Tuesday, May 18, 2010

NHỮNG NGÀY Ở ĐÀ LẠT

VIỆT NAM DU KÝ
(Tiếp theo)

Tản Mạn: Những ngày ở Đà lạt
Mình đã về đây rồi Đa Lạt dấu yêu ơi! Buổi sáng thức dậy, cái cảm giác lười biếng thèm nằm nướng, cuộn mình trong chăn ấm chợt dưng như sống lại. Mình thèm ôm chăn nằm nghe thành phố trở mình, lắng nghe đủ âm điệu của một ngày mới nhưng “chú mèo con ngái ngủ” ngày xưa cũng phải choàng dậy vì tiếng điện thoại của bạn bè “ nhá” liên hồi. Buồn cười về đây mình lại học thêm một từ mới: “ nhá”. Nhá là cái kiểu bấm điện thoại, người nhận chưa kịp bốc phôn là người gọi cúp máy ngay. Nhận ra số phôn của người gọi. Ta chỉ việc gọi lại. Đương nhiên chịu khó trả tiền điện phí nhá! Có hôm chưa kịp gọi điện thoại trả lời là phe ta đã đến ngồi chờ ở phòng khách với lịch trình kín hết trong một ngày không để cho mình có thì giờ riêng lẻ. Hầu như những người bạn của mình ở đây đều biết chạy xe gắn máy. Ốm yếu, nhỏ con như Nghĩa, như Quỳ Hương, mình có cảm tưởng như các bạn dựng xe còn không nỗi mà chạy xe cũng ngon lành ra phết. Sau khi yên vị sau lưng của một tài xế suzuki lý tưởng, mình bắt đầu trả lời cuộc phỏng vấn của quý bạn bè muốn biết rằng tại sao ta tuyệt vô âm tín trên “đường đời muôn vạn nẻo” của cái xứ sở cờ hoa, rồi bỗng dưng ta xuất hiện gom hết những người bạn, kể cả những cô cậu thời tiểu học trường làng, kéo nhau vào nhà một nhà hàng, một quán ăn hoặc nhà một người bạn, bày ra đãi đằng ăn uống, xúm xít nói chuyện xưa, nhắc nhở lại thời cặp sách, những lần bị phạt, những lúc bày trò phá phách, nghịch ngợm, rồi cười vang chảy cả nước mắt...Tiếu lâm nhất là anh chàng D. của thời mũi thò lò, cái thuở xưng hô mày tao chi tớ với hắn. Gặp mình xưng anh em ngọt xớt, còn tỉnh bơ nói với mình “ Có biết ngày xưa anh yêu em lắm không?” Mình cũng cười rạng rỡ chọc lại “ Tui cũng rứa! Ông là thần tượng trong lòng tui thuở ấy.” Vui làm sao! tuổi thần tiên như sống lại. Ăn uống xong bạn bè kéo nhau đi hát “ Ca Ra O.K ”. Phong trào ca hát này đang thịnh hành ở Việt Nam. Ngày xưa mình hát cũng không tệ lắm nhưng khi về đây chỉ biết chắp tay thán phục các bạn. Hình như ai cũng thành cao thủ võ lâm, kể cả những người bạn ngày xưa lên thi môn hát trong hai kỳ thi “lục cá nguyệt” là dưới lớp tụi mình che miệng, ôm bụng cười khúc khích. Chàng Cường mỗi lần thi hát chỉ biết hát bài “ cái dzà là dzà của ta, công khó ông cha lập ra” do anh lớp trưởng Đa, người Huế dạy, giờ hát hò cũng ngọt ngào ra phết với những bản tình ca. Chưa hết đâu nha, mỗi ca sĩ lên hát xong là có người ái mộ lên tặng hoa, “ ôm hôn thắm thiết” ( nói theo kiểu nói của họ bây giờ) Hát hò mỏi cả cổ xong, tụi mình đi thăm những người bạn xưa không kịp báo tin hoặc không đến được trong những lần họp mặt. Vậy là ta đã thỏa mãn với nhóm bạn thời để chỏm.
Ngày kế tiếp có hẹn với nhóm bạn Bùi Thị Xuân và Sư Phạm. Nhóm bạn gần mười người về thăm trường xưa. Hai bên đường nhà cửa san sát, hàng quán mọc lên nhiều quá nên mình cũng khá đau lòng nhìn cổng trường xưa như nhỏ đi. Trường thay đổi khá nhiều, hai dãy lớp xưa nay đã xây thêm một dãy. Từ cổng trước bước vào vừa dựng một bức tượng bà Bùi Thị Xuân oai vệ trong bộ võ phục. Bà đang cưỡi voi một chú voi một ngà thật đẹp. Không biết ai là người vẽ mẫu mà thoáng nhìn vào ta có cảm tưởng như không cân xứng lắm giữa người và tượng. Muốn có hình ảnh, vài tấm ảnh chụp về trường. Mình lấy máy ảnh ra. Chưa kịp “chớp” thì từ nhà “ bà cai ” thuở xưa, một thanh niên có lẽ là người “bảo vệ” chạy ra lớn tiếng:
- Này, này cái cô cầm cái máy ảnh kia, không được chụp ảnh đâu nhé! Có muốn tôi tịch thu máy ảnh không đấy!
- Chúng tôi là học sinh cũ về thăm trường. Anh làm ơn cho chúng tôi chụp vài tấm ảnh thôi mà!
- Đã bảo là không được!
Mình cho máy ảnh vào bao. Mấy nhỏ bạn càm ràm : “ cứ như là ... trại lính không bằng” Mình an ủi : “ Đi theo ta vào văn phòng rồi muốn chụp bao nhiêu tấm ảnh cũng được mà. Ngoài việc về thăm trường ta còn có công tác đặc biệt đấy.”
Văn phòng được đặt trên lầu bên tay phải của trường. “ Công tác đặc biệt ” của mình là gặp thầy Trung lấy Đặc San Bùi Thị Xuân vừa phát hành mang về Sài Gòn giùm thầy Dũng. Tụi mình vào văn phòng ngồi đợi, tại đây gặp khá nhiều thầy cô giáo, đa số mình không biết. Thầy cô giáo xưa của mình không còn ai nữa. Một lúc thầy Trung ra, không ngờ thầy là thầy giáo cũ của My. My còn gặp cô giáo Hoà, cũng cô giáo cũ, đồng thời còn gặp Sang, cô bạn thân của My hồi trung học, đang làm cô giáo dạy Văn trong trường. Thầy Trung giới thiệu tụi mình với thầy Sử, hiệu trường mới của Trường. Thầy Sử hướng dẫn thăm một vòng trường, chụp hình loanh quanh. Sau đó thầy Sử cùng các giáo sư quen và chúng mình ra sân trước chụp hình. Bức tượng nữ tướng Bùi Thị Xuân là nơi làm “ phông” cho tụi mình chụp nhiều nhất. Lúc này chú bảo vệ trường biến đâu mất. Mấy nhỏ bạn nói đùa:“ Chàng làm dữ quá! Nếu biết chúng mình là khách “ danh dự ” thế này, chắc không dám đuổi mình đâu hỉ?”. Rời trường ra về mới tiếc là đã không ra sân sau thăm lại hàng khuynh diệp. Hàng khuynh diệp đã mang cho bọn mình biết bao kỷ niệm! Chúng đã che nắng, đã đón gió cho bọn mình trong những hôm ôn bài thi, những lần ở lại trưa xúm xít ăn chung với nhau dưới bóng râm của chúng. Ăn xong cả bọn ngã mình trên thảm lá thông, lim dim ngủ trong tiếng reo vi vu của thông, trong lao xao của lá. Tiếc quá! Tại sao mình lại quên thăm lại một chốn nhiều kỷ niệm đáng yêu vậy chớ! Có một chút an ủi là cũng “chớp” được vài tấm ảnh có hàng khuynh diệp xa xa vươn cao qua mái ngói đỏ của ngôi trường.
Từ giã mái trường xưa mang theo nhiều lưu luyến, tụi mình ghé thăm cô Thắng, cô Tổng giám thị. Cô thật vui khi gặp học trò xưa. Ở đây mình được gặp lại Hoài Hương, cô bé ngày trước dạy chung một trường với mình. Thật tội Hương mới bị strock, đi lại thật khó khăn. Tuy bịnh hoạn nhưng Hương vẫn giữ được những nét vui tươi, nụ cười dòn dã. Tụi mình nhắc lại những kỷ niệm, những lần hội họp ở nhà Hương nấu mì Quảng, bún bò , bánh canh... Món tủ của Hương phải nói là mì Quảng. Nồi nước lèo với màu hạt điều mới nhìn đã bắt mắt, mê nhất là rau sống. Sà lách Đà Lạt được cô bé thái thật mỏng như sợi chỉ, hồi đó tụi mình thường thắc mắc là tại sao một cô gái học trường Tây, nhà giàu mà giỏi nội trợ như vậy chứ. Giờ thì cuộc sống Hương thay đổi khá nhiều sau cơn bạo bịnh. Cầu mong em mau chóng trở lại cuộc sống bình thường!.

