Monday, November 30, 2009

Hoa bán ở Hà Nội - Chùa Trấn Quốc


Câu cá ở Hồ Tây - Lưới cá ở Hồ Tây - Một cảnh ở ngoại thành Hà Nội - Chùa Một Cột




Cây đa cổ thụ - Văn Miếu - Trường Bưởi




Việt Nam Du Ký - Thăm Hà Nội

VIỆT NAM DU KÝ
(tiếp theo)
Thăm Hà Nội
Chuyến bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội của hãng Việt Nam Airline bay rất đúng giờ. Đúng sáu giờ mười lăm phút, máy bay cất cánh, khoảng hơn một tiếng sau tụi mình đã có mặt ở phi trường Nội Bài. Đón Taxi về nhà cô Nhuệ. Trên đường đi, Bác tài hỏi chuyện lan man…vì là lần đầu tiên ra Bắc, lại đến thăm một nơi đã vào tay CS khá lâu nên mình cũng e dè ...không dám nói nhiều và nhất định không hề lộ cho biết là mình ở bên kia về. Đường từ phi trường về Hà Nội rộng thênh thang, tráng nhựa láng bóng...Hình như được tu sửa nhiều sau ngày “miền nam giải phóng”. Trái với miền Nam đang mưa gíó. Hà Nội ban tối khí hậu khá dễ chịu. Thật may mắn trước khi đi Hà Nội mình đã được Cô Lăng giới thiệu ra Bắc gặp cô Nhuệ. Nhà cô ở Phố Hàng Bún. Đến nhà, Cô bắt hai đứa nghỉ ngơi, dùng cơm tối xong Cô mới chịu dẫn ra khách sạn. Lâu ghê mới được ăn thịt đông nấu kiểu Bắc. Thịt đông ăn với dưa chua không chê vào đâu được. Ăn xong cô gọi Thân, người cháu cô đến, Cô cho biết ngày mai Thân và Hưởng sẽ hướng dẫn hai chị em đi thăm nội thành. Cô rất bình dân và thật cấp tiến, chả thế cô có một cô con dâu người Anh, cậu cháu nội lên ba, nói tiếng Anh giỏi và tiếng Việt cũng rất nhuần nhuyễn . Cậu bé thật đẹp trai, có cặp mặt xanh và nước da trắng di truyền của mẹ, đôi má lúm đồng tiền dễ thương của cha.
Tuy mới gặp cô lần đầu nhưng cô rất thân thiện và cởi mở. Cô gọi điện thoại báo tin cho cô Lăng là tụi mình đã đến, sau đó kêu bé Thủy, cô bé giúp việc phụ với tụi mình đẩy hành lý về khách sạn. Dù không muốn làm phiền cô, cô cũng nhất định dành đẩy một hành lý.
Khách sạn có tên là Thiên Thai, ở đường Nguyễn Trường Tộ, chỉ ở cách nhà cô một khoảng , đi bộ chừng ba phút. Vào khách sạn mình lại càng phục sự khôn khéo, lịch sự của cô Nhuệ, một cô gái Hà thành xưa ,ăn nói duyên dáng, khôn ngoan, Cô đã mặc cả để khách sạn bớt cho tụi mình một đêm là mười đô. Số tiền không nhỏ ở Việt Nam. Dù đã được bớt rồi nhưng khách sạn ở đây cũng khá mắc so với Sài Gòn, 55 đồng một đêm. Thật ra tiền nào của nấy.Đây là khách sạn sang. Đa số khách là người Pháp, Anh , Đức... đến đây đi du lịch. Mình không gặp một Việt kiều nào ở đây cả. Phòng ở đây có hai giường rộng, ngăn nắp, sạch sẽ, có trà nước... Phòng tắm rộng, xây theo kiểu mới, không khác gì những khách sạn sang ở Mỹ. Điều lý thú nhất là phòng mình ở có thể nhìn ra mặt đường chính để tụi mình có thể quan sát sự sinh hoạt của thành phố.
Người tiếp viên khách sạn khiêng hành lý từ thang mạ́y đến cho tụi mình thật trẻ. Biết là khách nước ngoài về nên gạ gẫm tụi mình muốn đi tham quan hoặc đi ăn
tối ở Hà Nội cậu bé tình nguyện hướng dẫn. Cậu bảo thức ăn ở Hà Nội rất ngon với điều kiện phải biết chỗ. Mình từ chối khéo viện cớ mệt cần nghỉ ngơi, lúc cần sẽ nhờ sau. Cậu bé cười thật tươi tay mân mê đồng bạc năm đô mới toanh mình trao tặng...bảo là dân ở đây tin là đồng mới mang lại may mắn như tiền lì xì đầu năm...
Ngày...tháng..năm...
