Thursday, May 20, 2010

Chùa và Đình làng

Chùa và Đình làng

Về lại làng xưa

VIỆT NAM DU KÝ


VỀ̀ LẠI LÀNG XƯA




Ngày ... tháng… năm
Sáng nay, hai chị em mình về thăm làng cũ. Trước tiên tụi mình đi viếng chùa Linh Giác. Chiếc taxi chở hai chị em chạy thẳng lên dốc đá, vòng theo đường vào chùa rồi ngưng trước cổng. Chùa hôm nay mở cổng, khác với hôm trước mình đến rồi lại về không. Ngôi chùa làng của mình bao năm qua đã có nhiều thay đổi, mái ngói rêu phong, tường vôi bạc màu mưa nắng, cô Bảo trụ trì chùa nhận ra hai chị em mình ngay dù đã trải qua gần hai mươi năm. Cô cũng không già đi mấy. Cô dẫn tụi mình vào thắp nhang lạy Phật, sau đó mời tụi mình ở lại dùng cơm chay. Ngày hôm nay có một đoàn hành hương tới thăm viếng chùa nên một số Phật tử đã đến chuà làm công quả. Thật vui mì̀nh gặp lại Đào, người bạn học hồi tiểu học và một số bạn bè quen cùng xóm ngày xưa. Bên mâm cơm chay đạm bạc, chúng mình tíu tít nhắc lại chuyện xưa. Đào dẫn mình về nhà, ra mắt ông chồng mà thuở xưa là bạn học của mình ở trường Trung Bắc. Giá như không có sự giới thiệu của cô nàng chắc mình không thể nhận ra là cậu học sinh thật đẹp trai của thời đó trở thành một cụ da mồi, tóc muối, khô cằn vì mưa nắng như vậy. Tiện đường Đào dẫn mình đi thăm vợ chồng Xuân Tứ, vợ chồng Lê, thăm Nga... ở ấp Hà Đông. Hàn huyên khá lâu, sau đó tụi mình từ biệt các bạn để về thăm nhà cũ.
Theo con đường nhỏ hai bên quỳ vàng nở rộ . “ Con đường xưa em đi” đây rồi. Ngày xưa bố mình đã trồng những đám quỳ để ngăn chia khu vườn của nhà mình với con đường đá nhỏ dẫn từ vườn mình lên đến chùa. Sau bảy lăm đất vườn đã xung vào tập thể. Bao nhiêu năm qua đất cát chia chác lung tung, nhà cửa mọc rải rác trên đất vườn cũ nhưng đám quỳ làm hàng rào vẫn không mất đi mà còn mọc nhiều hơn. Nói làm sao cho hết nỗi vui khi mình trở lại, quê xưa vẫn đón mình bằng màu vàng chói chang của loài hoa mình thương mến nhất. Không biết từ bao giờ mình đã yêu loại hoa vàng có cái tên thật mộc mạc này. Hoa quỳ không cao sang như hồng, không dịu dàng thoang thoảng hương như lan, như cúc. Quỳ đơn giản mộc mạc, vươn cao đứng thẳng, luôn luôn hướng về phía mặt trời. Có lẽ tại quỳ gần gũi với mình ngay từ khi mình còn bé, lúc chưa biết yêu hoa, chưa biết thưởng thức cái đẹp tạo hóa thưởng cho những loài hoa bao quanh mình. Quỳ như người bạn của mình hồi nhỏ dại. Quỳ gần gũi, thân thiết với mình biết bao nhiêu! Quỳ mọc ở ven đường, quỳ ẩn mình giữa lòng thung, lân lan trên đồi, trên núi, quỳ xuất hiện mỗi nơi khi mì̀nh đi qua. Nhựa quỳ dây lên tay, lên áo khi mình chạm đến. Nhớ làm sao những lần theo bạn bè lần xuống những thung lũng, lên những triền đồi hái hoa quỳ về xâu thành chuỗi đeo vào cổ, vào cổ tay làm vòng trang sức. Mỗi lần trường tổ chức cắm trại là y như rằng hoa quỳ được hái về trang hoàng các lều trại. Quỳ rực rỡ hẳn lên, xinh đẹp hẳn lên và nhất là quý giá hẳn lên nếu trại của lớp mình được thắng giải trang hoàng. Không những thế quỳ còn giúp thật nhiều cho những nhà vườn trong xóm mình. Này nhé : thân quỳ được làm “choãi”cắm cho dưa, cho đậu leo lên, nâng đỡ hoa, trái. Lá quỳ đem về ủ phân xanh và dân làng quê mì̀nh không thể chối cải , lá quỳ nấu lên đem tắm là món thuốc nam trị ghẻ vô cùng hiệu nghiệm. Cảm ơn đất trời cho ta ngày trở lại vẫn được thấy quỳ vàng, vàng rực trên vuông đất cũ, trong ta vẫn dâng lên niềm cảm xúc dạt dào khi cho tay sờ nhẹ lên nền lá nhám, khẽ bẻ một nhánh hoa hít hít mùi hương quen thuộc ngày nào...Đó không phải là hương thơm ngào ngạt mà nồng nồng, hăng hắc, mùi vị đặc biệt của dã qùy Đà Lạt, loài hoa điểm trang cho thành phố sương mờ mỗi lúc đông về. Men theo con đường đá nhỏ có quỳ vàng dẫn lối đưa mình trở về nhà xưa. Từ phía sau đồi nhìn xuống chỉ thấy thấp thoáng mái tôn cũ , khoảng tường bên hông cũ kỹ rêu phong, hàng trúc bao quanh khu vườn sau nhà đã được thay bằng lưới B40. Cỏ dại, dây leo chằng chịt. Giàn bìm bìm xanh tím ngày nào do anh hai trồng cũng ra sức vươn cao đan dày dãy hàng rào bên hông nhà. Ngôi nhà to với cái sân rộng mênh mông bị che kín dày đặc. Không còn nhận ra ngôi nhà xưa, ngôi nhà thân yêu đã che chở cho cả gia đình mình qua nhiều năm tháng. Ngôi nhà đã cho mình biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Nhớ từng vuông sân, nhớ từng bụi trà, nhớ từng bụi dâu tằm, từng cây mận, cây đào. Thật là lạ! Mình đang đứng đây mà lòng lại mang nỗi nhớ. Nhớ đến xót xa! Bao nhiêu kỷ niệm cũ trở về vây kín hồn. Mình ngẩn ngơ như Từ Thức ngày trở lại – tất cả đã đổi thay. Vẫn biết vật chất biến đổi, cuộc sống vô thường nhưng trong mình vẫn dâng lên nỗi xót xa quặn thắt... Ngậm ngùi từ giã nhà xưa, viếng thăm một vài hàng xóm cũ. Hai chị em mình lẳng lặng, lang thang thăm lại ngôi đình làng, thăm lại trường xưa, thăm con suối cũ... tìm ngắt một cọng me chua nhâm nhi, bẻ một cọng cỏ mía cắn, mút, nhấm nháp... để tìm lại sự ngọt ngào, chua cay mà thuở ấu thơ vì nó chúng mình đã mê mẩn biết dường nào!
Rồi phút chia tay cũng phải đến, lần theo con đường làng cũ, leo lên con dốc cao ở đầu làng mình, hai chị em lững thững rời xa xóm nhỏ, một nơi chốn mà mình thương yêu nhất. Chân bước đi, đầu không hề quay lại. Có một hạt bụi nào đó chợt vương vào mắt mình sao nghe cay cay!!
( còn tiếp )

Forget Me Not Đalat

Trường Xưa

Tuesday, May 18, 2010

NHỮNG NGÀY Ở ĐÀ LẠT

VIỆT NAM DU KÝ
(Tiếp theo)

Tản Mạn: Những ngày ở Đà lạt
Mình đã về đây rồi Đa Lạt dấu yêu ơi! Buổi sáng thức dậy, cái cảm giác lười biếng thèm nằm nướng, cuộn mình trong chăn ấm chợt dưng như sống lại. Mình thèm ôm chăn nằm nghe thành phố trở mình, lắng nghe đủ âm điệu của một ngày mới nhưng “chú mèo con ngái ngủ” ngày xưa cũng phải choàng dậy vì tiếng điện thoại của bạn bè “ nhá” liên hồi. Buồn cười về đây mình lại học thêm một từ mới: “ nhá”. Nhá là cái kiểu bấm điện thoại, người nhận chưa kịp bốc phôn là người gọi cúp máy ngay. Nhận ra số phôn của người gọi. Ta chỉ việc gọi lại. Đương nhiên chịu khó trả tiền điện phí nhá! Có hôm chưa kịp gọi điện thoại trả lời là phe ta đã đến ngồi chờ ở phòng khách với lịch trình kín hết trong một ngày không để cho mình có thì giờ riêng lẻ. Hầu như những người bạn của mình ở đây đều biết chạy xe gắn máy. Ốm yếu, nhỏ con như Nghĩa, như Quỳ Hương, mình có cảm tưởng như các bạn dựng xe còn không nỗi mà chạy xe cũng ngon lành ra phết. Sau khi yên vị sau lưng của một tài xế suzuki lý tưởng, mình bắt đầu trả lời cuộc phỏng vấn của quý bạn bè muốn biết rằng tại sao ta tuyệt vô âm tín trên “đường đời muôn vạn nẻo” của cái xứ sở cờ hoa, rồi bỗng dưng ta xuất hiện gom hết những người bạn, kể cả những cô cậu thời tiểu học trường làng, kéo nhau vào nhà một nhà hàng, một quán ăn hoặc nhà một người bạn, bày ra đãi đằng ăn uống, xúm xít nói chuyện xưa, nhắc nhở lại thời cặp sách, những lần bị phạt, những lúc bày trò phá phách, nghịch ngợm, rồi cười vang chảy cả nước mắt...Tiếu lâm nhất là anh chàng D. của thời mũi thò lò, cái thuở xưng hô mày tao chi tớ với hắn. Gặp mình xưng anh em ngọt xớt, còn tỉnh bơ nói với mình “ Có biết ngày xưa anh yêu em lắm không?” Mình cũng cười rạng rỡ chọc lại “ Tui cũng rứa! Ông là thần tượng trong lòng tui thuở ấy.” Vui làm sao! tuổi thần tiên như sống lại. Ăn uống xong bạn bè kéo nhau đi hát “ Ca Ra O.K ”. Phong trào ca hát này đang thịnh hành ở Việt Nam. Ngày xưa mình hát cũng không tệ lắm nhưng khi về đây chỉ biết chắp tay thán phục các bạn. Hình như ai cũng thành cao thủ võ lâm, kể cả những người bạn ngày xưa lên thi môn hát trong hai kỳ thi “lục cá nguyệt” là dưới lớp tụi mình che miệng, ôm bụng cười khúc khích. Chàng Cường mỗi lần thi hát chỉ biết hát bài “ cái dzà là dzà của ta, công khó ông cha lập ra” do anh lớp trưởng Đa, người Huế dạy, giờ hát hò cũng ngọt ngào ra phết với những bản tình ca. Chưa hết đâu nha, mỗi ca sĩ lên hát xong là có người ái mộ lên tặng hoa, “ ôm hôn thắm thiết” ( nói theo kiểu nói của họ bây giờ) Hát hò mỏi cả cổ xong, tụi mình đi thăm những người bạn xưa không kịp báo tin hoặc không đến được trong những lần họp mặt. Vậy là ta đã thỏa mãn với nhóm bạn thời để chỏm.
Ngày kế tiếp có hẹn với nhóm bạn Bùi Thị Xuân và Sư Phạm. Nhóm bạn gần mười người về thăm trường xưa. Hai bên đường nhà cửa san sát, hàng quán mọc lên nhiều quá nên mình cũng khá đau lòng nhìn cổng trường xưa như nhỏ đi. Trường thay đổi khá nhiều, hai dãy lớp xưa nay đã xây thêm một dãy. Từ cổng trước bước vào vừa dựng một bức tượng bà Bùi Thị Xuân oai vệ trong bộ võ phục. Bà đang cưỡi voi một chú voi một ngà thật đẹp. Không biết ai là người vẽ mẫu mà thoáng nhìn vào ta có cảm tưởng như không cân xứng lắm giữa người và tượng. Muốn có hình ảnh, vài tấm ảnh chụp về trường. Mình lấy máy ảnh ra. Chưa kịp “chớp” thì từ nhà “ bà cai ” thuở xưa, một thanh niên có lẽ là người “bảo vệ” chạy ra lớn tiếng:
- Này, này cái cô cầm cái máy ảnh kia, không được chụp ảnh đâu nhé! Có muốn tôi tịch thu máy ảnh không đấy!
- Chúng tôi là học sinh cũ về thăm trường. Anh làm ơn cho chúng tôi chụp vài tấm ảnh thôi mà!
- Đã bảo là không được!
Mình cho máy ảnh vào bao. Mấy nhỏ bạn càm ràm : “ cứ như là ... trại lính không bằng” Mình an ủi : “ Đi theo ta vào văn phòng rồi muốn chụp bao nhiêu tấm ảnh cũng được mà. Ngoài việc về thăm trường ta còn có công tác đặc biệt đấy.”
Văn phòng được đặt trên lầu bên tay phải của trường. “ Công tác đặc biệt ” của mình là gặp thầy Trung lấy Đặc San Bùi Thị Xuân vừa phát hành mang về Sài Gòn giùm thầy Dũng. Tụi mình vào văn phòng ngồi đợi, tại đây gặp khá nhiều thầy cô giáo, đa số mình không biết. Thầy cô giáo xưa của mình không còn ai nữa. Một lúc thầy Trung ra, không ngờ thầy là thầy giáo cũ của My. My còn gặp cô giáo Hoà, cũng cô giáo cũ, đồng thời còn gặp Sang, cô bạn thân của My hồi trung học, đang làm cô giáo dạy Văn trong trường. Thầy Trung giới thiệu tụi mình với thầy Sử, hiệu trường mới của Trường. Thầy Sử hướng dẫn thăm một vòng trường, chụp hình loanh quanh. Sau đó thầy Sử cùng các giáo sư quen và chúng mình ra sân trước chụp hình. Bức tượng nữ tướng Bùi Thị Xuân là nơi làm “ phông” cho tụi mình chụp nhiều nhất. Lúc này chú bảo vệ trường biến đâu mất. Mấy nhỏ bạn nói đùa:“ Chàng làm dữ quá! Nếu biết chúng mình là khách “ danh dự ” thế này, chắc không dám đuổi mình đâu hỉ?”. Rời trường ra về mới tiếc là đã không ra sân sau thăm lại hàng khuynh diệp. Hàng khuynh diệp đã mang cho bọn mình biết bao kỷ niệm! Chúng đã che nắng, đã đón gió cho bọn mình trong những hôm ôn bài thi, những lần ở lại trưa xúm xít ăn chung với nhau dưới bóng râm của chúng. Ăn xong cả bọn ngã mình trên thảm lá thông, lim dim ngủ trong tiếng reo vi vu của thông, trong lao xao của lá. Tiếc quá! Tại sao mình lại quên thăm lại một chốn nhiều kỷ niệm đáng yêu vậy chớ! Có một chút an ủi là cũng “chớp” được vài tấm ảnh có hàng khuynh diệp xa xa vươn cao qua mái ngói đỏ của ngôi trường.
Từ giã mái trường xưa mang theo nhiều lưu luyến, tụi mình ghé thăm cô Thắng, cô Tổng giám thị. Cô thật vui khi gặp học trò xưa. Ở đây mình được gặp lại Hoài Hương, cô bé ngày trước dạy chung một trường với mình. Thật tội Hương mới bị strock, đi lại thật khó khăn. Tuy bịnh hoạn nhưng Hương vẫn giữ được những nét vui tươi, nụ cười dòn dã. Tụi mình nhắc lại những kỷ niệm, những lần hội họp ở nhà Hương nấu mì Quảng, bún bò , bánh canh... Món tủ của Hương phải nói là mì Quảng. Nồi nước lèo với màu hạt điều mới nhìn đã bắt mắt, mê nhất là rau sống. Sà lách Đà Lạt được cô bé thái thật mỏng như sợi chỉ, hồi đó tụi mình thường thắc mắc là tại sao một cô gái học trường Tây, nhà giàu mà giỏi nội trợ như vậy chứ. Giờ thì cuộc sống Hương thay đổi khá nhiều sau cơn bạo bịnh. Cầu mong em mau chóng trở lại cuộc sống bình thường!.

