Thursday, August 30, 2007


MẸ VÀ EM

Em tôi đi học chụp hình. Em vui vẻ tự tin hơn mỗi lần bấm máy. Mẹ tôi ủng hộ em hết mình. Đương nhiên, bởi mẹ rất thích được chụp hình và được làm người mẫu. Ngày đầu tiên đi học về. Mẹ đón tận ngoài cửa hỏi em: “ Con học được gì nào?” Em cười rạng rỡ: “ Mẹ đi ra ngoài vườn, con sẽ chụp cho mẹ những pô hình thật đẹp.” Quả thật, những tấm ảnh rửa ra trông mẹ ăn ảnh lắm. Có tấm ảnh mẹ ngổi giữa đám bí rợ đang thời kỳ ra hoa. Có hình mẹ đang cuốc cỏ sau hè hoặc mẹ đang tươi cười bên giàn mướp, giàn bầu trong khu vườn nhỏ xinh xinh đầy hương sắc của mẹ. Em nói với tôi: “ Em chụp với tốc độ 1/125 và khẩu độ 5.6 . Tôi cười cười. Dĩ nhiên tôi chả hiểu gì là tốc độ, là khẩu đô cả!.
Chủ nhật này tôi đến thăm mẹ. Mẹ bảo em đã đi học từ sáng. Mẹ mang tấm ảnh em chụp chân dung mẹ ra khoe.Tấm ảnh em chụp thuộc loại phim đen trắng. Khuôn mặt mẹ được ánh sáng chiếu vào một bên đen và nửa kia có màu sáng hơn.. Khoảng sáng trên khuôn mặt mẹ thấy cả những nếp nhăn, những lằn xếp . Bức ảnh thật có hồn.Sau bức ảnh em ghi : Chân dung mẹ: ánh sáng tạt ngang̣( ̣side lighting). Tôi lẩm bẩm như đang có em bên cạnh :“ Đương nhiên, được đi học phải khác chớ.”
Khóa học được tổ chức mỗi tuần vào sáng chủ nhật. Em đi học thật chuyên cần, không hề bỏ một buổi học nào. Sau những buổi thực hành,em lại mang hình đi rửa. Trong album học nhiếp ảnh của em chưng những hình là hình . Nào là hình ảnh con đường mùa Xuân hoa đào nở rực, những con đường phượng tí́m, tím cả rứng chiều… Hình những người mẫu đẹp như mơ : Áo dài tha thướt nhẹ bước trong nắng mai.. hay, hình những cô bé choai choai quần jean, áo thun hở bụng, rún đeo nhẫn hột xoàn thật hấp dẫn. Nhìn ảnh mẫu Anh ba tôi phán ngay: “- Sau khóa học này chắc mấy học viên nam của lớp em phải đi bác sĩ nhãn khoa mất. Biết vậy anh cũng ghi tên nhập học.” Em tôi bật cười: “ - Lẽ dĩ nhiên rồi…Con trai nào chả mê người đẹp.Những buổi thực hành ít có ai vắng mặt đâu anh ba.”
“ Nghèo thì hao. Giàu thì phá sản..” Em bảo với tôi mấy ông mê chụp ảnh thường nói chơi như vậy đó. Họ bỏ tiền ra mua những máy chụp hình, những ống kính..những dụng cụ dành cho chụp ảnh tốn cả chục ngàn là chuyện thường. Chưa nói, những Ông săn ảnh chuyên nghiệp thích đi nhiều nơi. Từ sông, qua hồ, lên núi, trèo đèo..đến thung lũng…Nhiều tiền thì đi Âu châu, Trung quốc, Việt nam… các nước có nhiều cảnh đẹp trên thế giới. Ít tiền hơn một chút thì cũng đi cho được những vùng đẹp nổi tiếng ở Hoa kỳ như Grand Canyon, Yosemite... Hao là chuyện dĩ nhiên phải không? Với em tôi, cũng đã thấy hao rồi đó chứ. Cái máy hình chụp ngon lành một chút cũng đã chi gần ngàn bạc.
Để chuẩn bị những tấm ảnh phải nộp cho ngày tốt nghiệp. Em đã chở “Người mẫu mẹ” đi chụp ngoại cảnh. Nghe đồn Echo Park hoa sen đang kỳ nở hoa thật đẹp. Em đã lặn lội lái xe từ Ontario, theo Free Way 10 , rồi qua Free Way 101, lên đến tận Los Angeles để chụp hình. Trước khi đi em tưởng tượng: Em sẽ có một bức ảnh chụp thật tuyệt vời: Mẹ mặc áo già lam, ngồi chắp tay theo tư thế thiền … Phía sau mẹ là cả một rừng sen mênh mông… Hình mẹ sẽ rất xinh đẹp, đẹp như một bức tượng! Buổi chiều về nghe mẹ kể. Cả một hồ sen rộng lớn như vậy mà nào thấy hoa, chỉ thấy một cụm sen lá toàn lá, đếm đi đếm lại chỉ có được ba đoá sen nở. Em ráng chụp hoài cũng không được một tấm ảnh đẹp . Thế là em quay qua đề tài mới: “ Chụp vịt”: vịt con. vịt lớn, vịt bé…vịt đang bơi, vịt đang bay, vịt nằm nghỉ ngơi bên bờ hồ…Mẹ cười ngặt nghẽo khi nhìn hình mẹ chụp bên cạnh bầy vịt đang dành ăn những mẫu bánh mì do mẹ quăng ra…Chiếc nón lá mẹ đội hôm đó làm tăng thêm nét sống động“ hình người mẹ quê đang cho vịt ăn” Cả một quê hương thanh bình, hồ sen, ao cá, sông nước miền quê ở quê hương mình, đã được em mang qua đây, cho vào trong ảnh chụp…
Em tôi vẫn đều đều đến lớp. Mẹ cũng vẫn là người mẫu sáng giá nhất của em. Lớp học nay mai mãn khoá.Quý vị giảng viên sẽ họp nhau cùng bình chọn những tấm ảnh xuất sắc nhất trong khoá học để trao giải thưởng,Có bao giờ một tấm ảnh chụp nào đó của mẹ tôi sẽ là tấm ảnh được tuyên dương đẹp nhất, xuất sắc nhất trong Lớp ảnh nghệ thuật của em tôi ? Cho nụ cười của mẹ đã rạng rỡ lại càng rạng rỡ hơn khi biết con mình được giải, mà mình lại là người mẫu của con? Và cho em tôi có thêm những niềm vui mới: Mang cái đẹp của thiên nhiên, vạn vật, con người …thâu vào ống kính….
Forget Me Not Dalat

Thursday, August 23, 2007


̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣́́́́́́́́́́́́́́ Về qua nhà cũ

