Wednesday, January 17, 2018

Ngày Lễ Mẹ

                                                                    NGÀY  LỄ  MẸ              
   
                          Cứ mỗi mùa Vu Lan về là tôi lại nhớ mùa Vu Lan năm tôi lên chín tuổi. Thuở ấy, mỗi năm vào rằm tháng bảy,
làng tôi thường tổ chức cúng đình, đốt vàng mã để cầu cho mưa thuận gió hoà, mọi người trong làng làm ăn thuận lợi , mùa màng tươi tốt.
                       Tuy còn nhỏ nhưng ngoài giờ đi học , tôi đã phải làm việc  nhà nhiều hơn những cô bé cùng tuổi với tôi
Cha mẹ tôi  đông con. Tôi phải bế em, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn cho cả nhà trên mười miệng ăn, dù nhà tôi có thuê người
giúp việc. Bố mẹ tôi quan niệm con gái phải biết làm việc nhà, để lớn lên việc gì cũng biết  cả.
                          Ngày hôm ấy, sau khi nấu cơm , kho cá, rửa rau và nấu một nồi canh khoai môn lớn. Tôi xuống vườn tìm mẹ, lúc ấy
 mẹ tôi đang tưới cây
-          Mẹ cho con lên đình xem lễ nghe mẹ. Con đã làm xong hết việc nhà !
-          Con đi với bà Nghiên và mấy nhỏ con bà Hai phải không?
-          Dạ...
-          Vậy con ăn uống xong rồi hãy đi. Nhớ về sớm nghe con !
  Tôi chưa kịp ăn  thì nhỏ Lan, Hồng...và bà Hai, bà  nội của hai bạn ấy đã đến.
  Thuở ấy làng tôi chưa có chùa. Mỗi lần Tết đến hoặc những ngày lễ lớn trong làng đều tập trung ở đình làng. Ngôi đình nhỏ nhưng thật ấm cúng. Tôi thường đi cúng đình vào dịp Tết Nguyên Đán và những lần trong làng tổ chức cầu an.
                                Theo bà Hai vào quỳ lễ. Ban nghi lễ mặc áo dài, khăn đóng thật trịnh trọng. Mỗi lần chiêng trống vang lên.
Mấy cụ quỳ lạy theo tiếng hô  “ hưng , bái ”.  Tôi không biết gì nhiều cũng quỳ lạy theo mấy cụ. Cúng lễ
 xong chúng tôi lân la đến xem   hàng mã, gồm thuyền rồng , xe hơi, xe ̣đạp, nhà cửa.... Hàng mã người ta làm thật công
 phu, thật đẹp...nhỉn giống như thật. Chúng tôi ngắm nhìn, xuýt xoa  thán phục.!
                                 Cúng xong, chúng tôi được hưởng những bánh oản, xôi chè... Vì là lễ lớn, lễ xóa tội vong nhân. vài năm mới có một lần cúng lớn như vậy .Lễ còn kéo dài thêm hai ngày nữa mới hết. Thuyền bè nghe nói sẽ mang đến tận thác Cam Ly
mới đốt.
                                Đêm đó chúng tôi ra về khi ánh trăng mười lăm đã lên cao. Mấy bà cháu vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ và hứa hẹn
 tối mai sẽ đi tiếp.
                                 Về đến nhà, mẹ  còn ngồi chờ tôi về mới đi ngủ.
                                                                                                   XXXXX
           Mỗi buổi sáng, chị giúp việc nhà tôi đều dậy nấu cơm cho mấy chú làm ngoài vườn ăn sáng đi làm. Mẹ tôi
 dậy nấu chè xanh, còn tôi  phụ với chị giúp việc rửa ly tách chuẩn bị cho các bác hàng xóm qua uống nước chè với
 bố tôi. Sáng đó, mẹ  không thấy tôi dậy, nghĩ là đêm trước tôi ngủ trễ, mẹ để tôi ngủ thêm cho đỡ mệt. Chờ đến giờ
 gần đi học vẫn chưa thấy tôi dậy. Mẹ vào giường đánh thức.  Tôi vẫn ngủ li bì. Sờ tay vào trán, trán tôi nóng như lửa
 . Mẹ hoảng hốt gọi bố tối. Trong mơ màng tôi thấy bố bồng tôi , chạy nhanh ra cửa.  Mẹ chạy theo. Sau đó tôi không
 còn nhớ gì cả. Sau này mẹ tôi kể lại, bố mẹ tôi kêu xe đưa tôi đến phòng  của bác sĩ Phán.  Ông cho biết tôi mắc
 chứng thương hàn nhập lý, phải đưa ngay đến bệnh viện lớn. Ông sẽ lên sau.  Bố mẹ tôi luống cuống thế nào
 lại đưa nhầm tôi đến nhà thương nhà nước , người ta còn gọi là nhà thương thí. Khi bác sĩ Phán lên, thấy tôi đã
 nhập viện này . Ông trách ba tôi sao không đem tôi đến bệnh viện ông làm việc để ông chăm sóc  kỹ hơn, vì ông
 là bác sĩ thân của gia đình tôi.
