Saturday, April 1, 2023

CÔ GÁI ĐIÊN TRÊN ĐÈO NGOẠN MỤC

 

 

CÔ GÁI ĐIÊN TRÊN ĐÈO

               NGOẠN MỤC

 Ngày, tháng, năm

             Em yêu dấu,

             Anh vừa được gởi đi ḥọc một  khóa đặc biệt  tại Trung Tâm Huấn Luyện Dục Mỹ. Tha lỗi cho anh đã không báo cho em biết anh tham dự khóa huấn luyện này. Hơn một tháng không có thư anh. Em có nhớ, có mong không hở?  Riêng anh, nhớ em vô cùng. Qua một tháng học, anh được phép ra phố.  Đón xe ra Nha Trang, anh được thăm thành phố biển mà anh ước ao được viếng. Thành phố mà người yêu của anh luôn thương nhớ, luôn nhắc đến ... Ngồi trên mỏm đá có dấu in bàn tay năm ngón. Anh tìm kiếm xem có tên em khắc trên đó trong những lần em đi picnic với bạn bè không ? Em yêu ơi, anh đã thấy rồi … Tên em ngắn gọn, bắt đầu bằng mẫu tự đầu A. Ai và dấu sắc. Tên em dễ thương, dễ yêu như cái nghĩa của chữ này. Ái là yêu . Nói theo tiếng tàu “ Ngộ ái nị”. Anh yêu em … Vâng anh yêu em lắm. Yêu cái tên dịu dàng của em, Yêu dáng vẻ nhu mì, xinh xắn của em, yêu cái hồn nhiên thơ dại của em … Anh yêu em nhiều thật nhiều em ơi … Từ mỏm đá này, nhìn ra xa … Đại dương mênh mông quá. Anh mơ ước là cánh chim hải âu nương theo gió bay đến bên em, ôm em trong vòng tay và thủ thỉ: “Ừ, em nói đúng. Biển của em đẹp vô cùng … Ái ạ.  Anh đã ngồi yên lặng hàng giờ ngắm những những con sóng vỗ vào bờ tung bọt trắng xóa … Anh đã nằm yên nghe biển thầm thì. Biển của em dịu dàng vỗ về ru anh vào giấc ngủ … Em yêu, anh còn  đến xóm Phương Sài đi vòng vòng để tưởng tượng đến những sáng em ra ngôi chợ nhỏ ăn hàng. Em đạp xe thật nhanh đến trường bằng chiếc xe dàn kiểu đàn ông,“ em thật ngầu ”cỡ nào như lời em kể. Rồi anh tìm đến ngôi trường nữ, nhìn các nữ sinh trong những chiếc áo trắng xinh xinh trong giờ tan học, e ấp khi thấy anh, màu áo hoa rừng lạc về thành phố, hẳn lại tưởng anh đang trồng cây si cô nào. Không! Cây si của anh đã bỏ biển lên rừng … Anh nhớ nàng nên tìm đến đây trong giờ tan trường, tưởng như có nàng đang đứng chờ anh đến đón.  Anh của em thật lãng mạn phải không em ? Mãi chiều tối anh mới trở về quân trường. Nếu không có gì trở ngại anh sẽ bay lên Đà Lạt thăm em. Nhỏ ơi, có một món qùa đặc biệt dành cho em nhưng anh không bật mí đâu nhé!

Em yêu nhớ,

             Thật thiếu sót khi thư cho em mà anh không nói gì đến quân trường anh đang thụ huấn phải không ? Anh đã học qua một tháng.  Khoá học có cả thảy bốn mươi hai ngày. Vậy là chỉ còn trên mười ngày nữa là anh sẽ mãn khóa. Vui quá anh lại gặp em, bỏ qua những ngày thương nhớ.  Những ngày đầu mới đến, anh như sắp phải điên lên vì khí hậu khắc nghiệt ở nơi này. Trung tâm huấn luyện Dục Mỹ nằm ngay tại Dục Mỹ, Quận Ninh Hòa. Dục Mỹ nằm trong một thung lũng bao bọc bởi núi Đeo, dãy núi vùng suối Trầu, Bạch Mã … núi Chư Dung … Vì nằm dưới một thung lũng nên  mùa hè ở đây nóng vô cùng ... Với cái nắng cháy da, thiêu đốt ấy. Anh và các bạn biến thành bà con của chú Bảy Chà Hynos hết rồi em ơi.  Bọn anh gọi Trung tâm HLDM là Trung tâm tàn phá sắc đẹp quả không sai em há ? Trung tâm có nhiệm vụ huấn luyện tân binh bổ xung cho các tiểu đoàn. Thường khi các tiểu đoàn bị tổn thất nặng phải về đây để thêm quân số và huấn luyện cán bộ lại. Ở đây, có các khoa Huấn luyện căn bản, vũ khí, chiến thuật  và hai khoá đặc biệt là “Rừng Núi Sình Lầy” và “Viễn thám”. Anh của em đang theo học khoá “RNSL” đó em. Khóa học này được nhái theo khóa Ranger của Mỹ ở Georgia

Những ngày được huấn luyện ở đây bọn anh còn cực hơn những ngày học tập ở quân trường.  Ngay ngày đầu tiên, anh và cán bộ cùng khóa đã được Sĩ Quan cán bộ tặng cho một màn hít đất tập thể … Nghĩ lại còn buồn cười.  Nhỏ nhớ không, chuyến lên Đà Lạt trước, anh đã năn nỉ xin em tấm hình chụp của em ở tiệm Mỹ Dung. Tấm chân dung của em với khuôn mặt bầu bĩnh dễ thương, đôi mắt to, đen lánh và … mái tóc em. Ôi mái tóc dài, xõa ngang bờ vai … Anh mê mái tóc của em … mượt mà đen nhánh. Anh giữ kỹ “cô bé’’ trong bóp.  Em theo anh qua núi đồi, thung lũng. Em theo anh qua khắp nẻo quân hành … Rồi một ngày đẹp trời em cũng về đây tham dự khóa học cùng anh … và chính vì thế có dịp cho tụi anh phải cười rơi nước mắt.  Buổi sáng đầu tiên anh thức dậy hơi trễ bởi chưa quen với khí hậu nơi này, cả đêm  trước anh trằn trọc không ngủ được. Trước khi chạy đến xếp hàng điểm danh, anh vẫn không quên mang cô bé đặt vào trong túi áo mình, em là bùa hộ mệnh của anh ấy mà. Vội vàng, hấp tấp … một bên giày của anh chưa buộc chặt … Anh cúi xuống sửa lại dây giày. Em không chịu ngồi yên trong túi áo nhảy ào ra. Chúa ơi! Một cơn gió thật hiếm hoi ở quân trường nóng cháy này đưa em bay bỗng.  Dĩ nhiên anh chạy theo chụp lại em. Nhưng cũng nhanh như chớp trong hàng quân đã chuyền hình em đi thật lẹ. “Đào thằng T “ngon” thật tụi mày ơi. “ Lá bùa của anh đã gặp khắc tinh ”. Tất cả bọn anh vừa phải hít đất vừa ca bài “Xuất Quân” .Mệt đến bở hơi tai. Từ đấy chàng Sĩ Quan Huấn Luyện được tụi anh đặt cho biệt danh là “Chiến Sĩ Xuất Quân” và cái tên ấy đi theo ổng suốt khóa học em ạ.

        Em yêu,

                   Nhớ em nhiều! Mong gặp em từng giờ, từng phút.

                                                               Cọp của em.

                                                      

             Ngày, tháng, năm ….

                       Mình e lệ rụt rè theo Trí bước vào Cà phê Tùng, bấu tay anh mình nói nho nhỏ

            - Anh  à … Mình ngồi ở trên lầu nghe anh.

                Trí chọn một bàn sát ban công, ngồi ở đây có thể nhìn xuống đường ngắm người qua kẻ lại. Anh gọi cho mình một ly sữa đậu nành và cho anh một tách cà phê phin. Sáng thứ hai nên thưa khách. Mỹ, con gái Bác Tùng bưng cà phê ra. Khi thấy mình ngồi bên Trí, Mỹ mỉm cười nheo mắt như ngầm bảo “Em biết chị rồi nha, cúp cua đi với bồ phải không?” Mình là bạn thân của Phương, chị Mỹ. Hai đứa cùng học chung từ Trung học. Đã cằn nhằn Trí đừng vào đây, gặp chị em Phương kỳ lắm nhưng chàng nào nghe, bảo là mê cà phê Tùng nhất.  Mình biết ngày mai vào lớp thế nào cũng bị bạn bè lục vấn bởi sự xuất hiện của màu áo hoa rừng nhưng yêu chàng, mình phải chiều người yêu

                    - Bao giờ anh đi? Mình nhẹ nhàng hỏi

                    - Ngày mai trên chuyến xe đò sớm nhất

                    - Sao anh đi nhanh vậy? Thời gian dành cho em thật ít. Ghét anh quá đi!

                    - Liều lên thăm em chứ anh đâu có ngày phép nào. Mai mốt anh đền lại cho …

            Buồn quá, mình rưng rưng nước mắt, nghĩ đến mai này người lại rời xa, anh miệt mài giữa hiểm nguy … đạn bom rình rập … Đường anh đi gian truân, sóng gió quá … Mình lo, mình buồn, mình sợ hãi nhưng làm sao ta chia sẻ cùng anh những gian nguy bao quanh anh đây hở? Gặp được anh ngày nào, giờ nào, giây phút nào là mình đã vui với những phút giây ngắn ngủi ấy …

                     - Em đang nghĩ gì vậy há em?

