Sunday, August 5, 2012


Trường Xưa


Forget me not Dalat
              Cứ mỗi lần nghe Giao Linh cất lên lời ca buồn “Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ, nhiều nét đổi thay, bạn cũ đâu rồi…” Lòng tôi lại dâng lên một niềm cảm xúc dạt dào. Tôi nhớ trường xưa da diết!! Ngôi trường làng bé nhỏ, Cô, Thầy, bạn bè thân thương của thời niên thiếu lại hiện ra đậm nét trong tôi. Ngôi trường thuở ấu thơ của tôi mang tên Trung Bắc, cùng tên với làng của chúng tôi, nơi quy tụ dân của các tỉnh miền Bắc và miền Trung vào đây lập nghiệp.
              Trường tôi tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ, nằm giữa ấp Hà Đông và Nghệ Tĩnh. Cổng trường khá đẹp có bậc tam cấp đi lên.Hai bên cổng trồng hai dãy anh đào quanh năm xanh tốt. Mặc dù trường có cổng chính nhưng rất hiếm khi chúng tôi đến trường bằng cổng này. Học sinh phía Hà Đông thường đến bằng con đường mòn bên tay phải, dân Nghệ Tĩnh chúng tôi đi theo lối mòn bên trái. Có lúc tôi đã quên bẵng là trường mình cũng có một cổng trường xinh đẹp, không thua kém những trường ngoài tỉnh. Trường thật nhỏ, cả trường chỉ có năm lớp học. Có hai dãy lớp. Một dãy bằng ván, lợp tôn chia làm ba lớp: lớp m, lớp và lớp Ba. Dãy kia được xây sau này chia làm ba phòng, một cho lớp Nhì, một cho lớp Nhất... ở giữa hai lớp học là văn phòng. Kể làm sao hết những kỷ niệm buồn vui của tôi với ngôi trường cũ. Nơi tôi tròn miệng ê a những bài học vỡ lòng, nơi để lại cho tôi những kỷ niệm dễ nào quên!! Thầy Viên dạy lớp m, đi đứng chậm chạp, nói năng ôn hòa. Khi đám học trò nhỏ nhao nhao, dành nhau trả lời mỗi khi Thầy đặt câu hỏi. Thầy lấy cây thước kẽ đập mạnh trên bàn ba tiếng là chúng tôi ngồi yên lặng vòng tay nhìn lên bảng. Lên lớp học với Thầy Đinh Thái Anh, Thầy hơi thấp nhưng thật nhanh nhẹn. Học trò sợ roi của Thầy một phép. Bạn nào không thuộc bài. Lần đầu tiên úp mặt vào tường. Lần thứ hai quỳ gối. Lần thứ ba yên chí nằm dài trên bục gỗ, roi mây Thầy để sẵn trong “ Học cụ khố ”được Thầy lấy ra. Thầy giơ cao… đánh mạnh!! Lên lớp Ba tôi được học với Cô Hiền. Cô thật hiền lành, dễ thương. Vừa dạy được ba tháng, cô phải đổi đi nơi khác. Tiễn cô đi, chúng tôi, ai nấy đều đều rấm rức khóc, Cô cũng cảm động khóc theo. Những giọt nước mắt của chúng tôi cũng không giữ chân cô lại được. Thầy Hiệu trưởng đưa Thầy Anh lên dạy lớp Ba. Lớp hai có Thầy Bửu Hầu đến nhận nhiệm sở, thay thế Thầy Anh. Năm lớp Nhì tôi được học với Thầy Nguyễn Quang Đình, Thầy người Bắc, giảng bài thật hay. Nhờ Thầy trường chúng tôi thêm nhiều khởi sắc. Thầy lập ban văn nghệ, dạy chúng tôi ca hát. Chúng tôi được dịp lên hát ở Đài Phát Thanh trong chương trình “Tiếng Hát Học Đường ”. Mỗi lúc đi thu thanh là dịp cho chúng tôi khoe với bạn bè: "Chúng tôi được đi cầu thang hình xoáy trôn ốc nè!. Các bạn biết không Đài Phát Thanh cao ơi là cao! Chúng tôi được thấy chiếc đàn thật to và cao , dám cao gấp mấy lần tụi mình lận đó!” Các bạn tôi tròn mắt thán phục, ai cũng tiếc là không được ở trong Ban Văn Nghệ trường. Thầy Đình mang đến ngọn gió mới cho trường, thì ngọn gió tình yêu cũng thổi đến Thầy. Trong những lần đi tập văn nghệ ở nhà Liên, Thầy đã gặp chị Loan, chị của Liên, để rồi …Thầy vui vẻ ca bài “ Ô hay trận gió tình yêu lại … ” và cuối cùng …Thầy được làm chú rễ của Hà Đông. Hôm đám cưới Thầy, cả đám học trò nhỏ chạy đến nhà cô Loan nhìn cô dâu, chú rễ xúng xính trong bộ áo dài khăn đóng làm lễ gia tiên. Riêng bọn lớp Nhì chúng tôi đứa nào cũng hãnh diện khi thấy Thầy mình được làm chú rễ. Ôi cái tuổi học trò nhỏ sao mà hồn nhiên đến vậy!.