Hẹn với Thân và Hưởng sẽ gặp nhau tám giờ sáng tại khách sạn để bắt đầu cho một ngày viếng thăm nội thành. Khách sạn có buffet vào mỗi sáng nhưng hôm nay tụi mình quyết định sẽ đi ăn hàng ở Hà Nội. Thân bảo tiệm phở ở Nguyễn Trường Tộ rất ngon. Tiệm phở nhỏ chỉ để khoảng sáu bàn, phía trứớc tiệm thêm vài ba bàn nhỏ. Người ngồi ăn đầy nghẹt, tụi mình phải chờ một lúc mới có chỗ. Mới tám giờ sáng mà gàu, gân, vè dòn đã hết sạch, tụi mình chỉ ăn độc nhất món tái. Nước trong,bánh mềm nhưng không nát. Phở ở đây ăn với “ quảy” . Họ không gọi là “ gìò cháo quảy ”như trong Nam.
Bánh quảy ở đây bé xíu chỉ dài bằng một lóng tay. Quả thật Phở ở đây thật ngon. Từ nước dùng đến bánh phở thật tuyệt , Phở ăn với giò cháo quảy cũng khá đặc biệt. Mình hơi thấy lạ là phở ở đây không ăn chung với giá và rau quế, tuy vậy cũng không thấy giảm cái ngon của nó.
Đổ xăng cho bao tử xong tụi mình lên đường. Đường Hà Nội nhỏ hơn Sài gòn. Xe cộ cũng thật đông đúc nhưng người lái xe hình như ít chen lấn hơn Sài Gòn. Hà Nội vào mùa này khí trời mát mẻ. Được hai bác tài cẩn thận nên tụi mình thật yên tâm cho hai bác “ lai ” khắp nơi thăm Hà Nội. Trước tiên đi một vòng thăm qua thành phố, thăm “Hà Nội ba mươi sáu phố phường”. Cái tên gọi dính liền với Hà Nội xưa. Đa số những con phố không còn bán những đồ vật như những tên mang nữa mà họ bày bán đủ thứ..Trên một con phố... vài chị bán chiếu đang đẩy những chiếc xe đạp được chất những chồng chiếu đủ màu sắc.. cao ngất ngưỡng... Mình phải tự hỏi không hiểu làm thế nào họ có thể đẩy chiếc xe và mớ hàng cao hơn người thế kia?.Nhìn vẻ ốm o mà dẻo dai ấy mình càng thấy phục. Chưa hết mấy chú bán rổ, bán rá... còn thần sầu hơn, từ xa nhìn họ di chuyển,chỉ thấy chiếc mũ cối nhấp nhô bên cạnh mớ rổ, rá, to, nhỏ đủ cỡ trông thật buồn cười.
Loanh quanh vài vòng cho tụi mình ngắm ba sáu phố phường xong, Bác tài cho xe tiến ra xa thành phố để đến thăm Hồ Tây. Mua vài bó nhang, cả nhóm cùng nhau vào phủ Tây Hồ làm lễ. Nghe nói phủ ở đây thật linh. Ngôi phủ nhỏ mang những nét cũ kỹ...ít nhang khói, có lẽ tại ngày thường ít ai đến lễ. Phủ Tây Hồ được xây sát cạnh hồ bao quanh bởi những tàng cây to lớn nên thật mát mẻ. Dân chúng sống gần phủ Tây Hồ có vẻ nghèo, an phận với những ngôi nhà nhỏ bé, bình thường nhưng thơ mộng, khác hẳn dãy nhà đối diện bên kia hồ... biệt thự, cao ốc nhiều tầng mọc lên, ngạo nghễ, soi bóng mặt hồ. Hà Nội với cái cũ và mới đối chọi nhau. Không biết cái mới ấy có làm người dân Hà Nội ưa thích ?
Đi dọc ven hồ ngắm cảnh. Mặt hồ xanh trong, sóng nước lăn tăn. Mới sáng đã có những cụ già nhàn tản , bắc ghế ngồi trên những bệ đá câu cá. Nhỏ My mượn cần câu của một ông lão râu dài, bạc trắng để xin câu. Ông cụ vui vẻ trao cần, còn chỉ vẻ cách cầm cần câu như thế nào cho hợp cách. Tây hồ có lẽ thật nhiều cá. Mấy ông lão câu được bỏ vào lưới giữ lại hồ đến chiều câu xong mới mang về. Nghịch ngợm tụi mình kéo lưới cá lên để chụp hình, những nàng “ chép” thật lớn vùng vẫy trong lưới...Hy vọng tối nay các “lão câu” sẽ có một buổi nhậu thịnh soạn...
Rời Hồ Tây tụi mình đến thăm Hồ Trúc Bạch, chùa Trấn Quốc, đền Ngọc Sơn...Những địa danh thật quen thuộc này làm mình nhớ thật nhiều đến những bài Việt văn thời trung học làm sao.! Những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn như sống lại trong mình. Nào “ Nửa Chừng Xuân”, nào “ Đoạn Tuyệt”, nào “ Gánh Hàng Hoa”... . Hà Nội với cảnh sắc nên thơ của ngày xưa đã khiến người thơ rung động. Có lẽ thế Hà Nội đã sản sinh biết bao văn thi sĩ nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam.