Đi ngang qua nhà cũ
Quấn quýt dấu chân quen
Giàn hoa xưa còn đó
Mận trắng nở đầy hoa
Cây bơ trong vườn nhỏ
Vươn cao tỏa mái nhà
Ghé mắt qua hàng dậ̣̣u
Thoáng gặp mắt ai cười
Ngỡ ngàng như thấy lại
Người thương thuở xa xôi
Đi ngang qua nhà cũ
Kỷ niệm xưa chợt về
Sao dưng buồn tái tê!!
Forget me not Dalat

Thursday, August 16, 2007

Để nhớ ngày đi thăm Grand Canyon



Thursday, August 9, 2007










HẸN MAI NÀY

Hẹn mai này,
Vâng mai này
Em sẽ về phương đó.
Hạ vẫn sầu ?
Mây trắng vẫn lang thang .
Mai em về,
Hoa tím lục bình ngày xưa gìờ đã nở ?
Lạch dừa, Mỹ luông ôi con nước ngọt ngào .
Hãy cho em ,
Xin cho em uống ngụm nước mắt quê hương thơm nồng tình mẹ
Cho em lại nụ cười trong mắt ngoại gìà nua .
Những sáng, những chiều
Ngồi lặng yên bên dòng sông nhìn con nước.
Con nước ngược , xuôi chiều mang hoa tím luân lưu.
Thuyền giấy ngày xưa , mộng hải hồ anh dệt.
Giờ em về thả nốt nghe anh .
Em sẽ nhắn mây , em sẽ nhờ gíó , gởi gấm lục bình
Cho thuyền con lạc vào hải đảo ,
Mang tình em ,tình em nhỏ ngày xưa
Và ngôn từ nào , đơn thuần mộc mạc
êm đềm như cung thương bốn mùa của gió
Gởi về Anh , gởi tất cả về Anh
Mai em về,
Dòng sông xưa vẫn nguyên màu nước cũ ?
Rừng sẽ xanh um ? cây trái trĩu cành ?
Bờ đê xưa ,con thuyền nhỏ ,ruộng lúa , khóm dừa xanh
Đám lục bình vẫn suốt đời lang thang phiêu lãng ?
Em sẽ hát to trong gíó chiều ,
tiếng hát hòa vang bên dòng sông , bờ kênh , bờ lạch
Em sẽ cất cao lời ca :
Mùa hạ đã về
Cho thương yêu đong cao đầy con nước .
FORGET ME NOT dalat

