Sunday, December 5, 2010

Monday, September 6, 2010

Sunday, September 5, 2010

VNDK - Những ngày Đalạt

VIỆT NAM DU KÝ
Những ngày ở Đà Lạt

Ngày... tháng... năm
Có lẽ hôm nay là một ngày duy nhất tụi mình sống trọn vẹn, đúng nghĩa khách du lịch. Sáng thức dậy sớm, tính đi ăn sáng, sau đó tiếp tục đi thăm bà con, bạn bè thì Thuận đến. Thuận giới thiệu Tính, em của Thuận sẽ là người tài xế chở bọn mình đi thăm cảnh ở Đà Lạt. Thuận liến thoắng lên tiếng: “ Em phải bắt cóc chị suốt ngày nay mới được. Từ hôm chị về đến nay, không dành cho em một ngày nào cả. Hôm nay chị cho em được quyền quyết định đưa các chị đi thăm Đà Lạt .” Hết có cơ từ chối hai chị em đành phải để Thuận sắp xếp.
Đầu tiên mấy chị em ghé quán bún bò ở Hai Bà Trưng, nghe nói bún bò Huế chính hiệu dòng dõi Tôn Thất. Bún bò ăn cũng tạm được chứ không xuất sắc chỉ có dĩa rau sống là hấp dẫn. Vốn đã thử lửa khi ăn mì Quảng nên tụi mình không còn sợ ăn rau sống nữa ...Những dĩa rau tươi với xà lách Đà Lạt thái mỏng trộn lẫn với rau thơm, rau muống, ngò, giá...trong những quán ăn bình dân ở Đà Lạt mới hấp dẫn làm sao! Những màu sắc hài hoà của rau tạo nên một bức tranh sinh động, bắt mắt....chỉ nhìn thôi là đã muốn ăn ngay.
Rời quán bún bò “68 ” Hai Bà Trưng, chú tài cho xe đi lần về hướng Cam Ly. Ngày nay họ đã mở một con đường ở Cam Ly Thượng đến hồ Tuyền Lâm. Đây là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Đà Lạt mà đa số du khách muốn đến thăm. Hồ cách Đà Lạt khoảng bốn cây số. Tuy hồ đã có từ lúc mình còn ở Đà Lạt nhưng mình chưa có dịp viếng thăm, lúc xưa bố mình cùng một số bà con đã mua một khoảng đất ở suối Tía, chưa kịp khai thác thì biến cố bảy lăm xảy ra, không ai nghĩ đến việc khai thác nữa, về sau này chính quyền mới đã ngăn dòng suối Tía và thượng nguồn con sông Đạ Tam để tạo nên hồ.
Chùa được xây trên một ngọn đồi bao quanh là những rừng thông xanh ngắt. Ngôi chùa được kiến trúc gần như những chùa ở Nhật Bản. Mái ngói, vòm cong ở hai đầu, trên mái chùa trang trí bằng một hình khắc dạng như bánh xe luân hồi. Mái chùa xây rộng ra, được chống đỡ bởi bốn cái cột kiên cố. Trước cổng chùa trồng hai hàng tùng cao xanh. Sau khi vào thắp nhang lễ Phật, chúng mình lần theo những bậc thang đi dần xuống hồ ngắm cảnh. Từ trên cao nhìn xuống, thấp thoáng sau những hàng thông xanh mặt hồ lấp lánh ánh bạc. Khác với những nơi mình đi qua, trời ở đây thật xanh, mây thật trắng...Đi giữa thiên nhiên nên thơ trong tiếng vi vu của gíó ngàn, trong hương vị thơm nồng của hương phấn, lắng nghe được sự trở mình của cây, cỏ, của hoa dại bao quanh, mình thấy hồn lâng lâng thoát tục. Theo những bậc thang xuống dần đến hồ...cả một vùng mây nước rộng mênh mông... bao quanh hồ vẫn là rừng thông xanh ngắt, trên trời mây trắng lững lờ trôi. Ven hồ một vài căn nhà lá đơn sơ với liễu buông mành, một dãy ca nô nằm đợi khách ven hồ, một lão câu đang lặng yên chờ một chú cá khờ khạo nào đó đến viếng. Khung cảnh ở đây thơ mộng làm sao! Mấy chiếc máy ảnh của bọn mình mang theo nháy liên hồi vì cảnh thiên nhiên bao quanh thật tuyệt vời, thật quyến rũ!
Dọc theo bờ hồ có một số gian hàng bán vật lưu niệm. Ở đây bán thật nhiều những đồ thủ công mỹ nghệ đa số đều do những thợ ở Đà lạt làm ra như tranh thêu, tranh chạm bút lửa, những bình cắm hoa, bình đựng tăm, những bãng gỗ khắc tên, chạm hoa... Ngoài những tranh ảnh đẹp, những tranh chạm bút lửa chạm thật tỉ mỉ tinh vi ra họ còn bán những đặc sản của Đà Lạt như bánh mứt , khoai lang dẽo, mật dâu, rượu dâu và thật nhiều những hũ rượu cần mà trước đây mình chưa hề thấy bán ở chợ hoặc ở những nơi bán đồ lưu niệm. Nhìn những ché rượu cần lại gợi mình nhớ những tháng ngày yên vui xưa cũ. Vừa ra trường mình được đổi đến dạy ở một thị xã cách xa Đà Lạt khoảng bốn mươi cây số. Dân chúng phần đông là người Thái, người Tày, người Nùng....còn những làng hơi xa thị trấn là những buôn làng người Thượng. Tuy là dân thiểu số nhưng đời sống của họ khá cao, con cái được đến trường học tiếng Việt. Ruộng vườn họ cũng đã biết dùng máy cày thay trâu. Từ buôn làng ra thị trấn học các em người Thượng đã đi Honda đến trường. Mỗi lúc đi đông họ dùng máy cày để chở. Có một hôm thầy cô giáo chúng mình nhận được thiệp mời tham dự ngày “ mừng lúa mới ” của một buôn làng cách xa trường khoảng mười cây số. Vốn thích tìm hiểu phong tục tập quán của người dân bản xứ nên tụi mình bằng lòng đi ngay. Chủ nhật đó, một chiếc xe máy cày được độ lại với một thùng xe có thể chứa mười người do một thanh niên người thiểu số đến đón chúng mình. Chàng trai có một thân hình thật vạm vỡ, khuôn mặt rắn rỏi, nước da nâu , đặc biệt hắn có cặp mắt đẹp vô cùng, đôi mắt to màu nâu hạt dẽ, lông nheo dài, cong vút cọng thêm đôi mày rậm... nhìn hắn mình chợt liên tưởng đến một bức tượng đồng đẹp, một vẻ đẹp thật hoang dã.
Ngồi trên máy cày, cười nói trong tiếng ầm ầm của động cơ máy cày, thích thú nhìn cảnh sắc xinh đẹp bao quanh, chúng mình quên đi trước đó đã ái ngại mắc cở không muốn dùng phương tiện di chuyển này chút nào. Sau khi vượt qua đoạn đường Quốc lộ hai mươi, xe chúng mình rẽ vào những con đường làng quanh co tiến vào buôn. Những thửa ruộng lúa đã gặt trơ gốc rạ, đó đây những chú gà đang thong thả nhặt thóc, vài chú trâu nằm khoanh mình tránh nắng dưới những rặng tre đằng ngà cong vút. Qua khỏi rặng tre buôn làng đã hiện ra trước mắt với những nhà sàn với gỗ mới, mái lợp tôn khác hẳn những nhà sàn lợp tre ở những buôn Thượng mình được thăm ở Suối Vàng thuở nhỏ. Chiếc xe ngừng lại trước một căn nhà lớn. Đây là nhà của trưởng buôn. Bàn tiệc đã được bày sẵn, chỉ chờ chúng mình đến nhập tiệc. Bữa ăn hôm nay đa số là thịt nướng :thịt trâu, thịt heo rừng, thịt bò...ăn với xôi, với cơm lúa mới. Dù là thịt tươi nhưng không được ướp gia vị trước khi nướng nên cũng không ngon mấy, tụi mình chỉ ăn lấy lệ. Những vò rượu cần được chủ nhân mang ra mời cũng được tụi mình nếm thử, vị lạt hơi cay, không hấp dẫn tụi mình tí nào cả, chỉ mấy thầy giáo tưởng rượu cần lạt thếch uống không say, ai ngờ chỉ tu vài hớp người nào cũng ngất ngây nghiêng ngã...cười nói huyên thiên. Hôm nay tình cờ thấy lại những ché rượu cần tự dưng mình thấy nhớ những bạn xưa chi lạ. Không biết lúc này họ ở nơi đâu? Những cô thầy giáo đến từ nhiều nơi từ miền Trung xa xôi có Thầy Giản, cô Hương, cô Quế. Ở Biên Hòa, Sài Gòn có Trung, có Thép. Ở Cần Thơ có Giang, có Hùng....Ngay cả những bạn ở Đà Lạt như Thanh Bình, Thuý Ái...mình cũng chưa hề gặp lại. Ngắm vật nhớ người. Những ché rượu cần gợi biết bao nhiêu kỷ niệm xưa, những tháng ngày bình yên trên quê hương xưa cũ...
Tiếng chuông chùa chợt gióng lên vang trong cái tĩnh mịch cô liêu của núi rừng, ở đây tiếng chuông giờ ngọ cũng làm hồn mình êm ả, lắng sâu... tự dưng mình chợt hiểu ra là tại sao lại có người bỏ tất cả giàu sang phú quý để tìm đến những nơi thâm sâu ẩn tu, tìm sự bình an cho tâm hồn. Giã từ Trúc Lâm Thiền Viện lòng bồi hồi nhớ tiếc như mình đã rời xa một nơi thế ngoại đào viên.

Còn tiếp
Forget me not Đà Lạt




















.

