Friday, December 30, 2011

VNDK - Về Miền Nam

VIỆT NAM DU KÝ
Về Miền Nam

Ngày...tháng.... năm...


Rời Nha Trang mình về lại Sài gòn chuẩn bị cho chuyến xuôi Nam, về miền sông nước Hậu Giang, một trong những phần đất mà mình yêu mến nhất trên quê hương. Thoạt đầu mình và Mi bàn tính sẽ thuê một chiếc xe, thuê người lái, tụi mình sẽ ghé Vĩnh Long trước thăm bạn Mi, sau đó về Châu Đốc thăm gia đình Nhàn, Sậy, thăm viếng miếu Bà, có thời gian sẽ đi thăm vài tỉnh lân cận Châu Đốc như Rạch Gía, Hà Tiên nhưng qua sự sắp xếp của Nhàn chuyến đi của mình bị đảo lộn hết. Từ Nha Trang vừa về tới Sài Gòn chưa kịp nghỉ ngơi, cô bé Nhàn đã điện thoại lên cho biết. Sáng mai vào lúc bốn giờ sáng tụi em sẽ mang xe đến đón. Vậy là chẳng đặng đừng, chúng mình vội vàng đi ngủ để ngày mai dậy sớm. Chuyến đi này có Sa bạn thân của Mi ở Đà Lạt xuống cùng tháp tùng với bọn mình.
Chưa tới bốn giờ điện thoại đã reo vang, cô bé Nhàn và Huệ bạn Nhàn đã chờ dưới lầu khách sạn. Chúng mình nhanh chóng sửa soạn,làm vệ sinh thật nhanh rồi ba chân bốn cẳng xuống lầu. Ra đi khi trời chưa sáng, trời mát mẻ thật dễ chịu, đường phố thưa vắng xe cộ, nhưng chưa hưởng được sự thoải mái bao lâu đã thấy kinh hoàng vì một mùi hôi thối xông lên nồng nặc, hỏi ra mới biết là do cường triều, nước thuỷ triều dâng theo các sông lạch, nước cống bẩn đưa vào thành phố, mang theo những mùi thật khó chịu. Không biết chính quyền sẽ làm gì với hiện trạng đó?
Chiếc xe đò nhỏ mang tụi mình ra khỏi thành phố. Mình lại được nhìn những đồng lúa vàng óng ả dưới ánh ban mai, nhìn những cánh cò trắng bay là đà trên những cánh đồng chạy dài xa tít tắp, hết ruộng lúa lại đến vườn cây. Dừa xanh ẻo lả chen lẫn những cây mận xum xê đỏ tươi quyến rũ...Qua bao nhiêu năm miền Nam có đổi thay nhưng không thay đổi chóng mặt như Sài Gòn, như những tỉnh và những thành phố miền Trung mình đi qua. Đến điạ phận Sa Đéc, trước khi xuống phà để qua Bến Dinh thăm dì Hồng, bác tài trở tính nhất định không chịu đi viện cớ phà nhỏ , xe lớn đi không an toàn nhưng thật ra mình biết ông muốn về Tân Châu sớm để còn chở khách hẹn vì mình nghe loáng thoáng ông nói chuyện phôn với khách. Thật khó chịu với lối làm ăn tắc trách này vì Nhàn đã thuê bao theo lộ trình giao hẹn nhưng cuối cùng tụi mình vẫn phải nhượng bộ để Mi và Sa theo Huệ về Tân Châu trước. Mình và Nhàn qua phà đi Bến Dinh thăm dì Hồng. Chiếc phà nhỏ cũng chở được vài ba xe hơi và vài chục người. Phà rẽ sóng, máy tàu kêu xình xịch ... cái âm thanh quen thuộc của miền Nam sông nước gợi nhớ những chuyến đò ngày xưa cùng chàng lênh đênh suốt dọc con sông Cửu Long. Phà ghé bến Dinh, mọi người lục tục lên bờ. Mình và bé Nhàn đi cuốc bộ về nhà Dì Hồng. Dì Hồng mừng rỡ đón tụi mình vào nhà, thưởng cho mỗi đứa một ly nước dừa rồi dẫn mình lên lầu thắp nhang cho hai bác, ba má của dì, cũng là ba má của người mà một thời mình thương yêu. Bên di ảnh của hai bác là một lô hình của người từ bé đến lớn. Hình nào cũng khôi ngô tuấn tú. Người tự hào đẹp trai, người tự tin sống thọ với mắt lớn, tai dài... người thừa hưởng chiều cao của ba, vẻ mặt hiền hậu của mẹ. Bộ anh đây sao? Người mà mình đã có một thời yêu mê đắm, tưởng không bao giờ phải xa cách chia ly. Bộ anh đó sao? Anh đi đâu để giờ này hình anh được đặt trên bàn thờ cho em chào lạy. Thắp một nén nhang mình cầu xin cho ba má chàng bình yên nơi cõi xa xăm ấy. Mình không cầu xin gì hết cho chàng, chỉ cầu xin tâm hồn mình an lành...Trước khi rời Bến Dinh dì Hồng còn dẫn mình ra thăm khu mộ của dòng họ. Thật tủi thân cho chàng, trên ngôi mộ song thân ở hàng cuối có ghi tên họ, ngày sinh của anh nhưng không có tên ngày chết. Cậu con út mà ba má cưng yêu đã về nép bên mẹ cha, anh đã đời đời ở bên những người thân yêu...
Dì Hồng cùng với tụi mình tiếp tục xuôi Nam, khi thì đi phà, khi thì lên bờ dùng xe khách, không nhớ mình đã đi qua bao nhiêu nơi nhưng có những điạ danh khó mà quên được như Năng Gù, Thuận Giang, chợ Vàm, Long Sơn, Tân Châu... Mình cũng muốn xoá ra khỏi bộ nhớ những cái tên quen thuộc này nhưng không hiểu sao đầu óc mình vẫn khắc sâu, như dấu ấn ấy đã nằm yên nơi đó.
Đến Tân Châu, tụi mình gặp lại Mi và Sa ở nhà nhỏ Huệ. Trời đã trưa, cả bọn kéo ra quán, gọi những món đặc sản miền Nam, canh chua cá bông lau, ếch xào sả ớt, tôm nướng vỉ, cánh gà chiên nước mắm...Cả ngày bôn ba, đói bụng, tụi mình ăn uống thật ngon lành, khi trả tiền mới thấy thức ăn ở đây ngon và rẻ.
Từ Tân Châu tụi mình đi xe ôm về Kinh Sáng, đến đây là chặng cuối trong ngày. Về nhà Nhàn, căn nhà xưa của ngoại đây rồi, căn nhà bao nhiêu năm vẫn không thay đổi bao nhiêu. Ngôi nhà sàn cất cao đề phòng lụt lội, rộng lớn, cột kèo cứng chắc trơ lì với năm tháng. Hành lang trước nhà vẫn mắc những chiếc võng đưa, quanh nhà hàng dừa lả ngọn, mang đầy những quả, mình không biết là đây là những cây dừa năm xưa hay là những cây dừa mới trồng sau này?
Cất hành lý xong việc đầu tiên của mình là chạy nhanh ra con kênh sau nhà. Dòng kênh vẫn ngàu đục phù sa, lục bình vẫn bập bềnh trên sóng nước, hình như qua nhiều năm con kênh có rộng hơn vì bờ kênh bị đất chuồi và sạt lở. Trên dòng kênh những chiếc thuyền nhỏ chèo tay, thuyền máy đuôi tôm đập dìu qua lại, khuấy động con kênh... Phía bờ bên kia ngày xưa là bãi đất trồng bắp, giáp mé kênh dừa nước điên điển mọc um tùm, tụi mình đã từng chèo xuồng qua đó bẻ bắp, những quả bắp nghe nói lấy giống từ Ban Mê Thuột màu vàng ngọt thơm lại dẻo, còn hoa điên điển màu vàng hái về nấu canh, nấu lẫu và ăn sống ghém với những món rau hái ở đồng, chấm với nước cá rô kho... chao ơi sao mà ngon quá!!
Đi vòng vòng dọc theo bờ, ngắm nhìn hoạt cảnh trên kênh một lúc, mình quay lại bến cũ, ngồi dựa vào gốc dừa già cỗi dõi mắt nhìn theo đám lục bình trôi trên sóng nước. Nỗi nhớ quay quắt oặn lòng người trở lại! Nơi này ngày ấy, hai đứa tay đan tay, đầu tựa đầu, mộng mơ mong ước tràn đầy. “ Ước gì thời gian ngừng trôi, ước gì em được ngồi bên chàng mãi mãi ...” Ước mơ của chàng thực tế và đời thường hơn. “Anh chỉ muốn một ngày hoa nắng ngập trời, anh sẽ đón em về trên chiếc thuyền hoa. Em xúng xính trong bộ áo cô dâu vào ngày vui pháo nổ rộn ràng, rồi em sẽ buộc chặt đời anh, sẽ cùng anh đi qua bao nhiêu vùng sông nước...” Nhưng ước mơ chỉ là mơ ước chả bao giờ thành hiện thực... Anh không biết giờ này đang ở nơi đâu? Rừng sâu? Núi cao? Hay đang ở một một thế giới vô hình nào đó, đang đau buồn nhìn em nhưng không thể nói. Ờ, nếu có một thế giới mới ngoài cõi đời này, mình chỉ muốn được thấy lại chàng, dù chỉ đứng thật xa để nhìn ngắm.
Một chuyến phà cặp bến, tiếng xập xình của động cơ thật lớn lôi mình trở lại với hiện tại. Thẩn thờ đứng lên, bỏ lại chốn kỷ niệm sau lưng, mình quay lại nhà, Nhàn và Dì Hồng đang thái thịt, rửa rau chuẩn bị bữa cơm chiều, mình lên nhà trên làm quen với lũ cháu của Nhàn, vui đùa với các cháu. Tuổi thơ rất hồn nhiên, mới quen trong khoảnh khắc mà tưởng như đã quen lâu. Nắm tay mình, tụi nhỏ kéo mình ra vườn trước nhà. Để bọn trẻ chơi rượt bắt với nhau, mình lặng lẽ dạo quanh, lặng lẽ đếm từng gốc dừa, gốc bưởi trong vườn cây của ngoại, hương bưởi nồng nàn thơm ngát lan tỏa trong không khí. Cuối vườn một bụi khế với hoa tím nhỏ xinh xinh, vài cây so đũa trĩu quả...khu vườn ngoại mát rượi nhờ những tàn dừa cao và nhiều cây quả bao quanh. Cảnh sắc miền quê sao thanh bình êm ả quá. Chợt nghĩ phải chi mình được chọn nơi này sống những ngày yên vui quên mọi lợi danh thế tục thì hay biết bao nhiêu?