Đi lòng vòng đã nửa ngày đường, ai cũng thấy đói bụng. Vậy là cả bọn về chợ Đồng Xuân ăn bún ốc. Nhìn kệ hàng xếp những cây chả lụa bé xíu, những dĩa ốc với những con ốc mấp mạp vàng ươm đã được khươi vỏ thật bắt mắt, chưa ăn đã thấy cồn cào. Ăn xong tụi mình còn gọi thêm mấy cây chả lụa. Chả ở đây thật ngon,thơm, đậm đà, không biết họ có dùng hàn the không nữa nhưng cũng chả sao, lâu lâu mới ăn một lần cũng chả hại gì.
Đến Hà Nội mình còn muốn viếng thăm cầu Long Biên. Cầu Long Biên được bắc ngang qua Sông Hồng. Đây là chiếc cầu cũ kỹ , những nhịp sắt đã rỉ sét, cầu cũng khá rộng, một bên đi và một bên về. Ở giữa là đường xe lửa. Song song với chiếc cầu cũ là chiếc cầu mới được xây cất sau này. Cầu mới với những nhịp cầu thấp, đều, đơn giản. Mình vẫn cảm thấy thích chiếc cầu cũ hơn, một phần cầu có giá trị lịch sử, một phần kiến trúc đẹp hơn. Nếu mình nhớ không lầm, cầu này do Pháp xây, còn có tên là Doumer...Điều thích thú nhất khi đi thăm viếng cầu Long Biên tụi mình còn được ngưng ngay trên cầu mua bắp. Bắp được trồng hai bên bờ sông, nhà vườn bẻ xong , ngồi ngay trên cầu bán. Mấy chị em mua ngay mấy chục bắp mang về. Từ cầu Long Biên (còn có tên là cầu Thăng Long) xe chạy ngang qua ga Long Biên, rồi trở về lại phố. Mấy chị em còn dừng chân trên phố ăn thêm món lục tàu xá. Đây là món lạ mà mình mới ăn lần đầu, mùi đậu xanh xay quyện lẫn với vị ngọt của đường, đậu phụng cũng khá hấp dẫn. Vui là mình và My còn mượn quang gánh của chú bán hàng gánh thử rồi cười dòn dã làm chú bán hàng cũng vui lây.Mình có cảm tưởng như trẻ ra, năng động hơn trong những ngày tháng rong chơi. Chàng Hưởng thật ít nói bỗng lên tiếng đề nghị : “ Thôi chúng mình mang “ ngô”về nhà cô Nhuệ, nhờ bé Thủy chiều “lay” “nuộc” giùm. Hai cô nghỉ ngơi khoảng một vài tiếng cho khoẻ, chiều chúng em sang “ nại”đi tiếp nhá”.
Ới ời....giọng Hà Đông của cậu bé không “chệt” đi tí nào làm chị em mình lại tủm tỉm cười.
Về lại khách sạn, tắm táp xong cả hai nằm dài trên giường thấy thoải mái làm sao. Chiếc giường thật rộng, mỗi người một cõi quả tuyệt thật. Không biết chợp mắt được bao lâu đã nghe điện thoại của Thân. Chiều nay hai nhỏ hướng dẫn tụi mình đi thăm một vài nơi nổi tiếng của Hà Nội .
Đến Hà Nội vào những ngày mùa Đông, nghe nói những ngày trước đây trời thật lạnh. Đón tụi mình trời chiều chỉ se lạnh. Không khí thật dễ chịu. Ngồi sau lưng bác tài, mình tha hồ bấm máy, thích nhất là hối chàng Hưởng chạy theo mấy chị bán hoa. Hoa ở đây được chất trên một rổ lớn, ràng sau xe đạp, vậy là các cô tha hồ đạp đi khắp thành phố. Cô bán hoa với gánh hàng của Nhất Linh hình như đã lùi vào dĩ vãng, cũng gieo vào lòng mình một chút xuyến xao. Tụi mình cũng có ghé thăm chợ hoa, hoa ở đây được chở từ những vùng phụ cận về. Chưa về thăm Đà Lạt lúc này nhưng mình nghĩ hoa ở đây nhiều và đẹp không thua gì hoa Đà Lạt. Lái một vòng loanh quanh thành phố theo lời đề nghị của mình xong, hai bác tài đưa tụi mình đến thăm Văn Miếu. Thật nhiều du khách, kể cả khách nước ngoài vào đây thăm viếng. Các cô hướng dẫn viên du lịch giới thiệu, giải thích từng địa điểm thăm viếng.. Cả một thời huy hoàng của hoàng thành xưa như được sống lại qua lời giới thiệu của các cô. Chụp vài pô hình kỷ niệm, mua một vài vật lưu niệm tụi mình trở ra ...tụi mình phải nhanh chân vì còn nhiều nơi muốn viếng. Rời Văn Miếu, hai cậu nhỏ chở ra chụp hình ở Thành cổ , thăm Hồ Hoàn Kiếm. Tháp Rùa không lớn như mình tưởng nhưng nếu không có Tháp Ruà, chắc có lẽ Hồ Gươm sẽ giảm đi những nét quyến rũ của nó . Chiều nay mặt hồ Gươm lăn tăn gợn sóng. Tuy là mùa Đông nhưng cảnh sắc nơi này hệt như muà Thu. Gió hiu hiu lay động những hàng cây lung linh soi bóng xuống hồ. Màu lá vàng gợi nhớ một mùa Thu nào đó trong thơ văn, trong nhạc...một mùa Thu rất Hà Nội...một mùa Thu thật quyến rũ!