Thursday, May 20, 2010

Chùa và Đình làng

Chùa và Đình làng

Về lại làng xưa

VIỆT NAM DU KÝ


VỀ̀ LẠI LÀNG XƯA




Ngày ... tháng… năm
Sáng nay, hai chị em mình về thăm làng cũ. Trước tiên tụi mình đi viếng chùa Linh Giác. Chiếc taxi chở hai chị em chạy thẳng lên dốc đá, vòng theo đường vào chùa rồi ngưng trước cổng. Chùa hôm nay mở cổng, khác với hôm trước mình đến rồi lại về không. Ngôi chùa làng của mình bao năm qua đã có nhiều thay đổi, mái ngói rêu phong, tường vôi bạc màu mưa nắng, cô Bảo trụ trì chùa nhận ra hai chị em mình ngay dù đã trải qua gần hai mươi năm. Cô cũng không già đi mấy. Cô dẫn tụi mình vào thắp nhang lạy Phật, sau đó mời tụi mình ở lại dùng cơm chay. Ngày hôm nay có một đoàn hành hương tới thăm viếng chùa nên một số Phật tử đã đến chuà làm công quả. Thật vui mì̀nh gặp lại Đào, người bạn học hồi tiểu học và một số bạn bè quen cùng xóm ngày xưa. Bên mâm cơm chay đạm bạc, chúng mình tíu tít nhắc lại chuyện xưa. Đào dẫn mình về nhà, ra mắt ông chồng mà thuở xưa là bạn học của mình ở trường Trung Bắc. Giá như không có sự giới thiệu của cô nàng chắc mình không thể nhận ra là cậu học sinh thật đẹp trai của thời đó trở thành một cụ da mồi, tóc muối, khô cằn vì mưa nắng như vậy. Tiện đường Đào dẫn mình đi thăm vợ chồng Xuân Tứ, vợ chồng Lê, thăm Nga... ở ấp Hà Đông. Hàn huyên khá lâu, sau đó tụi mình từ biệt các bạn để về thăm nhà cũ.
Theo con đường nhỏ hai bên quỳ vàng nở rộ . “ Con đường xưa em đi” đây rồi. Ngày xưa bố mình đã trồng những đám quỳ để ngăn chia khu vườn của nhà mình với con đường đá nhỏ dẫn từ vườn mình lên đến chùa. Sau bảy lăm đất vườn đã xung vào tập thể. Bao nhiêu năm qua đất cát chia chác lung tung, nhà cửa mọc rải rác trên đất vườn cũ nhưng đám quỳ làm hàng rào vẫn không mất đi mà còn mọc nhiều hơn. Nói làm sao cho hết nỗi vui khi mình trở lại, quê xưa vẫn đón mình bằng màu vàng chói chang của loài hoa mình thương mến nhất. Không biết từ bao giờ mình đã yêu loại hoa vàng có cái tên thật mộc mạc này. Hoa quỳ không cao sang như hồng, không dịu dàng thoang thoảng hương như lan, như cúc. Quỳ đơn giản mộc mạc, vươn cao đứng thẳng, luôn luôn hướng về phía mặt trời. Có lẽ tại quỳ gần gũi với mình ngay từ khi mình còn bé, lúc chưa biết yêu hoa, chưa biết thưởng thức cái đẹp tạo hóa thưởng cho những loài hoa bao quanh mình. Quỳ như người bạn của mình hồi nhỏ dại. Quỳ gần gũi, thân thiết với mình biết bao nhiêu! Quỳ mọc ở ven đường, quỳ ẩn mình giữa lòng thung, lân lan trên đồi, trên núi, quỳ xuất hiện mỗi nơi khi mì̀nh đi qua. Nhựa quỳ dây lên tay, lên áo khi mình chạm đến. Nhớ làm sao những lần theo bạn bè lần xuống những thung lũng, lên những triền đồi hái hoa quỳ về xâu thành chuỗi đeo vào cổ, vào cổ tay làm vòng trang sức. Mỗi lần trường tổ chức cắm trại là y như rằng hoa quỳ được hái về trang hoàng các lều trại. Quỳ rực rỡ hẳn lên, xinh đẹp hẳn lên và nhất là quý giá hẳn lên nếu trại của lớp mình được thắng giải trang hoàng. Không những thế quỳ còn giúp thật nhiều cho những nhà vườn trong xóm mình. Này nhé : thân quỳ được làm “choãi”cắm cho dưa, cho đậu leo lên, nâng đỡ hoa, trái. Lá quỳ đem về ủ phân xanh và dân làng quê mì̀nh không thể chối cải , lá quỳ nấu lên đem tắm là món thuốc nam trị ghẻ vô cùng hiệu nghiệm. Cảm ơn đất trời cho ta ngày trở lại vẫn được thấy quỳ vàng, vàng rực trên vuông đất cũ, trong ta vẫn dâng lên niềm cảm xúc dạt dào khi cho tay sờ nhẹ lên nền lá nhám, khẽ bẻ một nhánh hoa hít hít mùi hương quen thuộc ngày nào...Đó không phải là hương thơm ngào ngạt mà nồng nồng, hăng hắc, mùi vị đặc biệt của dã qùy Đà Lạt, loài hoa điểm trang cho thành phố sương mờ mỗi lúc đông về. Men theo con đường đá nhỏ có quỳ vàng dẫn lối đưa mình trở về nhà xưa. Từ phía sau đồi nhìn xuống chỉ thấy thấp thoáng mái tôn cũ , khoảng tường bên hông cũ kỹ rêu phong, hàng trúc bao quanh khu vườn sau nhà đã được thay bằng lưới B40. Cỏ dại, dây leo chằng chịt. Giàn bìm bìm xanh tím ngày nào do anh hai trồng cũng ra sức vươn cao đan dày dãy hàng rào bên hông nhà. Ngôi nhà to với cái sân rộng mênh mông bị che kín dày đặc. Không còn nhận ra ngôi nhà xưa, ngôi nhà thân yêu đã che chở cho cả gia đình mình qua nhiều năm tháng. Ngôi nhà đã cho mình biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Nhớ từng vuông sân, nhớ từng bụi trà, nhớ từng bụi dâu tằm, từng cây mận, cây đào. Thật là lạ! Mình đang đứng đây mà lòng lại mang nỗi nhớ. Nhớ đến xót xa! Bao nhiêu kỷ niệm cũ trở về vây kín hồn. Mình ngẩn ngơ như Từ Thức ngày trở lại – tất cả đã đổi thay. Vẫn biết vật chất biến đổi, cuộc sống vô thường nhưng trong mình vẫn dâng lên nỗi xót xa quặn thắt... Ngậm ngùi từ giã nhà xưa, viếng thăm một vài hàng xóm cũ. Hai chị em mình lẳng lặng, lang thang thăm lại ngôi đình làng, thăm lại trường xưa, thăm con suối cũ... tìm ngắt một cọng me chua nhâm nhi, bẻ một cọng cỏ mía cắn, mút, nhấm nháp... để tìm lại sự ngọt ngào, chua cay mà thuở ấu thơ vì nó chúng mình đã mê mẩn biết dường nào!
Rồi phút chia tay cũng phải đến, lần theo con đường làng cũ, leo lên con dốc cao ở đầu làng mình, hai chị em lững thững rời xa xóm nhỏ, một nơi chốn mà mình thương yêu nhất. Chân bước đi, đầu không hề quay lại. Có một hạt bụi nào đó chợt vương vào mắt mình sao nghe cay cay!!
( còn tiếp )

Forget Me Not Đalat

Trường Xưa

Tuesday, May 18, 2010

NHỮNG NGÀY Ở ĐÀ LẠT

VIỆT NAM DU KÝ
(Tiếp theo)

