Monday, May 8, 2017

MỤ BÁN MẮM


       
               

         Mụ Con trạc tuổi bốn mươi, bốn hai. Mụ cao chưa đến một mét bốn lăm, nước da ngăm đen, đôi mắt nâu thật linh động, nếu không nói là sắc sảo. Tuy thấp bé, nhỏ con nhưng giọng mụ lanh lnh, cao trong. Mỗi lần nghe mụ rao hàng, từ bên này vang vọng qua cả bên kia xóm. Nhà tôi ai cũng mê món mắm cà của mụ. Khi mụ vén chiếc áo dài, đặt quang gánh ngồi xuống là tôi cầm cái chén chạy ra, chìa cho mụ
          - Mụ bán con năm đồng. Nhớ cho thêm chút nước nha mụ.
 Mụ cười hiền mắng
          - Cái con ni, khi mô cũng xin thêm nước
 Thật ra nói là nói vậy thôi, chứ không hỏi thêm mụ cũng cho. Lúc thì mụ cho thêm vài miếng cà, khi thì thêm vài miếng thơm, hoặc vài miếng dưa leo. Đôi quang mụ gánh khá nặng, một bên là một thau mắm cà khá đầy, đặt trên cái thúng. Thúng bên kia mụ đựng một hũ mắm ruốc, một hũ mắm tôm, một keo mắm tép... Ai mua chi mụ bán nớ.  Mua ít, mua nhiều mụ không hề cằn nhằn. Chiều nào cũng vậy khi nghe tiếng rao của mụ từ đầu xóm là tôi đã nôn nao đợi chờ mụ xuất hiện.  Ăn riết đâm ghiền. Nhìn thau mắm cà của mụ mới thấy hấp dẫn làm sao! Màu cà trắng đục, lẫn trong màu vàng của thơm, những lát đu đủ trong trong, thêm màu xanh của dưa leo, màu đỏ của những trái ớt tươi chìm trong màu nước hồng hồng. Không biết mụ có bỏ phẩm đỏ trong ấy không hay là do màu đỏ của ớt bột tạo thành... Không cần biết, chỉ biết mắm cà của mụ ngon là được. Với tôi mắm cà của mụ Con là số một. Khó mà kiếm được mắm cà ngon như mắm cà của mụ ở chợ Đà Lạt. Mua mắm về có khi chúng tôi ăn với bún nhưng thường thì ăn với cơm. Bỏ miếng cà vào miệng. Cắn cái “rụp”. Dòn quá! Ngon quá!  Đu đủ, dưa leo cắt lát, mụ phơi heo héo ngấm với ớt, ăn vào tê cả đầu lưỡi. À quên, thêm vị ngọt của thơm đã thấm với mắm nửa chớ. Chậc! Ba tôi thường nói “ Món ăn nhà nghèo mà ngon!”. Nấu miếng canh rau lang, rau đay ăn với cà mắm cũng không chê vào đâu được. Ôi mắm cà mụ Con...là món ăn ngon nhất của tôi thời tuổi nhỏ.

    “ Nằm đất với mụ hàng hương - Còn hơn nằm giường với mụ hàng mắm”

    Ông Vân già gần nhà tôi cũng cầm chén đến gặp mụ. Ông  cứ chào, chọc mụ bằng câu ca dễ ghét ấy. Tôi nghe phát ghét nhưng mụ vẫn tỉnh bơ “ Ừ, “hương hôi” hàng mắm đây. Rứa mà có người muốn còn không được”. Ai cũng biết ông già góa vợ phải lòng mụ Con. Chiều nào ông cũng ra mua mắm, rồi lân la hỏi mụ đủ thứ chuyện.  Nào là có “ dôn” chưa? Có con chưa? Mụ bí mật không nói. Mà thiệt, mụ Con vào làng tôi bán cả mấy năm rồi, tôi cũng không biết mụ ở đâu, chồng con ra sao? Có hỏi mụ chị nói mụ ở xa lắm. Thấy mụ mặc áo dài đi bán, lại bán mắm, trông mụ thật luộm thuộm. Mấy bà trong xóm hỏi: “Răng mụ không mặc áo quần ngắn cho tiện.”  Mụ giận la cho một trận “Mấy người ni “ốt dột”thiệt, không hiểu người  Huế chi hết. Mắc mớ chi mà hỏi hoài.” Rồi mụ lấy gói thuốc rê ra vấn, lập bập hút... phà hơi thuốc ra xa. Mùi thuốc rê mụ hút thật nặng mùi.  Ông Vân lại  không chê thuốc của mụ tí nào, ông thích xin thuốc của mụ để vừa hút vừa hỏi chuyện dông dài...Bác Ba xóm tôi chê “ Lão Vân tán gái dỡ ẹt. Tao mà chưa vợ, tao tán một phát là dính chóc.”

         Mụ Con đảm đang, giỏi dang tuy không đẹp nhưng có duyên nên cũng có vài người, kẻ thì góa vợ, người thì quá tuổi muốn tiến xa với mụ nhưng ngặt nỗi mụ bình chân như vại. Mấy bà già trong xóm tôi thương mụ cũng đòi mai mối nhưng mụ chỉ cười “ Cảm ơn mấy O, có biết tui có dôn hay chưa mà làm mai. Thôi thì làm mai “ ôn dôn” của O đi. Tui ưng liền.”  Dị quá! Mấy bà nín khe.

         Thời gian trôi qua. Từ cô bé Tiểu học, tôi vào Trung học, rồi qua hết những năm Trung học. Mụ Con vẫn đều đều trên vai đôi gánh, có điều gánh mắm cà có nhẹ đi một ít. Giọng rao của mụ vẫn vang lên từ đầu trên đến xóm dưới. Ít khi mụ nghỉ bán ngoại trừ những hôm bị cảm, bị bịnh. Mắm cà của mụ vẫn ngon, vẫn hấp dẫn chúng tôi, dù lúc này  thỉnh thoảng tôi đã  tự làm món mắm mình ưa thích. Ông Vân, ông già si tình theo đuổi mụ đã đi xa.... Không biết ông có còn được hưởng mùi hương của mắm nơi miền xa xăm  ấy ? Ừ mà...ông đâu còn người bà con nào để nhớ gởi đến ông món mắm cà tình nghĩa trong ngày kỵ của ông ...

      Thời gian thắm thoát trôi. Mấy chục năm qua rồi. Tôi đã biết làm món mắm cà mà một thời yêu thích nhưng không làm sao quên được cái hương vị đặc biệt của món mắm do mụ Con làm, cùng tiếng rao lanh lãnh của mụ vang lên từ đầu làng đến cuối ngõ " Ai mua mắm cà.... không? "
                                                                   FMN DL


Monday, May 1, 2017

Ngày Sinh Nhật





            NGÀY   SINH  NHẬT
                              ( Viết tặng bé Quyên )

   Em ra đời vào ngày mất nước.
   Trong lúc mọi người vội vã ra đi
   Bỏ quê hương, gia tài, sự sản.
   Mang thai em, mẹ không thể rời xa
    Sợ nắng mưa, gió cuồng  biển cả.
    Em ra đời trong ngày di tản.
    Cũng là ngày mẹ đưa tiễn ba đi
     Người ta bảo đưa ba  “ cải tạo”
    Mẹ thương chồng bịn rịn rời xa
    Khóc thương con ra đời không phải lúc
    Sinh thiếu tháng em như mèo ốm.
    Thương mẹ thiếu ăn, sữa mẹ cạn nguồn.
    Nuôi em nhục nhằn ngày no, ngày đói.
    Thức khuya đan, may , mắt nhòe tay mỏi
     Ngày dãi dầu ra chợ bán buôn
     Bán từ mảnh áo dài, ngày xưa mẹ diện
     Bán cả nồi cơm điện mẹ đang dùng
     Ti Vi, tủ lạnh xuống đường cùng mẹ.
     Để có tiền mẹ mua sữa nuôi em.
     Và chắt chiu mua thức ăn nuôi bố.
     Em ở lại trong vòng tay mẹ
     Lớn lên trong đau khổ, nhục nhằn
     Cũng chờ được ngày ba trở lại.
     Rồi cùng người bỏ nước ra đi
     Đến bến bờ tự do hạnh phúc

                       XXX  
     Tháng tư đen, những tháng ngày đen tối
      Người dân Nam mất mát quê hương
      Cũng là ngày sinh nhật buồn em luôn  nhớ.
      Đốt ngọn nến với niềm mơ ước
      Mơ ước quê hương thực sự thanh bình
      Cờ đỏ sao vàng thôi bay trong gió
      Em sẽ về thăm lại quê hương
      Hát vang bài ca tự do, hạnh phúc.
                     
   
     
   

    

     
     

    

Cho tháng tư đen

                           NHỚ  MẸ 
                       
Những tháng tư về, con buồn nhớ mẹ,
Tóc bạc lưng còng, bới xách nuôi con.
Mẹ nắm tay con, dặn dò nhắn nhủ :
“Ráng nghe con, mẹ sẽ  đợi con về!”

Cầm tay con, bàn tay thô chai sạn.
Mẹ nghẹn ngào: “Thật tội nghiệp con tôi!
Bàn tay xưa chỉ biết cầm bút mực,
Giờ cầm búa rìu, xẻ gỗ cưa cây,
Cuốc đất trồng rau, dãi dầu mưa nắng…”

Thân con ngục tù, mẹ quặn lòng đau.
Những lần thăm nuôi, đường xa vời vợi,
Mẹ vẫn băng rừng, lội suối, trèo non.
Trại cải tạo xa, sâu trong rừng núi,
Mẹ đã không hề bỏ một lần thăm.
Tay xách vai mang, nặng trĩu thân gầy,
Gô ruốc xả , bánh thuốc rê, đường cát,
Gói nặng thâm tình, tình mẹ cho con.
Những đêm ngục tù, nước mắt con tuôn,
Những giọt nước mắt xót xa nhớ mẹ.

 Sáu năm cải tạo, con về bên mẹ.
Mẹ vui, sao nước mắt tuôn trào?
Bên mẹ, đời dù nghèo nhưng ấm áp.
Tình mẹ cho con, biển rộng sông dài...

Giờ đây tha hương, xứ người dung nạp,
Con đã có đời sống mới tự do.
Chỉ thiếu mẹ, thiếu tình thương của mẹ.
Tháng tư về, con nhớ quá mẹ ơi!

Mộ mẹ, cỏ vươn cao, hương khói nhạt?
Con vẫn biệt tăm đi mãi không về.
Đất nước vẫn còn mang màu cờ đỏ
Lòng con vẫn còn đau, hận mẹ ơi
Làm sao con quên nỗi đau mất mát?
Mất mát quê hương, mất mát mẹ hiền.
Con sẽ trở về khi đất mẹ bình yên .
Màu cờ đỏ thôi tung bay trong gió.

Tháng tư đen, nhớ mẹ hiền con thắp
Một nén nhang lòng, gởi đến mẹ yêu.
Một  nén nhang cho quê nghèo yêu dấu.
Mẹ của  con, đất nước Việt cuả con,
Xin gởi đến Người, niềm  thương bất diệt.
                                         ̣Viết cho các anh.