Tuesday, August 7, 2007

La vie en rosẹ

Monday, August 6, 2007

MÙA HÈ ĐÁNG NHỚ

M Ù A H È Đ Á N G N H Ớ

Lúc còn nhỏ, tôi thường được Bà vú nuôi dẫn đi chơi vào những ngày hè. Những ngày nghỉ hè được kéo dài, ngắn tùy theo sự ưa thích nơi chốn Bà đến, tình cảm mọi người dành cho bà. Nếu vui, bà ở lại một, hai tháng mới về. Nếu buồn, bà chỉ ở chơi một vài ba hôm. Phải nói tôi vô cùng may mắn đã nếm mùi‘ ‘ vacation ’’ở những năm còn rất nhỏ. Ba má tôi bận đi làm nên việc coi sóc con cái đều do Bà vú của tôi đảm trách. Mới năm, sáu tuổi tôi đã được bà dắt đi chơi thật nhiều nơi. Khi thì xuống Bắc hội, Phi nôm … lúc thì lên Lạc dương, vào Suối bạc, Suối vàng. Khi tôi lớn lên một chút, bà đã dẫn chị em tôi vào Sài gòn,Tây ninh, Mỹ tho,Vĩnh long ...Ở những nơi được bà dẫn theo, thôn Suối vàng là nơi mang đến cho tôi nhiều kỷ niệm nhất của thời thơ ấu. Vào những năm tôi khoảng năm đến mười, mười một tuổi, hình như năm nào tôi cũng được đến đây vào dịp hè ...và thời gian đến đây bao giờ cũng dài cả, bởi bà tôi có nhiều bạn nơi đây, những người đều có chung sở thích là chơi Tổ tôm và Xóc dĩa như bà. Mỗi lần đến thôn Suối vàng chúng tôi đều đến ở nhà Bác Ất. Không biết ba má tôi quen với vợ chồng Bác từ lúc nào. Tôi chỉ biết được từ lúc lớn lên, nhớ được mọi chuyện, tôi đã thấy gia đình tôi rất gần gũi, thân tình với gia đình bác, cái tình cảm thân thương, gắn bó như ruột thịt. Bác trai làm việc ở Nhà máy Thủy điện Suối vàng. Bác gái buôn bán. Bác thường theo xe của Sở Điện lực, mỗi tuần một lần, vào ngày thứ sáu ra chợ Đà lạt mua mắm muối, khô cá, đường ...vào Suối vàng mang bán hoặc đổi chác với người Thượng để lấy gạo, bí, nấm mèo, mật ong hoặc đổi cả thịt rừng do họ săn được. Quen với gia đình bác, chúng tôi đã được nếm không thiếu gì thịt rừng quý hiếm, nào nai, đỏ, bò rừng, cọp thậm chí cả voi, gấu ...chúng tôi cũng được thưởng thức. Gia đình Bác rất quý mến ba mẹ tôi, thương anh chị em tôi lắm. Năm nào Bác cũng xin phép ba mẹ, cho chúng tôi vào nhà Bác, để con bác có bạn cùng vui chơi trong những ngày hè. Bà vú có nhiệm vụ mang chúng tôi đi và coi sóc chúng tôi. Là con gái, lại được vú cưng nhất nhà nên lần nào đi chơi, tôi cũng được đưa đi, lúc thì đi cùng với anh cả, lúc với anh hai, đôi lúc đi cùng các cô em gái.
Mùa hè năm đó tôi và anh Nhân, ông anh kế tôi được theo bà vào thăm gia đình bác Ất. Đường từ Đà lạt vào thôn Suối vàng khoảng hai mươi cây số. Chúng tôi đón xe lam ra phố, rồi quá giang theo xe cuả Sở Điện lực vào Suối vàng. Chiếc xe chở người nhà của Sở đi mua sắm thuộc loại xe truck, không có mui, ghế được sắp dài hai bên hông. Bọn con nít chúng tôi phải ngồi bệt xuống sàn xe, chúng tôi rất thích thú được ngồi với nhau như thế, tha hồ chuyện trò, quậy phá. Xe rời phố Hòa bình, dần dần đến những làng ven biên. Hai bên đường vườn tược xanh ngát. Cứ mỗi lần đến một điạ danh mới là chúng tôi la lên “. A! Xóm Hà đông kìa! Chao ơi! dâu tây nhiều quá .! Hoa glaieul nữa!… nhiều ơi là nhiều !.”..A!..Xe đến Đa thành rồi các bạn ơi. Chúng ta sắp đi ngang qua đi ngang qua ‘ ‘ Dòng chúa cứu thế ’’, rồi xe sẽ đi ngang điạ phận Tùng lâm ... Khi xe đi ngang qua xã Lát thuộc quận Lạc dương, chúng tôi ngồi nhỏm dậy, tay vịn vào thành xe: Ô kì̀a… những ngôi nhà sàn nhỏ nhắn của những người thượng sống ở đây sao dễ thương chi lạ! Rải rác trong làng, có những đàn gà con theo mẹ kiếm ăn trong những sân rộng, vài con lợn đen, tròn trùng trục đang na cái bụng ì ạch đi lại trông thật buồn cưới. Một vài sơn nữ đang phơi lúa hoặc giã gạo .Cả một bức tranh thật sống động diễn ra trước mắt!!. Chúng tôi giơ tay vẫy chào suốt chặng đường có làng mạc cuả người dân tộc miền núi đó.
Qua khỏi quận Lạc dương, xe tiến vào vùng núi có thật nhiều thông. Những đồi thông chập chùng xanh ngát. Đúng là xứ sở của ngàn thông !! Xe lại chạy tiếp vào con đường, hai bên vách đá cheo leo, thông mọc thưa thớt, đó đây những dây leo hoa tím, hoa vàng mọc rải rác trên vách đá. Chao ơi ! thiên nhiên ở đây sao mà quyến rũ đến vậy !. Rồi xe chúng tôi từ từ tiến dần xuống thung lũng. Lại một màu xanh quen thuộc hiện ra. Đó là màu xanh cuả tre trúc .... Xe tiếp tục tiến vào giữa đám tre rừng cao vút, rậm rạp. Chúng tôi biết đã sắp đến Thôn Suối vàng. Thật thế, xe vừa chạy khoảng vài ba cây số thì ngừng lại trước một trạm gác. Bác lính thượng già ngồi gác, thấy xe quen, vội đứng lên, kéo thanh gỗ chắn ngang cho xe chạy qua. Bác tài vui vẻ trao cho bác gói thuốc Basto đỏ với giọng thật thân tình “ Hút miếng thuốc cho ấm cái bụng ’’ . Thường hay vào đây nên chúng tôi biết. Để giữ an ninh cho thôn xóm và nhà máy thủy điện. Nếu có xe lạ vào, họ phải trình diện giấy tờ mới được vào cổng.