Tản Mạn: Những ngày ở Đà lạt
Mình đã về đây rồi Đa Lạt dấu yêu ơi! Buổi sáng thức dậy, cái cảm giác lười biếng thèm nằm nướng, cuộn mình trong chăn ấm chợt dưng như sống lại. Mình thèm ôm chăn nằm nghe thành phố trở mình, lắng nghe đủ âm điệu của một ngày mới nhưng “chú mèo con ngái ngủ” ngày xưa cũng phải choàng dậy vì tiếng điện thoại của bạn bè “ nhá” liên hồi. Buồn cười về đây mình lại học thêm một từ mới: “ nhá”. Nhá là cái kiểu bấm điện thoại, người nhận chưa kịp bốc phôn là người gọi cúp máy ngay. Nhận ra số phôn của người gọi. Ta chỉ việc gọi lại. Đương nhiên chịu khó trả tiền điện phí nhá! Có hôm chưa kịp gọi điện thoại trả lời là phe ta đã đến ngồi chờ ở phòng khách với lịch trình kín hết trong một ngày không để cho mình có thì giờ riêng lẻ. Hầu như những người bạn của mình ở đây đều biết chạy xe gắn máy. Ốm yếu, nhỏ con như Nghĩa, như Quỳ Hương, mình có cảm tưởng như các bạn dựng xe còn không nỗi mà chạy xe cũng ngon lành ra phết. Sau khi yên vị sau lưng của một tài xế suzuki lý tưởng, mình bắt đầu trả lời cuộc phỏng vấn của quý bạn bè muốn biết rằng tại sao ta tuyệt vô âm tín trên “đường đời muôn vạn nẻo” của cái xứ sở cờ hoa, rồi bỗng dưng ta xuất hiện gom hết những người bạn, kể cả những cô cậu thời tiểu học trường làng, kéo nhau vào nhà một nhà hàng, một quán ăn hoặc nhà một người bạn, bày ra đãi đằng ăn uống, xúm xít nói chuyện xưa, nhắc nhở lại thời cặp sách, những lần bị phạt, những lúc bày trò phá phách, nghịch ngợm, rồi cười vang chảy cả nước mắt...Tiếu lâm nhất là anh chàng D. của thời mũi thò lò, cái thuở xưng hô mày tao chi tớ với hắn. Gặp mình xưng anh em ngọt xớt, còn tỉnh bơ nói với mình “ Có biết ngày xưa anh yêu em lắm không?” Mình cũng cười rạng rỡ chọc lại “ Tui cũng rứa! Ông là thần tượng trong lòng tui thuở ấy.” Vui làm sao! tuổi thần tiên như sống lại. Ăn uống xong bạn bè kéo nhau đi hát “ Ca Ra O.K ”. Phong trào ca hát này đang thịnh hành ở Việt Nam. Ngày xưa mình hát cũng không tệ lắm nhưng khi về đây chỉ biết chắp tay thán phục các bạn. Hình như ai cũng thành cao thủ võ lâm, kể cả những người bạn ngày xưa lên thi môn hát trong hai kỳ thi “lục cá nguyệt” là dưới lớp tụi mình che miệng, ôm bụng cười khúc khích. Chàng Cường mỗi lần thi hát chỉ biết hát bài “ cái dzà là dzà của ta, công khó ông cha lập ra” do anh lớp trưởng Đa, người Huế dạy, giờ hát hò cũng ngọt ngào ra phết với những bản tình ca. Chưa hết đâu nha, mỗi ca sĩ lên hát xong là có người ái mộ lên tặng hoa, “ ôm hôn thắm thiết” ( nói theo kiểu nói của họ bây giờ) Hát hò mỏi cả cổ xong, tụi mình đi thăm những người bạn xưa không kịp báo tin hoặc không đến được trong những lần họp mặt. Vậy là ta đã thỏa mãn với nhóm bạn thời để chỏm.
Ngày kế tiếp có hẹn với nhóm bạn Bùi Thị Xuân và Sư Phạm. Nhóm bạn gần mười người về thăm trường xưa. Hai bên đường nhà cửa san sát, hàng quán mọc lên nhiều quá nên mình cũng khá đau lòng nhìn cổng trường xưa như nhỏ đi. Trường thay đổi khá nhiều, hai dãy lớp xưa nay đã xây thêm một dãy. Từ cổng trước bước vào vừa dựng một bức tượng bà Bùi Thị Xuân oai vệ trong bộ võ phục. Bà đang cưỡi voi một chú voi một ngà thật đẹp. Không biết ai là người vẽ mẫu mà thoáng nhìn vào ta có cảm tưởng như không cân xứng lắm giữa người và tượng. Muốn có hình ảnh, vài tấm ảnh chụp về trường. Mình lấy máy ảnh ra. Chưa kịp “chớp” thì từ nhà “ bà cai ” thuở xưa, một thanh niên có lẽ là người “bảo vệ” chạy ra lớn tiếng:
- Này, này cái cô cầm cái máy ảnh kia, không được chụp ảnh đâu nhé! Có muốn tôi tịch thu máy ảnh không đấy!
- Chúng tôi là học sinh cũ về thăm trường. Anh làm ơn cho chúng tôi chụp vài tấm ảnh thôi mà!
- Đã bảo là không được!
Mình cho máy ảnh vào bao. Mấy nhỏ bạn càm ràm : “ cứ như là ... trại lính không bằng” Mình an ủi : “ Đi theo ta vào văn phòng rồi muốn chụp bao nhiêu tấm ảnh cũng được mà. Ngoài việc về thăm trường ta còn có công tác đặc biệt đấy.”
Văn phòng được đặt trên lầu bên tay phải của trường. “ Công tác đặc biệt ” của mình là gặp thầy Trung lấy Đặc San Bùi Thị Xuân vừa phát hành mang về Sài Gòn giùm thầy Dũng. Tụi mình vào văn phòng ngồi đợi, tại đây gặp khá nhiều thầy cô giáo, đa số mình không biết. Thầy cô giáo xưa của mình không còn ai nữa. Một lúc thầy Trung ra, không ngờ thầy là thầy giáo cũ của My. My còn gặp cô giáo Hoà, cũng cô giáo cũ, đồng thời còn gặp Sang, cô bạn thân của My hồi trung học, đang làm cô giáo dạy Văn trong trường. Thầy Trung giới thiệu tụi mình với thầy Sử, hiệu trường mới của Trường. Thầy Sử hướng dẫn thăm một vòng trường, chụp hình loanh quanh. Sau đó thầy Sử cùng các giáo sư quen và chúng mình ra sân trước chụp hình. Bức tượng nữ tướng Bùi Thị Xuân là nơi làm “ phông” cho tụi mình chụp nhiều nhất. Lúc này chú bảo vệ trường biến đâu mất. Mấy nhỏ bạn nói đùa:“ Chàng làm dữ quá! Nếu biết chúng mình là khách “ danh dự ” thế này, chắc không dám đuổi mình đâu hỉ?”. Rời trường ra về mới tiếc là đã không ra sân sau thăm lại hàng khuynh diệp. Hàng khuynh diệp đã mang cho bọn mình biết bao kỷ niệm! Chúng đã che nắng, đã đón gió cho bọn mình trong những hôm ôn bài thi, những lần ở lại trưa xúm xít ăn chung với nhau dưới bóng râm của chúng. Ăn xong cả bọn ngã mình trên thảm lá thông, lim dim ngủ trong tiếng reo vi vu của thông, trong lao xao của lá. Tiếc quá! Tại sao mình lại quên thăm lại một chốn nhiều kỷ niệm đáng yêu vậy chớ! Có một chút an ủi là cũng “chớp” được vài tấm ảnh có hàng khuynh diệp xa xa vươn cao qua mái ngói đỏ của ngôi trường.
Từ giã mái trường xưa mang theo nhiều lưu luyến, tụi mình ghé thăm cô Thắng, cô Tổng giám thị. Cô thật vui khi gặp học trò xưa. Ở đây mình được gặp lại Hoài Hương, cô bé ngày trước dạy chung một trường với mình. Thật tội Hương mới bị strock, đi lại thật khó khăn. Tuy bịnh hoạn nhưng Hương vẫn giữ được những nét vui tươi, nụ cười dòn dã. Tụi mình nhắc lại những kỷ niệm, những lần hội họp ở nhà Hương nấu mì Quảng, bún bò , bánh canh... Món tủ của Hương phải nói là mì Quảng. Nồi nước lèo với màu hạt điều mới nhìn đã bắt mắt, mê nhất là rau sống. Sà lách Đà Lạt được cô bé thái thật mỏng như sợi chỉ, hồi đó tụi mình thường thắc mắc là tại sao một cô gái học trường Tây, nhà giàu mà giỏi nội trợ như vậy chứ. Giờ thì cuộc sống Hương thay đổi khá nhiều sau cơn bạo bịnh. Cầu mong em mau chóng trở lại cuộc sống bình thường!.

Thăm cô giáo và Hương xong tụi mình theo con đường vòng “ đồi cù ” trở về khách sạn. Đồi cù thật gần trong tầm mắt nhưng thật xa cách nghìn trùng!. Còn đâu những ngày tháng thong dong chạy nhảy giữa ngàn cỏ xanh? Còn đâu những buổi chiều lang thang trên đồi cù nghe ngàn thông hoà tấu? Vì ai mà đồi thông nên thơ, là niềm tự hào của người dân Đà Lạt kia không còn là khoảng không bao la, không còn là vùng cỏ xanh mượt mà, mơn mởn ...? Vì ai mà đồi cù dễ thương kia cũng không còn là chỗ ta tìm đến... nằm dài trên tấm thảm lá thông , nhìn nắng đùa vui nhảy múa trong ngàn muôn kẽ lá, nghe thông rì rào trong gió ... là mọi buồn phiền, ưu tư trong ta tan biến hết? Đồi cù còn đó nhưng đã bị người ta cướp đi mất rồi. Thật sự người ta đã cướp đi một cảnh sắc vô cùng xinh đẹp của người dân Đà Lạt! Đồi cù ơi ! Chào mi!.. Đà Lạt của ta ơi! Ta buồn em vô cùng vì đã làm mất đi một đồi cù vô cùng yêu dấu của ta.

Forget me not Dalat

( Còn tiếp .)



.

Saturday, April 10, 2010




VNDK Về Đà Lạt

(Tiếp theo)
Forget Me Not Đalat
Về Đà Lạt

Ngày...tháng ...năm...
Vẫn như những buổi sáng ở Sài Gòn, mình dậy sớm ra ban công nhìn xuống đường ngắm xe, ngắm người đi phố sớm. Con đường Bùi Thị Xuân lúc xưa là đường Võ Tánh. Sau bao nhiêu năm đường phố thêm nhà, thêm nhiều khách sạn. Bên kia đường là chủng viện Don Bosco. Mình không biết hiện nay là cơ quan nào nhưng bề ngoài vẫn y như xưa, không có gì thay đổi. Đang ngắm phố phường ban sáng thì nhận điện thoại của Dung bảo mình chuẩn bị trước, cô nàng sẽ ra đón đi ăn sáng. Một chốc, Dung đến với Phúc, có thêm vợ chồng Thảo Hải đi cùng. Theo đường Bùi Thị Xuân, xe bon bon hướng về Đa Thiện. Hai bên đường hàng quán mọc lên quá nhiều. Đi ngang qua ngôi nhà đỏ của Ông Bửu Trọng ngày xưa, mình không còn nhận ra con đường rẽ vào nhà mình. Ở đây thay đổi bắt chóng mặt. Ngưng xe ở chiếc quán nhỏ trên đường Phù Đổng, tụi mình chọn một bàn ở ngoài . Quán bé tí, phía trước kê được hai chiếc bàn thấp lè tè, bên trong cũng có khoảng hai ba bàn. Vợ của Liệu chỉ bán hai món: bún riêu và mì Quảng. Mình chọn bún riêu. Nhìn đĩa rau ngon quá, quên cả việc cấm kỵ. Rau cũng ngon, nước bún tuyệt vời. Vậy là món ăn đầu tiên ở quán ăn tại Đà Lạt đã không làm mình thất vọng.
Ăn xong, Hải đi làm, tụi mình nhờ Dung gọi taxi đi thăm mộ. Khu mả thánh ngày xưa ở trên ngọn đồi sát cạnh đường Nguyễn Hoàng đã bị giải tỏa, đa số mộ cũ đã được thân nhân bốc mộ di chuyển đến ngọn đồi giữa ấp Thánh Mẫu và Đa Thiện. Chúng mình đi loanh quanh một chặp mới tìm ra mộ bố và em mình.Tự dưng cảm thấy choáng váng mặt mày, đầu đau như búa bổ phải ngồi xuống lấy tay xoa nhẹ vào thái dương và mát sa lên da đầu. Thầm khấn với bố với em mình đã về thăm như điều từng hứa. Có cảm giác em như đang ở bên mình, hình như em chưa siêu thoát. Mộ bố và em khá sạch sẽ, có lẽ vẫn được thường xuyên thăm viếng. Những nụ hoa hồng nhỏ, những nụ hoa vàng lấm tấm trên mộ làm cho ngôi mộ thêm dễ thương. Em rất yêu hoa. Hẳn em hài lòng với ngôi nhà em đang trú ngụ? Nơi miền xa xăm ấy có hai bố con gần gũi nhau, dù sao cũng đỡ hơn anh hai. Không biết anh đang ở nơi nào? Một hải đảo xa xôi? (nghĩ để mà hy vọng anh còn sống) hoặc giờ này hồn anh đang lang thang trên khắp nẻo đường đất nước, đang bay bỗng đến những miền đất lạ xa như ước mơ của anh. Anh mê du lịch hơn tất cả mọi điều? Cũng mong anh thường xuyên đến thăm hai người thân yêu đang nằm yên nơi này cho ấm áp. Ngồi bên cạnh nơi yên nghỉ của bố và em rất lâu vì mình không biết bao giờ mới trở lại thăm lần nữa. Tẩn mẩn nhổ những cành cỏ dại trên mộ không thôi tụi hắn lại mọc lan lấn lướt đám hoa vàng của em, thấy nhớ em quá đổi. Cô bé là cô em mình gần gũi thương yêu nhất...Nhổ cỏ xong, chúng mình thắp nhang cho bố, cho em, cho những ngôi mộ chung quanh. Cũng không quên hai ghé thăm mộ ba mẹ Dung, thăm mộ bác Bảo, bác Tứ. Mộ phần của ba mẹ Dung thật đẹp. Chỉ riêng mộ bác Tứ cỏ giăng chằng chịt, cỏ vươn cao hơn cả bia mộ. Chả biết tụi nhỏ làm gì mà không thường xuyên chăm sóc mộ phần ba mẹ. Đứng bên mộ bác Tứ, niềm xúc động trào dâng, không khác gì khi mình bên mộ bố mình và em. Nhớ ngày giã từ Đà Lạt, đi gần như trốn chạy, chỉ bác trai đưa tụi mình ra bến xe. Bác khóc nức nở như đưa tiễn những đứa con ruột thịt. Xe lăn bánh, nhìn lại bác vẫn đứng đấy, dáng gầy cô đơn nhìn theo bọn mình. Mình chợt oà khóc và chợt biết đây là lần cuối cùng được trông thấy bác .Giờ này hai bác cũng đã ở một nơi thật bình yên. Cầu mong bác cũng vẫn là người bạn láng giềng thân thiết nhất của bố mình nơi cõi khác ấy...
Khu mả thánh nằm không xa nhà bác Tứ bao nhiêu nên sau khi đi thăm mộ tụi mình ghé thăm Đức con bác. Hai vợ chồng Đức xây một căn nhà khá lớn phía vườn sau nhà cũ, sát cạnh đường đi. Tâm, con út bác đang ở căn nhà cũ. Vợ Đức ở nhà giữ mấy trẻ con hàng xóm. Cuộc sống chắc cũng thong thả. Rời nhà vợ chồng Đức, tụi mình ghé thăm chùa Linh Giác nhưng không có ai ở chùa nên đành phải đi về.
Buổi chiều tụi mình hẹn đến nhà Phúc, Vị dẫn hai đứa đi ăn, mua sắm đồ đạc. Hai đứa dẫn tụi mình xuống khu Ánh Sáng ăn bánh bèo. Chiếc quán nhỏ xíu, bàn ghế thấp chủn nhưng... bánh bèo tôm chấy, bánh ít ram, bánh nậm, bột lọc trong quán đều ngon. Tụi mình gọi một dĩa thập cẩm để món nào cũng được nếm thử cả. Ăn bánh xong, mấy dì cháu lang thang ra Hồ Xuân Hương. Đang ngồi ngắm cảnh thấy một bà bán đậu hũ đi ngang qua, tụi mình vội vàng ngoắt lại. Hên quá, lại có dịp ăn món đậu hũ ưa thích. Bà bán đậu hũ ngày nay cũng không khác gì những bà bán đậu ngày xưa, vẫn đôi quang gánh, một bên là chiếc nồi đựng đậu hũ, một bên là chiếc kệ nhỏ, phần trên úp vài cái chén, phần dưới để một cái chậu nhỏ chứa nước rửa chén, trong chậu nước để vài nhánh lá cây để khi gánh đi, nước không sánh ra ngoài. Khách ăn xong bà nhúng những cái chén dơ vào trong chậu, tráng sơ sơ, rồi lấy giẻ lau khô úp vào chạn chén. Ngày xưa mình đã từng thắc mắc... Chiếc khăn lau qua bao nhiêu lần bẩn như vậy mà sao khi ăn vào mình vẫn không bị bịnh? Còn thau nước rửa chén, thỉnh thoảng mình có thấy bà hàng thay nước khi bà dừng lại ở một căn nhà nào đó. Nói chuyện vệ sinh, về ăn uống ở Việt Nam thì dù qua bao nhiêu năm vẫn không thay đổi mấy nhưng...nói theo thói quen của nhiều người “ có chết chóc gì đâu”... bởi thế mấy dì cháu đều vui vẻ dùng thêm chén thứ hai.
Chiều xuống, mặt hồ lung linh gợn sóng...trên hồ một chiếc thuyền con và người thợ câu đang nhẹ nhàng buông lưới, dáng điệu thong dong nhàn tản...người Đà Lạt lúc nào cũng mang cái dáng dấp hiền hoà, thong thả thật dễ thương ấy. Khoác tay nhau tụi mình thong thả dạo quanh hồ trong cái se lạnh của phố núi vào đông. Yêu làm sao cái không gian quen thuộc vừa tìm lại....Đà Lạt ơi ta đang ở bên em!