Rời Hồ Gươm , điạ điểm kế tiếp là ngôi nhà yhờ cổ có từ lâu đời, sơn đã tróc lở phai mờ với thời gian nhưng thành phố vẫn giữ nguyên không sơn quết để giữ cái đẹp riêng và giá trị lịch sử của ngôi thánh đường lâu nhất nhì của thành phố Hà Nội. Sau khi thăm nhà thờ tụi mình đến thăm nhà hát lớn xây dựng từ thời Pháp thuộc. Một đoàn xe xích lô với màu sắc rực rỡ chở du khách ngang qua Nhà Hát Tây. Khá lâu rồi mình mới gặp lại những chiếc xe xích lô một thời của Sài Gòn xưa. Tụi mình cũng không quên đi viếng tượng Đức Lý Thái Tổ ở gần đó. Tượng Ngài được tạc thật cao, bề ngoài dát đồng uy nghi một cõi. Những chậu bông, những hoa tươi trước bệ thờ thật tươi tốt, có lẽ thường xuyên có người đến dâng hương, lễ bái..Thăm tượng Đức Thái Tổ xong tụi mình đi thăm Chuà Một Cột..Đến Hà Nội hầu như ai cũng muốn thăm viếng Chùa Một Cột. Đó cũng là mơ ước của mình. Chùa bé tí được dựng trên một cái hồ cũng thật nhỏ, trong hồ có thả hoa sen, hoa súng... bao quanh ngôi chùa là những hàng cau thật cao đang mùa nở hoa thơm ngát.Nhìn ngôi chùa nhỏ, xây dựng thật đặc biệt. Không biết người xưa có biết là họ đã ban tặng cho Hà Nội, cho đất nước mình một tặng phẩm thật quý giá không? Riêng mình, được đến đây ngắm cảnh chùa, được ngồi trên thảm cỏ xanh dưới hàng cau, loại cây thân thiết của quê hương,nghe hương cau tỏa lan trong không khí, thỉnh thoảng nghe đâu đây vài tiếng chim hót, chim hót giữa ban ngày... Sao chợt thấy lòng nhẹ nhàng thanh thoát lạ...
Giã từ Chùa Một Cột, tụi mình đến thăm “Lăng Bác”. Hai đứa đi bộ giữa quãng trường thật rộng. Đây là quãng trường Ba Đình. Ở đây thật nhiều người đi bộ tập thể dục. Tụi mình không thích vào thăm chỉ băng qua quãng trường để đến chỗ hai cậu em đang đậu xe chờ ở đó. Chỉ còn vài tiếng để đi thăm thành phố, tụi mình đề nghị hai cậu chở đến thăm trường Bưởi, ngôi trường nổi tiếng một thời, ngôi trường mà ngày xưa Huy, em Mai trong” Nửa Chừng Xuân” học ở đấy.Ngôi trường mà thầy giáo mình, thầy Diệu, thầy Lập...cũng đã từng cắp sách đến đây. Giờ ... các thầy đã ra đi về miền xa xăm... Ngôi trường vẫn còn đấy, to lớn hơn, khang trang hơn . Dù tên trường đã được thay tên “ Chu Văn An” nhưng với mình cái tên “ Bưởi” nghe sao vẫn dễ thương, nghe sao mộc mạc, đơn sơ mà thật gắn bó, thân tình. Đưa ống kính “ zum” thật xa đến những dãy lớp học, đến những lối đi quanh trường, đến những hàng cây to lớn xum xê. Mình có cảm tưởng như được về thăm lại ngôi trường xưa của mình trong thành phố mù sương thân yêu.
Đưa tụi mình về nhà Cô Nhuệ, phố đã lên đèn. Hà Nội rộn ràng với những quán hàng khuya, dập dìu người đi dạo phố, đi ăn hàng. Hà Nội cũng như Sài Gòn đêm về, thành phố như đông hơn...Tối nay, ở nhà cô Nhuệ, ngoài bữa ăn tối có thịt kho, canh rau đay ...tụi mình lại được thưởng thức món “ngô” luộc hồi sáng. Thành thật mà nói mình chưa tìm ra một quả bắp nào ngon bằng bắp Tùng Nghĩa xưa, dù về đây đã được ăn bắp ở Sài Gòn, Hóc Môn,bắp Bình Dương, bắp Đà Nẵng.
Chào từ giã Thân, Hưởng, cảm ơn Cô Nhuệ, tụi mình trở về khách sạn. Giấc ngủ tối đến thật ngon lành sau đó.