Buổi tối.... có một người ngồi đong đưa trên chiếc võng đưa âm thầm nhớ về ngày xưa thân ái rồi lặng lẽ khóc thầm.
Ngày... tháng...năm
Ở một đêm tại Kinh Xáng, sáng nay tụi mình lại tiếp tục ra đi. Nhàn kêu thêm Hùng, bé Ngân, Bé Ánh... mỗi người một chiếc honda chở tụi mình đi Châu Đốc. Hùng chở mình, Ánh chở Mi, Ngân chở Sa còn Nhàn chở Dì Hồng. Xe qua chiếc phà Châu Giang xuôi dòng qua Châu Đốc. Đến nhà Sậy cô bé bắt ăn sáng xong xe mới đến chở mọi người đi Ba Chúc, chuyến đi này có thêm Tường Vi con dâu của Sậy cùng với một tài xế và người bạn của ông cũng tháp tùng. Rời thành phố Châu Đốc xe chạy từ từ qua những vùng đất tương đối khô cằn, nhà cửa nhỏ bé nghèo nàn ít có sự thay đổi dù đã qua mấy chục năm thay đổi chế độ, trên đường đi thường gặp những chiếc xe đạp chất đầy mía đỏ do những thanh niên trẻ hì hục đẩy, không biết họ trồng mía ở đâu chứ hai bên đường không thấy vườn mía. Dọc bên đường thỉnh thoảng có những quán nhỏ treo vài ba chiếc võng , trước quán chất đầy trái thốt nốt để khách ngưng lại uống nước nghỉ mệt. Đến địa phận Ba Chúc mình phải vận động toàn bộ nhớ để nhớ lại rằng chỗ nào, nơi đâu mình đã đặt chân tới nhưng mình chịu thua. Chỉ có khi xe ngưng lại trước ngôi chợ, trước cổng đề năm xây dựng “1985”, xây sau khi mình đến những hơn mười năm, mình mới nhớ đây là ngôi chợ nhỏ năm nào mình đã từng lang thang ăn hàng, đã được thưởng thức món hủ tiếu Nam Vang tuyệt vời. Giờ ngôi chợ đã xa lạ đến không ngờ, mình không hề tìm lại được một nét thân quen xưa cũ.
Thăm qua ngôi chợ xong tụi mình tiếp tục cuộc hành trình đi xem nơi ghi lại tội ác của Khờ me đỏ. Họ đã vào thị xã này giết hàng loạt mấy ngàn người vào năm bảy tám, hàng ngàn đầu lâu chất đống ở đây. Mi và một người vài người không dám vào xem vì hãi sợ. Mình thì vào vái lạy nhưng không dám chụp hình. Cảm giác lành lành ở sóng lưng. Nhớ năm Khờ me tràn sang Việt Nam mình còn ở bên đó, chị Chín viết thơ kể lại mà kinh hoàng. Bọn lính Khờ me đỏ nửa tràn sang bắt dân tụ tập ở chùa rồi dùng dao, mã tấu chém đại trà, chỉ có một số người may mắn nhanh chân trốn vào núi là thoát được. Vào thời điểm trước đó vài tháng, trong dịp về thăm Nhàn, được đi thuyền trên dòng sông Cửu, mình cũng đã từng thấy thật nhiều xác người trôi trên sông khi quân Pôn Pốt giết chính dân họ thả trôi trên dòng nước. Khi xác tấp vào bờ, người dân hai bên sông đem vào chôn cất. Mình không thể tưởng tưởng con người với con người với nhau mà họ ác độc mất nhân tính đến vậy. Hôm nay đến thăm tội ác của bọn họ, mình hối hận là đã đến xem, thà không thấy để nỗi suy nghĩ và ám ảnh khỏi lảng vảng bên mình. Gởi một ít tìền để mua hoa và nhang khói cho bao vong linh vô tội chết oan khuất nơi đây, mình rời xa nơi này với lòng trĩu nặng buồn thương. Hận thù, chiến tranh luôn đi liền với mất mát và chết chóc.
Chặng đường cuối cùng của mình khi tới Ba Chúc là ghé thăm chị Chín, giờ chị sống trong một ngôi chùa gần núi. Chị đã trên sáu mươi, tóc bạc phơ nhưng nước da chị vẫn rất đẹp. Những ngày rằm mùng một các đạo hữu đến thăm chùa, chị nấu ăn, châm nhang đèn hoa quả. Gặp chị sau mấy mươi năm xa cách, nhắc lại chuyện xưa để thấy đời sống vô thường, con người sống với khổ đau nhiều hơn hoan lạc. Anh Chín đã qua đời, chị sống với đứa con duy nhất của hai người nhưng tâm thần cháu không được bình thường. Cầm chặt tay mình chị thủ thỉ “ Nếu chú ấy biết được, em sống như vầy hẳn chú vui lắm ” Mình ứa nước mắt khi chị gợi lại dĩ vãng, cái dĩ vãng quá đẹp để mình khó quên. Thắp nhang lạy Phật chúng mình ra sau chùa lên ngọn núi đá chụp hình, nhảy nhót từ phiến đá này qua phiến đá khác, Mi và mấy đứa bạn vui vẻ giữa thiên nhiên nên thơ bao quanh, nói chuyện líu lo, rồi đem trái cây ra ăn, những quả nhãn Tân Châu ngọt lịm, trái nhỏ xíu nhưng cơm thật dày và hột tí nị. Lựa một phiến đá bằng phẳng mình đưa máy hình zum ra xa, những ruộng lúa xanh trải dài đến cuối chân mây, xa xa là những ngôi nhà tranh với những hàng tre bao quanh rũ bóng, vài chú gà trống chậm rãi tìm thức ăn, lục tung đám cỏ lá tre, chả biết chúng tìm được gì trong đó?. Thả tầm mắt xa hơn, sau rặng núi là nước bạn mà xưa kia những người bạn láng giềng thỉnh thoảng tràn sang cáp duồn để cho “ người” phải ra sức bảo vệ. Dù nơi đây không phải là ngọn núi xưa kia mình đã được đến nhưng sao mình vẫn thấy thật quen thuộc. Giọng chàng vẫn như thoáng đâu đây ngọt ngào đầm ấm : “ Nhìn xa chỗ kia là biên giới đó em. Biên giới của nước mình và nước bạn chỉ là một dãy núi dài và nếu muốn mình có thể băng qua....” Mình ngậm ngùi tự nghĩ: không biết biên giới giữa mình và chàng hiện giờ dài bao nhiêu đây hở?
Quá trưa mình rời Ba Chúc, cảnh cũ lạ xa, người xưa mất hút cho mình những luống ngậm ngùi...Trên đường về xe chạy nhanh hơn, bác tài chạy nhanh để kịp đến một quán ăn được đồn đãi là nổi tiếng. Ở đây đặc biệt là dùng toàn thịt bò, kiểu bò bảy món. Những món ăn nướng toàn dùng vĩ nướng trên than, thịt bò lại tươi, ăn rất ngon và giá cả cũng phải chăng. Chè chén no say, chúng mình chạy về, tiếp tục đển thăm miếu Bà. Miếu Bà ở Châu Đốc thật nổi tíếng. Hàng năm đến Lễ Viá Bà là bao nhiêu người đến chiêm bái Bà Chúa Sứ. Mình đến không nhằm Lễ Vía Bà nhưng cũng khá đông người đến thăm, nghe nói mọi người đến cầu nguyện, cầu xin việc làm ăn, cầu xin sức khoẻ đều thuận lợi. Có nhiều gia đình mang đến cúng thường xuyên. Trong mâm cổ dâng cúng mình thấy bao nhiêu là hoa quả và có cả heo quay nữa. Tụi mình vào miếu thắp nhang xong đi quanh quanh chụp hình, nơi nào đi qua mình cũng ghi lại một vài tấm hình làm kỷ niệm.
Trở lại thành phố Châu Đốc đã hơn sáu giờ chiều. Hẹn với Sậy ở lại Châu Đốc một đêm để thăm thành phố kỷ niệm sau bao nhiêu năm trở lại nhưng không hiểu sao trong mình chỉ muốn rời xa nơi chốn này ngay. Buồn quá! Buồn đến dại người!…Kỷ niệm ùa về. Phố trưa Châu Đốc với bụi cay vướng mắt đỏ kè khiến cho chàng phải đi tìm thuốc nhỏ. Quán chè sát dòng sông hai đứa tỉ tê tâm sự không muốn về và cuối cùng cuốn phim “ Vĩnh biệt tình hè ” ngày ấy như một điềm mang xui xẻo đến. Không muốn đi tìm lại một thoáng hương xưa, lấy lý do không có thời gian chuẩn bị cho chuyến về lại Mỹ, tụi mình nhờ Tường Vi gọi người quen mua vé trở lại Sài Gòn. Khoảng nửa tiếng sau xe đến tận nhà đón. Chào giã từ gia đình Sậy, lưu luyến chia tay với các anh chị em đã ân cần tiếp đón tụi mình trong mấy hôm nay, chào giã từ thành phố thân yêu với một thời hoa bướm cũ, nước mắt đoanh tròng mình buồn bã bước lên xe. Nhàn ôm chặt mình trong vòng tay rồi dúi cho mình một hộp giấy, em thì thầm: “ của chị đó ”
Lên xe, mình chọn băng ghế thứ hai sau bác tài, Mi và Sa ngồi bên cạnh. Lẳng lặng mình đem món quà của Nhàn gởi ra xem. Một lá thư nhỏ do Nhàn viết để trên cùng “ Chị ơi, trước khi cậu đi đã gởi cho em cất giữ những lá thư này. Cậu đã rời xa. Em nghĩ chị sẽ thật ngạc nhiên khi có lại những gì chị đã trao gởi cậu.” Những lá thư với phong bì màu xanh do mình tự tay làm lấy được cắt gọn gàng đề ngày tháng năm theo thứ tự nhận được làm lòng mình chùng xuống. Cảm ơn người đã trân trọng giữ gìn... Mình đọc lại những gì đã viết mấy mươi năm về trước trong bóng tối chập choạng của buổi chiều đang đến. Nước mắt nhạt nhoà rơi.
Forget Me Not Dalat