                      - Đang nghĩ về anh.

                     - Anh đang ở bên em mà.

                     - Nghĩ đến lúc anh rời xa em. Anh đi cả nhiều tháng không về. Em mỏi mòn trông ngóng …

                     - Có xa, mình mới quý những giây phút bên nhau em ạ.

                    Trí cúi xuống hôn nhẹ lên trán mình. Cả hai yên lặng bên nhau. Không ai buồn đứng lên rời xa khung cảnh êm đềm này. Những tình khúc buồn nhẹ nhàng, êm êm đưa mình vào mộng. Giấc mộng đoàn viên, ngày anh trở về bình yên sau cuộc chiến … ngày hoa nắng xôn xao có mình bên anh.  Hạnh phúc nở hoa kết trái…

                    Trí đến rồi đi, vội vàng … Ngày về Phố Núi anh trao tặng mình một chú chó con bằng bông thật dễ thương. Anh đặt tên là “cu n ” Đưa nhanh vật tặng, anh bảo: “để nhớ anh”. Mình đã bật cười chọc anh “Vậy, em gọi anh là “cu Cún” nhá.

                       Trí đi rồi … Mình buồn quá. Thà anh đừng về, cho mình đỡ quắt quay. Thà mình đừng gặp, đừng yêu anh thì có đâu quay quắt nhớ? Chú cún bỗng nhiên được mình cưng nhất. Mỗi tối trước khi đi ngủ mình không quên mi nhẹ lên đôi mắt nâu quyến rũ của cún “Ngủ đi anh. Ngủ đi người yêu dấu.”

                       Trí trở vể đơn vị cả tuần, đến giờ mình mới nhận được lá thư khi anh còn học ở Dục Mỹ, đọc thơ càng nhớ anh hơn. Thơ anh viết :

 Ngày, tháng, năm …

            Anh của em vừa trải qua một lớp huấn luyện căn bản, chạy bộ, tác chiến số ba không vải lều, cọc lều, mền. Trong ba lô mỗi người có một thùng đạn đại liên, đã gắn lại, không bỏ đạn ra ngoài. Ngày đầu bọn anh chạy hai cây số. Ngày thứ nhì chạy liên tiếp bốn cây số. Vào ngày sau cùng, xe chở tụi anh xuống Ninh Hòa thả tụi anh ở đó. Từ Ninh Hòa tụi anh phải chạy bộ về trên đoạn đường mười hai cây số với ba lô trên vai, súng cầm tay … Em của anh thấy cọp của em “gồ ghề” không hở? Qua lớp chạy bộ, tụi anh được học tiếp khóa Sình. Căn cứ Sình ở Đèo Rọ Tượng. Ngày chuyển trại, bọn anh phải đi bộ từ căn cứ Sình về căn cứ Núi ở gần Suối Trâu. Đi bộ từ sáng sớm đến gần tối mới đến căn cứ Núi. Qua hết căn cứ Núi là căn cứ Rừng ở chân núi Chư Dung, cuối cùng về Dục Mỹ ̃… Về Dục Mỹ là kể như anh đã hoàn thành xong khóa học. Em biết không tụi anh sẽ được cấp giấy mãn khóa khi hoàn thành khóa học và kết hợp trong thời gian này anh không được khai bệnh, nghỉ một ngày cũng không được đâu em. Anh nào có bồ hoặc người nhà đến thăm cũng bù trớt … Chậc! May mà em ở Đà Lạt chứ em đang ở Nha Trang. Nhớ em quá anh năn nỉ em vào thăm chắc anh cũng không được cấp bằng tốt nghiệp phải không?  Em ơi. Ngày mai anh mãn khoá rồi … Buổi lễ mãn khóa sẽ tổ chức vào sáng tinh mơ, để sau đó tụi anh được chở ra Nha Trang rồi trở về đơn vị. Thật sự anh không có thời gian để đến thăm em nhưng….Nỗi nhớ em ray rức quá !. Đời lính rày đây mai đó … Anh không có nhiều cơ hội chọn lựa. Anh sẽ gắng bay đến thăm em dù chỉ gặp em một vài giây vài phút cũng được. Chờ anh nhé em yêu. Nói vậy chứ anh không chắc đâu em. Đến với em, nếu chẳng đặng đừng bị em mê hoặc anh sẽ ở mãi không về … Anh sẽ bị kỷ luật đó … Lại doạ em rồi … Anh sẽ cố gắng về thăm em. Đợi anh nghe nhỏ!

             Thơ anh viết lung tung, mình đọc với niềm yêu nhớ … Nhớ vô cùng Cún biết không?