Thăm cô giáo và Hương xong tụi mình theo con đường vòng “ đồi cù ” trở về khách sạn. Đồi cù thật gần trong tầm mắt nhưng thật xa cách nghìn trùng!. Còn đâu những ngày tháng thong dong chạy nhảy giữa ngàn cỏ xanh? Còn đâu những buổi chiều lang thang trên đồi cù nghe ngàn thông hoà tấu? Vì ai mà đồi thông nên thơ, là niềm tự hào của người dân Đà Lạt kia không còn là khoảng không bao la, không còn là vùng cỏ xanh mượt mà, mơn mởn ...? Vì ai mà đồi cù dễ thương kia cũng không còn là chỗ ta tìm đến... nằm dài trên tấm thảm lá thông , nhìn nắng đùa vui nhảy múa trong ngàn muôn kẽ lá, nghe thông rì rào trong gió ... là mọi buồn phiền, ưu tư trong ta tan biến hết? Đồi cù còn đó nhưng đã bị người ta cướp đi mất rồi. Thật sự người ta đã cướp đi một cảnh sắc vô cùng xinh đẹp của người dân Đà Lạt! Đồi cù ơi ! Chào mi!.. Đà Lạt của ta ơi! Ta buồn em vô cùng vì đã làm mất đi một đồi cù vô cùng yêu dấu của ta.

Forget me not Dalat

( Còn tiếp .)



.

No comments: