Saturday, December 29, 2012

Tuesday, October 23, 2012

TIẾNG SUỐI REO

                             Ngân lăn qua trở lại trên giường không thể nào dỗ giấc . Tiếng suối reo từ xa vọng về văng vẳng trong đêm làm tăng thêm nỗi nhớ nhà quay quắt trong nàng. Đêm nay là đêm thứ bảy, lý ra Ngân đã có mặt ở Đà Lạt, có lẽ đã ngủ ngon trên chiếc giường nệm êm ấm của mình, rúc mình trong chiếc mền bông thơm nồng mùi nắng mà mẹ nàng đã cẩn thận mang phơi mỗi sáng thứ bảy để cho con một giấc ngủ ngon sau cả tuần xa nhà trở về. Chiều nay, Ngân phải nán lại, chỉ dẫn thêm cho đám học trò nhỏ nên trễ chuyến xe về Đà Lạt. Cuối cùng, nàng đành ở lại một mình nơi đây trong khi các bạn ở xa, ai nấy đều đã khăn gói về thăm nhà. Căn nhà tập thể cất sát cạnh dòng suối có hai dãy, một dãy dành cho giáo viên nam và một dãy dành cho các cô giáo nữ, ngày thường khá ồn ào huyên náo nhưng hôm nay vắng lặng đến ghê người. Tiếng côn trùng rả rích trong đêm, tiếng suối reo lúc thì thầm, lúc hung hãn, thỉnh thoảng có tiếng cú rừng rúc lên từng hồi nghe thê lương ảm đạm làm Ngân sợ hãi. Lâm râm, cầu nguyện, nàng cầu xin có một giấc ngủ yên lành đến, mong đêm tối qua nhanh... Bỗng nhiên, Ngân chợt nghe âm thanh của tiếng đàn ghi ta trong bản đàn “ Trăng Mờ Bên Suối” vang lên, người đánh đàn thật là điệu luyện với điệu slow ampère trầm buồn tha thiết. “ Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối. Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu. Một đêm thiết tha rồi đây xa cách. Đường chia hai ngã biết tới phương nào...” Ai mà đánh đàn hay đến vậy? Ngân nằm yên lắng nghe với niềm xúc động . Tiếng đàn ru lòng người ấy có thể xuất phát từ dãy nhà tập thể của nam giáo viên. Vậy là ta không đơn lẻ, có người cũng đang ở gần bên ta, cho ta cái cảm giác được chở che, bảo vệ.... Tiếng đàn láy đi láy lại với điệp khúc “ Suối ơi. Lời hẹn ước ven bờ suối xưa. Nhớ chăng? Người phương xa trong khói điêu tàn… ”. Tiếng đàn tha thiết quá, ray rức cả lòng ta. Ngân chợt đưa tay áp lên ngực, nghe tim mình thổn thức, bồi hồi, cảm thấy nỗi cô đơn trống vắng vô cùng . Rồi tiếng đàn chợt ngưng bặt. Ngân ngẩn ngơ, tiếc nuối ...Ờ, phải chi ta được nghe tiếng đàn vang mãi suốt đêm, nhất định ta không thèm cầu cho giấc ngủ đến. Nàng thật không ngờ đêm nay vô tình nàng được nghe được tiếng đàn điêu luyện đến vậy, Ngân thắc mắc không biết ai là người đánh đàn. Ngôi trường nhỏ này chỉ hơn mười giáo viên, có năm giáo viên cấp một và cũng khoảng năm sáu cô thầy giáo cấp hai . Cấp hai trường mới mở được hai lớp sáu và một lớp bảy. Ở đây thiếu nhiều giáo viên nên có cô thầy phải dạy luôn cả mấy môn học. Phần đông các giáo viên dạy ở đây đều ở xa đến, đa số từ Đà Lạt , một số ở thị trấn Tùng Nghĩa , cũng có một hai giáo viên từ Đơn Dương qua. Mang tiếng là ở xa nhưng tựu chung đều nằm ở Tỉnh Lâm Đồng nên chiều thứ bảy sau giờ tan học, các cô thầy giáo đều nao nức đón xe về thăm gia đình, tối Chủ Nhật họ quay lại trường chuẩn bị cho ngà̀y thứ hai lên lớp. Cũng có người sáng thứ hai theo chuyến xe đò sớm nhất xuống trường trước giờ chào cờ đầu tuần... Suy nghĩ miên man với câu hỏi : Ai là người chơi đàn trong đêm đã đưa Ngân vào giấc ngủ muộn.
                               Tiếng hót líu lo của lũ chim rừng hoà với tiếng gáy râm ran của đám gà nhà trong thôn xóm đánh thức Ngân, uể oải Ngân trở dậy sắp xếp chăn mền rồi ra giếng đánh răng rửa mặt. Dùng chiếc gàu dây thả xuống chiếc giếng sâu kéo nước lên, Ngân cảm thấy chiếc gàu như nặng hơn thường ngày. Đổ nước vào chiếc thau nhỏ, nhúng chiếc khăn vào thau nước lạnh tanh, chưa kịp rửa mặt Ngân đã thấy tỉnh táo hẳn.                                               -  Uả sao hôm nay cô không về Đà Lạt hả cô Ngân? Giật mình ngước nhìn lên, à thì ra thầy giáo dạy Vạn Vật tên Yđa đang đứng sau lưng nàng. 
                                             - Ồ, tôi đón xe không kịp. Còn anh, sao cũng ở lại vậy?
                                             - Cô Ngân không biết đó thôi, tôi ở tận Lạc Dương, phải đi tới hai ba chặng xe nên hơn một tháng tôi mới về thăm nhà một lần. Hình như là mỗi tối thứ bảy là chỉ có một mình tôi trụ trì nơi này, ai ngờ hôm nay có cô đồng bạn .
                                          - Biết có anh, tôi đã không hãi sợ như tối hôm qua rồi. Đêm ở đây vào tối thứ bảy thê lương quá. Ngân vừa rửa mặt vừa nói chuyện với Iđa.
                                         - Ồ... Ngân chợt muốn hỏi xem Iđa có phải là người đánh đàn tối qua không nhưng đột nhiên im lặng, nàng chuyển qua câu hỏi tiếp.
                                             - À, sáng Chủ nhật Iđa có đi lễ nhà thờ không hở? 
                                             - Có chứ, Iđa đi lễ ở nhà thờ Tin Lành cuối thôn này nè. 
                                             - Vậy hay quá Ngân cũng bên Tin Lành, sáng nay mình cùng đi lễ được không?
                  Iđa cười rạng rỡ: - Đương nhiên, Iđa thật vui, thật không ngờ chúng mình cùng có một chung một niềm tin
                                                                  X  X  X 
                            