Qua trạm gác một đoạn chúng tôi đến thôn.Vừa đến nơi đã thấy chị Thảo và bé Hồng đứng đón. Nguyên cả nhóm bạn của mùa hè trước như Anh Lâm, anh Trung con thím Thương, bé Nụ, anh Hùng con bác Phác, chị Vân, bé Hà con bác Tỏ ...và một số bạn mới cũng có mặt. Gặp nhau tay bắt mặt mừng. Chúng tôi cùng các bạn theo chị Thảo kéo nhau lên nhà bác Ất. Nhà Bác ở trên một con dốc nhỏ. Từ nhà bác có thể nhìn bao quát thôn Suối vàng này. Cả thôn chỉ khoảng gần hai mươi nóc nhà. Trên con đường chính dẫn vào nhà máy chỉ có ba căn, nhà bá Phác ở ngoài cùng, kế đến là nhà chú Tám. Hai nhà sát vách nhau, nhà lợp ván, sàn bằng gỗ, cất sát bờ suối. Cách khoảng vài trăm mét là nhà bác Ba Lan. Ngôi nhà bác Ba Lan có thể nói là lớn nhất xóm. Ngoài ngôi nhà lớn ra, bác còn có một vườn lan rộng, trồng đủ các giống lan quý và đẹp lắm. Chúng tôi nghĩ có thể Bác trồng nhiều lan nên mọi người gọi Bác là Ba lan chăng? Từ nhà bác Phác ngó lên con dốc đối diện về phía trái là nhà thím Thương. Nhà thím được cất trên triền đồi, theo kiểu nhà sàn, lưng nhà tựa vào vách đá. Chú Thương thật khéo léo. Chú hái mây rừng bện thành một lan can bao quanh nhà. Muốn lên nhà phải qua một cầu thang làm bằng gỗ, tay vịn cũng bằng mây rừng. Chúng tôi rất yêu thích căn nhà của chú thím nên thường đến thăm và ở lại ăn cơm. Anh em tôi mê món thịt ba rọi kho nước dừa của thím lắm. Những miếng thịt cắt lớn, mỡ thật trong, cắn một miếng, mỡ và thịt quyện lẫn nhau. Vị béo của mỡ lẫn vị ngọt, bùi của thịt .. Ngon làm sao ấy!. Chúng tôi ăn một lần ba bốn chén cơm đầy. Thím Thương người miền nam, lấy chồng người Nghệ an nên giọng thím mang âm hưởng của cả hai miền nghe dễ thương lắm. Vợ chồng thím thật hiền lành nên trong xóm ai cũng thương chú thím cả. Từ nhà thím Thương , đi về phía bên tay phải là con dốc dẫn đến nhà bác Ất, sát bên cạnh là nhà bác Tỏ. Sau lưng nhà hai bác có một lòng thung chứa vài ba căn nhà, nhà nào cũng trồng bắp và nuôi gà vịt. Ở lòng thung này tôi chỉ quen biết thím năm Lượm mà thôi.À, Trong thôn còn có một nhà thờ, một đồn lính nghĩa quân và một căn gia binh với vàì ba gia đình. Tất cả tọa lạc trên đỉnh đồi cao nhất cuả xóm.
Buổi chiều đầu tiên đến đây, chúng tôi được bác gái đãi một bữa cơm thật thịnh soạn. Bác trai đi làm về mua được ba xâu cá trắng, do những người thượng bắt được ở suối. Bác gái tẩm bột chiên một phần, một phần mang kho với rau răm và củ nghệ, phần còn lại bác nấu một nồi canh chua. Ngoài món cá ra, chúng tôi còn được đãi món nai rừng tẩm mè nướng trên bếp than hồng. Chúng tôi ăn với gạo mọi đỏ mà bác đổi chác được với người thượng. Chậm rãi nhai những hạt cơm vừa bùi vừa dẻo, vừa ngọt, chưa bao gìờ tôi được ăn loại gạo nào ngon đến thế. Anh Nhân tôi có tật ăn rất chậm, vừa ăn vừa ngậm. Mẹ tôi thường la “ Thằng bé ăn từ đầu Dần tới cuối Dậu ” .Vậy mà vô đến đây anh bỏ tật vưà ăn vừa “ngẩm nghĩ ” ấy ngay. “ Ăn chậm sẽ mất phần”. Bà vú tôi dọa như thế.
Tối hôm đó , bác gái sắp xếp tôi ngủ chung với chị Thảo, bé Hồng dành chỗ, chen vào nằm giữa hai chúng tôi. Tôi và chị rù rì to nhỏ suốt đêm, chỉ có bé Hồng vừa nằm năm ba phút đã lăn ra ngủ. Bé Hồng lúc bấy giờ khoảng năm tuổi, nước da trắng hồng, mắt thật to, màu nâu nhạt trông giống như con lai. Hồng là con gái cưng của hai bác. Bác gái có một đời chồng trước, sinh ra chị Thảo, khi chị được vài ba tuổi, chồng bác qua đời. Bác tái giá, lấy chồng khá lâu mới sinh được bé Hồng nên bác trai cưng chiều Hồng lắm, mới năm tuổi mà cô bé đòi gì hai bác cũng chiều ý.
Bác Ất có một chiếc xe hơi màu đen, chúng tôi thường gọi là xe ô tô, vài ba tuần bác lại chở cô con cưng ra phố hoặc đến thăm gia đình tôi.Còn chi ̣ Thảo, năm đó chị mười ba tuổi. Chị hơn tôi bốn tuổi, hơn anh Nhân tôi hai tuổi. Là con riêng của vợ nhưng bác cũng thương chị lắm. Lúc bấy gìờ Thôn Suối vàng chưa có trường nên bác gởi cho chị ra Đà lạt trọ học ở nhà một người bà con ở Dốc nhà bò. Ba tháng hè, chị về lại với gia đình ... Suy nghĩ miên man , tôi thiếp dần vào giấc ngủ....
Trời vưà mờ sáng hôm sau, tôi đã bị đánh thức bởi tiếng gáy “te te ” của lũ gà rừng hoà lẫn tiếng gáy “ ò ó o ...” của lũ gà nhà vang dội khắp xóm. Rón rén leo nhẹ xuống giường, tôi sợ đánh thức bé Hồng dậy. Ra đến nhà ngoài thấy bác trai và bà vú đang ngồi uống cà phê. Bác nhỏ nhẹ : “ Con ngủ có ngon không ? Sao không ngủ nữa đi, còn sớm mà .” Tôi trả lời Bác “ Dạ, con ngủ ngon lắm.” Đoạn xin phép bác vào trong đánh răng, rưả mặt. Chi ̣Thảo đang nấu cơm trong bếp. Chị bảo tôi : “ Phải ăn cơm cho chắc bụng ”. Rồi chị ghé tai nói nhỏ : “ Ngày hôm nay chị cho các em vào thăm làng thượng ” Tôi reo lên sung sướng . “ Thật há chị ? ” “ Suỵt. Đừng lớn tiếng quá. Em lên đánh thức thằng Nhân dậy đi. Nói với nó. Đi nhanh tới nhà thằng Trung, thằng Lâm, thằng Hùng, bé Nụ, bé Nở .... Nói với tụi nó, khoảng mười gìờ tụ tập sau nhà thíṃ Năm Lượm . ” Chị nói thêm : “ Bảo nó đi thật nhanh, rồi về đây ăn sáng trước khi mình đi .” Chị Thảo thật lanh lẹ. Chị lo buổi ăn sáng cho cả gia đình, bới cơm vào “ gồ men ” cho Bác trai mang đi làm. Sau đó, chị mang lúa cho gà ăn. Nhà chị có một chuồng gà, được khoảng hơn mười con gà mái và có một chú gà trống “đại cồ bự”. Những con gà mái thật mập mạp, đang thời kỳ cho trứng nên sáng nào nhà cũng có trứng trong món điểm tâm. Sát bên chuồng gà, còn có một chuồng dê. Sau khi cho gà ăn, lượm những quả trứng mới đẻ vào nhà, chị Thảo quay ra mở cửa chuồng dê. Cả một đàn dê tám con ùa chạy ra, vừa chạy vừa kêu “ be be ” inh ỏi. Đám dê không chạy xa, chỉ quanh quẩn bên đám cỏ tàu bay sau đồi nhẩn nha gặm cỏ. Chị Thảo nói : “Chúng ngoan lắm. Sáng nào chị cũng mở cửa chuồng cho chúng đi ăn. Nếu chúng ăn hết đám cỏ sau đồi, chúng lại đi sang đám cỏ dưới thung lũng. Ăn hết đám cỏ này thì đám cỏ trước đã mọc lên. Ở đây cỏ nhiều mênh mông, tha hồ cho chúng nhâm nhi. Ăn no chán, chúng nằm ngủ dưới những gốc cây thông, cây sồi. Trời tối, chúng tự động về chuồng. Chị chỉ việc đóng cửa vào mỗi tối, nếu quên ...chúng sẽ là món ăn béo bở của lũ chồn tinh quái luôn rình rập .” Nhìn đám dê ngoan ngoãn, yên lành thưởng thức cỏ non, trên đồi cỏ chập chùng. Tôi chợt thấy yêu làm sao cảnh sắc thiên nhiên xinh đẹp ở nơi đây quá!.
Khoảng gần mười giờ, bác gái đi cùng với vú nuôi qua thăm bác Tỏ, hẹn chiều tối mới về. Chị Thảo nháy mắt nhìn tôi. Tôi ngầm hiểu là sẽ có một nhóm bạn các bà đang chờ nơi đó để gầy sòng tổ tôm, xóc dĩa ... nên chi chúng tôi cứ yên tâm lên đường. Sau mười giờ, mấy bạn trong thôn đã tụ tập đầy đủ. Anh Lâm, anh Trung
con thím Thương. Bé Nụ, bé Nở, anh Hùng con bà Phác. Bé Nụ còn rủ thêm Bé Ninh, cháu Ông Ba lan đi cùng.
Trước khi đi , giống như một vị chỉ huy tài giỏi , chị dặn dò : “ So với mọi người ở đây, tao lớn nhất. Mấy đứa đi với tao phải nghe lời tao. Thứ nhất, tuyệt đối không được mét với ba mẹ, với mọi người trong nhà. Thứ hai, khi đi phải nghe lời tao. Tao nói gì phải nghe nấy nấy! Không được cãi.! Tao đã thường theo mẹ vào làng Thượng, chỗ nào tao cũng biết, cũng rành. Vào đó vui lắm!. Rồi tụi mày sẽ thấy . Nhưng nhớ!. Chúng mình phải luôn luôn đi chung với nhau. Không được ham vui mà xé lẽ, nếu lạc thì ráng mà chịu .”
Tôi cũng thấy lo đôi chút cho chuyến mạo hiểm này, nếu lỡ Bà vú biết chắc sẽ nhừ đòn nhưng nhìn cách chỉ huy cuả chị Thảo, tôi lại yên tâm, tin tưởng sẽ đi đến nơi, về đến chốn .
Chị Thảo đã chuẩn bị cho tôi và anh Nhân, bé Hồng mỗi người một cái “ sắc” của người thượng, đan bằng chỉ nhiều màu thật đẹp, chị bảo mang theo đựng chiến lợi phẩm .
Từ thôn Suối vàng đến bản “ Nóc” không xa lắm. Vừa qua khỏi thung lũng sau nhà Bác Ất, chúng tôi gặp một con suối. Con suối nước thật trong, có nhiều đá lởm chởm. Muốn qua bờ bên kia, chúng tôi phải đi qua một chiếc cầu được làm bằng một thân cây lớn được xẻ đôi, bắc qua suối. Để
cho khách bộ hành dễ đi, người ta buộc hai sợi dây, nối qua hai thân cây lớn ở hai bên suối, để chúng ta có thể vịn tay vào dây cáp, bước dễ dàng hơn. Nhìn chiếc cầu cây “ lắc lẻo ”. Tôi sợ hãi chùn bước. Chị Thảo phải đi sau tôi động viên “ Em cứ nắm hai tay lên hai dây cáp, bước thật nhe, thật nhẹ. Chiếc cầu ngắn ngủn mà sợ gì .” Thế rồi tôi cũng qua được. Thật hú hồn!..Sau khi đưa tôi qua, chị quay lại cõng bé Hồng. Nhìn chị cõng bé Hồng, từng bước, từng bước cẩn thận, tôi càng khâm phục chị, đồng thời cũng sợ hãi không kém . “ Nếu lỡ xẩy chân một tí . Eo ơi! Tôi không dám nghĩ tiếp ...” Sau
khi qua được cái trạm đầu tiên, khó khăn nhất. Chúng tôi tung tăng chạy nhảy trên con đường mòn dẫn đến làng thượng. Đang là mùa hè nên hai bên đường có cơ man hoa dại. Hoa vàng, hoa tím chen lẫn nhau. Bé Hồng, bé Nụ, bé Ninh...thích quá, vừa đi vừa hái hoa nắm lại thành bó… rắc trên lối đi. Tiếng cười trong trẻo của các em vang lên trong nắng .Ô kìa!. Cả một rừng hoa sim tím. Đẹp ơi là đẹp!. Bọn con gái chạy tới tranh nhau hái, liền bị mấy chàng cản lại “.Nè, mấy cô hái hết hoa, lần sau vào đây làm gì có trái mà ăn .” Vậy là bọn tôi chùn bước ngay, nhưng ấm ức nghĩ : “ Biết lúc nào trở lại nữa đây mà lo xa thế .”
Qua khỏi đồi sim “tím cả chiều hoang biền biệt” , chúng tôi đã đến
Bản “ nóc ”. Chó từ bản làng chạy ra suả inh ỏi. Sợ hãi, chúng tôi nép vào nhau.Chị Thảo lên tiếng trấn an : “ Không sao đâu!.. Chúng hiền lắm .” Chị quay sang nói với chúng y như đang nói với người : “ Đừng sủa nữa !. Tao đây mà! Quen lắm phải không ?” Chị lôi trong sắc mấy miếng bánh mì khô, đã chuẩn bị sẵn, quăng ra cho mấy chú chó. Chúng chạy lại gặm những miếng bánh rồi lảng ra xa. Chị Thảo lẩm bẩm : “Lạ quá !. Sao không thấy một ai trong làng cả ? Họ đi đâu hết rồi vậy ? Vượt qua “ cổng ” đầu tiên có chó giữ cửa. Chị dẫn chúng tôi vào rừng cây sát buôn hái “ mát mát’’. Chao ơi!. Lần đầu tiên tôi thấy mát mát nhiều như thế. Dây leo lên những lùm cây, dây len lỏi bò quanh những tảng đá, dây uốn mình ven con suối nhỏ xinh xinh …Trái xanh, trái chín lẫn vào nhau, màu tím thẩm của mát mát chín thật đẹp. Mấy anh con trai ham ăn hái lia, hái lịa. Anh Trung hái được trái nào là kéo vạt áo lau sơ, rồi bẻ ngay ăn liền tại chỗ. Nhìn cách anh biểu diễn bẻ mát mát chúng tôi phục lăn. Sau khi xoa xoa tay vào trái mát mát, anh để vào lòng bàn tay. Dùng sức ép hai tay lại, trái vỡ đôi. Ruột mát mát màu vàng hườm, ăn vào vị chua chua, ngọt ngọt . Hấp dẫn làm sao!...Cả bọn chúng tôi ăn đến no kềnh. Ăn xong còn hái đầy giỏ mang về. Sau khi tảo thanh gần hết cả vùng mát mát. Chúng tôi đi sâu vào bản làng. Chị Thảo đề nghị đi xem khu nhà mồ của người thượng. Nghe thấy nhà mồ là chúng tôi đã nổi da gà nhưng …óc hiếu kỳ nổi lên, ai cũng muốn xem cho biết.
Len lỏi vào con đường mòn nhỏ, hình như lâu ngày ít người qua lại. Cỏ gà và gai mắc cỡ giăng đầy lối đi. Lúc này cây rựa của Hùng và cây xà gạc của anh Trung mới được việc. Anh dùng nó chặt dây mắc cỡ, dùng giày đạp
qua hai bên lối đi. Nhờ vậy, chúng tôi tiến đến khu nhà mồ thật dễ dàng. Để chị Thảo dẫn đường, Anh Trung bọc hậu. Chúng tôi chậm chạp tiến bước. Cảm giác gai góc ốc nổi lên khi nhìn thấy một dãy nhà lợp mái tranh, xiêu vẹo hiện ra trước mắt. Những dãy nhà này đều không có cửa, cột dựng sơ sài, có những mái tranh đã bị gió mưa lốc mái. Ánh nắng chiếu xuyên qua những lỗ hỗng, dọi xuống, soi rõ những đồ vật ngỗn ngang trong nhà mồ.Chén bát để la liệt, cái còn nguyên, cái sứt mẻ… Chỗ này để cái gùi, chỗ kia là một ché rượu cần. Lủng lẵng vài trái bầu khô treo trên xà nhà. Tăng thêm vẻ bí hiểm của nhà mồ là những thân cây được đẽo tròn trịa, chị Thảo bảo đó là nơi để xác chết. Chị còn cho chúng tôi hay là ở đây đa số là người Bana. Họ có tục lệ “chia của cho người chết” cho nên những vật dụng trong này là đồ
dùng của họ lúc sống. Hình như chị biết thật nhiều so với số tuổi của chị. Tôi ngưỡng mộ chị lắm. Chị còn cho chúng tôi biết, có những nơi họ không mang người chết để trong nhà mồ mà họ để ngay trong nhà cho người chết làm ma xó giữ nhà. Ai vào nhà ăn cắp ma xó sẽ lên tiếng ngay. Chị kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện “ Có một anh lính đi lạc vào một làng Thượng. Khát nước quá, anh vào một ngôi nhà tính xin nước uống, thấy nhà để ngõ, không có ai. Anh bước đại vào nhà. Anh nghe tiếng người đếm: “một” . Tưởng có người trong nhà anh bước thêm một bước nữa. Con ma hét lên: “Đứng lại”.
Hoảng hồn, anh lính co cẳng chạy ra khỏi nhà.Từ đấy câu chuyện đồn đi khắp làng.” Nghe xong câu chuyện của chị Thảo, chúng tôi không ai bảo ai cùng ù té chạy ra khói ngôi làng ma của bản Nóc. Chúng tôi cũng không ngờ đã gan cùng mình dám thám hiểm ngôi làng của người chết ấy…
Sau lúc dự một cuộc thám hiểm thân bí, chúng tôi đi lần qua xóm nhà khác. Bé Hồng than đói, chúng tôi cũng thấy cồn cào…Mớ mát mát trong bụng chỉ làm chúng tôi no vội. Mớ trong giỏ ai cũng không muốn ăn vì đã quyết định dành cho trò chơi “ bán hàng” vào ngày mai. Bỗng anh Lâm reo lên khi thấy một gian nhà dưới tàn cây cổ thụ. Bao quanh nhà là một hàng bưởi, trái nhiều vô kể. Anh đề nghị trèo lên hái trộm. Chúng tôi phản đối “ Ăn cắp của người Thượng họ sẽ thư cho chết”.Lâm cười cười: “ Lâm chả tin. Làm sao họ biết được. Thêm nữa trái nhiều quá, hái vài quả có sao đâu.” Nói xong anh chàng leo phóc lên cây. Lựa mấy trái thật to hái quăng xuống “phình phịch” Bỗng anh chợt la lên: “Các bạn ơi, tớ thấy xa xa bên dãy nhà đằng kia, người đông lắm. Bọn mình tới xem nghe” rồi anh nhanh nhẹn tụt nhanh xuống. Chưa kịp đứng vững. …thì trước ngưỡng cửa nhà sàn, một ngưới đàn bà xuất hiện. Chúng tôi đứng chết trân sợ hãi. Anh Lâm sợ nhất , mặt mày xanh mét. Mấy trái bưởi vưà chôm được nắm vương vãi trên đất. Chân chúng tôi tê cứng, muốn chạy cũng không nhấc nỗi hai chân.Người đàn bà đi lần xuống cầu thang rồi tiến lại gần phía chúng tôi đang lấm lét nhìn bà. Bà dịu dàng cất tiếng : “ Đừng sợ. Muốn bắt trái bươi cư bắt đi. Ngoon lắm.” Chị Thảo lí nhí nói lời xin lỗi: “ Bà ơi. Tụi cháu đói bụng quá nên đã hái mấy trái”. Bà cúi xuống chậm chạp lượm mấy trái bưởi bỏ vào trong sắc của chúng tôi, rồi hối anh Lâm trèo lên hái tiếp nhưng anh Lâm lắc đầu không dám. Chị Thảo hỏi bà:
- Sao xóm bà vắng vậy? Mọi người đi đâu hết rồi bà?
- Ờ, người ta đi ra “ cái nhà rông” làm lễ.
Bà đưa tay chỉ vào đôi tai được căng bằng hai lõi tre lớn , nói tiếp:
_ - Có người đứt cái lỗ tai ra nên chúng tôi giết trâu ăn mừng.
_ Bé Nụ tò mò:
- Ủa sao bà không đến đó?
. –Bà già bị đau không đi được, không ăn được đâu.

Dịu dàng bà nói với chúng tôi:
-Đến đó coi đi. Sẽ có thịt nướng con trâu cho ăn.
Nhìn bà tôi cảm thấy có nhiều cảm tình. Bà đã già, thật già. Da dẻ nhăn nheo , những nếp nhăn đã hằn sâu lên trán, lên khóe mắt. Nhưng chính từ đôi mắt bà chứa đựng biêt bao dịu dàng, bao ấm áp, thương yêu..
- Sao bà nói tiếng Việt giỏi vậy?
- Ồ, bà nói tiếng kinh hồi còn nhỏ. Hồi xưa bà ở Cam li thượng, gần gũi người kinh. Bà bắt cái chồng ở xã Lát. Ông chồng làm lính đổi vào Suối vàng. Hết đi lính hai vợ chồng vào đây làm rẫy. Chồng chết, bà ở lại đây với buôn rẫy, bản làng.
Chúng tôi mới vỡ lẽ ra, tại sao ở trong buôn bản xa xôi này lại có người giỏi tiếng Việt như vậy.
Giã từ bà lão, chúng tôi tìm đến nhà Rông. Nhà rông khá to lớn, là nơi Tù trưởng sống và cũng là nơi tụ tập khi có lễ lạc. Nhà cũng được cất cao theo lối nhà sàn, mái lợp tranh, đặc biệt đầu mái nhà tranh được bện thành chiếc sừng trâu trông khá dễ sợ. Buổi lễ ăn mừng của họ bắt đầu. Toán thanh niên, nam nữ ăn mặc thật sặc sỡ. Gái mặc váy màu, dệt bằng chỉ ngũ sắc, chân mang vòng đồng, vòng bạc khua vang. Con trai đóng khố màu, mình trần lực lưỡng nhảy múa theo tiếng trống bập bùng… tiếng khèn réo rắt… Một chú trâu được cột sát nhà rông, chuẩn bị làm lễ tế thần. Vị tù trưởng trong bộ áo rộng, nhiều màu, đầu đội mũ gắn lông chim trông rất uy nghi. Ngồi xếp bằng trên sàn nhà là một bà lão thật già, nhân vật chính của buổi lễ hôm nay. Bà đã thật già, khuôn mặt đen đủi, nhăn nheo, nụ cười móm mém …nhưng trong mắt bà hiện lên nét rạng rỡ, reo vui. Chả phải hôm nay là ngày Bà ăn mừng Giàng đã cho
Bà sống lâu trăm tuổi, cho bản làng bà được mùa, dân làng có cái cơm ăn, có con thú để săn, có nước suối để uống sao?…Giàng đã ban ơn cho buôn làng bằng cách cho người đàn bà kia “ được đứt cái lỗ tai ” mà bà đã căng bao nhiêu năm trời mà!. Chúng tôi ngạc nhiên và lạ lẫm trước sự tin tưởng lạ lùng của dân tộc miền núi này nhưng với tuổi đời lúc đó chỉ thấy vui khi nhìn những hình ảnh thật lạ mắt. Khi những ché rượu cần được mang ra, khi đám thanh niên làng đại diện sẽ “ hóa kiếp” con trâu tội nghiệp là chị Thảo giục chúng tôi ra về mặc dù dân làng đã khẩn khoản mới chúng tôi ở lại dự tiệc..Người miền núi thật hiếu khách, chị Thảo cho biết nếu ở lại chúng tôi sẽ được ăn cơm nếp, thịt heo un khói, uống rượu cần…có thể sẽ được vài miếng thịt trâu mang về. Chị ghé vào tai tôi nói nhỏ “Mình phải về thôi . Chị sợ phải trông thấy cảnh giết trâu lắm” Ai cũng cảm thấy nuối tiếc khi chưa thấy trọn vẹn buố̉i lễ tế trời. Chúng tôi tiu nghỉu theo chị ra về. Chuyến về chúng tôi đi đường khác, ngang qua khu nhà trồng thật nhiều “ bồ quân” và trái “ nhót ”. Những quả nhót màu vàng, ngả qua màu da cam thật quyến rũ trên cành. Nghĩ tới được hái về chấm muối ớt thì không chê vào đâu được. Chao ơi, cái vị chua chua cọng với vị mặn của muối, vị cay của ớt. Sao mà hấp dẫn thế.Còn những trái bồ quân, đỏ sậm, cũng rất chi là hấp dẫn. Thế mà chúng tôi chỉ được đưa mắt thèm thuồng nhìn ngắm, chứ không được đụng đến. Chị Thảo hối chúng tôi như giặc “Mau lên, chúng ta phải trở về trước khi ba mẹ chúng ta trở về từ sở làm”. Chị còn khôn ngoan đố chúng tôi ai chạy nhanh nhất sẽ ưu tiên thêm một trái bưởi. Chúng tôi ba chân bốn cẳng chạy thật nhanh. Đang chạy ngon trớn, bỗng dưng tôi nghe tiếng la hoảng của bé Nụ đang chạy phía trước “ Ối giời ơi…” Nụ chùn bước không dám chạy tiếp:
- Chuyện gì thế? Chuyện gì thế ?
Chúng tôi dồn dập hỏi
Mặt con bé xanh dờn chỉ vào một chú cóc thật lớn, to hơn bàn tay của một người đàn ông lực lưỡng
- Để nó đấy, để nó đấy. Tớ sẽ đi tìm cây đánh nó cho.
Anh Nhân và anh Hùng tranh nhau lên tiếng.
Chị Thảo ôn tồn:
- Việc gì phải đánh nó.Con cóc nó ăn sâu bọ, côn trùng rất có ích cho chúng ta.Với nữa các em không biết câu “ Con cóc là cậu ông trời. Ai mà đánh nó thì trời đánh cho” sao? Nghe nói thế, nhóm con trai vột tản ra để chú cóc yên thân.
Chị Thảo chợt nhìn lên bầu trời. Mây đen đang kéo tới. Chị lẩm bẩm: “Hèn gì chú cóc nhảy ra …có lẽ cóc biết trời sắp mưa ”. Không chần chờ chúng tôi vội vàng trở về. Thật may mắn. Về tới nhà chị Thảo, chúng tôi giả muối ớt, bày bưởi ra ăn, rồi ai về nhà nấy lúc ấy trời mới đổ mưa. Cơn mưa thật lớn giữ chân Bà vú đến mười giờ đêm bà mới trở về. Bà không hề biết chuyến đi trái phép của chúng tôi.
Xxxxxxx
Những ngày sau đó, dưới sự hướng dẫn cuả Anh Lâm, chị Thảo , chúng tôi được đi thăm đập Suối vàng.Chiếc đập thật lớn, trữ nước.Nước được ống dẫn , đưa nước lên cao, sau đó dẫn xuống nhà máy thuỷ điện ở Thôn Suối vàng. Ở đây, máy phát điện hoạt động, dẫn điện cung cấp cho thành phố. Chúng tôi đi bộ từ nhà đến đập khoảng nửa tiếng. Trên đường đi tha hồ hái hoa, bắt bướm. Đập trữ nước rộng mênh mông. Bao quanh đập là rừng thông xanh ngát. Chúng tôi hái lá thông bện thành những chiếc thảm nhỏ xíu cho búp bê nằm. Còn quả thông già, lượm về xếp thành lâu đài cho Công chúa Búp bê ngủ. Dễ thương làm sao những trò chơi con nít của chúng tôi thuở ấy.
Những hôm trời đẹp nắng, chúng tôi mang dao, vác rỗ ra suối đẻo đá. Những viên đá lấp lánh ánh vàng, chúng tôi gọi đó là vàng non. Chị Thảo bảo chắc vài chục năm nữa sẽ biến thành vàng thật. Chúng tôi còn say mê vọc cát ở đây. Cát ở đây mịn,lóng lánh ánh vàng… càng làm chúng tôi tin tưởng trong tương lai cát và đá sẽ biến thành vàng. Đẻo đá tìm vàng chán, chúng tôi lại đi theo anh Trung, anh Lâm đi bẫy chim sẻ mang về vặt lông làm thịt, bỏ vào bếp điện nướng. Có một hôm tôi ngu khờ cho tay vào bếp điện xem bếp đã nóng chưa. Điện giật làm tôi xanh xám mặt mày. Dĩ nhiên vú của tôi không biết chuyện này.
Những ngày tháng ở đây còn có một trò chơi mang đến cho chúng tôi nhiều thú vị. Sáng sáng, chúng tôi kéo nhau lên chiếc xe “ hủ lô” bị hư nằm ụ ở đây thật lâu đời. Chúng tôi chơi trò “ lái xe ”. Cả bọn thay phiên nhau làm tài xế. “Bí bo..bí bo…Xe đò Suối Vàng-Đàlạt đây. Đi mau kẽo hết chuyến…” Chiếc xe khá cao, vất vả lắm tôi mới leo lên được, vậy mà tôi rất mê trò này.Sau khi được ngồi vào ghế tài xế là chúng tôi đồng thanh kêu : “ Bin bin- Bi bo ” vang dội. …
Xóm nhỏ Suối vàng, từ ngày có chúng tôi như vui nhộn hẳn lên. Có một hôm chú Tám ở đầu xóm mang về một trò chơi ngộ nghĩnh. Đó là một chú khỉ bằng
sắt biết đánh trống.Vừa cắm điện vào, chú khỉ nhanh nhẹn bước đi, hai tay đánh vào trống thật nhịp nhàng.Bọn trẻ chúng tôi chen chúc vào xem. Chú khỉ diễn hoài một động tác nhưng không hiểu sao chúng tôi xem hoài vẫn không thấy chán. Khi chú Tám tuyên bố tan hàng. Chúng tôi ra về, mặt buồn so. Ai cũng thèm thuồng, mơ ước có một đồ chơi như vậy…
Ở cái thôn vắng vẻ, thưa người này, tôi nghĩ vui nhất vẫn là những tối chiếu phim.Một tháng khoảng một hai lần. Đoàn chiếu phim từ Phòng thông tin ở Thành phố vào. Họ dùng loa phóng thanh hô vang “ A lô.Alô. Xin đồng bào lưu ý. Đúng bảy giớ̀ tối nay, tại sân đồn nghĩa quân của thôn sẽ có một buổi chiếu bóng.” Cái xóm nhỏ không hơn hai chục nóc nhà như sôi động hẳn lên.Cha mẹ gọi con về lo ăn cơm, tắm rửa sớm. Chưa đến bảy giờ, đội chiếu bóng đã đến. Họ giăng một chiếc màn rộng ngang cột cờ trước đồn nghĩa quân. Ngưới mang ghế, kẻ mang đòn đến giành chỗ ngồi. Bà vú của tôi luôn chuẩn bị một mẻ bắp rang. Bắp trộn với cát rang cho đến khi bắp ngã qua màu nâu vàng. Bà mang đi rây cát. Bắp rang cát ăn giòn rụm. Mỗi người được bà phát cho một gói mang theo, vừa xem phim vừa nhai bắp trong không khí lành lạnh của núi rừng không có gì thú vị cho bằng. Những phim
được Phòng thông tin mang chiếu đa số là những phim tài liệu, phim thời sự. Ông già, bà cả coi say mê. Chúng tôi ở tuổi bấy giờ không thích cho lắm thường hay bỏ chỗ ngồi chạy đi mua bánh kẹo, cóc, xoài hay bắp nướng…Cái hàng quà bánh đã được thím Thương chuẩn bị thật nhanh khi có thông báo chiếu phim.Sau buổi chiếu phim, chúng tôi ồn ào kéo nhau ra về. Người lớn bàn tán về những phim vừa xem, còn chúng tôi thì bàn kế hoạch ngày mai rong chơi…
Thật ra trong những ngày hè ở đây, thỉnh thoảng chúng tôi cũng có những buổi chiều, buổi tối không vui. Sau một ngày theo các bạn đi hái trái, bẩy chim, bẻ măng …. Chiều về, anh em tôi thường ra sân, nhìn về phía con đường hướng về
Đàlạt , tre mọc um tùm, hoang vắng, lòng chạnh buồn. Bao quanh thôn còn có một dãy núi thật cao, dốc thẳng đứng, không ai có thể trèo lên được. Dãy núi như bức tường thành cách ngăn với thế giới bên ngoài. Chúng tôi chợt thấy mình như cách xa Đalạt cả ngàn vạn dặm… thêm nữa mỗi chiều, từ loa phát thanh trên đồn còn phát đi những bài Vọng cổ buồn áo nảo , khiến anh em tôi cảm thấy nhớ nhà da diết. Nhưng ở lứa tuổi hồn nhiên thơ ngây ấy, nỗi buồn, nỗi nhớ cũng qua nhanh…Buổi mai thức dậy, bạn bè lại quay quần…những ngày hè vui vẻ không bao giờ chấm dứt.
Rồi những ngày nghỉ hè cũng qua đi. Chúng tôi phải trở về, chuẩn bị cho niên học mới . Rời bỏ Thôn Suối vàng với các bạn bè thân mến, với xóm nhỏ thật dễ thương. Hình ảnh Suối vàng vẫn mãi trong tôi. Sau muà hè thật nhiều kỷ niệm ấy, tôi không có dịp trở lại Suối vàng lần nào nữa. Bà vú gặp được bà con nên rời nhà tôi xuống Vĩnh Long sinh sống rồi qua đời những năm sau đó. Bác Ất sau khi nghỉ hưu mua nhà sống ở Đàlạt. Nay giờ hai bác cũng đã ngủ yên.Chị Thảo lấy chồng, con cháu đề huề, gia đình êm ấm. Chỉ tội nghiệp bé Hồng lập gia đình thật sớm. Chồng là quân nhân, sau năm bảy lăm, chồng vào trại cải tạo, một nách ba con nhỏ, phải buôn bán tảo tần nuôi chồng con. Sau ba năm cải tạo trở về. Niềm vui đoàn viên chưa trọn, Hồng bị đột quỵ qua đời khi tuổi đời còn rất trẻ…Còn gia đình chú Thương dọn về Sài Gòn. Số bạn còn lại ly tán mọi nơi… Giờ đây, ngồi ôn lại kỷ niệm. Tôi nhớ vô vàn Suối vàng ngày xưa ấy. Thèm một lần về thăm lối cũ dấu xưa. Tôi vẫn hoài thắc mắc. Thôn xóm nhỏ đìu hiu ấy ? Cái nhà máy thủy điện lúc nào máy cũng chạy ầm ầm. Có còn đấy hay không? Có còn những đứa bé giống như chúng tôi, ngây thơ đi đẽo đá vàng mang về dệt mộng. Còn cái bản Nóc của dân tộc Bana năm nào? Người dân mộc mạc đơn sơ,hiền hoà ấy vẫn mang nặng lòng hiếu khách?. Tôi vẫn như thấy đâu đây điệu vũ, tiếng trống bập bùng của họ trong ngày hội…Còn… những quả bưởi nặng tình của người đàn bà hiền lành trong bản …Còn… những quả mát mát chua ngọt nhớ đời… Tôi vẫn mơ một ngày thăm lại Thôn Suối vàng yêu dấu thưở xưa , nơi chốn cho tôi quá nhiều kỷ niệm của tuổi ấu thơ,cho tôi những tình cảm thật đẹp, thật ngọt ngào của tình bằng hữu. Thôn Suối vàng ơi. Bản làng xinh đẹp oi. Tôi vẫn mơ một ngày trở lại… có lẽ là một ngày không xa lắm...Suối vàng ơi!!!..
Forget me not Dalat

Sunday, August 5, 2007

TÔI VÀ EM

TÔI VÀ EM

Tôi gặp bé
Trên đồi thông.
Gùi đeo nặng
Đôi vai trần.
Củi ngo, thông bó.
Sà rông em quấn.
Rách tả tơi.
Tội nghiệp em tôi.
Tuổi thơ không có.

Mười năm sau
Xa xứ trở về
Tôi lại gặp em,
Vẫn trên đồi cũ,
Gùi lớn nặng vai.
Chân em thon dài.
Sà rông em quấn
Vẫn rách tả tơi.
Trời ơi em tôi.
Tương lai mịt mờ.
Tuổi xuân không có.
Lòng tôi nôn nao.

Wednesday, August 1, 2007

Cám on con gái đã giúp FMN làm ra Web này.

Forget Me Not