                                        

            Ngày, tháng, năm …

            Ngày tháng thật dài, vắng xa người rồi … em vô cùng buồn khổ. Cuộc sống này còn lại những gì cho em ngoài nỗi nhớ rả rời … Yêu anh, yêu lính là em chấp nhận nỗi nhớ thương xa cách và bây giờ là vĩnh viễn chia ly … Không! Em không muốn tin nhưng vẫn là sự thật. Sự thật bóp nát tin em, xoáy mòn cơ thể em. Anh bảo mạng anh lớn lắm. Anh sẽ bình yên mỗi lần đụng trận với quân thù. Anh của em sẽ trở về bên em, vĩnh viễn trong vòng tay thương yêu của em. Sao định mệnh nghiệt ngã cho anh đi mãi không về. Cho em chưa mặc áo cô dâu đã trở thành góa phụ. Ngày cưới của mình định xong, áo cưới em đã may xong, chỉ còn đợi anh về … Sao anh không về với em trong ngày hoa nắng ngập trời, về xúng xính trong chiếc áo thụng xanh của ngày vui làm chú rể mà anh lại trở về trong chiếc áo quan lạnh giá, phủ quân kỳ … Em hãi sợ hòm gỗ cài hoa … Em hãi sợ tiếng kèn truy điệu. Em ghê sợ tiếng đất đá lục cục che phủ xác thân anh. Em quắt quay với tiếng khóc than ai oán của mẹ, vẻ tỉnh lặng không cùng của ba. Ba một đời thương yêu anh. Mẹ tảo tần nuôi anh khôn lớn. Từ nhỏ anh ốm đau bệnh hoạn, mẹ một tay săn sóc nuôi con. Anh lớn lên thành danh đỗ đạt. Mẹ chỉ mong anh có một cuộc sống bình thường, làm một công chức, một thầy giáo an phận sáng vác ô đi tối vác về … nhưng anh nào muốn. Là người con độc nhất anh có đủ điều kiện hoãn dịch vì lý do gia cảnh nhưng mẹ bảo anh không muốn sống thẹn với mình. Anh muốn vẫy vùng ngang dọc, muốn thực hiện nghiã vụ làm trai trong thời chiến. Chính vì vậy em yêu anh, yêu vẻ oai hùng của anh lính chiến, yêu sự can đảm vô song, yêu sự quên mình của người yêu dấu. Em yêu anh. Em thương anh. Em không muốn mất anh. Em muốn gào thét to cho anh hiểu, cho anh trở về bên em …nhưng sao anh vẫn yên lặng. Anh nằm xuống xuôi tay nhắm mắt. Anh ngủ yên trong nắm mộ sâu … Em sẽ đời đời không nghe nữa tiếng anh yêu. Em sẽ đời đời không được ngắm anh oai hùng trong màu áo trận … màu áo rằn ri nhớ đời, màu mũ nâu em thương em mến. Trí ơi … Em đã mất anh thật rồi … đời đời ... miên viễn … Em nhớ anh quá anh ơi … Giờ này bên em chỉ còn chú cún. Chú “cún ”của em ơi, người yêu dấu ơi …

                                                             

               Đội tuần tra đã gặp người con gái gần  như mê man trên đoạn đường đầu đèo Ngoạn Mục. Những tháng ngày gần đây đội xe tải thường thấy trên con đường đèo này một người con gái mặc chiếo áo cưới cũ, lem luốc … đi lửng thửng trên đường, trong tay ôm khư khư một chìếc hộp gỗ và một con chó bông  kỹ. Người ta bảo cô ta điên, kiểu điên hiền không phá phách la hét. Sau khi kiểm tra sức khỏe cô gái được mang đến Trung Tâm Xã Hội, nơi tập trung những người bị bệnh tâm thần không có thân nhân coi sóc ... Người con gái tôi gặp hôm nay ngồi bên song cửa, tay vẫn ôm con chó bông và chiếc hộp. Người Quản lý cho biết đó là những lá thư tình và những dòng nhật ký thấm đượm nước mắt của người con gái bất hạnh. Nàng ngồi im hầu như bất động … cặp mắt nàng vô thần nhìn vào một cõi xa xăm nào đó. Thỉnh thoảng cô còn nhoẻn miệng cười, nụ cười cũng lạc thần như đôi mắt không còn hồn đó. Tội nghiệp nàng đã không thể đứng vững được trong định luật của cuộc đời - niềm sinh ly tử biệt. Người con gái mà tôi gặp hôm nay gầy yếu, nhỏ nhoi, cô độc quá … Đó là cảm nghĩ của tôi khi thấy nàng. “Người điên không biết nhớ và người say không biết buồn”. Nếu thật sự người điên không biết nhớ thì  tôi cũng cảm ơn Thượng Đế hộ nàng – đã để nàng quên … quên cái quá khứ vừa tươi đẹp vừa khổ đau ấy ... quên đi hết những đau khổ muộn phiền … quên đi người yêu oai hùng của nàng nhưng  đã không còn tồn tại ... Nước mẳt tôi chợt ứa ra … Có lẽ cô gái sẽ không thể nào biết được “đôi măt vô thần, nụ cười ngây dại của nàng’’ sẽ đeo theo tôi mãi từ đây ... Tôi đang ôm giùm nàng nỗi buồn nhớ ấy mà nàng đâu biết ?   

 Forget-me-not Dalat

       

 

 

Tuesday, January 31, 2023

THƯ XUÂN GỞI CHỊ

 

                                                     

 

 

 

 

 

                      Chị Quỳ thương yêu,

                                  Một cái Tết nữa lại đến với chúng mình chị nhỉ? Chị vẫn được đón Tết nơi quê nhà yêu dấu. Em vẫn ở nơi tha phương, nhớ nhà, nhớ chị đến quắt quay! Mấy mươi năm viễn xứ, chưa một lần về thăm. Em biết chị hiểu để thương em, để thông cảm và biết lý do tại sao bao nhiêu năm rồi em vẫn chưa về thăm chị. Chị ơi! Cánh thiệp Xuân năm nay của chị đã mang đến cho em bao nhiêu rộn ràng, bao nhiêu nhung nhớ. Một bụi anh đào nở rực, hoa chi chít trên cành, là là soi bóng trên mặt hồ Xuân Hương...phía sau là nhà thủy tạ thật sáng rỡ trong nắng xuân. Người nhiếp ảnh nào đấy đã thể hiền được nét độc đáo, tuyệt vời từ cảnh vật đến ánh sáng . Bức ảnh đẹp của quê hương dấu yêu đã làm em nhớ quá Đà Lạt của mình vào những ngày Xuân. Ngày xưa , mỗi độ Xuân về là hoa đào nở rộ trên con đuòng vòng bờ hồ, đường lên dốc Hòa bình cùng những con đường làng bé nhỏ quanh nhà mình. Hoa anh đào Đà Lạt cánh mỏng, dáng nét  thật thanh tú, hoa màu hồng nhạt thật khác với hoa đào vùng Hoa Thịnh Đốn hoặc hoa đào ở Cali. Loài hoa này là niềm tự hào cho người dân Dalat. Biết bao nhiêu văn, thi, nhạc sĩ đã lên tiếng ca ngợi hoa, ca ngợi thành phố hoa đào của mình chị nhỉ? ” Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa” Bài ca trữ tình mênh mang đưa người lạc vào thành phố mộng mơ này,  khó nhớ  đường về... và cũng đã gợi nhớ trong em nỗi niềm thương nhớ của kẻ xa nhà, xa quê hương.

            Chị ơi! Em viết thư cho chị trong những ngày chờ đợi Tết. Chị đã làm bánh mứt chưa hở? Nhớ làm sao món mứt  dẻo của chị .  Trong không khí lành lạnh của những ngày gần Tết...nhâm nhi một chút  gừng cay, một tí chua chua, ngọt ngọt của dứa...thỉnh thoảng hớp một ngụm trà...Thật tuyệt chị há? Bởi thế  hũ mứt  đầy vun  của chị, chưa đến Tết đã vơi đi một nửa. À! Chị đã  tìm mua một cành đào mang về cắt tỉa chờ ngày hoa nở chưa chị ? Nhớ tìm một cành thật đẹp để  cầu mong năm mới nhiều may mắn. Nói thì nói vậy thôi. Em cũng muốn tin như vậy lắm nhưng chả biết có đúng không. Năm ngoái em đã ra ngoài vườn lựa một cành thật đẹp. Ngày mồng một hoa nở bung những nụ hồng tươi rực rỡ. Nhưng  suốt một năm vẫn không có gì khởi sắc !