                                   Tuy thế, ở nhà thương này tôi cũng được các bác sĩ và các sơ tận tình chăm sóc. Tôi được chuyền nước biển liên
 tục. Cả ngày đêm mẹ ngồi bên giường bịnh đắp khăn ướt lên trán, lau tay chân cho tôi hạ sốt. Suốt mấy ngày bịnh  tình tôi không hề thuyên giảm. Mẹ tôi lo sợ cầu nguyện hằng đêm, bố tôi vốn không tin dị đoan giờ bỗng dưng thay đổi, ông đi đến cả am miễu cầu xin cho tôi được sống.
                                      Cả tuần lễ thiếp đi trong giường bịnh môi tôi khô khốc , máu rỉ lấm tấm... Mẹ luôn túc trực bên tôi , lấy nước thấm từng chút vào đôi môi nứt nẻ . Bố ngồi bên tôi hỏi chuyện không ngừng. Mong tôi trả lời nhưng tôi vẫn im lìm không nói. Ai
thăm tôi cũng lắc đầu bảo: “ Phúc như hòn núi may ra nó có thể sống ”.  Một hôm, sau cả tuần bịnh, tự dưng bố tôi
 khóc oà khi tôi thều thào trả lời câu h̉ỏi của bố “Con thích ăn gì? Bố nấu cho ăn?” – Con thích canh hẹ nấu với trứng gà’’
Chỉ trả lời có vậy xong là tôi lại thiếp đi . Bố tôi tưởng tôi trối trăn trước khi chết nên ông càng khóc lớn. Mẹ tôi
 chỉ lắng lẽ cầu nguyện và nói với bố tôi " Con sẽ không việc gì đâu. Ông phải có niềm tin như vậy "
                                     May mắn cho tôi, nhờ thuốc men, nhờ sự chăm sóc của bác sĩ, của các sơ và nhờ tình yêu thưương của bố mẹ..tôi hạ sốt từ từ. Tôi có thể nhận ra tôi đang nằm viện, mẹ tôi đang ở bên tôi. Tôi có thể nhận ra được những con số trên những đồng tiền mà mẹ mang ra đố tôi.  Bịnh vừa lui nhưng việc chăm sóc bệnh nhân vừa trải qua bịnh thương hàn mới gay go.
 Tôi chỉ được uống thuốc bổ và ăn nước cháo, bởi vậy tôi thèm ăn kinh khủng. Tôi chỉ cầu mong được ăn chút cơm
 với cá mà mẹ cũng không cho, mẹ vẫn dỗ dành : “ Con ráng đi , khỏe rồi con muốn ăn gì mẹ cũng chiều cả.”
 Chị Lý, nằm sát cạnh giường tôi. Chị cũng bị thương hàn, bệnh đã khỏi, chị  sắp được xuất viện. Một hôm
 có người đến thăm cho chị một chục trái mận, mà dân Đà Lạt của tôi thường  gọi là đào tiên. Đó là loại trái cây tôi
 thích nhất. Chị mang qua dấu dưới gối của tôi nằm. Chúng tôi bàn nhau, chờ khi không ai để ý sẽ lấy ra ăn
 Nhưng '' không may'' cho chúng tôi, khi trải giường mẹ tôi thấy được. Buồn quá,  tôi và chị cùng khóc . Mẹ tôi lại
 phải dỗ dành, giải thích cho tôi biết , người bị bệnh thương hàn bao tử mỏng lắm, mỏng đến nỗi có thể bị lủng
 bất cứ lúc nào khi người bịnh ăn vật cứng ,
                                       Căn bịnh của tôi quả rất nặng, tôi không  đi lại được, chân tay tôi ốm như cái que. Mỗi lần sơ vào chích thuốc
Lúc nào cũng nới giỡn '' đưa cái que củi cho sơ cầm nào" .Tuần lễ thứ hai ở bệnh viện,  chị giúp việc bồng em tôi vào thăm, Cô bé vừa thấy tôi là ào đến ôm chặt tôi khóc. Em chưa nói sỏi chỉ bập bẹ kêu chị. Thương em quá, tôi ôm ghì lấy em . Hai chị em cùng khóc
Đúng lúc ấy cô y tá vào. Cô la hoãng : "Đưa ngay con bé đi, Không sợ lây bệnh à.." .Bé vùng vằng không buông tay tôi
. Tôi ghì chặt em mình nhưng người ta cũng giằng lấy em rồi bồng ra khỏi phòng. Tôi chỉ còn thoáng thấy cái mũ
mới tinh có cài một đóa hoa hồng thật xinh, có lẽ bố vừa mua cho em khi được đến thăm chị.