Cảnh Đà Lạt







Về Đà Lạt ( tiếp theo)

(Tiếp theo)
Forget Me Not Đalat
Về Đà Lạt
Chiếc xe đò Phương Trang vẫn phom phom tiến về Đà Lạt. Vượt qua trường trung học Đức Trọng xưa. Ngôi trường này ngày xưa lúc nào cũng được sơn phết như mới, giờ cũ kỹ rêu phong nhưng lại dễ thương hơn nhờ những hàng phượng bao quanh tỏa mát. Qua Liên Hiệp xe đến Liên Khương. Vùng này khá nổi tiếng vì có phi trường Liên Khương. Đây là phi trường nhỏ chỉ chuyên chở những khách nội điạ. Từ Đà Lạt muốn đi các tỉnh đều phải xuống phi trường Liên Khương. Mặc dù phải đi một chặng khá xa bằng xe của hãng hàng không với đoạn đường gần ba mươi cây số nhưng hình đa số khách đều thích vì xe được chạy qua những chặng đường tuyệt đẹp của cao nguyên Lâm Viên. Ở Liên Khương còn có một cái thác thật đẹp, thật hùng vĩ nhưng hôm nay đã thay đổi nhiều. Từ trên đường nhìn xuống không còn thấy nước tung bọt trắng xóa như xưa nữa. Nhìn dòng nước khô cạn thấy mà đau lòng. Còn đâu một cảnh sắc thật nổi tiếng của Liên Khương xưa. Qua Liên Khương rồi đến Bồng Lai cũng vậy, dòng suối trong xanh len lỏi chảy qua những khe đá, hai bên bờ cây cối xanh um trông thật thơ mộng, giờ trông tiêu điều xơ xác. Biết nói gì đây, quê hương ngày ta trở lại sao xuống dốc thế này. Có biết rằng ta đã tự hào biết bao nhiêu ở ngày xưa? Hồi ấy mỗi lần có người đến viếng thăm Đà Lạt là ta phải giới thiệu cho bằng được thác Liên Khương và dòng suối Bồng Lai dễ thương, huyễn hoặc như bồng lai tiên cảnh này. Giờ thì ... còn đâu Bồng Lai xưa, tiên cảnh cũ?
Rời Bồng Lai xe chạy qua những vườn cây xanh trái, những ruộng lúa thần nông cây lùn nhưng năng suất cao, gạo ăn thật thơm và dẻo. Vùng này có tên là Định An. Ngoài những thửa ruộng nhỏ trồng lúa, Định An còn có những vườn trồng hoa cúc, hoa vạn thọ rực rỡ, tươi sắc, những vườn hồng dòn, hồng dẻo...cung cấp cho những hàng bán lẻ, những hàng bánh mứt của Đà Lạt. Cuối xã Định An mình bắt đầu gặp những bảng quảng cáo đón chào khách viếng thăm thác Prenn, thăm Đà Lạt. Cuộc hành trình dài gần ba trăm cây số đã gần đến đích. Mình đang xích gần đến thành phố thân yêu và Đà Lạt đang dàn chào những người con xa xứ trở về bằng hai hàng thông xanh chạy dài từ Prenn đến sát thành phố. Hạnh phúc làm sao ta lại được đi giữa những hàng thông vươn cao ngạo nghễ. Thông dọc hai bên đường, thông vươn dài đến những thung lũng xa xa. Vui thật vui! Lâu quá lâu rồi mình lại nghe được tiếng rì rào của ngàn thông, nghe tiếng reo vi vu trong gió, xào xạc trong bạt ngàn thông xanh. Nắng chiều dọi xen qua những kẽ lá thông lung linh... Nắng nhảy múa như nỗi reo vui trong lòng mình lúc trở lại quê xưa. Con đường đèo khúc khuỷu quanh co sau bao nhiêu năm thấy lại vẫn không thay đổi bao nhiêu. Vẫn những mốc gỗ sơn trắng đỏ ở những khúc eo nhiều, vẫn có những đoạn đường vương thật nhiều hoa dại, dây leo tô điểm thêm những duyên dáng trên đường đến vùng cao. Con đường đèo từ Prenn lên Đà Lạt còn giữ được vẻ đẹp thiên nhiên có lẽ vì cây ở đây không bị chặt phá mấy. Qua hết đèo Prenn, đến phần đất “ bót” Nguyễn Tri Phương xưa, thành phố Đà Lạt đã thấp thoáng xa xa, con đường Nguyễn Tri Phương nhà cửa mọc lên san sát, xây cất đủ kiểu không còn dáng vẻ xinh đẹp cuả những ngôi biệt thự Pháp ngày nào. Tới ngã ba kho xăng Kim Cúc cũ, theo lộ trình, xe đi ngang qua nhà hàng Palace, qua nhà thờ con gà, xuống đường Bà Triệu rồi đổ khách xuống đoạn cuối ở Phan Đình Phùng. Ở đây có một vài xe nhỏ đưa khách về tận nhà. Riêng tụi mình vẫn ngồi trên xe, tài xế đưa tụi mình về khách sạn của Thuận ở đường Bùi Thị Xuân. Suốt chặng đường dài, tài xế lái xe thật cẩn thận, nhân viên phục vụ rất ôn hoà. Họ đã đưa bọn mình bình an đi đến nơi về đến chốn.
Xe đến Khách sạn vào khoảng sáu giờ rưỡi. Vợ chồng Thương lăng xăng đưa hành lý lên lầu. Mùa này khách không nhiều lắm nên Thương dành cho bọn mình hai phòng, một phòng đựng hành lý và một phòng cho ba đứa ở. Nghỉ ngơi một chút thì Thuận chạy đến, chuẩn bị cơm nước. Bữa đầu tiên ở đây Thuận cho tụi mình ăn cơm với cá chiên, rau muống luộc. Bữa cơm đạm bạc nhưng thật ngon. Vừa ăn vừa chuyện trò nhắc nhở chuyện xưa. Ngày xưa mình và Thuận dạy cùng trường. Hai vợ chồng cùng quê với mình. Tuy là dân ngoài kia vào nhưng tính tình thật dễ thương. Dạy được một thời gian ở Đà Lạt mình bị cho thôi việc vì làm giấy tờ đi Mỹ. Thuận vừa dạy học vừa buôn bán thêm để tăng thu nhập cho gia đình. Cô bé xuống Tùng Nghĩa mua thịt heo mang lên bỏ mối. Thỉnh thoảng cô nàng tạt qua nhà cho tụi mình cái giò heo, vài củ khoai, trái bắp … Ở cái thời bao cấp ấy, thịt thà là món ăn quý hiếm, cô bé đã san sẻ cho mình, giúp đỡ mình trong lúc ngặt nghèo, vì lúc ấy mình vừa mất việc, lại mới sanh con nhỏ. Trong hoạn nạn mới thấy chân tình, những tình cảm ấy mình không bao giờ quên được. Vợ chồng mình thương và rất quý gia đình Thuận. Hai gia đình mình vẫn giữ mối giao hảo từ trước đến nay. Giờ Thuận rất khá giả, có hai khách sạn cho thuê, có xe hơi, đất cát cũng khá nhiều nhờ tính cần cù chịu khó và mạnh dạn dám bung ra kinh doanh khi thị trường nhà đất có những năm lên cơn sốt. Con cái Thuận cũng rất ngoan. Bé Liên ra trường đại học và cũng đã có gia đình. Mai đang năm thứ ba. Cậu út đang học cấp hai. Nghĩ đến Thuận mình cũng thấy an ủi. Ít ra cũng có những người bạn mà lúc đói nghèo, hoạn nạn vẫn không thay lòng...
Buổi tối, Dung và Phúc đến thăm bọn mình. Dung không thay đổi mấy, có lẽ tại mình mới gặp Dung một vài tháng trước, khi nàng qua Mỹ du lịch. Phúc thì thay đổi khá nhiều, bệ vệ giống như một mệnh phụ phu nhân. Tụi mình cười đùa, nói chuyện thật vui vẻ. Trước khi về hai chị em dặn dò mình đi ngủ sớm để sáng mai ra chở đi ăn sáng.
Tắt đèn lên giừờng ngủ, cảm giác buồn buồn khó tả. Cùng ở trong thành phố xưa mà bây giờ như xa cách không cùng. Tự dưng nhớ quá căn nhà xưa, nhớ căn phòng ngủ cuả mình thuở ấy quá. Giường bên, hình như My cũng đang trằn trọc như mình...
(Còn tiếp)
Forget Me Not Đalat