                    Chị Quỳ của em, những ngày cận Tết em lại nhớ nhà vô cùng chị ạ. Thành phố em ở không nhiều người Việt nên chúng em thường đi sắm Tết ở khu  Little Sài gòn. Đến đây, chị có thể nghĩ đó là một Việt Nam thu nhỏ. Mỗi khi cảm thấy nhớ nhà, thèm những món ăn dân tộc em lại đến đây để nghe tiếng Việt xi xô, xi xao trong nhà hàng, ngoài đường phố, để nghe mùi hương  phở, mùi bún bò thơm lừng trong những khu thương mại  người Việt. Tuy xa nhà nhưng em cũng ăn những cái Tết thật rôm rả ở xứ người. Thế nào em cũng mua cho được một chậu lan, vài cụm hoa vạn thọ nở vàng....một hộp mứt thập cẩm để cúng ông bà, mâm tứ quả “ cầu, zừa, đủ, xài” để nâng thêm niềm tin của mình trong năm mới chị ạ. Bánh chưng, dưa món...đương nhiên là phải có rồi. Có năm em cũng đi mua lá chuối, nếp, thịt làm bánh chưng. Gói bánh được một vài cái Tết là em bỏ cuộc, tốn công quá chị !  Em ra chợ mua và cái bánh đặt bàn thờ là đủ rồi.  Tết bên này cũng thật vui chi ạ! Cộng đồng Việt Nam ở đây  khá lớn mạnh . Để cho mọi người khỏi quên đi cội nguồn, khỏi quên văn hoá dân tộc, người Việt ở đây, hàng năm đều ăn Tết lớn. Hàng hoá tràn ngập... bánh mứt, hoa quả...chả thiếu thứ gì. Những hội đoàn thường tổ chức múa lân,tổ chức hội chợ vui chơi ba ngày Tết. Trong những Hội chợ Tết thường có tổ chức thi mặc áo dài, mặc Quốc phục, thi “Đố vui  lịch sử, truyền thống văn hoá Việt Nam.”... Báo Xuân, băng nhạc Xuân, những chương trình văn nghệ đặc biệt mừng Xuân nhiều vô kể...Phải tự hào là giới trẻ ở đây rất thiết tha đến việc duy trì văn hóa cổ  truyền dân tộc . Chỉ mỗi việc các em đã xây dựng một làng Việt Nam trong hội chợ, có nếp nhà tranh, có bụi chuối sau hè, có đình làng, có cầu tre, khóm trúc ... có tiếng hát ca dao, có giọng hò ba miền trung, nam, bắc....là thấy cả một Việt nam thâu gọn nơi này.Gần gũi biết bao ! Thương yêu biết bao! Nhờ thế em của chị  cũng vơi đi nỗi  nhớ nhà. Con cái em cũng hiểu  thêm về ngày Tết cổ truyền dân tộc.

                    Chị Quỳ thương,

         Những ngày cuối đông, những lúc Tến đến! Em lại cảm thấy buồn, thấm thía bản nhạc xuân mà ca sĩ Duy Khánh thường hát ” Con biết bây giờ mẹ chờ tin con. Khi thấy mai đào nở vàng bên nương. Năm trước con hẹn đầu Xuân  sẽ về, nay én bay đầy trước ngõ mà tin con vẫn xa ngàn  xa...” Gởi đến chị bài ca buồn với tiếng hát ngọt ngào của Duy Khánh và lời tạ tội cùng chị . Chị ơi em vẫn chưa thể về! Đừng buồn em chị nhá! Cho em gởi  nỗi nhớ thật đậm đà đến Đà Lạt, đến quê hương xa lơ lắc của mình.. và gởi đến chị của em niềm nhớ khôn nguôi.

 

                                                                          Em của chị

                                                              Forget Me Not Dalat

 

                          

Friday, December 30, 2022

BÉ THỦY

 Cứ mỗi chiều sau buổi dạy về là Vân đã thấy bé Thuỷ ngồi đợi ở cổng nhà!