                                  Ngồi bên dòng suối, Ngân thả đôi chân trần khuấy nhẹ làn nước trong veo đang lặng lờ chảy, lặng lẽ dõi theo những chú cá trắng nhỏ xíu tung tăng bơi lội trong suối. Con suối nhỏ róc rách đêm ngày, cảnh vật bao quanh thật thơ mộng. Ngân thật yêu con suối nhỏ này. Vào những buổi chiều không có giờ dạy, Ngân hay thường ra đây ngâm chân vào con suối mát, khuấy nhẹ những viên đá cuội tròn lẵn màu trắng, xám dưới chân nàng. Dòng suối bây giờ đây lại chất đầy những kỷ niệm giữa nàng và cậu giáo Iđa người sắc tộc Ra Đê mà nàng chợt thấy thân thiết hơn từ ngày nghe được tiếng đàn say đắm lòng người. Sau ngày biết được người dạo lên khúc đàn tuyệt vời trong đêm thanh vắng. Sự ngưỡng mộ tài năng, niềm yêu mến tính tình thầm lặng, chân chất của người con trai vùng núi, lòng yêu kính Chúa toàn năng đã thể hiện được trái tim đôn hậu của chàng. Ôi sao mỗi lần nghĩ đến Iđa là trái tim Ngân đập rộn ràng, rộn ràng như những khi ngồi cạnh chàng bên dòng suối, nghe chàng đàn, cùng chàng hoà ca những bản nhạc tình êm ả, cùng chàng hát lên những bản thánh ca ngợi ca Thiên Chúa. Iđa đã cho Ngân cảm giác an toàn, tin cậy . Iđa đã cho Ngân cảm giác tự hào. Ngân thật tình xao động mỗi lần chàng đưa đôi mắt màu nâu với rèm mi cong vút nhìn nàng. Mỗi lần nhìn chàng say mê đàn hát , dáng dấp nghệ sĩ của chàng, màu da màu đồng mắt cua của chàng đẹp như một bức tượng đồng thời cổ đại tuyệt đẹp cuốn hút hồn Ngân. Không lẽ mình đã yêu chàng trai rừng núi ấy?
                                           Cô giáo Ngân bỗng dưng yêu đời hơn, vui vẻ hơn, màu má hồng đào Đà Lạt lại càng hồng hơn, tươi tắn hơn khi Iđa ngỏ lời muốn về thăm gia đình Ngân, được chính thức cầu hôn. Kỳ nghĩ hè đã đến, Ida theo Ngân đến thăm gia đình mình. Trong ngăn tim bé nhỏ của nàng đã chứa trọn hình ảnh của chàng trai nhưng nàng vẫn lo âu không biết bố mẹ nàng có chấp nhận tình yêu của hai đứa. Vững lòng tin vào sự chọn lựa của mình, Ngân cũng tin tưởng bố mẹ sẽ chấp nhận Iđa.
                                                             
                                                                      X  X  X 

                                       Ngân đau khổ tột cùng trước thái độ của ba. Khi đưa Ida về ra mắt ba mẹ, ba nàng đã tỏ thái độ bực mình không thèm đáp lại trước lời chào lễ phép của chàng, ông đã khó chịu lái xe bỏ đi mãi đến buổi cơm tối mới về. Vừa về nhà thấy mâm cơm đã dọn sẵn, vợ con mời ông ngồi vào bàn, ông thịnh nộ hất đổ mâm cơm trên bàn trước đôi mặt sợ hãi của bà Nga và Ngân. - Cưng con quá rồi để con hư. Hừ! tự do yêu đương! Bây giờ lại muốn lấy mọi. Muốn vậy cũng được. Cút ra khỏi nhà tao. Kể như tao không có đứa con gái này. Ngân nhỏ nhẹ lên tiếng: - Ba thường nói với con, con yêu ai cũng được miễn là người tốt, thật lòng yêu con. - Biết thế nào là người tốt?.. với nữa nó khác chủng tộc, là người thiểu số, mặt mũi con để đâu con ơi...là con ơi! - Tất cả mọi người chúng ta đều là con cái của Chúa. Sao Ba phải phân biệt khác màu da. Ông Nga lồng lên giận giữ : - Mày cãi lại Ba mày đấy hả? Mày trả treo thế hả? Đi ra khỏi nhà tao rồi làm theo ý mày. Trong cơn giận giữ ba nàng đã không tiếc nặng lời, mày tao với nàng mà xưa nay ba không hề có thái độ ấy. 
                                    Bà Nga nhỏ nhẹ với con: - Con vào trong nhà đi, để mẹ từ từ nói chuyện với ba con. 
                             Không khí trong nhà thật căng thẳng, không còn niềm vui hạnh phúc như những bữa ăn ấm cúng trước kia. Những ngày hè bên ba mẹ với Ngân dài dằng dặc. Ngân cũng lo phụ mẹ dọn cỏ, cắt tỉa vườn hoa của gia đình như mọi năm nhưng làm với thái độ uể oải buồn chán. Một vài lần Ida đến thăm, ông Nga đuổi thẳng thừng. Không gặp nhau, Iđa viết thư thăm nàng, kể nỗi nhớ nhung thắm thiết. Biết được hai đứa vẫn liên lạc, ba nàng đã xé tan tành những cánh thư sau đó. Me ̣ nàng không tán thành cũng không phản đối chỉ khuyên Ngân cân nhắc, suy nghĩ chờ thời gian tìm hiểu thêm người con trai mà con bà thương yêu.                      Những ngày hè lạnh lùng trôi qua, trước khi Ngân trở lại trường ông Nga chỉ nói ngắn gọn một câu : “ Con làm giấy tờ thuyên chuyển đi nơi khác đi.” Ứa nước mắt Ngân từ giã ba mẹ ra đi với ý nghĩ chỉ trở về nhà khi nào thuyết phục được ba mẹ chấp nhận chàng.
                                                       
                                                                                      X   X   X
  
                      Ngân trở lại trường sau ba tháng nghỉ hè .  Thật sững sờ, nàng nhận được những dòng ngắn ngủi của Iđa nhờ một người bạn trao lại: “ Ngân ơi, cảm ơn Ngân đã yêu anh, đã cho anh một tình yêu chân thật , nhưng ... anh đã phụ tấm lòng của Ngân. Ida đã quyết định rời xa Ngân, rời xa dòng Đa Me với thật nhiều kỷ niệm. Giã biệt người anh đời đời yêu dấu.Xin Chúa ban phước lành đến em. ”
                                  Ngân gục đầu nức nở “ Vậy là Iđa đã rời xa ta? Anh đã đi đâu anh hở ?” Iđa ra đi, Ngân buồn thương nhớ nhung nhưng vẫn tin tưởng anh đã chọn cho mình một con đường tươi sáng. Ở lại, ngoài việc lên bục giảng Ngân còn hăng hái làm việc thiện nguyện, làm việc ở nhà thờ. Vào ngày Chủ nhật, Ngân ở lại trường nhiều hơn là về Đà Lạt. Sau thời gian họp nhóm ở nhà thờ bọn nàng vào những thôn xa rao giảng lời Chúa, hoặc đến giúp đỡ những gia đình nghèo khó neo đơn. Tối về đối diện với đêm đen, ở một mình trong căn phòng vắng lại thêm tiếng suối vọng về hằng đêm càng làm Ngân quắt quay trong nỗi nhớ. “ Lạy Chúa xin người hãy yêu thương, gìn giữ cho người con yêu ” Ngân cầu nguyện thường xuyên cho Iđa vượt qua trở ngại, khó khăn nếu anh gặp phải. Không hiểu sao Ngân vẫn luôn giữ vững niềm tin sẽ có ngày gặp lại chàng.
                                                                         
                                                                                   X    X    X
  
                                 Thời gian thấm thoát trôi nhanh, dòng đời thay đổi người anh trai nàng tưởng đã mất tích trong những ngày di tản khi quân bắc cộng tràn vào đã liên lạc được với gia đình, sau đó làm giấy tờ bảo lãnh gia đình Ngân theo diện đoàn tụ qua Menesota. Trước hôm rời xa Đa Me, Ngân đã ngồi lặng hàng giờ bên con suối nhỏ, nỗi nhớ thương quặn thắt buồng tim, sở dĩ nàng ở lại nơi đây chối từ sự thuyên chuyển về Đà Lạt chỉ vì muốn chờ đợi tin tức của Iđa. Nàng mong một lời nhắn, mong một địa chỉ để có thể liên lạc với chàng nhưng tuyệt vô âm tín. Ngân không biết Iđa đi đâu làm gì trong những năm dài xa cách. Ngân chỉ biết cầu nguyện cho chàng bình yên, có một cuộc sống ấm no hạnh phúc. 
                                           Lặng lẽ rời xa ngôi trường thân yêu với những cô cậu học trò mộc mạc hiền lành cùng bạn bè gắn bó trong những năm xa nhà, lòng Ngân trĩu nặng nỗi buồn. Đến đất nước tự do, Ngân đi học lại và cuối cùng là một cô giáo dạy trẻ. Ba má Ngân tuổi đã già chỉ quanh quẩn trong nhà, chăm sóc ngôi vườn đầy hương hoa của anh trai nàng. Ông bà cụ còn trồng thêm một ít rau trái nên bữa ăn nào gia đình cũng có rau quả tươi. Bẵng đi thời gian dài không hề nhắc đến chuyện tình cảm của nàng với Iđa. Khi đến với xứ sở mới, xứ́ sở tự do, yêu chuộng sự bình đẳng tự dưng Ba Ngân có sự thay đổi. Một hôm trong bữa ăn ba tỏ lời hối tiếc là đã ngăn cấm chuyện của Ngân. Ngân im lặng không nói, để nước mắt lặng lẽ rơi... nhưng nàng hoàn toàn không hề trách ba, Ngân nghĩ, duyên phận của mình và Iđa chỉ đến vậy mà thôi. Có thể giờ này chàng đã ấm êm hạnh phúc với gia đình của chàng, cũng có thể đang ở một nơi nào đó với chí hướng , mộng ước to lớn làm một cuộc cách mạng thay đổi quê hương khốn khổ của mình. Dù anh đang ở nơi nào, trong ngăn tim bé nhỏ của ngàng vẫn giữ hình bóng của chàng, người yêu đầu đời mà Ngân đã trao trọn yêu thương.
                                                                                       X   X   X

                       “ Con yêu dấu của Cha... Có thể con không biết Cha nhưng Cha biết rõ mọi điều về con. Cha biết những khi con ngồi và những lúc con đứng. Cha quen thuộc với các đường lối của con ... Cha cũng là người cha luôn luôn an ủi con trong tất cả những khó khăn của con. Khi trái tim con tan vỡ. Cha ở gần bên con. Như mục tử vác chiên con, Cha đã bồng con sát vào lòng Cha. Rồi có ngày Cha sẽ lau hết những giọt nước mắt của con... Và Cha sẽ́ cất đi mọi khổ đau mà con phải chịu nơi trần gian này. Cha là cha của con và cha yêu con như cha yêu chúa Giê Xu, con của Cha. Vì trong Chúa Giê Xu, Cha bày tỏ tình yêu của Cha dành cho con. ”
                                Ngân lặng người đi vì xúc động, mắt mở lớn nhìn người mục sư đang đứng trên bục gỗ rao gỉảng lời của Đức Chúa Trời Toàn Năng. Có phải là Iđa của ngày xưa đó không? Thoạt đầu Ngân chỉ thoáng nhận ra vị Mục sư này nhìn quen quen nhưng khi nghe giọng nói với âm hưởng hưởng trầm trầm đặc biệt nàng nhận ra ngay là Chàng. Đúng rồi với dáng dấp cao, màu tóc đen với những lọn quăn tự nhiên, đôi mắt sâu với viền mi cong mà một thời nàng thương mến. Đã gần ba mươi năm kể từ ngày chàng bỏ Đa Me ra đi, giờ Ngân mới thấy lại. Quả thật Iđa đã không thay đổi nhiều. Chàng có già đi nhưng những nét đặc biệt nơi chàng vẫn không thay đổi mấy. Hay là tình cảm Ngân dành cho chàng sâu đậm quá, niềm thương yêu dành cho chàng thâm sâu quá nên hình ảnh chàng luôn ở trong Ngân để qua những tháng năm dài xa nhau, gặp lại chàng với khoảng cách khá xa Ngân vẫn nhận ra ngay. Ba mươi năm trước gặp gỡ, thương yêu rồi rời xa. Ba mươi năm sau gặp lại. Trời ơi Chúa nhân từ đã mang Iđa về bên nàng. Ngân oà vỡ niềm vui. Từ Minesota Nàng và gia đình dọn về Cali để tránh muà Đông lạnh lẽo. Ba nàng cũng đã lớn tuổi Ông muốn tìm về vùng Litle Sài Gòn để gần gũi với các bạn già. Ngân và mẹ cũng vậy. Nơi đây Ngân có dịp gặp lại bạn bè từ thuở nhỏ. Chỉ một lần về thăm CaLi, gia đình nàng đã quyết định dời về sống ở miền Nam nắng ấm này và chính nhờ vậy mà hôm nay trái tim nàng tưởng như đã băng hoại từ ngày chàng ra đi, giờ như hồi sinh lại. Ồ nhưng mà thời gian đã qua quá lâu. Biết bao vật đổi sao dời. Liệu chàng có còn tình cảm với mình không mà mơ ước.
                                              Ngân ngồi yên thật lâu trên ghế rồi chợt đứng lên từ từ bước dần về hướng người mục sư. Ngân đã vượt qua được nỗi sợ hãi, sợ biết sự thật về cuộc sống của chàng hiện nay, dù sự thật thế nào nàng cũng vẫn không mất đi niềm tin yêu của mình dành cho chàng và niềm tin càng mạnh mẽ hơn khi người yêu của mình đang có một sứ mạng thật cao cả. Chúa đã dẫn dắt Ngân đến bên chàng, nhất định Chúa sẽ ban cho nàng niềm hạnh phúc không cùng của sự chờ đợi và niềm thủy chung . Trên bục gỗ, giọng trầm ấm của chàng chợt nhỏ lại chấm dứt bài giảng “ ...và không còn điều gì có thể ngăn cách giữa con và tình yêu của Cha. Con hãy trở về nhà thì cha sẽ mở tiệc mừng thật lớn trên Thiên Đàng. Cha luôn là Cha Trên Trời và mãi mãi vẫn là người Cha. Câu hỏi của Cha là liệu con có muốn làm con của Cha không? Cha đang đợi chờ con ”. - Vâng. “ Cha hãy đợi chờ con... và không còn điều gì có thể ngăn cách giữa con và tình yêu của Cha ” Nước mắt Ngân nhạt nhoà rơi, những hạt nước mắt chứa chan hạnh phúc. Ngàn thầm thì : Cảm tạ ơn Chúa. Cảm ơn Đức Chúa Trời Toàn Năng. Con xin giao phó con trong tay người. 

                                                            X    X    X 

                        Ngân và Iđa đã tìm về Đa Me, trở về lại ngôi trường cũ ngày nào. Ở đây họ đã tổ chức một đám cưới thật đơn sơ trong ngôi giáo đường cổ kính. Một số bạn bè thân mến cũ còn ở lại, gắn bó với ngôi trường đều đến tham dự. Người mục sư già năm xưa cũng là người chủ hôn cho đôi bạn. Trong không khí ấm cúng, vui tươi, giọng người mục sư trầm ấm vang lên: 
                                                             -  Hai con có hứa nguyện sẽ trung thành với nhau trọn đời,dù lúc khỏe mạnh hay đau yếu, lúc sung sướng hay khi nghèo khổ, lúc vui cũng như lúc buồn... và chỉ có cái chết mới chia lìa cuộc hôn nhân này không? .
                        Trao cho nhau đôi mắt trìu mến thương yêu, chứa chan niềm hạnh phúc, cả hai cùng gật đầu.                                                                - Vâng . Chúng con xin hứa!
               Đêm ấy bên dòng suối Đa Me. Iđa lại nắn nót cung đàn, đàn lại cho người yêu bản đàn dang dở. Tiếng đàn ghi ta dịu dàng tha thiết lại vang lên trong đêm trăng bên dòng suối chất đầy kỷ niệm của hai người.. “ Mịt mùng ngàn thâu suối mơ trầm lắng. Lòng buồn từ ly nhớ nhung chiều vắng.. Người ơi nhớ khúc nhạc lòng đêm ấy, Ngàn đời vang nhắc bên suối trăng tà....” Ngân khe khẽ hát theo rồi thích thú cho chân xuống dòng nước mát lạnh tìm lại cảm giác xa xưa, thuở cả hai mới bắt đầu hò hẹn. Trăng đã lên cao, ánh trăng mười sáu dịu dàng nhẹ tỏa, đêm yên vắng thanh bình... tiếng suối vẫn thì thầm, thủ thỉ, lời thì thầm thương yêu như nhắn nhủ Ngân hãy yêu thương và trân quý hạnh phúc nàng đang hưởng. Dựa đầu vào bờ vai ấm áp của chồng, Ngân nghe thương yêu lan rộng. Nàng đã tìm được bến đỗ bình yên nhất, hạnh phúc nhất. Trên cao chị Hằng nghiêng mình soi bóng xuống dòng Đa Me lóng lánh bạc trong đêm, cùng chia sẻ niềm hạnh phúc ngọt ngào của Ngân và người bạn đời yêu dấu
                                                                                                      . Forget me not Dalat

Con suối mùa Xuân

Sunday, August 5, 2012


Trường Xưa


Forget me not Dalat
              Cứ mỗi lần nghe Giao Linh cất lên lời ca buồn “Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ, nhiều nét đổi thay, bạn cũ đâu rồi…” Lòng tôi lại dâng lên một niềm cảm xúc dạt dào. Tôi nhớ trường xưa da diết!! Ngôi trường làng bé nhỏ, Cô, Thầy, bạn bè thân thương của thời niên thiếu lại hiện ra đậm nét trong tôi. Ngôi trường thuở ấu thơ của tôi mang tên Trung Bắc, cùng tên với làng của chúng tôi, nơi quy tụ dân của các tỉnh miền Bắc và miền Trung vào đây lập nghiệp.
              Trường tôi tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ, nằm giữa ấp Hà Đông và Nghệ Tĩnh. Cổng trường khá đẹp có bậc tam cấp đi lên.Hai bên cổng trồng hai dãy anh đào quanh năm xanh tốt. Mặc dù trường có cổng chính nhưng rất hiếm khi chúng tôi đến trường bằng cổng này. Học sinh phía Hà Đông thường đến bằng con đường mòn bên tay phải, dân Nghệ Tĩnh chúng tôi đi theo lối mòn bên trái. Có lúc tôi đã quên bẵng là trường mình cũng có một cổng trường xinh đẹp, không thua kém những trường ngoài tỉnh. Trường thật nhỏ, cả trường chỉ có năm lớp học. Có hai dãy lớp. Một dãy bằng ván, lợp tôn chia làm ba lớp: lớp m, lớp và lớp Ba. Dãy kia được xây sau này chia làm ba phòng, một cho lớp Nhì, một cho lớp Nhất... ở giữa hai lớp học là văn phòng. Kể làm sao hết những kỷ niệm buồn vui của tôi với ngôi trường cũ. Nơi tôi tròn miệng ê a những bài học vỡ lòng, nơi để lại cho tôi những kỷ niệm dễ nào quên!! Thầy Viên dạy lớp m, đi đứng chậm chạp, nói năng ôn hòa. Khi đám học trò nhỏ nhao nhao, dành nhau trả lời mỗi khi Thầy đặt câu hỏi. Thầy lấy cây thước kẽ đập mạnh trên bàn ba tiếng là chúng tôi ngồi yên lặng vòng tay nhìn lên bảng. Lên lớp học với Thầy Đinh Thái Anh, Thầy hơi thấp nhưng thật nhanh nhẹn. Học trò sợ roi của Thầy một phép. Bạn nào không thuộc bài. Lần đầu tiên úp mặt vào tường. Lần thứ hai quỳ gối. Lần thứ ba yên chí nằm dài trên bục gỗ, roi mây Thầy để sẵn trong “ Học cụ khố ”được Thầy lấy ra. Thầy giơ cao… đánh mạnh!! Lên lớp Ba tôi được học với Cô Hiền. Cô thật hiền lành, dễ thương. Vừa dạy được ba tháng, cô phải đổi đi nơi khác. Tiễn cô đi, chúng tôi, ai nấy đều đều rấm rức khóc, Cô cũng cảm động khóc theo. Những giọt nước mắt của chúng tôi cũng không giữ chân cô lại được. Thầy Hiệu trưởng đưa Thầy Anh lên dạy lớp Ba. Lớp hai có Thầy Bửu Hầu đến nhận nhiệm sở, thay thế Thầy Anh. Năm lớp Nhì tôi được học với Thầy Nguyễn Quang Đình, Thầy người Bắc, giảng bài thật hay. Nhờ Thầy trường chúng tôi thêm nhiều khởi sắc. Thầy lập ban văn nghệ, dạy chúng tôi ca hát. Chúng tôi được dịp lên hát ở Đài Phát Thanh trong chương trình “Tiếng Hát Học Đường ”. Mỗi lúc đi thu thanh là dịp cho chúng tôi khoe với bạn bè: "Chúng tôi được đi cầu thang hình xoáy trôn ốc nè!. Các bạn biết không Đài Phát Thanh cao ơi là cao! Chúng tôi được thấy chiếc đàn thật to và cao , dám cao gấp mấy lần tụi mình lận đó!” Các bạn tôi tròn mắt thán phục, ai cũng tiếc là không được ở trong Ban Văn Nghệ trường. Thầy Đình mang đến ngọn gió mới cho trường, thì ngọn gió tình yêu cũng thổi đến Thầy. Trong những lần đi tập văn nghệ ở nhà Liên, Thầy đã gặp chị Loan, chị của Liên, để rồi …Thầy vui vẻ ca bài “ Ô hay trận gió tình yêu lại … ” và cuối cùng …Thầy được làm chú rễ của Hà Đông. Hôm đám cưới Thầy, cả đám học trò nhỏ chạy đến nhà cô Loan nhìn cô dâu, chú rễ xúng xính trong bộ áo dài khăn đóng làm lễ gia tiên. Riêng bọn lớp Nhì chúng tôi đứa nào cũng hãnh diện khi thấy Thầy mình được làm chú rễ. Ôi cái tuổi học trò nhỏ sao mà hồn nhiên đến vậy!.
           Lên lớp Nhất tôi học với Cô Lê Thị Phảo, vào thuở ấy hiếm có cô giáo nào đến trường với trang phục Tây phương. Thế nhưng cô tôi ngoài những chiếc áo dài eo thon, thướt tha, thỉnh thoảng cô cũng mặc jupe thật “ mode ” Người dân chúng tôi quanh năm làm vườn, chân lấm tay bùn hiếm khi ăn mặc tươm tất, huống gì ăn mặc kiểu cọ theo lối Tây, nên thường hay gọi lén cô là “cô giáo tân thời”. Cô dạy hay, kiến thức cô rất rộng. Chúng tôi học hỏi cô rất nhiều, tuy nhiên cô rất nghiêm và cũng rất...dữ đòn. Những học sinh hư hỏng, lười biếng cô phạt thẳng tay. Vào thời đó, chúng tôi bị một kỷ luật thật khắt khe: “Kỷ luật trên đầu roi”. Chúng tôi không thuộc bài cũng bị đánh, đánh lộn cũng bị đánh, trốn học cũng bị đánh... Cũng may suốt thời gian Tiểu Học tôi chưa bị đánh bao gìờ, tôi luôn là học sinh giỏi, tháng nào cũng được ghi tên lên bảng Danh Dự của lớp
            Trái với thầy cô trong trường hay phạt học sinh bằng roi vọt. Thầy Hiệu Trưởng của chúng tôi hiền vô cùng. Thầy hiền lành đức độ giống như tên của Thầy: Bùi Đức Diệu .Thầy chưa bao gìờ đánh một học sinh nào. Các học sinh phạm lỗi nặng được đưa lên văn phòng. Thầy chỉ dịu dàng phân tích những sai trái của các em rồi cho về. Vào những sáng thứ hai chào cờ, Thầy luôn dặn dò chúng tôi, lời lẽ ân cần như lời của một người cha nhắn nhủ con cái: “Các con phải cố gắng học, mỗi người góp một bàn tay  giữ cho trường mình sạch sẽ, xinh đẹp...” Có bao gìờ bạn nhìn thấy một người Thầy, một vị Hiệu Trưởng đã dùng một chiếc cây dài, có gắn đinh nhọn đi vòng quanh sân trường nhặt những mảnh giấy rơi vãi bỏ vào thùng rác chưa?  Hành động của Thầy là một bài đạo đức mà chúng tôi tiếp thu nhanh nhất. Chúng tôi đã ngưng ngay việc xã rác bừa bãi...  Bài học ngày xưa đã thấm trong tôi cho đến bây gìờ. Tôi sẽ thấy thật có lỗi khi bỏ qua một mảnh rác nơi công cộng mà mình không tìm cách bỏ vào thùng chứa. Thầy Hiệu Trưởng của tôi hiền lành quá, giản dị quá, gần gũi với chúng tôi quá nên tôi yêu kính thầy Hiệu Trưởng vô cùng!.
             Thuở đó, chúng tôi đi học một ngày hai buổi. Buổi sáng từ tám giờ rưỡi đến mười một gìờ. Buổi chiều từ hai gì đến bốn gìờ rưỡi. Các bạn ở xa, ở Xóm Đa Thiện hoặc khu Số Bốn qua học. Họ thường mang theo cơm canh, củ khoai, củ sắn... hoặc cơm vắt để ở lại trường. Nhà tôi cách trường chỉ vài ba phút nhưng thỉnh thoảng cũng năn nỉ mẹ cho ở lại. Được phép, tôi mừng như được đi cắm trại vậy. Chúng tôi mang khăn trải bàn, bày thức ăn ra bãi cỏ sau trường, rồi cùng ăn chung. Ăn uống xong bày ra chơi: u mọi, rải danh, chuyền thẻ, ô quan... hoặc tìm đến hàng anh đào ngoài cổng, tìm cây nào râm mát nhất... ngồi dưới bóng cây tỉ tê tâm sự. Có hôm chúng tôi lén lén chạy tới văn phòng xem Thầy HiệuTrưởng ăn trưa. Chúng tôi ngạc nhiên vô cùng Thầy cũng ăn cơm vắt muối mè như chúng tôi. Thấy chúng tôi lấp ló ở cửa. Thầy không rầy còn hỏi chúng tôi: “Các con có muốn uống nước thì vào đây, Thầy có cả bình trà, cứ vào mà uống.”
            Trải qua nhiều năm rời xa trường cũ. Kỷ niệm vẫn đầy ắp trong tôi. Tháng trước Tham dự Hội Bùi Thị Xuân -Trầnng Đo ở Canada, ngồi bên cạnh một anh Trần Hưng Đạo. Anh hỏi tôi:
-     Đà Lạt, em ở đâu vậy?
-     Dạ, em ở ấp Nghệ Tĩnh
Anh ngạc nhiên vui mừng:
-     Còn anh, dân Hà Đông đây này!
-     Thế anh cho em biết anh con ai? khu nào?
              Chúng tôi ríu rít nhắc lại chuyện xưa. Ai dè, ông anh Trần Hưng Đạo ấy cũng là học sinh trường Trung Bắc và còn là bạn của anh Hai tôi. “Xa quê hương ngộ cố tri,” chúng tôi nói chuyện thật vui vẻ  và... ngôi trường làng bé nhỏ của chúng tôi là đề tài nói hoài không hết của hai người.
             “Trường em, bên đồi thông xanh dấu yêu, nơi yêu dấu muôn đời. Em thiết tha bao người trường em...Đây Trung Bắc trường em, chung sống những ngày êm đềm, cho lòng em nhớ không nguôi...” Bài hiệu đoàn ca của trường thưở nào vẫn làm tôi nhớ mãi, nhớ mãi không nguôi. Nhớ trường xưa. Nhớ Thầy cô, nhớ bạn bè... người còn, kẻ mất . Tôi vẫn mơ một ngày được trở về, được trở về thăm ngôi trường cũ để ngậm ngùi ca: “Hôm nay, trở lại nhiều khuôn mặt mới. Trường cũ còn đây, bạn cũ đâu rồi. Ôi trường xưa yêu dấu! Có biết rằng ta rất nhớ người không?!
Forget me not Dalat

Monday, July 2, 2012

           Cảm ơn những ngày vui tuyệt vời ở vùng biển nóng San Lucas

Cobo San Lucas


Cabo San Lucas


Monday, April 30, 2012

Phượng đỏ ở Úc


Thiên Nga Trong Hồ


VNDK Ngày Trở Về


                    VIỆT NAM DU KÝ  Ngày trở về

          Chuyến xe đò Châu Đốc  mang tụi mình trở về Sài Gòn. Khi xe đi ngang qua cầu Mỹ Thuận, cái cầu mới đã thay thế cho” “bắc Mỹ Thuận ngày xưa. Dù biết chiếc cầu mang đến nhiều tiện ích nhưng trong thâm tâm mình vẫn ưa thích được đi lại trên bắc ngày xưa. Cả một bức tranh sống động không thể nào quên được. Xe cộ, người người hối hả qua bắc.  Hai bên bờ hàng quán tràn ngập bán không thiếu món gì, lại thêm cả đội ngũ anh chị bán hàng rong len lỏi theo dòng người mời chào luôn miệng. Nào bắp luộc, bánh tráng, kẹo dừa, kẹo chuối, bánh ít, bánh gai... Trái cây thì đếm không xuể, từ quả ổi xá lị trái bóng loáng, đến cam sành, khóm ngọt cho đến những trái xoài tượng chỉ mới nhìn thôi cũng đã phải nuốt nước miếng nhớ đến chén nước mắm đường....Rồi đến những món chiên, như khoai chiên, chuối chiên, chim cút  hấp dẫn, bắt mắt. Người mua kẻ bán nói chuyện ồn ào,  tiếng rao hàng đủ  âm giọng vang lên, xen  lẫn tiếng rao hàng là âm thanh réo rắt của  đàn bầu hoà với  những bản vọng cổ buồn ai oán hoặc những bản tân nhạc với điệu bolero cùng những giọng hát khá điêu luyện của những người hành khất, những người hát rong. Ai từng đi qua những “Bắc” ở miền Nam mới thấy những nét đặc thù của những vùng sông nước ấy. Giờ Bắc Mỹ Thuận chỉ còn là cái tên gọi, mình cũng cảm thấy buồn buồn.
                     Qua khỏi bắc Mỹ Thuận trời bỗng dưng đổ mưa, rồi mưa tầm tả suốt lộ trình từ Mỹ Tho về Sài Gòn. Ngồi bên cửa sổ nhìn ra ngoài trời tối đen, mưa mạnh bạo hắt vào cửa kiếng. Ngồi co ro nhìn ra ngoài trời tối đen, hồn mình mênh mang buồn, mênh mang nhớ, nhắm mắt lại cố tìm một giấc ngủ lại không được.  Thế rồi chuyến xe đò ấy cũng đưa mình đến thành phố. Đến bến, mọi người lục tục xuống xe, kêu  tắc xi về khách sạn trong khi mưa vẫn chưa ngớt hạt. Đêm ấy chúng mình đi ngủ thật muộn nhưng giấc ngủ lại đến thật nhanh có lẽ tại mấy ngày đi liên miên không nghỉ.
                Sáng dậy trể, mấy chị em ra chợ Bến Thành ăn hàng, sau đó tìm mua quà cho mấy nhóc ở nhà. Mua hai bông tai thật dễ thương cho hai cô con gái, vài áo thun với hình ảnh Việt Nam  cho con trai  làm kỷ niệm.
                Tối đến, ông cậu mậu cường lại ghé thăm, chở mình đi uống cà phê. Đường phố Sài Gòn ban đêm đông nghẹt. Hai cậu cháu ngồi ở một quán cóc bên đường, lẩm cẩm nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Còn đêm nay và ngày mai nữa là mình đã rời xa Sài Gòn, rời xa quê hương yêu dấu, cũng có chút ngậm ngùi khi nghĩ đến biết bao giờ gặp lại cậu đây? Cậu chở về, nói lời chia tay với cậu và hẹn ngày tái ngộ nếu có dịp trở về thăm lại.
Ngày.... tháng ....năm
             Tụi mình chỉ còn một hôm nữa nơi thành phố này, buổi sáng đi thăm lại thím Bảy chào từ biệt, buổi trưa thăm An. Thân xác đã rả rời mệt nhoài trong một tháng đi đi lại từ thành phố này qua thành phố khác, mình đã thấy nhớ nhà dù chỉ mai này thôi sẽ trở về với gia đình, với công việc. Chiều đến, sau lúc tan việc chị Kim Anh đến dẫn tụi mình đi mát xa. Tiệm mát xa trên đường Trần Hưng Đạo, trang trí đẹp giống như những Spa lớn bên Mỹ. Được thả lỏng nghỉ ngơi, tận hưởng sự thoải mái do sức lao động của người mang lại tự dưng mình lại  thấy chua chát giữa cái nghịch lý, người này thấy thoải mái hạnh phúc thì người kia sẽ nhận kết quả ngược lại. Nhìn người rồi lại nghĩ đến ta, ngày mai ta trở về rồi lại tiếp tục lăn vào vòng xoáy của công việc.  Nhưng thôi hãy tận hưởng những gì mình có hôm nay, đừng nghĩ gì đến công việc đang chờ đợi ở bên kia quả địa cầu xa lơ lắc ấy....Bàn tay êm, nhạc du dương nhẹ nhàng đưa mình vào giấc ngủ.
 Ngày...tháng...năm
             Buổi sáng thức dậy cảm thấy dễ chịu vô cùng. Vẫn như những hôm ở Sài Gòn, tụi mình ghé “ Bến Thành ” ăn sáng. Ăn xong, đi vòng vòng chợ mua thêm một ít quà lưu niệm, những con búp bê bé tí tẹo, những xâu chìa khóa có hình bản đồ Việt Nam, những hình cô gái mặc áo dài thật duyên dáng. Tất cả được làm bằng gỗ hoặc bằng xà cừ, nhẹ, không choán chỗ bao nhiêu, tha hồ nhét vào túi xách mang về. Thức ăn như bánh mứt, kẹo thật nhiều nhưng tụi mình không mua gì cả. Mình đã chuẩn bị ít bánh tráng dẻo mua ở Nha Trang và măng khô ở Phan Rang mang về làm quà. Chuyến đi hai chị em mang cả năm thùng hành lý, chuyến về chỉ nhẹ nhàng hai xách. Khoảng mười một giờ tụi mình thuê xe ra phi trường, vợ chồng Sanh, An đã đợi sẵn ở đấy, Trang cũng đến tiễn đưa. Chụp vài pô hình lưu niệm, hẹn hò, hứa hẹn ngày trở về không xa,  tụi mình vội vã đến làm thủ tục giấy tờ. Vẫy tay chào từ giã các bạn đang đứng ở ngoài phòng cách ly, tụi mình vào phòng đợi. Chuyến bay của Hãng Eva cất cánh mang tụi mình trả lại Cali. Ngoái nhìn phi trường dần dần xa ... người, xe cộ nhỏ dần...Con chim sắt khổng lồ này đang mang tụi mình trở về nhà, trở về quê hương thứ hai của mình nơi đang có bao nhiêu người thân chờ đợi. Một tháng vắng nhà, chu du qua bao miền của Tổ quốc, cảm thấy quá hài lòng với những ngày  trên quê hương. Nỗi mong chờ , hoài mong thấy lại quê hương sau bao nhiêu năm xa cách đã thành hiện thực, đã được thỏa mãn. Xin cảm ơn và giã từ quê hương yêu dấu.
                                                           Forget Me Not Dalat