Friday, April 9, 2010

VNDK Về Đà Lạt

(Tiếp theo)
Forget Me Not Đalat
Về Đà Lạt
Tối qua mình gọi điện thoại đến hãng xe đò Phương Trang lấy vé đi Đà Lạt. Người bán vé cho biết, cứ việc ra bến khoảng mười lăm phút thì có một chuyến. Sáng thức dậy, mấy chị em ra phố mua ít khoai lang, vài ổ bánh mì, vài cái bánh giò để ăn sáng, đồng thời mang theo ăn dọc đường. Từ hôm về Việt Nam đến giờ hình như mình không thấy thèm ăn một món gì cả. Chuyến này Thy không thể đi cùng với mình về Đà Lạt. Cô nàng phải ở lại Sài Gòn, chờ Bi và Dung từ Đà Nẵng vào, rồi về Mỹ trước, chỉ có Nhàn từ Châu Đốc lên từ tối qua để cùng mình và My đi Đà Lạt. Đón taxi đến Nguyễn Trãi. Bến xe đã khá đông người, có vài chuyến đã đi trước bọn mình. Mua vé xong, nhân viên hãng xe tập trung hành lý của tụi mình một chỗ, để sát lề đường chờ xe tới. Mình không mấy an tâm vì rất sợ nạn cướp giật nơi đây nên không dám đi đâu, chỉ đứng một chỗ canh hành lý. Chuyến xe khởi hành chín rưỡi. Chiếc xe bus mang nhãn hiệu Hundai của Đại Hàn, rộng rãi, chỗ ngồi thật thoải mái, mình có thể tự do duỗi chân thoải mái khác hẳn những chiếc xe đò năm xưa, hồi bảy lăm, mà mỗi lần về Sàigòn hành khách bị chất như cá hộp. Vừa ngồi yên, mình đã giật thót mình vì âm thanh của chiếc micro đang được một nhân viên dùng tay đập nhiều lần thử giọng. Chú nhân viên phục vụ mặc đồng phục của hãng, mặt mày trịnh trọng giới thiệu hãng xe, giới thiệu tên nhân viên phục vụ, tuyến đường đi, nơi dừng chân nghỉ ngơi... Anh chàng đọc một hơi không ngừng nghỉ với giọng Bắc của miền phát âm lẫn lộn phụ âm l, n thật buồn cười. Sau màn giới thiệu, xe từ từ lăn bánh. Từ những màn ảnh nhỏ trong xe, hành khách bắt đầu theo dõi những bài ca, những bản nhạc rập rình của những ca sĩ trong nước mà mình không biết đến. Ngồi sát cửa sổ, đưa mắt nhìn xe cộ, khách bộ hành qua lại. Thành phố mới sáng đã ồn ào, nhộn nhịp, xe nhiều đến độ chóng mặt. Qua Thủ Đức, xe từ từ ra khỏi thành phố, qua con sông Sài Gòn. Dòng sông xưa giờ thay đổi thật nhiều, trên sông cũng có những căn nhà nổi cũ kỹ, che chắn sơ sài, vẫn là những mảnh đời trên sóng nước, nghèo nàn cơ cực, không khác gì những dòng sông ̉ miền Bắc, miền Trung mình đã đi qua và cũng để lại trong mình nỗi ngậm ngùi, cảm xúc. Xe từ từ đến Biên Hoà rồi qua Hố Nai, Trảng Bom... ở đâu cũng thay đổi nhiều. Cũng may, những vườn cao su thẳng tắp, xanh tươi vẫn còn đây, vẫn cho mình ước mơ được chạy nhảy giữa những hàng cây xanh lá, vẫn cho mình cảm giác vui vui khi nhớ lại mỗi lần ngang qua đây là thử đếm xem có bao nhiêu hàng cây, sau đó chịu thua vì xe chạy nhanh quá. Đến ngã ba Dầu Dây, dọc hai bên đường thật nhiều quán bán trái cây như chuối, mít... Mình không thấy chôm chôm, có lẽ mùa này ở đây đã hết. Nhớ ngày xưa mỗi khi có dịp về Sài Gòn. Hai lượt đi về, xe đều ngừng ở nơi này. Chuyến đi thì mua chôm chôm, mít xấy, chuối khô mang về Sài gòn làm quà biếu. Lúc về cũng mua lỉnh kỉnh đủ loại trái cây như chôm chôm, sầu riêng, đu đủ,chuối...nhưng nhiều nhất là chôm chôm, có khi mình còn mua cả mít tươi mang về nhà ăn. Từ khi nhà mình chặt mấy cây mít đi mới thấy tiếc, nên nếu có dịp là mua về ăn cho đỡ thèm. Qua khỏi Long Khánh, đến Dốc Mơ, Gia Kiệm, qua một chặng xa là đến Định Quán. Những hòn đá chồng ngày xưa của mình vẫn còn đấy. Vào thuở bé mỗi lần đi qua mình đều trầm trồ, ngạc nhiên khi thấy những hòn đá với những hình thù ngộ nghĩnh, quá sức to lớn với đôi mắt của mình dạo ấy nhưng giờ đây đi nhiều nơi, biết nhiều chỗ, những hòn đá to lớn ở Định Quán như nhỏ đi trong mắt mình. Rồi xe đến vùng Phương Lâm, vùng này ngút ngàn chuối, đu đủ... Chẳng mấy chốc xe đến Ma- Ra- Gui, Đạ Oai. Nơi đây nhắc mình nhớ lại lần xe bị hư trên đèo Chuối, mình và Hiệp phải đón xe be chạy xuống đây vào nhà thờ xin ngủ nhờ. Số người đến nhà thờ đông quá. Hai chị em phải gõ cửa những cơ quan xin tạm trú. May quá lại gặp nhỏ Hương, bạn của My đang làm ở công ty thực phẩm nơi đây. Thế là vừa được ăn, vừa được ở qua đêm để sáng mai đón xe về Sài Gòn. Những chuyến xe trong thời gian sau bảy lăm hư hỏng dọc đường là chuyện thường xuyên xảy ra, nghĩ đến mình còn sợ, một lần xe lật ở gần cầu Lệ Uyên ở Tuy Hòa, tưởng không còn nhìn thấy mặt trời... một lần hư xe trên chặng đường Quảng Ngãi – Đà Nẵng phải ngồi chờ sửa xe đến khùng trong cái nóng khủng khiếp của miền Trung. Trên những nẻo đường đi qua trong những tuyến đường dài đã thấy biết bao cảnh lật xe, xe nằm ụ dọc đường vì thiết bị cũ kỹ thiếu an toàn. Ôi những chuyến xe trên những nẻo đường đất nước sau ngày miền Nam thất thủ chắc nhiều người không thể quên.

Xe của tụi mình từ từ bò lên đèo Chuối. Đèo Chuối năm xưa thật nhiều chuối, giờ chỉ thấy rải rác. Thật sự mình không đoán nổi tại sao chuối rừng đã mất đi nhiều như vậy. Người ta chặt cây hái lá đi bán? Hay là chúng tự hủy sau nhiều năm thiếu chất dinh dưỡng. Mình vẫn có những lẩm cẩm khi tự đặt ra những câu hỏi mà chính mình cũng không biết trả lời. Bắt đầu lên đèo là khí hậu đã thấy khác, trời lạnh lạnh. Nhỏ Nhàn và My lôi áo len ra mặc. Chú phục vụ báo là xe sắp dừng lại để hành khách nghỉ ngơi. Điểm dừng chân của hãng xe đò Phương Trang nằm sát trên đèo Chuối. Công ty xe khách này làm việc thật quy mô, nghe nói có mấy chục chiếc xe phục vụ trên nhiều tuyến đường. Họ xây nhà hàng ở những trạm dừng chân. Xe ngừng, tụi mình xuống xe nối đuôi vào nhà vệ sinh. Hành khách vào nhà vệ sinh phải cởi giày dép của mình ra mang dép của công ty. Nhiều người khen công ty làm việc chu đáo sạch sẽ. Riêng tụi mình thấy ngán ngẩm cho chân vào đôi dép mà không biết bao nhiêu người đã mang. Không muốn nhưng “ phép vua thua lệ làng” nên đành phải chịu. Sau khi làm vệ sinh xong, ba chị em lượn một vòng quanh những quầy bán đặc sản. Ở đây họ bán đủ thứ: trà , mứt, mật ong, khoai dẻo, chuối khô...cho đến trái cây tươi, vật lưu niệm. Tụi mình chỉ đi một vòng cho biết chứ không mua. Sau khi vận động cho đôi chân đỡ mỏi, mấy chị em vào cửa hàng ăn của công ty Phương Trang. Thiên hạ đồn không sai, nhà hàng này nấu ăn rất ngon, tụi mình đã có một bữa cơm thật ngon miệng với cơm sườn nướng, tôm nướng, canh chua cá kho tộ.