Mẹ tôi đi theo ra dỗ bé, rồi hối chị giúp việc bế bé về. Tội mẹ quá, mẹ thương em như vậy mà cũng xót ruộ̣t để ngưới khác chăm em.. Mẹ dành thì giờ cho đứa con gái bịnh nặng như tôi. 
                                       Em về rồi tôi ấm ức khóc mãi. Tôi nhớ em tôi , tôi nhớ nhà, nhớ tất cả người trong nhà , nhớ cả con chó cún vàng cứ lẻo đẽo theo tôi đến trường mỗi ngày.
                                         Tôi nằm ở bệnh viện đúng một tháng, Ngày ra viện là ngày tết trung thu. Nhớ đến ngày này, mẹ thường mua cho chúng tôi những cái bánh dẽo thơm mùi bí đao và mỗi đứa chỉ được  một cái và một con heo bột bé tí. Nhưng năm ấy vì không muốn cho tôi ăn nên cả nhà phải nhịn theo.  
                                       Tuy được về nhà rồi. Tôi phải tiếp tục ăn cháo loãng và từ từ được mẹ cho ăn cháo đặc. Vui nhất là lúc được ăn chén cơm đầu tiên. Cơm được nấu thật nhão chỉ hơn cháo một tí. Tôi  ăn cơm với thịt chà bông.  Chén cơm mà tôi cảm thấy ngon nhất trong cuộc đời! Ở bịnh viện về tôi phải tập đi, mẹ tôi hoặc anh tôi nắm tay tôi tập từng bước như tập cho em bé. Từ từ  tôi men theo tường , đi từng bước một. Thật buồn cười, tôi và em gái cũng cùng tập bước như nhau. Em tôi đã chập chững bước. Con bé cười luôn miệng vì có chị cạnh kề.
                   Khoảng thời gian tôi dần dần khỏe lên thì có một người bạn thân anh tôi qua đời cũng chỉ vì ăn một tô phở sau cơn  bịnh. thương hàn. Ngày đưa đám anh, tôi men theo cửa nhìn ra phía xa, con đường đưa anh ấy ra nghĩa địa. Lúc ấy mới thầm cảm ơn mẹ đã cản không cho chúng tôi ăn những quả đào trong bệnh viện.
                  Mùa Vu Lan lại về. Bố tôi đã không còn nữa. Mẹ tôi vẫn cạnh kề bên chúng tôi, vẫn rất mực hìền từ, dung dị. Đến chùa trong mùa Vu Lan chúng tôi vẫn hạnh phúc được đeo đóa hoa hồng, tượng trưng vẫn còn có mẹ. Một bông hồng cho anh. Một bông hồng cho em . Một bông hồng cho những ai đang còn mẹ. Bài ca mênh mang, thắm đượm tình yêu thương . Xin dâng đến những bà mẹ hiền, những người con yêu của những bà mẹ Việt Nam trọn một đời yêu chồng, yêu con, tảo tần hôm sớm lo cho gia đình
không quản ngại .Cảm ơn mẹ đã cho con tình yêu bao la , vô tận. Cảm ơn mẹ đã mang đến  cho chúng  con sự dịu dàng
 ấm áp. Mẹ là bờ vai êm ả nhất  khi con cảm thấy yếu lòng, cần chỗ dựa. Mẹ là bóng mát che chắn cho chúng con trong suốt cuộc đời này. Con chỉ muốn đời đời gọi tiếng mẹ yêu. Con yêu mẹ !
                                                                                                                                                    FMN DL

               ( Mình viết bài này vào mùa Vu Lan nhưng chưa viết xong, giờ viết tiếp vào sinh nhật mẹ .Mình nghĩ ,  mỗi ngày , mỗi tháng luôn có mẹ trong ta. bởi vậy ngày nào cũng là ngày lễ Mẹ )