày họ rút lui, chị đã gào khóc thê thảm chạy đi tìm xác chàng trong những mồ chôn tập thể. Chị Lạng đã không thể tìm ra một dấu tích nào chứng minh Tuấn có mặt trong số nạn nhân xấu số ấy. Chị nuôi hy vọng anh còn bị giam giữ ở một nơi nào đó. Chị Lạng đã đến chùa, đến miễu … cầu nguyện cho Tuấn được bình yên. Nghe nơi đâu có thầy bói giỏi, chị cũng không bỏ qua chỉ để hy vọng tìm biết tin chàng. Người cho biết chàng đã chết. Kẻ thì quả quyết Tuấn chỉ bị bắt giam và sẽ được trở về một ngày gần đây. Chị Lạng đợi chờ trong hy vọng. Năm bảy mươi lăm, ngày miền nam Việt Nam hoàn toàn rơi vào tay cộng sản. Chị Lạng lại khấp khởi hy vọng Tuấn sẽ trở về sau những tháng năm bị bên kia giam giữ. Nhưng thật hoài công, như “ bóng chim tăm cá ’’ Tuấn của chị đã vĩnh viễn không trở về. Quá thất vọng đau buồn, chị Lạng quyết định bỏ Huế ra đi. Chị xin thuyên chuyển về tận một vùng cuối Việt.
Những dòng suy nghĩ cuốn hút chị trở về với dĩ vãng đau buồn mà chị Lạng đã chôn chặt tự đáy lòng. Chị Lạng uể oải trở về nhà, ra sau chiếc bể cạn. Chị múc nước xối lại toàn thân. Nước mát lạnh làm chị thấy dễ chịu hơn. Lặng lẽ vào nhà thay quần áo. Chi ̣Lạng để nguyên cả tóc còn chưa khô lắm, thả mình xuống chiếc giường quen thuộc. Chị sung sướng hít mùi thơm của drap, mền mới giặt. Bà Cửu biết con sắp về đã thuê người đến giặt giũ, lau chùi căn phòng của chị. Chị Lạng chợt thấy thương mạ vô cùng. Mạ lúc nào cũng thương yêu, chiều chuộng nàng. Vậy mà chị đành đoạn bỏ mạ ra đi. Sau ngày chị Lạng đi, bà ở với đứa cháu gái gọi bằng cô. Tháng trước đây, cô
cháu gái đi lấy chồng, dọn ra Đà Nẵng. Bà Cửu lại ở một mình. Bà không hề đề nghị chị Lạng về đây sống với bà nhưng chị Lạng biết niềm mong ước lớn nhất của mạ lúc này là mong chị trở về. Chiều hôm qua, về đến nhà, sau lúc hàn huyên với mạ, chị Lạng chạy qua thăm Thủy ngay. Thủy chửi nàng : “ Cái con bất hiếu ni. Bao chừ mi về ở đây luôn. Liệu mà về cho sớm. Mạ đã già rồi mi nợ !” Ờ, mạ đã già đi! Lần này trở về, chị Lạng thấy mạ đã ốm hơn, tóc bạc nhiều. Mạ đã gần bảy mươi tuổi rồi còn gì. Chị Lạng tự nghĩ : “ Mình phải về thôi ” Chị cũng đã thấm mệt với sự ruỗi rong, tránh né của mình. Chị sẽ về lại đây với mạ, với Huế thân thương.
Trằn trọc không ngủ được, chị Lạng mở cửa bước ra sân. Nằm trên chiếc võng đưa cột giữa hai gốc cây sung, chị Lạng ngước mắt nhìn trời đêm. Trăng đã lên cao, ánh trăng sáng tỏ chiếu xuống khu vườn. Gió lay động những tàn cây, kẽ lá lao xao. Cây, lá, hoa lung linh mờ ảo trong đêm trăng tuyệt diệu. Ve kêu râm ran. Chúng đang tấu những tấu khúc nhịp nhàng, êm ả. Mùi hương hoa bưởi, hoa chanh trộn lẫn mùi hoa lài, hoa dạ lý ngào ngạt trong đêm. Ồ, chị Lạng còn ngửi được cả hương thơm thật đặc biệt thoang thoảng trong gió. Phải rồi, đó là hương ngọc lan. Bụi ngọc lan mà Tuấn đã đem đến tặng chị. Chị chê mùi hoa nồng quá nên bắt Tuấn trồng tận cuối vườn. sát bờ hàng rào nhà hàng xóm. Vậy mà Tuấn không giận, vẫn chiều theo ý chị. Gần hai mươi năm rồi, cây ngọc lan đã già cỗi nhưng vẫn cho hoa hàng năm. Lần theo mùi hương, chị Lạng đến tận cuối vườn. Trong ánh trăng sáng, chị Lạng thấy rõ cả những nụ hoa chi chít trên cành. Với tay ngắt một đoá ngọc lan, chị cài lên tóc. Mùi hương nồng, hơi gắt ở ngày xưa, bây giờ bỗng nhiên như dịu đi, ngọt ngào quyến rũ hơn. Chị thì thầm “ Tuấn ơi! Em đã thấy yêu mùi ngọc lan rồi đó Tuấn biết không? Em sẽ về lại đây Tuấn ạ. Sẽ thay anh chăm sóc cội ngọc lan. Sẽ mãi mãi sống nơi này. Dù không có anh bên cạnh nhưng anh mãi hiện hữu trong em. Anh là vầng trăng cao cao, bàng bạc trên kia. Anh là con sông mênh mông trước mặt nhà. Anh là hoa, lá, cỏ cây, bao quanh ngôi nhà mạ. Tuấn ơi, sáng mai này, em sẽ thưa với mạ. Sẽ nói với người: “ Mạ ơi! Con sẽ về ở luôn với mạ, với Huế dấu yêu. Con sẽ sống hết quãng đời còn lại bên mạ, bên mảnh vườn tràn đầy hương sắc của mình.’’
Chị Lạng ngước mắt nhìn lên cao, trăng vẫn vằng vặc sáng, soi rõ bóng cây đa với chú cuội. Chi Lạng chợt mỉm cười nhớ lại bài ca ở những mùa trăng tuổi nhỏ Tuấn và bọn nàng thường hát “ Thằng cuội yêu chị Hằng Nga, nói dối ông bà đi bán cà rem. Ố tang tình tang, ố tang tình tình …” Ôi ! Thiên đường tuổi nhỏ! Chị Lạng chợt nhận ra ở nơi này. Huế của chị. Kim Long yêu dấu của chị. Chị đã tìm lại tất cả những gì chị ngỡ đã đánh mất. …………..
Forget me not Dalat