Khoảng gần hai giờ, hành khách lên xe tiếp tục cuộc hành trình. Xe bắt đầu lên đèo Bảo Lộc. Đèo khá dài và cũng khá ngoằn ngoèo nhưng nhờ đường sá tốt nên xe vượt lên đèo khá nhanh. Trên khoảng đường đèo này vẫn không thay đổi mấy, chỉ có đoạn gần qua hết đèo, ngày xưa có một am nhỏ, trước am có một tượng Phật Bà giờ được xây lớn hơn, đẹp hơn. Xe đi gần đến Bảo Lộc đã xuất hiện những vườn trà, những vườn cà phê... Trà và cà phê trải dài từ đồi xuống thung lũng, rồi chạy dài đến Di Linh. Đang là mùa thu hoạch nên trên những vườn trà bạt ngàn, lố nhố nhân công vai mang gùi, đầu đội nón lá đang hái trà. Trà, cà phê được phơi đầy sân. Nhìn mọi người tấp nập phơi, trở...mình nghĩ, dân chúng của Di Linh, Bảo Lộc có một cuộc sống khá giả hơn những vùng mình đi qua. Qua Di Linh, Phú Hiệp, Đại Ninh rồi đến địa phận Tùng Nghĩa, vùng đất lành nuôi dưỡng mình hằng bao nhiêu năm đây rồi. Dọc hai bên quốc lộ, nhà cửa san sát, mình không tìm ra một nét thân quen xưa, chợt buồn man mác! Kỷ niệm xưa sống lại trong mình mãnh liệt, lũ học trò thân thương, một vài bóng “tùng” chợt thấp thoáng. G. với dáng gầy, lênh khênh, nụ cười hiền hòa và tình yêu tha thiết của G. dành trao. D. với những tối đưa đón đến trường trong những buổi dạy bổ túc...và còn biết bao nhiêu bạn bè thương mến nơi đây. Nhớ ơi là nhớ! Mình cứ tưởng như mới ngày nào đây mình còn trẻ trung, tràn đầy niềm tin và hy vọng. Tưởng như mới ngày nào đây nhìn đời toàn bằng màu hồng... Tưởng như thời gian làm ta chai sạn, khô khan hết còn cảm xúc. Thế nhưng nước mắt lại lặng lẽ rơi...Nếu không có cuộc đổi đời? Mình sẽ ra sao đây nhỉ? Có còn nguyên vẹn thương yêu với người yêu dấu? Có phải xa cách trùng dương để có ngày trở lại ngỡ ngàng với bao vật đổi sao dời? Chiếc xe vượt qua mà mình vẫn còn ngoái lại. Hẹn Tùng Nghĩa mai mốt đây ta sẽ dành cho em trọn một ngày thăm viếng.
Còn tiếp
Forget Me Not Đalat
www.datque.com

Friday, February 19, 2010

Tản Mạn: Những ngày ở quê

Ngày..tháng...năm...

Khoảng mười một giờ trưa, tụi mình đi thăm anh Quế. Tĩnh chở Thy, Sơn chở My và Hồ chở mình. Cứ để cho phe nẫu chạy trước. Hai chị em mình tà tà theo sau vừa chạy vừa chụp hình ngắm cảnh. Anh Quế đang ở Đức Bùi. Nhà anh ở trên khu đất ngày xưa của ông bà ngoại. Mẹ và dì Thiện có cả một thời niên thiếu nơi đây. Năm mười chín mẹ lấy chồng theo bố vào Đà Lạt. Dì theo chồng dọn về Hương Sơn. Hương Sơn nổi tiếng xinh đẹp mà Bà Huyện Thanh Quan không ngớt ca tụng đây rồi! Thật hạnh phúc làm sao mình đã được đến thăm một địa danh quen thuộc của quê mình.

Từ Hương Sơn về Đức Thọ chạy xe gắn máy khoảng gần một tiếng. Anh Quế ít thay đổi dù đã hai mươi năm mình không gặp. Anh vừa xây được một ngôi nhà gạch nhỏ, phòng khách trống trơn, bàn thờ đặt trên cao khi thắp nhang phải bắc ghế mới cắm nhang được. Niềm vui có được căn nhà mình tự tay xây lên, cọng thêm niềm vui đoàn tụ khiến anh vui vẻ, nói liên miên. Đi loanh quanh nhà, đất vườn không có bao nhiêu, ruộng thì nhỏ hẹp. Trong chuồng trâu, hai chú trâu hiền lành đang giương đôi mắt to ngơ ngác nhìn mông lung. Trước cửa chuồng trâu, một đụn rơm dựa lưng sát hai gốc đu đủ lèo tèo vài quả. Nghe “giọt đắng” dâng dâng. Mấy chục năm trong xã hội chủ nghĩa, người dân quê cũng vẫn với con trâu, cái cày, ông anh mình cuộc sống vẫn eo hẹp, khó khăn...

Rất muốn ở lâu thêm nhưng thời gian không cho phép. Anh Quế cùng với tụi mình đi qua thăm bên nội. Gia đình bên nội mình ở Đức Yên, chỉ cách Đức Bùi quê ngoại môt chặng đường ngắn. Họ nội mình cũng không đông mấy. Bà con túm tụm bên nhau. Mình có bốn người cô đều đã qua đời. Sau năm bảy lăm, O Hai có vào thăm bố mình. Về lại quê được vài năm O chết. Dù là lần đầu tiên được gặp anh chị em họ, mình cũng có cảm tưởng như đã gặp và thân nhau lâu lắm. Lần về thăm quê này mình đã không thể đến nhà từ đường thắp nhang vì người giữ chìa khóa đi xa chưa về. Đến nhà anh Như, mấy chị em thắp nhang cho ông bà nội và các O. Ngôi nhà anh chị Như đang ở là đất đai của ông bà nội ngày xưa. Bố ở trong Nam, ở lại đây toàn con gái nên việc nhang khói thờ phụng do cháu trai phụ trách. Sau khi anh Lệ mất đi, anh Như lo việc hương hỏa ông bà. Những ngày giỗ chạp thì bà con quy tụ nơi đây. Còn nhà từ đường thì thờ tất cả các chi nhánh của giòng họ. Từ đường chỉ mở cửa vào những ngày Tết, những ngày giỗ của ông bà.

Tụi mình ra thăm vườn. Không như ở nhà dì, mấy cây khế ngọt ở đây trái thật nhiều, có những nhánh trái đụng đến đất. Chỉ mới nhìn thấy là tiết tâm linh. Anh chị bảo tụi mình muốn hái bao nhiêu cũng được. Tuy thích nhưng tụi mình cũng chỉ cầm vài trái mang về vì mình biết đó cũng là nguồn thu nhập của họ.

Từ giã gia đình họ nội với niềm luyến lưu của anh chị Như,chị Ngũ, các cháu An, Toàn Hương và với nước mắt vắn dài của chị Huệ vợ anh Lệ. Tội nghiệp chị Huệ chồng chết trẻ, đứa con độc nhất cũng qua đời...

Trước khi giã từ Đức Yên mình nhờ Hồ chở đi thăm con đê làng ngày xưa bố thường theo bạn thả diều, đánh đáo... Mình thầm thì với Bố: “ Bố ơi con đê ngày nào của bố cũng đã đổi thay, bờ đê đắp đất đã được xây bằng đá, cứng chắc hơn hơn nhưng có lẽ bớt phần thơ mộng. Bố sẽ ít gặp lại những cô gái quê, những chàng trai cày ruộng với chân trần quê mùa mộc mạc mà bố sẽ thấy những chàng trai gò mình trên chiếc xe gắn máy, phóng ào ào... Quê bố cũng đã trở mình để theo kịp những tiến triển ngày nay.

Về thăm ngôi nhà thờ Đức Yên, nhà thờ cổ nhất của quê bố cũng đã được sửa sang lại. Đứng lặng yên nhìn chiếc máng cỏ nơi chúa hài đồng ra đời. Con như nhìn thấy bố thuở xưa sá́́́nh vai cùng cô gái họ đạo làng Cầu Khóng đến lễ nhà thờ... mà chuyện tình khác tôn giáo ở thuở ấy ít bao giờ có kết quả, phải không bố? Có phải vì vậy mà chàng con trai độc nhất của nội đã bỏ quê ra đi? Nhiều khi con thắc mắc tự nghĩ. Chuyến xuôi Nam của bố có thể do mộng tưởng thanh niên mơ đi đến một khung trời mới...và cũng có thể do tình duyên không trọn. Có phải vậy không bố của con?”

Rời quê nội, ngoại mình còn được Hồ chở đi thăm tượng của Thái Thượng Lãng Ông, người danh y của xứ Nghệ Tĩnh xưa...Tiếc quá, mình không có thời gian đi thăm khu di tích của thi hào Nguyễn Du. .. Thôi hẹn dịp khác vậy...Trên đường về, phương tây mặt trời chiếu những tia nắng đỏ quạnh xuống dòng sông Ngàn Phố. Gió từ biên giới Lào lồng lộng thổi về thổi tung tóc rối. Hai chị em hát to trong gió chiều những bài hát ngợi ca quê hương, thâu ngắn đoạn đường về. Về đến nhà mâm cơm tối đã dọn sẵn với đông đủ anh em, con cháu....vẫn không thiếu món “ gà loọc” của dì. Tội nghiệp đàn gà của dì đã bị hao hụt đi vì bọn mình.

Ngày … tháng …năm

Mới vài ngày trên quê hương mà hai nhỏ đã thấm mệt. Thọ và Hồ rủ lên suối nước nóng nhưng không ai chịu đi. Để Thy, My ở nhà ngủ, Hồ rủ mình đi thăm thác Xài Phố. Đường đến thác tuy nhỏ nhưng cũng được tráng nhựa rất dễ đi, nghe nói thỉnh thoảng cũng có người buôn lậu đi qua ngõ biên giới này. Từ nhà dì đến đây cũng rất gần, có lẽ chỉ mười lăm cây số. Gởi xe gắn máy trong một ngôi nhà nhỏ ngoài đường lộ, tụi mình lội bộ vào thăm thác. Đi băng qua những khu vườn rau, rồi đến một khoảng đường ngắn với nhiều đá tảng là đến ngay dưới chân thác. Thác rất nhỏ, chỉ bằng một dòng thác trong dãy thác Datana ở Đà Lạt của mình. Khung cảnh ở đây khá thơ mộng. Hai chị em lội qua suối đá, nhúng chân xuống dòng nước mát lạnh, tung nước lên cao rồi cười vang cả khoảng suối vắng. Hồ thật vui vì lần đầu tiên biết sử dụng máy chụp hình Digital. Anh chàng cười hớn hở nói:

- Dễ ghê há chị? Giờ ni em có thể gíup chị bấm máy rồi.