(còn tiếp)
Forget Me Not Dalat

Wednesday, November 11, 2009

Non Nước Ngũ Hành Sơn




Viet Nam Du Ký

VIỆT NAM DU KÝ
(Tiếp theo)




Chuyến bay Sài Gòn-Đà Nẵng khởi hành 12 giờ, bị hoãn đến 4 giờ chiều. Nghe nói hãng Pacific này chuyên môn bị trễ. Để hành khách khỏi phàn nàn. Hãng máy bay đã cho hành khách được dùng bữa ăn trưa free ở nhà hàng trong phi trường. Bởi tại ăn “ chùa” nên món ăn cũng bị giới hạn khi chọn lựa. Nhưng chả sao!. Có phở, có cơm sườn ăn cũng qua phà. Ăn uống xong xuôi tụi mình đem trái cây ra ăn .Hôm qua ra chợ thấy “Mãng cầu” ta “ chôm chôm” hấp dẫn quá nên mấy đứa đã rinh về thật nhiều. Ăn tối, ăn sáng…rồi lại ăn trưa. Ăn xong, mấy nhỏ nằm lăn ra những băng ghế trống nhắm mắt nghỉ ngơi …Còn mình , ngồi vớ vẩn xem ba, bốn phim Đại Hàn trên những Tivi quanh phòng đợi. Đầu óc không tập trung nên cũng chả hiểu nội dung phim gì cả. Khoảng gần bốn giờ, xét vé lên máy bay. Xe bus chở từ chỗ đợi đến máy bay. Hành khách lục tục lên máy bay bằng cầu thang kiểu xưa. Chiếc máy bay nhỏ khoảng một trăm chỗ ngồi cất cánh khi trời đổ mưa tầm tả, nghe nói Đà Nẵng cũng đang bão lụt tưng bừng.Không biết có thể lên Trà Mi rước dâu được không nữa.Chả hiểu duyên nợ sao mà Bi lên tận( mật khu Việt Cộng ngày xưa !) cưới vợ. Máy bay nhỏ thỉnh thoảng lắc mạnh. Nhân viên phục vụ chuyến bay cứ nhắc nhở hành khách không nên di chuyển trên tàu làm mình cũng thấy ớn. Chỉ khoảng hơn một tiếng bay là đến sân bay Đà Nẵng. Quả mau thật! Dung và Bi ra đón. Trời mưa lất phất. Cảm ơn Trời Phật chuyến bay an toàn. Đón tụi mình mưa cũng đã dịu bớt. Taxi chở đến Khách sạn “ Price” ở đường Phan Chu Trinh (̣ con đường xưa anh đi đây mà!.)
Trời mưa thì mặc trời mưa, tụi mình kéo nhau đi ăn. Lang thang trên con đường Phan Chu Trinh, tụi mình mua bánh mì vừa đi vừa gặm, cũng không quên nếm thử bánh bao xứ Đà. Chuyến đi Đà Nẵng lần này có Thanh Vân, bạn Thy tháp tùng. Cô bé cũng rất hòa đồng, lại có “tinh thần ăn uống” nên tụi mình cảm thấy thoải mái khi cùng đi chung.
Về lại Khách sạn một lúc, mấy đứa cháu anh Như từ Huế vào. Anh chàng Thắng cù mì cục mịch có vợ thật hiền, chàng Lợi, em Thắng lanh lẹ, nói năng dẻo quẹo, đi cùng con bé Hoà Anh, con bé con đầu lòng đang học Đại học Huế, người nhỏ nhắn thật xinh. Một lát sau Bình và Thành từ Ban Mê Thuột cũng kịp đến, chỉ có An không được khoẻ nên ở nhà. Nghe nói chặng đường từ Ban Mê về đây, sau cơn lũ lụt xe thật khó đi nên Bình bị ói mửa quá chừng. Gần ba mươi năm mới gặp lại Bình, Thành. Mình xúc động đến rơm rớm nước mắt.Bình, An, Thành là con của Dì Thảo. Tội nghiệp các em mất mẹ khi còn quá nhỏ. Ba chị em được Bố nuôi nấng khổ cực ở miền Trung nghèo khổ quê mình. Sau bảy lăm mấy cha con dời ngay lên Ban Mê Thuột . Vài năm sau Dượng qua đời. May mà các em chịu khó học hành, làm lụng nên người nào cũng trở thành Thầy, Cô giáo. Ngoài giờ dạy, thời gian còn lại dành cho việc trồng tỉa, chăm sóc vườn cà phê nên cuộc sống tương đối sung túc hơn xưa thật nhiều.