Vân âu yếm hỏi bé : Cháu đợi cô hả ?
Bé gật đầu. Vân cầm tay bé mở cửa dắt vào nhà! Thay áo dài, mặc bộ đồ nâu mà Vân thường mặc khi ở nhà xong Vân đi rửa mặt , sau đó rửa mặt cho bé Thuỷ! Lau khuôn mặt lem luốc của bé Thuỷ. Bé đã biến thành cô công chúa nhỏ xinh xắn, đẹp như thiên thần với đôi mắt xanh biếc , nước da trắng hồng của một cô bé Việt lai Mỹ!
Cầm cuốn sách tô màu và hộp màu sáp trao cho Bé Thuỷ ! Vân dặn dò bé tô màu rồi đi nấu cơm! Trong lúc chờ cơm sôi , Vân lấy lược chải đầu, thắt bím cho bé! Ơi con bé mới xinh xắn làm sao ! Ai thấy bé mà không thương! Hoàn cảnh cô bé thật tội nghiệp ! Mẹ bé là một chiêu đãi viên , làm việc tại một căn cứ Mỹ ở Cam Ranh, lỡ có thai bé Thuỷ. Sanh con, nuôi được vài ba tháng Cô mang về giao cho ông ngoại bé! Sau đó nghe nói không bao giờ trở lại nữa! Cô bé tội nghiệp sống với ông ngoại đã lớn tuổi trong ngôi nhà tranh vách đất đơn sơ! Ông ngoại bé Thủypothật nghèo,nghề nghiệp không ổn định, lúc thì phụ nhà nông cấy lúa , gặt lúa khi thì phụ hồ trộn vửa xây nhà !Ông ngoại đi làm, bé Thuỷ lê la với mấy trẻ con hàng xóm vọc đất , hái lá, hái hoa chơi bán hàng, mặt mũi lúc nào cũng lem luốc , tay chân dình đầy đất cát! Lần đầu tiên nhìn thấy bé Thuỷ là Vân đã có thiện cảm ngay ! Chiếc áo cánh màu trắng úa vàng, Chiếc quần đen lai quần đã tưa ra! Khuôn mặt lem luốc ngước mắt nhìn nàng không chớp, đôi mắt to , xanh biếc, đẹp như vẽ! Ôi sao mà có một cô bé xinh như thế !!Kể từ lần gặp đầu , sau đó ngày nào bé cũng đến nhà Vân khi nàng ở trường về! Thương hoàn cảnh bé, Vân chăm sóc như em gái mình
Cơm vừa chín , Vân nấu thêm nồi canh cà chua, hâm lại miếng cá kho rồi hai cô cháu bắt đầu ăn tối! Nhìn cô bé nhanh nhẹn và từng miếng cơm, khuôn mặt rạng rỡ, sung sướng Vân thấy thật ấm lòng !Từ khi có Vân cô bé linh hoạt hẳn lên , không còn rụt rè chỉ biết gật đầu hay lắc đầu để trả lời những câu hỏi của nàng như ngày đầu mới biết!
Ăn uống xong, Vân ra giếng múc nước lên rửa mặt , rửa chân cho bé rồi thông thả dắt bé về nhà! Nhà bé chỉ cách nhà trọ của nàng một căn! Ông ngoại đón bé với nụ cười tươi, rối rít cảm ơn nàng!
Trở về căn nhà trọ , Vân thấy trống vắng làm sao! Soạn bài cho ngày mai xong, Vân lên giường nằm! Trằn trọc hoài không ngủ được ! Vân nghĩ ngợi lung tung .Bố mẹ mình , các em mình giờ này đang làm gì trên Da Lạt? Mẹ của bé Thuỷ đang ở đâu mà để con mình côi cút tội nghiệp đến thế ? Hay cô ấy cũng có những nỗi niềm, nỗi đau không biết nói cùng ai ? Còn ba bé Thủy nữa?Ba của bé Thuỷ hẳn là một người lính từng ở một nơi nào đó xa cả nửa vòng địa cầu, đến đây cùng quân dân mình chiến đấu đánh đuổi quân thù đang muốn xâm chiếm miền nam thân yêu của chúng mình! Người lính ấy, ba của bé Thủy có biết mình đã có một đứa con xinh xắn dễ thương này không ? Hay là người mẹ kia không hề cho anh ta biết! Cuộc chiến tranh đã kéo dài biết bao nhiêu năm rồi gây biết bao tang thương trên đất nước mình ! Chợt dưng Vân nhớ đến anh hai mình da diết! Anh đang ít tận ngoài Phù Mỹ , Phù Cát xa xôi! Vân nhớ đến anh ba của Vân đang ở mãi Năm Căn , giang đoàn của anh đang lên lỏi qua bao nhiêu sông rạch. Tre đước dày đặc che khuất những họng súng đang rình rập của quân thù, dưới nước thủy lôi cũng đang chực chờ tìm đến! Rồi Vân lại nhớ đến người yêu đang băng rừng lội suối , không ngơi nghỉ hành quân ...có thể đang từ Tịnh Biên qua Vĩnh Xương, Ba Chúc ...hoặc đang hành quân ở vùng Cà Mau trên muỗi, dưới đỉa đầy ắp ! Thương cho những người lính quá ! Nước mắt chợt ứa ra! Vân chắp tay cầu nguyện bình yên cho tất cả rồi thiếp dần trong giấc ngủ!
XXXX
Nghe phong phanh ông ngoại bé Thuỷ muốn cho bé làm con nuôi cho một gia đình nào có lòng thương xót bé ! Yêu cháu nhưng lúc này ông bịnh hoạn liên miên sợ không đủ sức lo cho cháu! Vào một ngày cuối tuần về Đa Lạt thăm gia đình, Vân nói với bố mẹ về hoàn cảnh bé Thuỷ và xin ông bà nhận bé Thuỷ làm con nuôi! Bố mẹ bảo với Vân rằng “ Nhiều người hơn lắm của “ Bố mẹ rất vui nếu được thêm một thành viên mới đến với gia đình! Mấy anh con đi lính xa nhà ! Các em gái con đã lớn cũng sẽ đi làm việc, có thêm một con nhỏ , có người cho mẹ chăm sóc, gần gũi mẹ con vui hơn nhiều “.
Vân trở lại trường! Nghĩ đến sẽ có một cô em gái xinh đẹp hiền ngoan mà lòng reo vui , rộn rã!
Buổi chiều nay tan học về, không thấy bé Thuỷ đón ở cửa! Không nghe bé thỏ thẻ hỏi : “ Cô giáo mới đi dạy về à? Bé Thuỷ đợi cô lâu lắm đấy!”
Vân đã đến gặp ông ngoại bé trễ rồi! Ngày Vân trở về Đa Lạt thưa với ba mẹ là ngày ông ngoại bé giao bé Thuỷ cho một cặp vợ chồng ở xóm trên! Nước mắt rưng rưng , Vân ngậm ngùi tiếc nuối ! Chợt thấy nhớ bé da diết. Bé không có duyên làm em mình! Vân chỉ cầu mong bé được thương yêu và đối xử tốt !
Một vài tháng từ ngày bé Thuỷ được cho đi làm con nuôi thì đất nước Vân cũng đổi chủ! Ở lại với nỗi đau mất nước , với nỗi khốn khổ cơ cực! Thời gian sau , Vân hay tin gia đình bé Thuỷ đã qua Hoa Kỳ theo diện con lai! Bé Thuỷ đã đến được quê hương của người cha đẻ mình! Dù rất nhớ thương bé nhưng Vân cũng rất vui vì em đã được ra đi, đi đến một xứ sở có nhiều cơ hội để vươn lên sống cuộc sống tự do hạnh phúc. “. Thật cảm tạ ơn trời đã cho bé Thuỷ của tôi có một tương lai đầy hứa hẹn nơi vùng đất mới ấy! Cảm ơn em đã cho tôi những giây phút ấm áp khi có em cận kề trong những năm tháng xa nhà! Cầu nguyện em có cuộc sống an vui , yên bình, hạnh phúc, Cô em gái của tôi ơi ! Tôi thương em! “ Vân thầm thì nói chuyện với em khi nỗi nhớ thương đang trở về với nàng trong tháng tư đen! Đủ nỗi nhớ ụp về làm tê dại hồn Vân! Nước mắt nàng lặng lẽ rơi...rơi trong nỗi nhớ!
FMN DL