Monday, December 5, 2011

Monday, September 5, 2011

Nói Chuyện Với Con

Những ngày mẹ sắp sinh con. Mẹ khấn nguyện ăn chay một tháng. Không biết có phải vì thiếu dinh dưỡng hay không mà con ra đời sớm hơn bốn tuần lễ. Khi cô y tá bồng con đến cho mẹ ngắm. Cô mới báo cho mẹ biết “ Nó là một chú bé trai chị ạ” Mẹ thật sự vui mừng. Nói theo Bà ngoại “ có cả nếp lẫn tẻ ”cũng vui. Lúc mới sinh, con mẹ bé tí tẹo nhưng dài đòn, ốm nhom ốm nhách, trán đầy nếp nhăn. Chả thế, lúc chị Liên vào thăm em đã phán một câu “ Em mình xấu xí quá, nước da vàng chạch, mặt đầy vết nhăn. Em giống một ông già nhỏ. Con hổng thích em này đâu”. Riêng bố vui lắm. Đương nhiên, vì bố đã có một đồng minh !….

Khi con được một năm, con bụ bẫm, trắng trẻo , dễ thương như một thiên thần. Đưa con đi đến đâu cũng được bạn bè dành bế. Ai cũng khen con : “Đẹp trai” quá! Lớn lên chắc có khối cô mê.” Chi ̣ Liên của con vẫn cứ càm ràm về con mãi : “ Em hư lắm… Chạy tứ tung trong nhà, làm mẹ mệt.. Hổng thích em đâu…”

Lúc con bốn, năm tuổi, Mẹ gởi con đi nhà trẻ. Mặc áo quần chỉnh tề trông con như lớn hẳn lên. Ngày đầu tiên ở nhà trẻ về. Con thỏ thẻ với mẹ: “Mẹ ơi. Hôm nay cô giáo dạy con: “ Nếu ai giúp con làm một việc gì hoặc cho con cái gì đó. Con phải nói “ Thank you”. Khi con giúp người ta, người ta nói “ Thank you”. Con phải nói “ You well come ” mẹ ạ.” . Người ta thường nói với mẹ ở Mỹ trong trường học không có môn Đạo Đức. Theo mẹ nghĩ : Những điều con nói với mẹ, có thể nói đó là bài học “ Lễ phép”. Không phải điều đó nằm trong môn Đức dục sao?

Vào dịp lễ Giáng Sinh năm con bảy tuổi. Con đã học khá giỏi, biết làm tính, đánh vần, biết đặt câu, viết những câu ngắn . Lần đầu tiên ba mẹ nhận được tấm thiệp Giáng Sinh do tự tay con vẽ và những lời chúc thật ngộ nghĩnh:

“ Dear Mom anh Dad ,
I love you very much because You are my Mom and my Dad, because You sign my home work . Signature: Andrew ”

Bố mẹ đã không khỏi nín cười với lời lẽ ngây thơ của con. Bố mẹ cũng rất vui vì điều đó xuất phát từ lòng yêu, sự biết ơn của con dành cho bố mẹ… Nói theo lời lẽ của con, mẹ cũng muốn viết cho con như vầy con nhé: “ Ừ, Bố mẹ cũng thương con thật nhiều vì con là con của bố mẹ. Con là con của bố mẹ nên bố mẹ sẽ ký bài làm của con hoài hoài .”

Mẹ nhớ thật nhiều kỷ niệm năm con lên chín tuổi. Con học thật giỏi ở trường. Con cũng thật xuất sắc trong lớp học võ. Nhìn con trong bộ võ phục màu đen, lanh lẹ xuống tấn , đi quyền, múa côn thật lanh lẹ . Mẹ và Bà ngoại đã cười thật vui khi thấy con giỏi giang, linh hoạt đến vậy. Mỗi lần sinh hoạt gia đình, ai cũng bắt chị em con ra múa võ hoặc đàn những bản nhạc các con vừa học ở trường ra. Bố mẹ không tiếc công phải làm việc thêm giờ để cho chúng con đến học ở một giáo sư người Mỹ . Cũng trong năm này, trong cuộc thi “ Accordion federation of North America ” Con đã vinh dự đoạt giải nhất về Piano trong lứa tuổi của con( Lord 9 ). Con mang đến cho Cô giáo và bố mẹ niềm vui thật lớn …Mẹ đã ứa nước mắt sung sướng nhìn con ngồi chững chạc, oai vệ với chiếc trophy trong tay, đứng sau lưng là những “court” của mình. Phần thưởng tinh thần, các con dành cho bố mẹ là những kết quả do chúng con đạt được đó….

Tháng ngày dần qua, con đã bước vào lứa tuổi mười bảy. Cậu bé ngày xưa tí nị nay đã cao lớn như một thanh niên Mỹ…Cũng may là con vẫn giữ được tâm hồn Việt nam. Con vẫn mê những món ăn Việt nam do dì, do mẹ nấu. Con vẫn giữ ngôn ngữ của mẹ cha khi nói chuyện với gia đình. Trong trường, trong lớp con cũng năng nổ hoạt động …Thật ngạc nhiên, một ngày con mang đến cho mẹ xem những bài con viết và cắt ra từ trong báo, những đề tựa nói lên không ít sự quan tâm của con ở nhiều vấn đề “ Save the Earth for future generations” “ Shoudn’t we learn from past mistakes?” “ From communism to terrorism” Thì ra con cũng đã trưởng thành…ý thức được bổn phận, trách nhiệm của một đứa con trong gia đình, một công dân trong xã hội. Có một điều mẹ cũng muốn nói với con, mẹ không mấy vui khi thấy con dành thì giờ quá nhiều với máy tính của con. Mẹ lo lắm …nhưng mỗi lần la rầy con. Con không cãi lại mà chỉ trả lời là “ Con học được rất nhiều từ computer mẹ ạ.” Mẹ chỉ mong con học ở đó những điều hay, những điều bổ ích thôi. Thật ra mẹ cũng tham lam lắm phải không?