Ngày… tháng …
Hôm nay ngày cưới của Bi. Mới mờ sáng, Thủy chị của Dung đã cho xe đến rước. Chuyến xe chở tụi mình và một số bà con bên đằng gái có mười bốn người. Thành và Bình không đi vì mệt. Mưa thật lớn. Xe chạy ngược qua Quốc lộ hướng về phương Nam. Đường phố nhạt nhoà trong mưa. Mình cố nhìn ra ngoài nhưng chả thấy gì cả. Bác tài phải giỏi lắm mới điều khiển con ngựa sắt trong mưa gió thế này. Cái quạt nước gạt nước như say rượu, quạt không ngừng. Ngồi trên xe mình chỉ biết cầu nguyện. Cũng may chạy được khoảng hơn nửa tiếng, mưa từ từ nhỏ hạt lại. Qua cửa xe, con đường Quốc lộ Một vẫn không thay đổi bao nhiêu, cũng vẫn mái tranh vách lá, những ụ rơm cao, thỉnh thoảng có những căn nhà mái ngói ẩn mình sau những luỹ tre, vẫn còn những chú trâu đang gặm cỏ mà đây đang gặm cỏ ở cánh đồng ngập nước. Cánh đồng nước mênh mông nhìn xa giống như một dòng sông ngàu đục phù sa.Thật ra lụt lội mang nhiều tai hại cho dân nhưng cũng đem không ít lợi lộc đến,. Nước ở sông tràn vào mang theo nhiều tôm cá. Mọi người túa ra vó cá, một số người cũng đang ngồi bán cá ở dọc đường.
Xe đi qua điạ phận Tam Kỳ. Thật nhiều quán ăn nhỏ mọc lên ở dọc đường. Mình thấy thật nhiều quán Mỳ Quảng, bún, bún thịt Đà điểu, quán bán thịt cầy. Qua khỏi Tam Kỳ, xe tiến dần lên vùng núi. Hai bên đường có những đoạn gần giống như đèo chuối. Chuối được trồng thật nhiều. Đường ở đây vừa qua những ngày mưa lũ nên đất đá bị sạt lỡ còn nằm lăn lóc bên vệ đường, có lúc xe gập ghềnh khi bò trên đoạn đường vừa được “ chỉnh lý” .
Xe đến Trà Mi khoảng hơn chín giờ. Mưa tầm mưa tả. Mình chưa bao giờ được dự một đám cưới mưa gió thế này. Vài người trong họ nhà gái lấy dù ra đón bọn mình vào nhà khách của Xã. Mang tiếng là nhà khách nhưng chỉ như là trụ sở củ kỹ. Tội nghiệp Bi tối qua phải ngủ ở một nơi trống trải, hoang vắng như thế này. Ở đây phe nhà gái đã chuẩn bị giùm họ nhà trai đầy đủ lễ vật: mâm quả,trái cây…Mâm quả được sắp xếp thật đẹp. Trầu cau, bánh mứt …được bàn tay khéo léo của những cô, những bà khéo tay nào đó xếp thành những hình rồng, hình phượng trông thật đẹp mắt. Từ nhà khách đến nhà gái chỉ đi khoảng vài trăm thước. Đi dưới dù che.Con đường từ nhà khách đi đến nhà cô dâu theo thế đi xuống dốc, nước mưa chảy mạnh từ trên xuống. Mình nghịch ngợm đi vào chỗ nước lớn. Vui vui với cảm giác lội mưa như những ngày tháng mưa ở Đà Lạt. Mưa quá là mưa. Mang giày cao mà nước vẫn dâng cao trên mắt cá. Giày sủng ướt trong mưa. Tội nghiệp cho những người bưng mâm quả, rón rén đi nhẹ để khỏi chụp ếch. Nép hẳn vào những trợ tá cầm dù trông cũng lãng mạn đấy chứ. Tuy gió mưa tầm tả nhưng vẫn không thiếu người hiếu kỳ ở hai bên đường nhìn đoàn người rước dâu đi qua. Thấy vui vui vì lâu lắm mới dự một đám cưới quê. Nhà cô dâu nho nhỏ, có che rạp trước nhà,kê được khoảng mười bàn. Phải nhanh chóng trở về Đà Nẵng chuẩn bị cho buổi tiệc cưới buổi chiều nên buổi lễ Tân hôn diễn ra thật nhanh chóng nhưng cũng khá đầy đủ. Trước tiên đèn Long phụng được thắp lên. Cô dâu chú rễ làm Lễ gia tiên. Nhà trai đưa Lễ vật. Chú rễ, cô dâu trao nhẫn cưới. Mẹ chồng đeo bông tai cho cô dâu. Họ hàng hai bên trao quà cho đôi tân lang, giai nhân…Sau đó vào tiệc quê. Gà luộc, gỏi trộn, heo rừng nướng, bê thui, chả, ché…Ngon và thấy fresh.Ăn vội vàng rồi về thành phố vì sợ mưa lũ tới. Trên đường về chú rễ than đói vì ở tiệc cưới có ăn được đâu. Cả phái đoàn ngừng lại ở Tam kỳ ăn Mì Quảng. Ai cũng đồn mì Quảng ở đây rất ngon. Có lẽ ngon dỡ tuỳ khẩu vị của từng người nên mình cũng không thấy ngon bằng mì Quảng Đalạt.
Buổi tối dự tiệc ở Nhà hàng “ Phì Lũ” Tiệc cưới linh đình có ban nhạc giúp vui. Hình thức Tổ chức cũng như ở bên Mỹ. Thức ăn cũng thường chứ không xuât sắc…có điều nhà hàng ở đây dơ quá. Rác rưới vất đầy. Phòng vệ sinh thì khủng khiếp quá nên mình cũng không dám vào. Vậy mà nghe nói đây là một trong những nhà hàng có tiếng ở Đà Nẵng.
Khuya về, mình gọi và liên lạc được với Lan. Cô nàng chạy ngay tới. Hai đứa đi thăm Điểu, Điệp. Tối quá không thăm Điệp. Trở về, hai đưa chạy xe lang thang trên con đường gần biển. Gió mát rượi. Ôm eo ếch nàng…Hai đứa hét to trong đêm, tranh nhau với tiếng gió. Kỷ niệm xưa được nhắc nhở nhiều về những ngày học làm nghề thầy cô trên thành phố sương mù vương vấn.
Ngày ..tháng…
“Non Nước” cách xa Đà Nẵng khoảng mười lăm phút lái xe. Chiếc Taxi đưa năm đứa mình đến chân núi. Hai bên đường rất nhiều tiệm thủ công mỹ nghệ. Những vật bày bán ở đây đa số là những vật làm bằng đá đẽo ra từ những núi đá ở Ngũ Hành Sơn. Những vật trang sức như lược, còng đeo tay, nhẫn…cho đến những vật trang trí trong nhà như bình bông, sư tử, ngựa… được những nghệ nhân gọt đẽo rất công phu , đẹp mắt…ngắm mãi không biết chán. Người mua, kẻ bán rộn ràng…Mình muốn mua những vật kỷ niệm ở đây nhưng mỗi lần cầm lên là bị nhỏ Lan cản lại “ Thôi đi bà, để ra Đà Nẵng lại mua. Mua ở đây bị chém đẹp cho xem, thêm nữa mày mua bây giờ thì làm sao leo núi được” Nghe lời nàng nhưng trong bụng ấm ức lắm, theo kinh nghiệm nhiều khi mình sẽ không gặp lại những vật mình thích….Nên chi ..mua hàng cũng như cưới vợ…phải cưới liền tay…
Lần theo những bậc tam cấp đá, tụi mình tiến lên núi. Một khoảng không gian im vắng, cô tịch hiện ra trước mắt...núi cao ngất, lãng đãng hơi sương. Một ngôi chùa cổ kính nằm ẩn mình sau những lùm cây xanh lá. Chúng mình theo một chú tiểu bước vào chánh điện thắp nhang lễ Phật, sau đó đi thăm quanh chùa chụp hình...Đi lần xuống một thung lũng, cảnh sắc nơi đây quyến rũ bước chân mình. Dựa vào chân núi là một chiếc am nhỏ, khói hương nghi ngút, một bức tượng Phật ngàn tay sinh động được đặt trước am...Bên trái am là một khoảng sân nhỏ với rất nhiều tượng Phật nhiều màu sắc, khuôn mặt rất vui.. sắp xếp cách ngồi giống như đang đàm đạo. Ngó lên ngọn núi nhỏ là bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát với đôi mắt hiền từ, một tay cầm bình hồ lô, tay kia cầm nhành dương liễu...Bước vào thăm am, mình gặp hai hai cô gái mặc áo lam đang quét rác. Hai cô là hai học sinh Trung học đến đây vào mỗi tuần làm công quả. Thật đáng khâm phục làm sao, các em đã bỏ những sinh hoạt vui chơi cuối tuần để đến đây nhổ cỏ, nhặt rác làm đẹp thêm cho cảnh quan nơi này.
Giã từ am nhỏ và hai cô gái mình trở về chùa chính gặp lại các bạn để cùng nhau lên thăm ngôi tháp cao nhất của đỉnh núi này. Từ đây tụi mình có thể nhìn bao quát cả làng núi bao quanh Ngũ Hành Sơn. Nhà cửa chi chít...xa xa bốn dãy núi còn lại trong nhóm Ngũ Hành vẫn mờ mờ trong màn mây. Những ngôi tháp nhỏ với chóp nhọn vươn cao đẹp như trong những bức tranh cổ trong những chuyện Tàu. Thật may mắn ngày hôm nay trời không mưa,nắng dìu dịu....tha hồ cho tụi mình chụp hình. Nhìn xuống chân núi là một vùng nước rộng bao la, nước rất trong xanh. Mình ngây thơ khen là dòng sông đẹp quá, làm cô bé dân địa phương ở đây cười ngất cho biết đó không phải là sông, chỉ do nước lụt đ̉ể lại từ cả tháng trước. Đúng là “quê” thiệt .