           Lên lớp Nhất tôi học với Cô Lê Thị Phảo, vào thuở ấy hiếm có cô giáo nào đến trường với trang phục Tây phương. Thế nhưng cô tôi ngoài những chiếc áo dài eo thon, thướt tha, thỉnh thoảng cô cũng mặc jupe thật “ mode ” Người dân chúng tôi quanh năm làm vườn, chân lấm tay bùn hiếm khi ăn mặc tươm tất, huống gì ăn mặc kiểu cọ theo lối Tây, nên thường hay gọi lén cô là “cô giáo tân thời”. Cô dạy hay, kiến thức cô rất rộng. Chúng tôi học hỏi cô rất nhiều, tuy nhiên cô rất nghiêm và cũng rất...dữ đòn. Những học sinh hư hỏng, lười biếng cô phạt thẳng tay. Vào thời đó, chúng tôi bị một kỷ luật thật khắt khe: “Kỷ luật trên đầu roi”. Chúng tôi không thuộc bài cũng bị đánh, đánh lộn cũng bị đánh, trốn học cũng bị đánh... Cũng may suốt thời gian Tiểu Học tôi chưa bị đánh bao gìờ, tôi luôn là học sinh giỏi, tháng nào cũng được ghi tên lên bảng Danh Dự của lớp
            Trái với thầy cô trong trường hay phạt học sinh bằng roi vọt. Thầy Hiệu Trưởng của chúng tôi hiền vô cùng. Thầy hiền lành đức độ giống như tên của Thầy: Bùi Đức Diệu .Thầy chưa bao gìờ đánh một học sinh nào. Các học sinh phạm lỗi nặng được đưa lên văn phòng. Thầy chỉ dịu dàng phân tích những sai trái của các em rồi cho về. Vào những sáng thứ hai chào cờ, Thầy luôn dặn dò chúng tôi, lời lẽ ân cần như lời của một người cha nhắn nhủ con cái: “Các con phải cố gắng học, mỗi người góp một bàn tay  giữ cho trường mình sạch sẽ, xinh đẹp...” Có bao gìờ bạn nhìn thấy một người Thầy, một vị Hiệu Trưởng đã dùng một chiếc cây dài, có gắn đinh nhọn đi vòng quanh sân trường nhặt những mảnh giấy rơi vãi bỏ vào thùng rác chưa?  Hành động của Thầy là một bài đạo đức mà chúng tôi tiếp thu nhanh nhất. Chúng tôi đã ngưng ngay việc xã rác bừa bãi...  Bài học ngày xưa đã thấm trong tôi cho đến bây gìờ. Tôi sẽ thấy thật có lỗi khi bỏ qua một mảnh rác nơi công cộng mà mình không tìm cách bỏ vào thùng chứa. Thầy Hiệu Trưởng của tôi hiền lành quá, giản dị quá, gần gũi với chúng tôi quá nên tôi yêu kính thầy Hiệu Trưởng vô cùng!.
             Thuở đó, chúng tôi đi học một ngày hai buổi. Buổi sáng từ tám giờ rưỡi đến mười một gìờ. Buổi chiều từ hai gì đến bốn gìờ rưỡi. Các bạn ở xa, ở Xóm Đa Thiện hoặc khu Số Bốn qua học. Họ thường mang theo cơm canh, củ khoai, củ sắn... hoặc cơm vắt để ở lại trường. Nhà tôi cách trường chỉ vài ba phút nhưng thỉnh thoảng cũng năn nỉ mẹ cho ở lại. Được phép, tôi mừng như được đi cắm trại vậy. Chúng tôi mang khăn trải bàn, bày thức ăn ra bãi cỏ sau trường, rồi cùng ăn chung. Ăn uống xong bày ra chơi: u mọi, rải danh, chuyền thẻ, ô quan... hoặc tìm đến hàng anh đào ngoài cổng, tìm cây nào râm mát nhất... ngồi dưới bóng cây tỉ tê tâm sự. Có hôm chúng tôi lén lén chạy tới văn phòng xem Thầy HiệuTrưởng ăn trưa. Chúng tôi ngạc nhiên vô cùng Thầy cũng ăn cơm vắt muối mè như chúng tôi. Thấy chúng tôi lấp ló ở cửa. Thầy không rầy còn hỏi chúng tôi: “Các con có muốn uống nước thì vào đây, Thầy có cả bình trà, cứ vào mà uống.”
            Trải qua nhiều năm rời xa trường cũ. Kỷ niệm vẫn đầy ắp trong tôi. Tháng trước Tham dự Hội Bùi Thị Xuân -Trầnng Đo ở Canada, ngồi bên cạnh một anh Trần Hưng Đạo. Anh hỏi tôi:
-     Đà Lạt, em ở đâu vậy?
-     Dạ, em ở ấp Nghệ Tĩnh
Anh ngạc nhiên vui mừng:
-     Còn anh, dân Hà Đông đây này!
-     Thế anh cho em biết anh con ai? khu nào?
              Chúng tôi ríu rít nhắc lại chuyện xưa. Ai dè, ông anh Trần Hưng Đạo ấy cũng là học sinh trường Trung Bắc và còn là bạn của anh Hai tôi. “Xa quê hương ngộ cố tri,” chúng tôi nói chuyện thật vui vẻ  và... ngôi trường làng bé nhỏ của chúng tôi là đề tài nói hoài không hết của hai người.
             “Trường em, bên đồi thông xanh dấu yêu, nơi yêu dấu muôn đời. Em thiết tha bao người trường em...Đây Trung Bắc trường em, chung sống những ngày êm đềm, cho lòng em nhớ không nguôi...” Bài hiệu đoàn ca của trường thưở nào vẫn làm tôi nhớ mãi, nhớ mãi không nguôi. Nhớ trường xưa. Nhớ Thầy cô, nhớ bạn bè... người còn, kẻ mất . Tôi vẫn mơ một ngày được trở về, được trở về thăm ngôi trường cũ để ngậm ngùi ca: “Hôm nay, trở lại nhiều khuôn mặt mới. Trường cũ còn đây, bạn cũ đâu rồi. Ôi trường xưa yêu dấu! Có biết rằng ta rất nhớ người không?!
Forget me not Dalat