Năm con lên mười tám. Con tốt nghiệp cấp hai, là một trong “top five” của trường với thật nhiều thành tích đạt được. Ngồi bên dưới lễ đài nhìn con chững chạc bước lên nhận bằng tốt nghiệp với chiếc áo màu trắng, đeo đai vàng nỗi bật trong đám đông với màu xanh khác biệt của các bạn. Mẹ thật vui mừng, hãnh diện về con, niềm vui khiến mẹ ngơ ngẩn như chính mình đang nhận được phần thưởng quý giá ấy. Mẹ biết những thành tích con đạt được ở trường luôn làm bố mẹ hài lòng nhưng mẹ muốn con phải cố gắng nhiều hơn nữa, trong học hành, trong quan hệ với Thầy Cô, với bạn bè và những người chung quanh.
Rồi con xa nhà, vào trường Đại học. Với số điểm tốt nghiệp cao 4.60, có nhiều trường Đại Học nổi tiếng như UC. LA, Bekerley đều muốn thu nhận nhưng con chỉ muốn đến với ngôi trường con yêu thích, trường UC San Diego. Con bảo, con thích học ở đây vì con thích không khí trong lành của vùng này, thêm nữa con có thể sinh hoạt với các bạn ở Hội sinh viên Việt Nam , hội sinh viên ở đây rất tốt. Là một người Việt Nam, sinh ra ở Việt Nam nhưng lớn lên, trưởng thành trên nước Mỹ, con vẫn không quên nguồn cội. Con đã thể hiện niềm tự hào là người Việt trong cuộc thi Mr. Việt Nam do đồng hương Việt Nam và Hội sinh viên San Diego tổ chức trong dịp Tết Tân Mão. Trong thể lệ cuộc thi thí sinh phải thể hiện một năng khiếu của mình. Khán giả thật hài lòng khi con trình bày một liên khúc với những bài ca vừa nhạc Mỹ và nhạc Việt bằng đàn dương cầm. Bài “ Mưa Hồng ” được các bạn trẻ ưa thích cùng bản nhạc “ Lòng Mẹ ” được cả những người trẻ và những người lớn ngồi lắng nghe với tâm hồn lắng đọng, sâu lắng, dạt dào như tình cảm của tác giả trải dài trong lời ca ý nhạc – Lòng mẹ bao la như biển Thái bình dạt dào, tình mẹ tha thiết như làn gió đùa rì rào... Trong cuộc thi Giám khảo còn đặt một câu hỏi, mẹ chỉ nhớ đại khái nội dung : Bạn phải làm gì với những bậc cha mẹ để họ cảm thông khi con cái họ lấy người nước ngoài ?- “ Đồng ý các bậc cha mẹ đã quen nề nếp văn hoá, phong tục Việt nam, đương nhiên họ cũng muốn con cái họ phải quen biết và lập gia đình với người mình, trong khi người trẻ lớn lên có cơ hội tiếp xúc gần gũi dẫn đến sự yêu thương người nước ngoài, nếu em gặp trường hợp như vậy em sẽ giải thích để gia đình em hiểu được...” Sau đó con vừa cười vừa nói tiếp “ Nói thì nói vậy chứ riêng em , em chỉ thích lập gia đình với người Việt Nam thôi, con gái Việt Nam đẹp quá mà, nhất là khi mặc chiếc áo dài Việt Nam” Khán giả cười ồ thích thú. Riêng mẹ rất tâm đắc với câu trả lời của con. Mẹ nghĩ có thể nhờ biết lựa chọn cách trình bày năng khiếu của mình và trả lời khá dí dỏm các câu hỏi của giám khảo mà con đã đạt được danh hiệu Mr. Việt Nam trong cuộc thi đó. Mẹ vui làm sao khi nhìn thấy bạn bè bao quanh con, ôm con, nhấc bỗng con lên, la hét đến khản cả tiếng với câu “ I love you. I proud of You” Qua đó mẹ cũng biết được sự thương mến của bạn bè dành cho con của mẹ.
Giờ này con đang cùng bạn bè tiếp tục trau dồi học hỏi ở trường Đại Học, ngôi trường mở ra cho con nhiều mơ ước ở tương lai. Bố mẹ mong con cố gắng học hành, tu dưỡng đạo đức, mai này có thể mang khả năng và sự hiểu biết của mình phục vụ đất nước, đất nước đã mở rộng vòng tay giúp đỡ gia đình chúng ta, giúp đỡ bao nhiêu người dân Việt chúng ta, những người đã bỏ nước ra đi chỉ với lòng tha thiết yêu chuộng tự do . May mắn biết bao nhiêu khi gia đình ta đã được đến nơi đây, xứ sở của tự do, xứ sở của tình yêu và hy vọng. Mẹ, gia đình mẹ luôn tri ân, cảm ơn muôn vàn xứ sở đã cưu mang chúng ta, đã cho bố mẹ có một cuộc sống không giàu nhưng đầy đủ ấm no, hạnh phúc, đã cho các con của mẹ được học hành, được sinh sống, được chấp cánh vươn tới những ước mơ ... Hoa kỳ là xứ sở của cơ hội. Các con có thật nhiều cơ hội đạt thành những mơ ước và muốn thực hiện những điều con mơ ước ấy, mẹ nghĩ con phải thật quyết tâm và cố gắng. Tương lai của các con thênh thang rộng mở. Một tương lai tốt đẹp đang chờ đón con. Bố mẹ lúc nào cũng bên cạnh các con, hết lòng ủng hộ con, thương yêu con, là điểm tựa khi con cần đến ...Hãy nói với mẹ những điều con muốn nói, muốn san sẻ nha con. Con thương yêu! lúc nào, bao giờ … con cũng vẫn là đứa con bé nhỏ, út ít của mẹ….

Sunday, September 4, 2011

VNDK CHỊ TÔI




CHỊ TÔI


Tôi đến chợ Phú Quý Phan Rang khoảng năm giờ chiều, chợ vẫn còn đông đúc người mua kẻ bán. Đi lòng vòng trong khu chợ nhỏ, hỏi thăm một vài người bán hàng là chúng tôi tìm ngay ra nhà chị. Mỗi lần viết thư cho chị điều mà tôi bực mình nhất là chỗ chị ở không có số nhà. Cứ như là sống một nơi khỉ ho cò gáy không ai biết đến. Thơ cho chị chỉ ngắn gọn đề tên thằng Vọi con trai chị, và tên ngôi chợ mới. “ Chợ Phú Quý ” Giờ đi tìm nhà mới thấy ở ngôi chợ nhỏ này, mọi người đều biết nhau. Ngôi nhà chị cất sát chợ. Nhà hai tầng, mái ngói...trước cửa nhà chị bày một sạp hàng bán trứng vịt, cá khô, nước mắm... Để tạo sự ngạc nhiên cho chị, tôi đội chiế́c mũ che kín vầng trán, mang kính to bản sậm màu, làm như người mua hàng tôi hỏi mua ít hàng hóa mang về Sài Gòn. Quên giả giọng nên khi ngước nhìn tôi chị nhận ra tôi ngay: “ Xạo mày! Nghe giọng nói là tao biết mày ngay mà.” Vẫn như xưa chị vẫn mày tao chi tớ với tôi. Cái tội mà mẹ tôi la mãi vẫn không chừa. Rồi khuôn mặt đang rạng rỡ reo vui bỗng dưng chùng xuống, chị oà lên khóc nức nở “ Chỉ mình mày về thôi sao? Tao nằm mơ thấy cả mày và Anh Châu về thăm tao. Sao chỉ có mày về thôi hả?” “ Tôi về được là cả một một vấn đề rồi. Còn Anh Châu, chị biết mà, cho đến chết ảnh cũng không quay lại ”. Nước mắt đoanh tròng chị lôi tôi vào nhà. Vào trong nhà, căn phòng rộng nhất chị để đủ thứ hàng hóa, vài giỏ lớn chứa trứng cút, trứng gà vịt, măng khô... ngoài ra còn có thêm một số mặt hàng như hành tây, tỏi, cà chua. Nhìn chung tôi đoán cuộc sống của chị cũng đã khá giả hơn trước, cũng mừng cho chị. Có điều trông chị hôm nay tưởng như một người đàn bà khác. Chị già đi thật nhiều. Không ai có thể hình dung chị là một hoa khôi năm nào ở một trường trung học tư thục nổi tiếng của Đà Lạt. Mái tóc dài đen mượt ngày nào giờ khô cằn xơ xác, trắng không ra trắng, đen không hẳn đen, được cắt ngắn như những bà xẩm thường gánh bánh bao, bánh mì đi dạo trên đường phố ngày nào. Mới ngoài sáu mươi mà khuôn mặt chị có thật nhiều vết nhăn, chị cười nhưng đôi mắt như chứa nhiều phiền muộn. Ngồi bên chị tôi ngỡ như đang trở về bên chị với những tháng năm thần tiên ở Đà Lạt quê tôi. Chị tôi hơn tôi những mười tuổi nên tôi được chị bồng ẵm, chăm sóc hồi tấm bé... Chị đã từng cõng tôi trên lưng mò mẫm chui vào từng bụi lau, bụi sậy để hái những quả bứa rừng, những trái mát mát theo lời đòi hỏi của người em quá quắt. Chị khác nào người mẹ trẻ luôn gần gũi bảo vệ tôi, chị đã nhận giùm tôi những lỗi lầm về phần mình để hứng đỡ những ngọn roi đau mỗi lần tôi phạm lỗi. Chị đã chiều tôi mọi điều kể cả những đòi hỏi thật vô lý. Có một lần tôi đã năn nỉ chị trèo lên mái nhà lấy cho được một tổ chim sẻ. Chị đã cho tôi biết làm như thế chim mẹ sẽ buồn, chim con cũng buồn phải xa mẹ, không biết có thể sống được không, nhưng tôi vẫn không nghe, nhất định đòi chị phải lấy cho bằng được tổ chim đó. Chiều tôi chị đã phải khó khăn lắm mới lấy tổ chim xuống được. Tôi dành chị phần đút cơm cho hai chú se sẻ con thật dễ thương. Dù được chăm sóc kỹ lưỡng nhưng chỉ qua mấy ngày hai chú chim tội nghiệp cũng chết, không biết chi vì xa mẹ, thiếu hơi ấm chim bỏ ra đi, hay bởi vì chim chết vì bội thực vì tôi cho chim ăn nhiều quá. Chị em tôi có biết bao nhiêu điều để nói, biết bao nhiêu kỷ niệm để nhớ về. Chị như người mẹ thứ hai mà tôi luôn thương quý.