Hồ thật hồn nhiên như con nít. Anh chàng bắt mình ngồi đủ kiểu để chụp. Khá trưa tụi mình mới ra khỏi thác. Dòng thác nhỏ, dễ thương sẽ để lại trong mình thật nhiều kỷ niệm. Ra đến đường cái, dừng chân trước “chiếc cầu biên giới” tụi mình ngần ngừ tính vượt qua cầu thám hiểm vùng đất mới nhưng khi đọc nội dung chiếc biển cắm trước cầu với thật nhiều “cấm kỵ” làm mình đâm hoảng... Thôi chả dám thử lửa. Hai chị em chỉ đứng bên này cầu hát ngêu ngao bài ca của một nhạc sĩ tiền tiến “Dừng đây soi bóng bên dòng nước biếc...bên vùng biên giới em buồn ngẩn ngơ” Mà thật ...con sông buồn, chiếc cầu cũ kỹ rêu phong...cũng buồn. Nhà mình... thì ở xa lơ lắc... mình cũng mang một nỗi buồn, có lẽ cũng buồn như nỗi buồn của người nhạc sĩ.

Buổi chiều Thy, My đã tỉnh táo hơn...Tụi mình rủ nhau đi mua sắm cho dì. Đi mãi lên chợ Hương Sơn. Linh, con trai Hường nói:

- Chợ lớn lắm dì à.

Tội nghiệp với cậu bé như vậy chắc là lớn nhất rồi. Tụi mình đi có một vòng là đã hết chỗ đi. Vài gian hàng lớn bán đủ vật dụng thì sắp xếp luộm thuộm. Tụi mình mua đủ thứ, từ ấm, tô, dĩa, chén đến rổ, rá lồng bàn, cho đến cái cối, cái chày, chăn mền... Hình như nhà dì thiếu đủ thứ. Trên đường về tụi mình còn ghé dọc đường mua thêm mấy chục cái bánh lá gai, nổi tiếng ở quê mình. Dì cảm động bảo mấy con mua sắm cho dì y như ngày dì đi lấy chồng. Nhìn dì rồi nghĩ đến mẹ mới thấy mẹ hạnh phúc thật nhiều. Những ngày khổ cực nuôi một bầy con nhỏ đã qua. Bây giờ mẹ sống thật an vui quay quần bên con cháu. Mẹ còn có thời gian đi tập thể dục, đi lễ chùa, thăm viếng bạn bè. Đời sống tinh thần, vật chất đầy đủ nên mẹ trẻ nhiều so với tuổi đời. Dì ít tuổi hơn mẹ, cũng còn khoẻ nhưng trông thì già hơn mẹ nhiều. Thương dì tụi mình ráng làm những gì mình có thể làm được. Mấy đứa quyết định xây cho dì nhà vệ sinh mới để thay thế cho cái nhà xí nhỏ bé ngoài vườn... để dì đỡ vất vả hơn vào những đêm khuya.

Ngày...tháng...năm.

Rồi cũng tới ngày phải xa dì, xa mấy em và các cháu. Lau nhanh những hạt nước mắt. Đoàn tụ rồi chia ly. Định luật của cuộc đời. Không dám quay nhìn lại nhìn dì đang khóc. Cảm ơn dì, cảm ơn các em đã cho mình những ngày bình yên, hạnh phúc trong tình thâm gia đình. Cảm ơn đất quê đã tô đậm thêm trong ta niềm yêu nhớ thiết tha... Cảm ơn bố mẹ đã cho con biết một vùng đất được mang tên quê “nội, ngoại” để con được tự hào rằng bố mẹ mình đã sinh ra và lớn lên nơi đó, để con có quyền tự hào quê mình tuy nghèo nhưng rất xinh đẹp nên thơ. Quê nội, ngoại đã để lại trong mình biết bao yêu thương, gắn bó... Chiếc xe hơi nhỏ đưa tụi mình ra phi trường. Bỏ lại làng mạc sau lưng, bỏ lại cầu Linh Cảm. Ngàn Sao, Ngàn Phố, Sông La, núi Hồng. Ôm mấy em trong vòng tay thêm một lát, thầm thì nhắn gởi “Nhớ chăm sóc dì... Hẹn ngày trở lại...”

Rồi thật nhanh tụi mình bước vào phòng cách ly. Hình như có hạt nước mắt nào đó đang đọng lại trên bờ mi...trong ta lại có thêm một nỗi nhớ!!

(còn tiếp)

Trên dòng sông La

Đường chiều trên quê hương

(Tiếp theo)

Forget me not Dalat


Ngày...tháng...năm...

Cuộc đời con người quả như chim bay!! Mới hôm qua đây mình còn ở Hà Nội. Giờ ở Sài Gòn. Trưa nay lại bay ra Vinh, về thăm quê hương Ông Bà chưa một lần gặp. Sáng nay tụi mình rủ nhau đi ăn phở. Từ hôm về Sài Gòn đến giờ mình đi ăn phở nhiều nơi nhưng chưa bao giờ vào tiệm phở 2000. Sau lúc cựu tổng thống Mỹ vào đây. Tiệm phở nổi tiếng như cồn. Để thoả mãn tính tò mò tụi mình rủ nhau vào ăn cho biết. Tiệm khang trang sạch sẽ nhưng phở thì chả có gì đặc biệt nếu không muốn nói là dở. Có lẽ vì vậy mà tiệm thật thưa khách!

Rời tiệm phở mấy đứa đi vội ra chợ Bến Thành mua thêm ít ký chà bông và vài đòn chả lụa biếu dì Thiện, em của mẹ. Sau đó vội vàng về khách sạn, chuẩn bị ra phi trường. Không nói ra nhưng mình biết cả hai cô em cũng hồi hộp như mình. Lần đầu tiên về thăm quê nhà yêu dấu. Hãng VN Air line tương đối đúng giờ. Lên máy bay lúc 11 giờ 40 thì 12 giờ máy bay cất cánh. Một giờ 55 phút máy bay đáp xuống phi trường Vinh. Đúng là mình đang sống ở thời đại mới có khác. Máy bay phản lực bay thật nhanh. Vừa bước xuống phi trường My gọi điện thoại ngay, chỉ vài phút sau, Tĩnh, chồng Hường đã có mặt. Cậu ta đã chờ sẵn ở phi trường cả tiếng trước. Lấy hành lý chất lên xe xong, Tĩnh hối bác tài đưa mấy bà chị vào một quán cháo ở Vinh và đặc biệt giới thiệu món cháo bồ câu. Bồ câu được hầm trong một hộp bằng thiếc, giống như lon guigoz xưa. Cháo được chưng cách thủy với gạo và đậu xanh. Thấy khá lạ và ăn cũng ngon nữa. Ăn uống xong vội vã lên đường. Nghe nói từ đây về Hương Sơn dài khoảng trăm cây số. Xe lăn bánh, chiếc xe phom phom tiến dần về quê nội, ngoại. Mình thầm thì với bố: “ Bố ơi con đã trở về. Con đang trên đường thăm lại ngôi làng xưa của bố, của mẹ đây... Quê hương ngọt ngào trong yêu thương , nhớ nhung của bố ngày nào. Quê hương mà bố nhắc nhở từng ngày trong những buổi cơm của gia đình. Quê hương mà cho đến những phút gần lìa đời Bố vẫn nuối tiếc nhớ mong. Bố đã không một lần được trở về. Con của bố đang về thăm nhà hộ bố đây. Con sẽ tường trình chuyến “ trẩy” quê bố ạ.”

Chọn một chỗ ngồi sát cửa, dõi mắt nhìn cảnh bên đường. Mình tưởng như mơ! Có bao giờ mình nghĩ rằng có ngày được tận mắt nhìn dòng sông La lững lờ uốn khúc, đỉnh núi Hồng mờ mờ trong sương chiều! Cảnh quê thật yên bình hạnh phúc. Những vườn bắp, những luống rau trải dài xanh ngắt. Ruộng lúa đã gặt xong. Đó đây những chú trâu, bò thong dong gặm cỏ. Gà, vịt lăng xăng nhặt thóc trên đồng hoặc vẫy vùng trên mương. Xe đi qua Ngàn Sao, Ngàn Phố, xe qua Linh Cảm...qua những địa danh quen thuộc mà mình đã nghe mẹ cha nói đến, hoặc trong những bài hát mình thường nghe:“ Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh, nhớ núi Hồng Lĩnh, nhớ dòng sông La, nhớ biển rộng quê ta..” rồi Khe Giao, đèo Ngang- Linh Cảm...những cái tên nghe gắn bó thân tình, quyện chặt lấy nhau.

Xe ngừng trước nhà Hường. Cả nhà ùa ra chào hỏi. May mà tụi mình thuộc vai lớn nên không phải cung kính vòng tay đáp lễ. Dì đang ở nhà không ra được vì đi lại khó khăn. Trong mấy người con dì có Hường là khá nhất. Hường là chị cả trong nhà. Nhà cửa tương đối khang trang, buôn bán tạp hóa cũng đấp đổi qua ngày. Kế Hường là Sơn, Hồ, Anh, Nhật, Mỹ, Nam. Nhật vừa chết năm trước trong một tai nạn xe gắn máy. Nam vì cuộc sống khó khăn phải đi lao động ở nước ngoài để lại vợ và một con còn nhỏ xíu nhìn thấy mà tội. Mỹ thì đang đi làm trong một đồn điền cà phê ở Đắc Lắc, lâu lâu mới về thăm nhà một lần.

Buổi họp mặt đầu tiên, tụi mình chụp chung một tấm hình cả gia đình rồi xuống phụ mấy em xào nấu chuẩn bị cho buổi ăn tối. Cả nhà quay quần trên chiếc chiếu rộng. Ngoài rau xào, thịt gà luộc ( gà đem từ vườn của dì ra làm thịt ) còn có món dê cũng luộc chấm nước mắm. Tụi mình thắc mắc không hiểu sao món thịt dê luộc hoàn toàn không có mùi hôi như ở Mỹ. Bên mình mỗi lần làm lẫu dê hay cà ri...phải biết cách nấu, không thôi ăn không được. Mình hỏi có bí quyết nào mà thịt dê thơm ngon vậy không. Hường lắc đầu, bảo mua ở nhà hàng xóm mang về chỉ việc rửa xong là mang luộc, không cần gia vị, chả có bí quyết gì cả. Thy nói nhỏ vào tai: “ Có bao giờ họ bán thịt cầy không?”

“ Nói bậy, không ai chơi ác vậy đâu ”. Mình trấn an vậy thôi chứ họ có treo “ đầu dê ” làm sao mình biết được.