Sau một hồi ngắm trời mây tụi mình đi thăm những hang động. Trước tiên vào thăm Hoa Nghiêm trước. Mua vài bó nhang, từ từ tiến vào động... Rón rén bước trên khoảng đất sũng ướt chỉ sợ trợt chân. Tụi mình đi thắp nhang hết những miếu thờ trong động...Cùng vào động với tụi mình có thêm nhóm sinh viên đang học ở Đà Nẵng. Tất cả các em đều ở Hà Tĩnh vào. Gặp nhau chốn lạ mà cũng khá thân tình. Đúng là : “ xa quê hương ngộ cố tri ”. Rời Hoa Nghiêm tụi mình đi thăm động Huyền Không, sau đó vào thăm Tàng Chơn động. Còn nhiều động nhưng mùa này trời mưa trơn trợt nên tụi mình không dám mạo hiểm đi thăm hết các động vì sợ nguy hiểm...Cùng đi với tụi mình có khá nhiều du khách ngoại quốc. Ai cũng khen quê hương mình đẹp. “ Lẽ đương nhiên rồi” Trong thâm tâm ai cũng tự hào về quê hương xinh đẹp của mình. Tụi mình còn đi loanh quanh thăm những tháp quanh núi trước khi hạ san. Sau gần cả ngày lang thang trên núi, ai cũng cảm thấy đói bụng...Tìm được một quán Mỳ Quảng dưới chân núi. Cả bọn tấp vào ăn...Mỳ Quảng ở đây không xuất sắc nhưng ăn cũng tạm được, một phần có lẽ vì đói. Nhỏ Lan đưa bọn mình về khách sạn xong quay về nhà hắn, hẹn buổi tối tới nhà dùng cơm và đi thăm cầu sông Hàn.
Về khách sạn tắm táp xong thì Dũng ở Quảng Ngãi ra thăm. Vui quá. Qua bao nhiêu năm không gặp mà tụi mình có cảm giác như mới vừa xa không lâu lắm. Nhớ ngày miền Nam mất, Dũng đang trọ học tại nhà mình. Mấy chị em cả ngày ngồi bên Radio nghe tin tức... cùng buồn, cùng khóc với số phận đau thương của cả dân tộc. Vài ngày sau ngày Đà Lạt thuộc quyền kiểm soát của Cộng quân. Dũng nằng nặc đòi về Quảng Ngãi, ai cản cũng không được. Anh chàng, khi thì đi bộ, lúc đón xe đò...cả mấy ngày trời mới về đến nhà...Bỏ học dở dang , cậu bé học nghề lái xe, giờ có xe tải chuyên chở hàng hóa đi các tỉnh miền Trung. Hỏi Dũng có bao nhiêu con. Cậu bé khề khà nói lớn : “ đầm đôi” chị ạ. Tụi mình cười xòa, thằng bé vẫn tếu như ngày xưa.
Tối nay, Dũng và tụi mình cùng đến nhà Lan. Thể theo lời yêu cầu của khách, Lan luộc rau lang chấm mắm nêm, cá khô nướng lên ăn với nước luộc rau, vậy mà tụi mình ăn thật ngon lành, cơm bới lia lịa. Chồng Lan trông cũng thật hiền. Hai người lập gia đình muộn nhưng cũng có được một cô con gái đang học ở Sài gòn. Ông xã Lan đã về hưu, Lan vẫn còn đang đi dạy. Cuộc sống tương đối ổn định...
Dù trời lắc rắc mưa, Lan cũng cố dẫn tụi mình đi thăm cầu sông Hàn. Đi bộ dưới chân cầu , chờ cầu sông Hàn quay mà chờ mãi hoài cũng chưa thấy. Tự nhiên mưa nặng hạt...cả bọn cuống cuồng chạy lại chỗ đậu xe. Vậy là tụi mình không có duyên thấy được cầu quay rồi. Thôi chào giã từ vậy...Giã từ sông Hàn...Hẹn ngày gặp lại...nhưng chả biết lúc nào sẽ gặp lại đây?

Ngày...tháng...năm....
Sáng nay Dũng phải vô lại Quảng Ngãi. Mấy chị em kéo đi ăn phở, có Dung và Bi cùng đi. Luyến lưu rồi cũng phải chia tay. Phải chi không có vụ bão lụt cản đường thì tụi mình đã ghé vô Quảng Ngãi thăm Thím Cường và các em rồi. Quả là mình tính không bằng Trời tính. Chờ Dũng lên Honda ra đi . Thy và Vân cũng ra phi trường trở về Sài Gòn, còn lại mình và My theo Dung vào chợ Cồn mua sắm. Áo quần may sẵn ở đây rất rẻ. Mua vài ba bộ làm kỷ niệm,tìm một ít đồ đá Ngũ Hành Sơn nhưng không thấy bán nơi đây. Rõ tiếc là đã nghe lời xúi dại của nhỏ Lan!!. Rời chợ Cồn, tụi mình đến nhà Thủy, chị của Dung chơi, ở lại ăn trưa. Trở về khách sạn thanh toán tiền bạc. Dung và Bi còn ở lại Đà Nẵng thêm vài hôm mới vào Sài Gòn. Chiều nay mình và My tiếp tục cuộc du hành tiến ra phía Bắc.
( Còn tiếp )
Forget Me Not Dalat