Người ta thường nói “ Hồng nhan bạc phận ” câu nói ấy thật đúng khi nói về chị tôi, người đàn bà đã có một thời xinh đẹp ấy. Thuở ấy, dáng chị cao, thân hình thật cân đối, nước da trắng mịn màng, thật nhiều chàng trồng cây si, nhất là các thanh niên chòm xóm và các chàng Sinh Viên Sĩ Quan, bạn học của anh trai tôi. Được săn đón, chiều chuộng và tỏ lời thương yêu của nhiều chàng trai khá gỉả nhưng trái tim chị lại trao cho một thanh niên lớn hơn mình cả mười tuổi, làm huấn luyện viên thể dục trong một trường Quân đội, đã từng có vợ và ly dị vợ. Khi yêu đắm say thường ta hay quên đi khuyết đỉểm của người yêu mình, mặc dù bị gia đình phản đối chị cũng nhất định đòi lấy cho bằng được người mình yêu. Chị lấy chồng ở lứa tuổi đôi mươi, bỏ cả việc học đang dang dở. Sau khi lấy chồng, chồng chị chuyển công tác về Sài Gòn. Chị theo chồng về sống ở đó, lần lượt ba đứa con ra đời, hai trai, một gái. Sống ở nơi đô hội, bao quanh biết bao nhiêu gái đẹp, lại thêm bản tính đa tình, chồng chị lăng nhăng với nhiều người con gái khác, cuối cùng lập phòng nhì với một người đàn bà góa đã có con. Chị ghen tuông thì người chồng không nương tay đánh đập thậm tệ. Chị phải viết thư về nhà kêu mẹ xuống đón chị về. Về lại Đà Lạt, chị phụ với mẹ buôn bán nuôi con, cả tuổi thanh xuân không có được những ngày hạnh phúc. Rồi biến cố bảy lăm xảy ra, chồng chị bị đi tù. Quên đi những tháng năm bị ngược đãi chị lại lặn lội thăm nuôi chồng. Ngày chồng được thả ra chị lại nghe lời chồng bỏ Đà Lạt mang theo con cái về Phan Rang, dắt díu nhau lên tận một làng Chàm xa xôi thiếu thốn mọi tiện nghi để tránh sự theo dõi của chính quyền điạ phương. Mấy năm ở làng Chàm làm ruộng làm rẫy. Nắng khô, hạn, lại thêm mùi vị của nước biển, của gió cát ở vùng đất khắc nghiệt ấy làm làn da chị già cỗi, xấu hẳn đi ...Mỗi lần về thăm mẹ, nhìn đứa con yêu của mình khổ sở tàn tạ, mẹ chị cằn nhằn, cẳn nhẵn chị hoài, chê chị ngu, chị khờ khạo đi nghe lời một người không ra gì để bây giờ làm khổ chị, làm khổ con mình... ở làng Chàm được vài tháng người chồng đề nghị với chị cho chàng vượt biên. Để chồng ra đi, gánh nặng gia đình hằn trên đôi vai chị. Những đứa con lớn lên trong một xã hội chủ nghĩa, có cha là người làm việc trong chế độ cũ, là tù cải tạo cải tạo trở về lại thêm tội phản động vượt biên. Thật khó khăn khi phải sống trong chế độ hà khắc, vậy mà chị vẫn cố gắng làm việc cực nhọc cố gắng vươn lên, nuôi con, cho con ăn học đến nơi đến chốn. Nỗi đau của người mặt lại quặn thắt hơn khi đứa con gái xinh xắn, dễ thương của chị đột ngột qua đời chỉ sau vài cơn nóng sốt. Tội nghiệp chị với nỗi mất mát đớn đau ấy. Chị ngơ ngơ ngẩn hằng bao nhiêu năm dài mới nguôi ngoai nỗi mất con. Chồng chị vượt biển ra đi thật may mắn được đến bến bờ tự do. Xa cách muôn trùng, thêm nữa tính bay bướm vẫn không rời người chồng, chồng chị tiếp tục bước thêm từng bước, từng bước với những người đàn bà khác. Qua Mỹ được một thời gian, chồng chị gởi giấy tờ bảo lãnh cho con chị. Cậu con đầu thương mẹ không đi chỉ có người con thứ theo bố qua Mỹ. Chồng ra đi, Chị bỏ hẳn làng Chàm về mua đất làm nhà ở Phú Quý. Tuy cuộc sống đỡ cực nhọc hơn nhưng chị sức khoẻ của chị lại sa sút vì chứng đau khớp, kết quả của những tháng ngày lao động vất vả vẫn bám mãi không rời. Rồi những tháng ngày gần đây, mỗi lần gọi điện thoại về chị đều khóc và nói những lời như trối trăn “ Phúc ơi, tao sợ tao không có cơ hội gặp lại mày, gặp lại Anh Châu. Anh Châu và mày không muốn về thăm. Tao lại không có cơ hội qua đó. Tao nhớ mày lắm Phúc ơi. ” Lời chị như xoáy buốt tim tôi, những kỷ niệm về gia đình về chị lại thường tìm đến với tôi trong những giấc mơ. Từ lúc bỏ nước ra đi, tôi không một mảy may muốn quay lại nơi quê hương tội đày của mình, tôi không hề muốn quay lại nơi chốn đã chôn vùi tuổi thanh xuân của tôi trong lò cải tạo chịu nhiều nỗi đớn đau từ tinh thần đến thể xác. Thế nhưng, con người yếu đuối tình cảm của tôi lại quắt quay mỗi khi nhớ đến người chị khốn khổ của mình. Tôi đã tìm về thăm chị qua hai mươi năm trời xa xứ. Tôi đã găp lại người chị già nua, bịnh hoạn của mình, đau xót không chia được nỗi buồn, nỗi đau của chị. Nhìn chị gầy yếu so với những tháng ngày xưa mà xót xa thương cảm, mà bức rức đau lòng. Ngồi bên chị, hai chị em tay đan tay trong nhau tôi thấy ấm áp làm sao, hạnh phúc làm sao. Có tôi bên chị, chị vui cười nói huyên thiên, hỏi chị về căn bệnh thấp khớp chị cười nói : “ Tao đã bớt nhiều. Có mày về thăm, tiếp thêm nguồn sinh lực, tao sẽ mạnh lại ngay mà.”
Buổi sáng giã từ chị ra đi, chị cầm tay tôi bịn rịn “Những ngày ngắn ngủi em ở bên chị là hạnh phúc lớn lao nhất chị nhận được trong tháng ngày này. Chị cảm ơn Trời Phật đã đưa em về gặp chị. Chị cảm ơn em đã “quên” những điều không thể quên để về thăm chị. Em nhớ giữ gìn sức khỏe nghe em. Có sức khoẻ là có tất cả”. Ôm chị thật chặt trong vòng tay, nước mắt tôi ứa ra, không biết tôi khóc vì sắp xa chị hay vì chị ốm quá làm tôi xót xa thương chị. Leo vội lên xe tôi không dám quay đầu nhìn chị và tôi chợt nhận ra lần đầu tiên chị không xưng mày tao với mình.
Về lại Mỹ chỉ ba tuần sau thì chị của tôi ra đi. Chị đã dấu không cho tôi biết là chị đã vướng phải căn bệnh ngặt nghèo không chữa nỗi. Những ngày tôi ở bên chị, căn bịnh ung thư của chị đã đến thời kỳ cuối, chị đã cố gắng chịu đựng những cơn đau chợt đến, chợt đi mà...trời ơi tôi không hề hay biết. Tôi thật vô tâm và đáng trách làm sao... nhưng dù gì tôi cũng đỡ ân hận vì đã có cơ hội gặp chị lần cuối cùng, đã mang đến cho chị những nụ cười vui, những giọt nước mắt buồn khi cả hai nhắc về quá khứ. Giờ thì chị của tôi đã đi xa, thật xa... Chị ơi! Em cầu xin cho chị đang cùng ba mạ sống trong một cõi bình an miên viễn nhất, hạnh phúc nhất. Em nhớ chị lắm chị ơi....
Forget Me Not Đalạt


VNDK Thăm Nha Trang Ngày về với biển



VIỆT NAM DU KÝ
( Tiếp theo )



NGÀY VỀ THĂM BIỂN

Ngày....tháng ....năm...