Thăm cô giáo và Hương xong tụi mình theo con đường vòng “ đồi cù ” trở về khách sạn. Đồi cù thật gần trong tầm mắt nhưng thật xa cách nghìn trùng!. Còn đâu những ngày tháng thong dong chạy nhảy giữa ngàn cỏ xanh? Còn đâu những buổi chiều lang thang trên đồi cù nghe ngàn thông hoà tấu? Vì ai mà đồi thông nên thơ, là niềm tự hào của người dân Đà Lạt kia không còn là khoảng không bao la, không còn là vùng cỏ xanh mượt mà, mơn mởn ...? Vì ai mà đồi cù dễ thương kia cũng không còn là chỗ ta tìm đến... nằm dài trên tấm thảm lá thông , nhìn nắng đùa vui nhảy múa trong ngàn muôn kẽ lá, nghe thông rì rào trong gió ... là mọi buồn phiền, ưu tư trong ta tan biến hết? Đồi cù còn đó nhưng đã bị người ta cướp đi mất rồi. Thật sự người ta đã cướp đi một cảnh sắc vô cùng xinh đẹp của người dân Đà Lạt! Đồi cù ơi ! Chào mi!.. Đà Lạt của ta ơi! Ta buồn em vô cùng vì đã làm mất đi một đồi cù vô cùng yêu dấu của ta.

Forget me not Dalat

( Còn tiếp .)



.