Ăn uống xong xuôi tụi mình theo mấy em chở vào nhà dì. Dì cũng ở Hương Sơn, chỉ cách xa nhà Hường khoảng trên mười cây số . Xe vừa ngừng ở cửa dì đã lọm khọm bước ra, nước mắt nhạt nhoà ôm các cháu. Sau ngày miền Nam mất, dì có vào Đà Lạt thăm chúng mình. Vậy là trên ba mươi năm mới gặp lại dì. Dì đã trên tám mươi, thua mẹ ba tuổi nhưng trông già hơn mẹ. Tội nhất là lưng dì còng xuống thấp, mỗi lúc di chuyển phải chống tay xuống đất. Ngoài bịnh còng ra, dì rất minh mẫn tinh tường, tai còn nghe rất rõ, tiếng nói dì sang sảng. Sau nhiều năm không gặp có bao nhiêu chuyện để hỏi, để nói, để cười vui cũng như thỉnh thoảng rơi lệ khi nhắc lại chuyện vui buồn. Cả nhà xúm xít bên bếp lửa chuyện trò râm ran. Đến nửa đêm vợ chồng con cái, Sơn, Hồ, Anh... ai về nhà nấy. Mận,vợ của Nam và cu Long con của Mận, thường ngủ chung với Dì phải nhường giường cho tụi mình đi qua nhà Anh ngủ. Tối đó, bốn dì cháu ngủ chung giừờng nhưng có ngủ được đâu. Phần thì lạ nhà, phần vì sợ! Về quê mới nhớ đến bài “Vịnh cảnh nghèo” của Nguyễn Công Trứ “ Thời thái bình cửa thường bỏ ngõ ” Tụi mình càm ràm dì sao không chịu làm cửa nẻo cẩn thận. Dì một mực “ Không răng đâu, dì ở mấy chục năm ni có chi mô, toàn hàng xóm với nhau. Cả xóm không ai có cửa, mình làm một “chắc” dị lắm.” Nghe dì nói vậy nhưng tụi mình vẫn ngán, lỡ nửa đêm ăn trộm tìm đến, chắc chết mất! Trời đêm thật lạnh, mền lại mỏng, mấy chỉ em ngủ không được, còn dì chắc vui vì có cháu về thăm cũng khó chợp mắt nên dì cháu rù rì suốt đêm, kể đủ mọi chuyện rồi cười khúc kha khúc khích.

Ngày...tháng..năm...
Mới bốn năm giờ sáng gà đã gáy râm ran. Nằm nướng thêm một chút chờ ông mặt trời thức dậy. Mình len lén xuống giừờng, đi nhúm lửa đun nước nóng rửa mặt. Quê dì bây giờ hệt như Đà lạt của mình năm chục năm về trước. Nhà vẫn còn nấu bằng củi. Mận khá siêng năng, những ngày nghỉ việc đồng áng cô nàng đã lên rừng đốn khá nhiều củi để dành cho mùa đông. Lúi húi lấy tre làm mồi nhúm. Mình nhớ thưở nhỏ chi lạ. Sáng nào nhà mình cũng thay phiên dậy sớm nấu cơm sáng nhưng đỡ một cái là ở Đà Lạt nhúm lửa bằng củi ngo nên nhóm thật nhanh. Nhóm bằng tre mình phải chẻ tre thật nhỏ mới dễ mồi lửa. Lửa đỏ, mình bỏ thêm củi vào. Đổ thêm nước vào ấm chè dì nấu hôm qua. Mình đun sôi rồi chế vào bình mang lên bỏ vào cái bình giữ ấm được khoét bằng quả dừa khô . Khi thấy lại bình chứa bằng quả dừa khô, cảm thấy vui vui. Thật sự, nếu không thấy lại, cơ hồ mình quên mất đã có thời gia đình mình cũng dùng những vật dụng đơn giản mà dễ thương như vậy. Đánh răng rửa mặt xong mình lấy áo len khoác vào rồi bước ra ngoài. Trời lành lạnh, mình đi một vòng thăm cảnh vườn nhà dì. So với căn nhà bé, lợp tranh của dì. Vườn nhà dì khá rộng. Một lũy tre bao bọc quanh vườn. Vườn sau, dì trồng mấy luống khoai mì, khoai lang và một vạt chè xanh. Dì cũng trồng vài bụi chuối cau. Có một chú bò với bộ lông vàng thật mướt đang nằm khoanh mình bên gốc chuối giương đôi mắt to nhìn. “ tắc” nhanh tay mình thu vào ống kính đôi mắt to ngơ ngác của chú bò. Mình ra vườn trước. Vườn thật nhiều cam sành, bưởi, có một dây trầu lá xanh tươi tốt và một vài gốc cau cao chi chít trái. Nghe nói quanh năm suốt tháng dì không phải tốn tiền mua trầu cau mà còn có thể hái bán, phụ thêm chi tiêu cho gia đình. Phía bên hông nhà có vài cây khế, cây mận, nghe nói khế nhà dì rất ngọt nhưng thật tiếc năm nay cây cho trái sớm, tụi mình không được thưởng thức khế ngọt nhà dì. Đi lần ra cuối vườn mình còn “ chớp” được mấy đụn rơm và một chuồng trâu, vài cây chuối trồng cạnh chuồng trâu với những nảy chuối sai oằn.

- Bà Thiện ơi! Mời ả qua nhà “mền” uống “ nác” mới.

Bà Mai, người hàng xóm tối qua có đến thăm tụi mình đang đứng sát cạnh vườn giữa đám tre( có con đường mòn do đi lại nhiều lần đã vạt ra thành một lối đi lớn) gióng tiếng thật to.

Thiện là tên của chồng dì . Dượng đã qua đời lâu lắm. Dì của mình đã thức dậy đang rải lúa cho đàn gà cả mấy chục con, chúng đang dành nhau ăn trên sân vuông trước nhà dì. Nghe bà hàng xóm gọi. Dì vội vàng ngưng tay , lớn tiếng trả lời:
- Bữa ni “ mền ” qua nhà ả không được mô. Thôi bữa khác hí?

Chạy lại phụ dì cho gà ăn. Mình hỏi Dì:
- Dì ơi. Ở đây vẫn giữ tục lệ mời nhau uống nước vào buổi sáng hở dì?.
- Ừ. Từ lúc dì lớn lên đến giờ vẫn rứa. Khi thì nhà ni, lúc nhà tê thay phiên nhau nấu nác chè mới, mời nhau.

Thật vui, kỷ niệm xưa sống lại. Hèn gì bố và những người cùng quê của bố đã mang tập tục tốt đẹp ấy từ quê hương vào. Trong xóm mình, nhà nào cũng trồng chè xanh. Nhà ít thì có vài bụi. Nhà nhiều như nhà mình có một vạt trước nhà vài chục cây, phía sau vườn thêm hai dãy khoảng vài mươi cây nữa, tha hồ uống. Trong xóm thay phiên nhau nấu nước chè xanh mời bà con lối xóm. Hôm nào đến phiên nhà mình. Mẹ hoặc mình thức dậy sớm ra vườn cắt một bó chè tươi khá lớn, mang vaò rửa đi, rửa lại thật sạch. Bẻ gấp chè lại, dồn vào trong ấm thật chặt, đổ nước vào đun sôi. Chờ cho nước chè biến thành màu xanh. Nếu nấu không chín tới nước sẽ không đủ xanh, nước chè sẽ có vị tanh khó uống. Không canh kịp lúc, nước sẽ sậm màu, màu nước nhìn không đẹp, nước uống sẽ không ngon. Khi nước chín, mang ấm nước chắt vào một ấm nhỏ . Nước này gọi là nước cốt để dành cho gia chủ dùng vào ngày hôm sau. Phần nước còn lại trong ấm, cho thêm đầy ấm, bỏ lên bếp đun sôi thêm vài trào, lúc ấy mới chế ra ly đãi khách. Khi những ly chè xanh được mang ra, khách lần lượt bưng lên hớp một ngụm nhỏ nhâm nhi khen, chê. Cách nấu xem đơn giản nhưng thật ra không phải dễ. Người nấu chè cũng phải có kinh nghiệm mới có được một ấm trà ngon. Nhiều khi cũng một loại chè ấy, cũng cái ấm như vậy nhưng người nấu ra hoàn toàn khác nhau. Để có một ấm chè ngon, chúng mình phải ước chừng cân lượng chè, nước khi nấu, canh lửa củi đều (đặc biệt nếu nấu bằng nước mưa nước chè lại càng ngon hơn nữa). Bởi vậy khi được phân công nấu chè đãi khách là mình ngồi dí ở bếp chả dám đi đâu. Trong tiệc chè, chuyện thời sự được mang ra bàn luận, mọi người cùng nghe chung tin tức từ đài phát thanh. Mấy cụ thường xuyên nghe đài BBC, đài VOA... hoặc nghe tin tức chiến sự từ đài điạ phương hoặc nhiều khi cũng xúm lại giải một đề toán khó, bàn luận một bài luận văn trong trong những cuộc thi vào đệ thất. Bên ly nước, bên ấm chè xanh cả một quê hương xa xôi cũng được mọi người gợi lại với nhiều nhớ mong, hoài cảm… Giờ, những người cùng tuổi bố mình đã cùng với người ra đi về bên kia thế giới. Nhóm trẻ ngày xưa biết được tập quán dễ thương này như mình đã bỏ quê hương mà đi. Những người ở lại cũng bận bịu đa đoan với cuộc sống. Làm gì có được những giây phút quay quần bên ấm trà, ly nước mới, thắt chặt mối thâm tình. Và chính nơi quê hương này của mẹ, cuả dì, của mình... chỉ một thời gian sau, cũng có thể không ai còn nhớ nấu ấm nước chè xanh mời nhau trong buổi đầu của ngày mới. Với một hoài niệm và cũng với niềm ước mong, mình nói với dì: “ Dì ơi nhớ nói với Sơn, Hồ, Anh... và bè bạn của họ ở đây, nhớ giữ cái lệ “ nấu nác chè xanh mời nhau mỗi buổi sáng ” như ri nghe dì. Dì cười: “ Dì cũng muốn rứa nhưng không biết khi dì chết rồi tụi hắn có nhớ làm rứa không.” Mình ngậm ngùi, lời nói của dì thật đúng...không hẳn những gì mình nghĩ là hay, là tốt đẹp, mọi người cũng có cảm nghĩ giống mình và dù có thật sự tốt đẹp chưa hẳn đã bền vững với thời gian. Tự dưng mình thấy buồn mênh mang...

(Còn tiếp)
Forget me not Dalat


www.datque.com