Thắm thoát mình về Việt Nam được hai mươi ngày. Hôm nay tụi mình sẽ đi Phan Rang như dự tính. Mới sáu giờ sáng, Lộc, cậu tài xế bà con với Dung đã gọi điện thoại : “ Chị ơi em đang đứng ở trước cửa khách sạn nè.” “ Ủa, sao em nói bảy giờ mới đến. ” Lộc cười to trong điện thoại “ Em biết mấy chị sửa soạn lâu lắm nên đến trước trừ hao.” Mở cửa khách sạn đón Lộc vào, hai chị em vội vàng đi đánh răng rửa mặt. Hành lý mang theo đã chuẩn bị hôm qua nên không đầy nửa tiếng là tụi mình đã lên xe. Gọi điện thoại báo cho Dung biết sẽ đến đón cô nàng sớm hơn dự tính, Dung vui vẻ báo là đã chuẩn bị xong, ngay món điểm tâm là xôi và bánh mì thịt cũng đã chuẩn bị để tiết kiệm thời gian đi ăn sáng ở tiệm.
Buổi sáng Đà Lạt trời lành lạnh, cái lạnh se se của những ngày đầu mùa Đông, ngồi trên xe tụi mình lấy bánh mì ra gặm, vừa nhâm nhi bánh mì vừa nhắc lại những kỷ niệm xa xưa, nhớ nhất là những hôm trời lạnh chờ bánh mì Vĩnh Chấn ra lò, những chiếc bánh mì dài, nhỏ , ốm như cái que bên ngoài có phết một chút bơ. Bẻ một miếng nhỏ bỏ vào miệng, cắn kêu “ rộp ”, vị béo của bơ trộn lẫn vị bùi đặc biệt của bột mới hấp dẫn làm sao!. Nhai bánh mì trong cái lạnh của Đà Lạt mới thấy thú vị. Nhớ ngày xưa, gần nhà thờ Tin Lành cũng có lò bánh mì tên “ Hoà Bình ” Đặc biệt ở đây có bánh mì ba tê kiểu Pháp. Mình chưa thấy bánh mì ba tê ở đâu ngon bằng đây. Thuở ấy, mẹ hay sai mình đi chợ cùng với cậu em trai. Hai chị em mê ăn bánh mì ba tê đến nỗi không dám đi xe, để dành tiền ăn bánh. Đến tiệm bánh, rón rén vào cửa, bấm nhẹ chuông chờ chủ ra bán. Hai chị em dán mắt nhìn vào tủ kính. Hấp dẫn làm sao! Những chiếc bánh mỳ ba tê xếp cạnh những cái bánh croisant rám vàng, những cái bánh ngọt hình sừng trâu, những chiếc bánh paté chaut bóng nhẫy bơ... Nhìn món gì cũng muốn mua nhưng sau chót tụi mình chỉ chọn món bánh mì trét ba tê mà thôi. Cái vị béo, bùi hấp dẫn của những chiếc bánh mì ở hiệu Hòa Bình làm mình nhớ mãi. Bánh mì Dung mua hôm nay cũng thật ngon, nghe nói là một tiệm nổi tiếng ở đường Duy Tân nhưng với mình làm sao ngon bằng những ổ bánh mì ba tê ngày xa xưa ấy. Tụi mình vừa ăn vừa nói chuyện líu lo trong khi xe đã chạy qua bao nhiêu đường phố Đà Lạt. Từ đường Phù Đổng Thiên Vương xe chạy thẳng qua Đinh Tiên Hoàng, rồi chạy xuống đường bờ hồ Xuân Hương. Vẫn theo lộ trình xưa, xe theo đường Trần Hưng Đạo để từ từ ra xa thành phố, đi về hướng Sào Nam, Trại Mát. Đến đây tụi mình mới sực nhớ là đã quên không mua ít rau và trái cây đi biếu bà chị. Vậy là bác tài phải ngừng lại cho tụi mình vào chợ Trại Mát. Đi loanh quanh trong chợ thấy rau không tươi, trái cây cũng vậy nhưng kẹt quá đành mua ít khoai tây, cà rốt làm quà. Chiếc xe chở chúng mình lại tiếp tục lên đường. Trạm ngừng chân kế tiếp là Trạm Hành. Tụi mình ghé thăm gia đình anh Ẩn. Ngôi nhà anh cất trên một ngọn đồ̉i, nhà thật đẹp, cách trang trí rất mỹ thuật. Gia đình là một trong những nhà giàu nổi tiếng trước đây. Sau tháng tư bảy lăm nông dân bị xung vào tập thể, đời sống dân chúng đi xuống tận cùng, cũng may từ ngày nhà nước Cộng Sản buông ra cho làm ăn cá thể trở lại, nhà vườn, nông dân dễ thở hơn...nhờ vậy gia đình anh khá giả lại. Không có thời gian nhiều tụi mình giã từ anh chị tiếp tục cuộc hành trình. Qua Trạm Hành đến Đơn Dương, xe từ từ đi vào con đường đèo tuyệt đẹp của Đà lạt. Lâu quá lâu rồi mình mới đi lại trên đèo này. Ngày trước mỗi lần có dịp đi Nha Trang hoặc ra Trung là bắt buộc phải đi qua đèo Ngoạn Mục. Đường đèo đẹp như tên gọi của nó, dài quanh co khúc khuỷu, nhìn từ trên xuống giống như một chú rắn khổng lồ đang trườn mình lướt đi. Hai bên đường bao nhiêu là hoa dại, dây leo quấn quanh trên những cây rừng, cơ man là quỳ vàng ẩn hiện trong những lòng thung. Thông xanh chập chùng, ngút ngàn vươn mình trong nắng. Ôi thiên nhiên bao quanh đẹp như tranh vẽ! Tụi mình say mê ngắm cảnh và chụp hình... rồi lan man nghĩ đến những tháng năm xa xưa khi có dịp đi trên đoạn đèo này. Hồi đó, hành khách được đi bằng loại xe lớn, chất đầy nghẹt người, đường thì nhỏ chỉ vừa cho hai chiếc xe lên xuống, có những khúc cua gấp thật dễ sợ, mỗi lần qua khúc quanh thấy chiếc xe nghiêng giống như muốn chuồi xuống đèo làm mình hoảng kinh. Xe đi qua những khúc quanh nguy hiểm là mình không dám mở mắt ra nhìn, chỉ biết lâm râm khấn nguyện. Giờ được đi bằng chiếc xe nhỏ do một bác tài lái chậm, cẩn thận...thêm nữa ở Mỹ mình cũng đã được đi qua những con đường còn nguy hiểm hơn nhiều nên mình không thấy sợ như trước nữa. Xe xuống gần hết đèo mình lại có dịp thấy lại những ống nước khổng lồ đã chuyển nước từ đập Đa Nhim xuống nhà thủy điện Sông Pha, nơi đây là nhà máy thủy điện đã cung cấp điện cho một vùng thật rộng lớn.
Xe bắt đầu đi qua những vùng ruộng vườn, đã thấy xuất hiện khá nhiều dừa, mình biết tụi mình đang tiến từ từ đến vùng biển. Từ địa phận Phan Rang xe theo con đường mới chạy sát biển, nghe nói đường này mới được làm, đường tráng nhựa láng bóng, đường thật rộng giống như những xa lộ ở Mỹ. Đưa mắt ra ngàn khơi xa, biển xanh một màu , thấp thoáng những con tàu, những cánh buồm nhấp nhô theo sóng khiến lòng thấy bâng khuâng. Xe từ từ tiến vào thành phố, trước khi đi thăm gia đình anh Thanh, tụi mình đề nghị bác tài cho thăm biển Nha Trang trước. Bác tài cho xe đậu vào chỗ đậu xe thật sát biển. Xe vừa ngừng lại là cả bọn chạy ngay ra biển. Lấy tay che miệng làm loa mình hét thật to thi cùng sóng biển đang gào thét “ A...A....Ta đã về đây rồi biển ơi.” Trả lời mình biển tung những đợt sóng trắng xóa vào bờ. Quăng đôi dép xa xa, đặt đôi chân trần trên nền cát mịn, từng bước, từng bước mình bước đi...hồn bềnh bồng, lao xao những nỗi nhớ. “ Nha Trang ngày về, mình tôi trên bãi khuya...” bài hát ngày xưa chợt vang lên trong tâm khảm. Bây giờ không là buổi khuya nhưng biển cũng mang một màu xam xám, trời cũng không mấy xanh. Biển thưa người hoang vắng lạ. Đưa mắt nhìn xa xa bên bờ biển bên kia, bãi Dương mờ mờ với những cao ốc, những hàng dương xanh mát chạy dọc bên bờ biển xanh ở ngày xưa giờ thật thưa thớt... Xa xa dãy núi sau lưng quân trường Đồng Đế vẫn ngạo nghễ uy nghi với tháng năm. Ngắm dãy núi, mình không thể quên được hai câu thơ mà ngày xưa khi đến thăm Đồng Đế đã được dân chúng ở đây truyền miệng “ Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ - Em nằm xoã tóc đợi chờ ai? ” Núi mang dáng hình anh vẫn còn đấy nhưng những người lính oai hùng xưa kia nay còn đâu? Mình có chút xót xa. Có chút ngậm ngùi. Sau Đà Lạt có lẽ Nha Trang là thành phố có nhiều quân trường nổi tiếng. Sinh ra và lớn lên trong thời chiến có nhiều gắn bó với lính. Hôm nay về đây những kỷ niệm xưa chợt gợi nhớ xót xa. Nhớ người, một thuở đã bị phạt hít đất đến lả người cũng từ thành phố này trốn lên thăm mình, chỉ để tặng một cô búp bê dễ thương trong ngày sinh nhật. Giờ thì người xưa cũng đã xa tít tắp mù khơi, chiếc thuyền nào đó mang người ra biển rồi đi mãi không về. Thăm biển, mình lại nhớ ngày nào đến thăm anh ba khi anh đang tu nghiệp ở trường Hải Quân Nha Trang. Biển đêm Nha Trang đẹp dịu dàng, hai anh em ngồi bên nhau tỉ tê tâm sự đến lúc biển thật vắng mới chịu ra về. Đi bên nhau nhiều người chắc hiểu lầm là một cặp tình nhân đang hò hẹn. Có lúc nghĩ lại, mình không hiểu tại sao anh em mình thân nhau đến thế. Anh đi lính, thư anh viết về cho mình nhiều như thư của người yêu dấu, chuyện gì cũng kể, chuyện gì cũng tâm sự . Giờ anh của mình cũng như thuồng luồng mắc cạn, như cua biển gãy càng... một thời oanh liệt vẫy vùng trên sóng nước, này chiến hạm, nọ giang đoàn chỉ còn trong hoài niệm.
Đến thăm biển Nha Trang thật vội vàng rồi rời xa với nhiều tiếc nuối, không biết bao lâu mình sẽ về thăm lại? Giã từ biển, giã từ con đường Duy Tân xinh đẹp với những hàng dừa, những ki ốt xinh xinh, xe của bọn mình tiến dần vào trong thành phố. Mình có thật nhiều bạn bè ở đây nhưng không thăm viếng một ai chỉ ghé thăm gia đình bác Ba, người bà con bên nội của mình. Bác Ba năm nay cũng đã gần chín mươi, ngoài cặp mắt hơi yếu ra trông bác thật khoẻ mạnh , minh mẫn… Bác hỏi thăm rành rọt từng người trong nhà mình. Bác có một người con trai độc nhất là anh Thanh, vợ anh quê ở Long Hương, chị thật đẹp người, tính tình cũng thật dễ thương. Vợ chồng anh Thanh thật gần gũi với bà con dòng họ nên tụi mình quý anh chị lắm. Sau lúc hàn huyên, anh chị dẫn tụi mình ra nhà hàng hải sản, chủ tiệm là bạn thân của anh nên tụi mình được dịp thưởng thức những món đồ biển thật tươi ngon. Nhớ nhất là món lẩu cù lao thật hấp dẫn Ăn uống xong xuôi anh chị dẫn tụi mình đến chợ Đầm mua sắm. Tụi mình mua thật nhiều bánh phồng và bánh tráng dẻo làm với đường vàng, mè và gừng. Bánh tráng này, hình như chỉ mua được ở đây, bao nhiêu năm rồi cái mùi vị thơm ngon này vẫn làm mình nhớ mãi, mấy chị em cũng không quên mua thêm mấy ký mực khô để làm quà cho bạn bè. Mua sắm xong xuôi, chúng mình chào từ giã anh chị.
Tiễn bọn mình lên xe, anh chị Thanh dặn dò lần sau nhớ sắp xếp ở lại Nha Trang lâu hơn để anh chị có dịp dẫn đi thăm thành phố biển đang được phát triển mạnh về ngành du lịch này. Ở đây có nhiều địa điểm đẹp được nhiều khách ngoại quốc ưa thích lắm. Những cái tên mới nghe đã thấy quyến rũ mời mọc nhưng... tiếc quá tụi mình không có đủ thời gian để thăm viếng. Lưu luyến chia tay anh chị, từ giã chợ Đầm, bác tài Lộc cho xe từ từ lăn bánh. Xe chạy, quay nhìn lại vẫn thấy anh chị đang đứng ở bến xe, vẫy vẫy đôi tay... Cảm ơn Nha Trang. Cảm ơn anh chị. Dù chỉ gặp gỡ thật ngắn ngủi hôm nay nhưng vẫn mang lại trong mình thật nhiều hạnh phúc. Hạnh phúc có lại người thân sau bao nhiêu năm dài xa cách....
( Còn tiếp )



Hoa Đồng Tiền


Monday, August 29, 2011

TÔI ĐI CÂU CÁ





TÔI ĐI CÂU CÁ



- Cá chưa ăn câu mà đã giật! Chưa giật mà đã quay!
Anh Sao càm ràm mỗi lần tôi giật tuột một con cá. Tiếc quá có khi kéo cá lên gần đến cầu rồi còn bị rơi xuống.
- Đó! Đó!... Giật đi em! Cá ăn câu rồi! Giật ! giật một cái ! Quay! Quay đi em! Đúng! Đúng rồi! Dính chóc rồi ... Lần ni em làm đúng rồi… Hà! Một chú cá nục to ghê. Mi chạy đằng trời!
Anh Sao hào hứng lên tiếng. Còn tôi khỏi nói, tôi nhảy tưng tưng như vừa bắt được vàng.
- Em! Em ! Chụp hình đi! Chụp hình đi em!
- Em đang chụp hình đây! Yên chí hai anh em sẽ có những bức ảnh đẹp mà. Cô vợ anh Sao vừa cười vừa nói, vừa bấm máy lia lịa.
Nhưng điệp khúc “ chưa ăn đã giật, chưa giật đã quay” lại được anh Sao lập đi, lập lại mãi. Thỉnh thoảng anh lại la lên : “ giật, giật đi em... quay... quay ... Ồ! lại tuột rồi… ” Hẳn anh phải bực mình bởi cô học trò dở quá , học hoài cũng không thông... nhưng cô học trò tôi vẫn cười ha hả thích thú, không hề thấy quê chút nào cả... rồi vẫn tiếp tục bị ông anh la tiếp ... Chục lần tôi quay cần lên là chín lần hết mồi. Anh Sao lại phải cắt mồi mới buộc vào lưỡi câu. Mồi ở đây thì ê hề, đầu tiên là xin một ít mồi của bạn câu trước, sau khi câu được con cá đầu tiên là mình có thể cắt chú cá ra từng miếng nhỏ làm mồi. Cá mới câu tươi rói, thơm nức là món mồi thích hợp nhất. Nhờ mồi ngon và có lẽ nhờ cá nhiều nên thỉnh thoảng “ cá ngáp phải ruồi ” là tôi cũng đã giật được một vài chú cá ngây ngô khờ dại cắn vào lưỡi câu của bà thợ câu không chuyên nghiệp ...tiếng cười vui vẻ cuả tôi rộn rã vang lên, rồi tiếng chân rầm rập của cô bạn tôi và các cháu lại chạy đến chia vui, máy chụp hình lại lóe sáng... Vui với chúng tôi, mấy bà người Phi theo chồng đi câu cũng cười ròn rã phụ họa làm rộn lên một khúc cầu tàu.
Tối nay người đi câu thật đông, nội gia đình tôi và gia đình bạn cũng đã trên mười người. Hai người thợ câu chính, còn lại là thợ “ vịn ”. Hăng hái nhất là các cháu nội, ngoại của anh Sao, lăng xăng chạy tới chạy lui giữa hai điểm cắm câu để gỡ cá và chuyển mồi câu hoặc ngồi tẩn mẩn đếm xem được bao nhiêu chú cá. Trên cầu, người đi câu đứng sát rạt, có người dùng hai, ba cần câu, có người chỉ mỗi cần câu nhưng mắc cả năm bảy lưỡi câu, trên dây cước còn có đeo một đèn phao sáng lấp lánh. Trong đêm, biển tối om nhưng nhờ những chiếc đèn lân tinh ta có thể nhìn thấy đèn phao kéo lún xuống nước khi cá cắn câu, gặp lúc ấy chỉ cần kéo mạnh rồi bắt đầu quay cần lên là anh chị cá tội nghiệp nào đó sẽ tiêu đời. Cá giật lên, quẫy tưng tưng, mấy thợ câu chuyên nghiệp đeo bao tay sẵn, cầm chặt chú cá rồi lẹ làng tháo ra khỏi lưỡi câu...Nghe nói những hôm trời nóng bức cá thật nhiều, bởi vậy khi đi dạo vòng vòng xem, nhìn vào những thùng chứa, tôi thấy đầy ắp cá. Nghe nói hôm nào câu được nhiều, họ đem ra chợ bán. Kết quả của chuyến đi câu, dù đến muộn mãi tám giờ tối chúng tôi mới đến nơi, vậy mà cũng đã rinh được trên bốn chục chú cá, đa số là cá nục ( may mắn cô học trò tôi câu được những bốn con.) Với tôi, kết quả ấy thật là tuyệt vời . Tôi không ngờ mình cũng đã biết cầm cần câu, biết quay cần lia chia dù trước đó không bao giờ nghĩ rằng mình biết cầm cần, biết quăng cần ra xa, biết thâu dây lại. Tôi cũng đã tiến bộ sau buổi đầu tiên quăng câu.
Chúng tôi trở về nhà khoảng một giờ sáng, cá được bỏ vào ngăn đá dành cho tôi mang về nhà khoe chiến lợi phẩm, sau đó cả nhà xúm lại thanh toán nồi mì Quảng tuyệt chiêu, do bạn tôi đã lụi cụi nấu suốt buổi chiều. Ăn no, uống say chúng tôi đi ngủ lúc ba giờ sáng. Giấc ngủ thật ngon đến sau đó.
Những giờ phút vui vẻ, ấm áp tình thân với gia đình anh Sao qua mau. Khó có thể quên buổi câu cá nhớ đời với bài học vỡ lòng mà anh dạy tôi đã trở thành câu chuyện kể lý thú của các con anh, con tôi ( các con anh đều gọi tôi bằng mẹ) “ Mẹ tuyệt vời quá cá chưa cắn câu đã giật, chưa giật mà đã quay ”. Nghĩ đến hoạt cảnh ở “ trường câu ” với ông thầy dạy hết lòng với học trò, tôi bật cười. Hạnh phúc bao quanh tôi. Tôi đã có biết bao người thương mến bên mình. Cảm ơn anh, cảm ơn người bạn đời của anh cũng là cô bạn nối khố mà tôi thương yêu nhất, cảm ơn các con trai, gái của mẹ. Cảm ơn biển rộng muôn trùng đã cho tôi có dịp thi thố tài năng : Tôi đã câu được cá.
Forget me not Dalạt

Monday, June 13, 2011

Tuesday, May 24, 2011

Nghìn Trùng Cát Bụi Đã Bay Xa

NGHÌN TRÙNG CÁT BỤI ĐÃ BAY XA*
( Thơ của anh Trần Văn Lương )

Chỉ trong vòng một tháng mà tôi đã mất đi hai người thân, một người chị và một người anh thân thiết , chị Đỗ Thị Tiến, anh Nguyễn Đức Quang. Thật bàng hoàng khi hay tin chị ra đi và cũng buồn thương khi biết tin anh Quang vĩnh viễn rời xa gia đình, rời xa bạn bè yêu mến. Chị Tiến, anh Quang đều là bạn của ông anh tôi. Họ quen biết nhau hồi Trung học, lên Đại học, anh Quang học chung với anh tôi ở Chính Trị Kinh Doanh. Những năm ở Đại học với lý do chính đáng có nhiều bài vở, ông anh tôi được ba mẹ cho phép ra nhà cô tôi ở lại học hành. Nhà cô cách xa nhà tôi chỉ khoảng mười phút đi bộ̣ nên thỉnh thoảng tôi ra giúp anh dọn dẹp nhà cửa. Anh tôi cũng thường về nhà ăn những món ăn ngon do mẹ nấu. Thỉnh thoảng anh dẫn vài người bạn về nhà chơi , bởi vậy tôi cũng không nhớ rõ là tôi gặp anh Quang ở nhà cô tôi hay ở nhà mình, chỉ biết là tình cảm anh em cũng thân thiết lắm. Quen biết anh Quang, tôi cũng bắt đầu thích hát những bản nhạc do anh sáng tác thời anh hoạt động trong phong trào du ca, những bài ca khai phá, những bài hùng ca ngạo nghễ vang lên với niềm tự hào dân tộc. Qua bốn năm đại học, anh tôi và anh Quang đều về Sài Gòn . Tôi không có dịp gặp lại anh. Sau cuộc đổi đời năm một chín bảy lăm nghe nói anh vượt biên đi Mỹ. Ông anh tôi cũng nối bước ra đi nhưng không may mắn như anh Quang. Anh tôi đã không thể đến bến bờ tự do đoàn tụ người thân, gặp gỡ bạn cũ.
Khoảng cuối năm chín mươi, tôi được qua Mỹ và gặp lại anh Quang trong một lần họp mặt thân hữu Đà Lạt. Chúng tôi ngậm ngùi nhắc lại những kỷ niệm về người anh xấu số của mình, nhắc về một thời Đà Lạt thân yêu nay đã lùi vào dĩ vãng. Sau đó, thỉnh thoảng tôi cũng gặp anh. Như một cơ duyên, những lần gặp gỡ sau tôi thường gặp chung anh Quang với chị Tiến. Có một lần đón anh Thực, chị Hoài ở Canada sang. Anh Quang đến, anh hát say mê những bài hát do bạn bè yêu cầu, cùng với anh Anh Phương, anh Cường cũng hát những bài ca do anh sáng tác. Nhớ làm sao lời ca mênh mang của “ Bên kia sông ” bài hát trữ tình “ Vì tôi là linh mục” cùng nhiều bài ca do anh sáng tác hoặc phổ nhạc. Nhờ bài ca “ Bên kia sông” tôi đã cảm hứng viết một đoản văn để tặng anh, với tựa đề cùng tên bản tình ca tôi yêu thích ấy. “ Này người yêu, người yêu tôi ơi, bên kia sông là ánh mặt trời. Này người yêu người yêu tôi hỡi, bên kia đồi cỏ tranh đan lối .....” . Lần gặp gỡ ấy cũng có chị Minh Thông, người bạn đời của anh. Chị bận rộn với cậu cháu , cậu cháu chạy loăng quăng trong khi ông nội đang đánh đàn. Nhìn gia đình anh chị với con cháu đề huề, chúng tôi thấy hạnh phúc làm sao! Nhưng hạnh phúc thật mong manh! Chỉ không lâu sau đó chị Thông đột ngột qua đời trong một cơn tai biến. Chúng tôi sững sờ đón nhận hung tin. Đến đưa tiễn chị Thông lần cuối, tôi gặp chị Tiến gầy rạc đau buồn trước sự ra đi của cô bạn thân, chị ở cả ngày cùng bạn ở nhà quàng, cùng tụng niệm cầu siêu với ban hộ niệm. Gặp anh Quang, chia buồn với sự mất mát lớn lao của anh, tỏ sự đau buồn với sự ra đi quá vội vã của chị Thông, anh Quang chỉ nói được với tôi một câu “ Chị ấy đang chơi trò cút bắt với anh đấy em ơi.” Buồn quá! Lời anh thật buồn ! Tôi chỉ biết cầm tay anh xiết mạnh.
Về chị Tiến, tôi biết chị Tiến cũng qua ông anh của mình. Vào những năm mới bước vào Trung học, ông anh tôi đã mang khoe tôi một tập “ Lưu Bút Ngày Xanh” trong đó phần lớn là những bạn nữ viết cho anh, những dòng chữ viết tay mềm mại bằng mực tím, vài tấm hình xinh xinh, thường là khổ hình nhỏ dán trong thẻ học sinh. Tôi biết chị Tiến là nhờ vậy. Năm tôi vào Đệ thất, chị Tiến, chị Minh Thông học Đệ nhất. “ Thấy sang bắt quàng làm họ” tôi thường tự hào khoe với các bạn “ Chị Tiến là bạn anh tôi đấy ”. Không phải chỉ mình tôi mà các bạn tôi cũng mê mấy chị Đệ nhất xinh đẹp của mình nên vào giờ ra chơi thường chạy đi tìm các chị. Khi các chị ở trong lớp không ra ngoài là chúng tôi lấp ló đến lớp dòm lén. Những lúc họ đi dạo trong sân trường chúng tôi lẳng lặng theo sau, chỉ để bắt chước dáng đi tha thướt của các chị rồi ước ao khi lớn lên mình cũng xinh như thế. Thú nhất là những hôm trường tổ chức văn nghệ là thể nào chúng tôi cũng được nhìn các chị biểu diễn trong những màn đơn ca, hợp ca, múa, hoạt cảnh. Vừa xinh đẹp lại nhiều tài nên các chị đều ở trong Ban Văn Nghệ của trường. Tôi không biết, ông anh tôi làm sao quen được chị Tiến vì anh học khác trường nhưng tôi biết một điều là anh rất yêu một người bạn thân của chị mà anh không dám mở lời. Anh Quang, anh Phong cũng biết được chuyện tình đơn phương ấy. Người bạn chị Tiến trùng tên với người con gái trong tác phẩm “ Lục Văn Tiên ” nổi tiếng của cụ Nguyễn Đình Chiểu . Hình như giờ này chị ấy cũng đang sinh sống ở Mỹ.
Lần gặp gỡ sau cùng với chị Tiến là ngày đám tang anh Mùi, hội trưởng Hội Thân Hữu Đà Lạt. Hôm ấy, chị Tiến mặc áo già lam, chị ốm hơn ngày thường nhưng trông chị vẫn trẻ trung, xinh xắn. Tôi thật không ngờ đó là lần cuối cùng tôi gặp chị. Nói chuyện với chị sau thời kinh siêu độ cho anh Mùi. Ngồi bên chị trong nhà quàng, hai chị em thật buồn nhắc đến sự ra đi của anh Mùi. Anh Mùi cũng ra đi đột ngột quá, anh cũng là một trong những người bạn thân thiết của anh hai tôi. Hôm ấy chị nhắc nhở tôi cố gắng đến nhà chị vào chủ nhật sau đó, ngày ấy, sẽ có anh Thực ở Canada, anh Hoàng Kim Châu ở Texas qua, anh Nguyễn Đức Quang cũng sẽ có mặt. Các anh chị họp lại để chuẩn bị Đại Hội BTX và THĐ vào năm 2012. Dù đã nói với chị là tôi khó có thể đến nhà chị vào hôm ấy vì tôi không lái xe đi xa được, người em gái thường cùng tôi đến nhà chị hôm đó phải đi làm đột xuất, nhưng chị vẫn năn nỉ “ Em phải cố gắng đi nghe em. Đời sống mong manh vô thường quá, gặp đó rồi mất đó nên còn thấy nhau là còn hạnh phúc. Vui được mình cứ vui. Mình đâu biết ngày mai ra sao em hở? ”. Tối ấy, sau khi chờ cô em đi làm về, tôi gọi cho người bạn cũng có mặt trong buổi họp mặt cho biết là tôi có thể đến khoảng gần chín giờ tối nhưng cô bạn có ý kiến “ Mi mà đến giờ ấy chắc vãn tuồng rồi nhỏ ạ” Ái ngại đến trễ nên chúng tôi không tới. Ai ngờ nghe nói đêm ấy đến mười hai giờ mọi người mới ra về. Tôi thật ân hận là đã có cơ hội gặp chị, gặp anh Quang thêm một lần nữa mà không gặp. Giờ anh chị đã đi xa. Ngày đưa tiễn chị thật đông người tham dự. Chị được biết bao nhiêu người thương mến . Gởi đến chị một đóa hoa hồng vĩnh biệt trước khi lớp đất mới phủ lên áo quan chị, chia cách chị với bao người yêu thương, tôi nghẹn ngào nhớ đến lời chị: “ Đời sống vô thường, có đó mất đó…” Chị Tiến ơi, chúng em nhớ chị! Nhớ chị nhiều lắm!
Chị đã đi rồi
Xa lìa “cõi tạm”
Đến chốn bình an
Miền có nắng vàng
Hào quang chói sáng.
Chị Tiến ơi, em tin tưởng chị đang ở một nơi thật bình yên, an lạc. Cầu xin chị thanh thản, yên vui trong thương yêu tỏa sáng của Đức Phật từ bi.
Ngày tiễn đưa chị Tiến, anh Quang đang nằm trong bịnh viện và... giờ đây anh cũng đã vĩnh viễn ra đi, anh đã qua “ bên kia sông ” - khoảng sông mênh mông bên kia với màu trời chói nắng, với sương núi chập chùng, với suối reo, thác đỗ. Anh đang trở về với Đà Lạt dấu yêu, hồn anh đang bay bỗng trên đồi cù lộng gió, đang đến viếng Thủy Tạ ngày xưa anh thường cùng bạn bè đến nhâm nhi cà phê sáng, tối... hay lang thang trong khuôn viên đại học Đà Lạt năm nào? Anh đã trở về nơi miền bình yên miên viễn?
Thôi nhé anh, em đã đến bên anh, nhìn anh lần chót, ghi nhận cuối cùng hình ảnh anh, vầng trán cao cao, đôi mắt khép kín, đôi môi đã từng hát vang những bài ca không biết mệt giờ cũng đã im lìm, lặng câm. Anh Quang! Em đã đến gặp anh , thắp cho anh một nén nhang tiễn biệt. Nhìn bức ảnh trên bàn thờ anh, không phải là những bức hình chân phương đặt trên bàn thờ như thường lệ mà bức ảnh chụp với nét phóng khoáng đầy nghệ sĩ tính, bức ảnh đen trắng với đôi tay tì trên cây đàn, cây đàn ngày xưa anh đã từng gắn bó. Bức ảnh để thờ anh, em thấy thật đẹp. Em lại khen anh như ngày xưa khen anh đàn, anh hát hay vậy đó. Anh Quang ơi, nhớ Anh em chỉ biết cầu nguyện cho anh mãi mãi bình yên nơi cõi mới. Em cũng xin cảm ơn anh đã để lại muôn vàn bài ca, điệu đàn, cho chúng em cùng hát.
.
Anh nằm xuống xuôi tay yên nghỉ
Xa lánh cuộc đời, bỏ lại nợ, duyên.
Anh nằm xuống nhưng lời ca không tắt.
Anh ra đi nhưng hào khí vẫn còn.
Anh để lại cho người muôn nỗi nhớ.
Vĩnh biệt chị Tiến, vĩnh biệt anh Quang.

Nghiêm Đàlạt
Tháng ba / 2011