NIỀM VUI ĐÊM GIÁNG SINH

 

 

Niềm Vui Đêm Giáng Sinh

Forget Me Not Dalat

         Người tù  bước từng bước  chậm chạp trên con đường quanh co từ lán trại ra thửa vườn trồng rau cải. Đôi thùng phân  nặng trĩu trên đôi vai gầy. Trời nắng chang chang, không có lấy một ngọn gió, mồ hôi nhỏ từng giọt,anh cũng không buồn lau. Anh để cho chúng tự do chảy dài xuống má, xuống môi mặn chát…Mùi hôi thối bốc lên từ hai chiếc thùng làm mũi anh ngứa ngáy khó chịu nhưng phải ráng chịu đựng. Đôi chân trần bước trên đường phủ ngập lá thông, những lá thông nhọn cứa lên da thịt. Thưở mới bắt đầu làm công việc này, chân anh rộp lên đau đớn, riết rồi quen đi, chân anh đã chai sạn không còn cảm giác. Trong tổ  phân của anh có mười người: Đạm, anh và một số bạn nữa giữ việc gánh. Thiếu tá Mai,Thượng sĩ Mạnh, Thượng sĩ Tuất.. tuổi đã cao lại thêm bị bệnh thấp khớp nên giữ phần việc múc vào thùng cho anh và các bạn cùng tổ gánh ra rẫy, ở đó đã đào những hố sẵn. Khi hố đầy, các anh cho lá, cỏ, đất lấp lại, chờ cho phân hoai đi. Thời gian sau được mang bón cho những vườn rau, cải…Vườn cây chỉ dùng một loại  phân duy nhất do con người sản xuất đó.  

               Bước chân rã rời, cơ hồ đi không muốn vững. Người tù đặt đôi thùng xuống.  Anh mệt mỏi ngồi trên chiếc đòn gánh tạm dùng làm đòn... Bỗng ..xa xa…Trên con đường mòn anh vừa đi qua, bóng một người con gái xuất hiện. Cô ta quảy một gánh khá nặng. Từ lúc vào đây,biệt lập với xã hội bên ngoài, hiếm khi thấy có người lai vãng, mà lại là con gái. Anh hồi hộp chờ cô gái đến. Hồi hộp như những lần ngồi chờ mẹ đến thăm nuôi. Cô gái đến, nàng  đặt đôi quang xuống bên vệ đường. Cô thật tự nhiên lên tiếng hỏi:

               - Anh là tù cải tạo phải không?

Anh đưa mắt quan sát người con gái, gật đầu không trả lời.

Cô gái mở cái mẹt bằng mây đang đậy chiếc rổ, lấy ra hai bịch chè nhỏ được gói trong bịch ni lông.

               - Anh ăn gói chè cho mát bụng.

Anh vội vã chối từ:

               - Cảm ơn cô, tôi không đói

Miệng nói “không” nhưng trong anh cồn cào. Hiện tượng tiết tâm linh xuất hiện. Cả hàng mấy năm nay, anh có hề được một miếng chè nào đâu!

Cô gái nằn nì:

               - Anh cứ cầm lấy ăn đi, đừng ngại.

Chần chừ một lát, cuối cùng người tù e dè cầm lấy hai gói chè.

               - Cảm ơn cô, tôi sẽ ăn sau.

               - Cô đi đâu vào trong này vậy?

Cô gái mỉm cười, nụ cười thật tươi.

               - Tôi nghe nói ở đây có một con đường mòn, có thể đi từ đây vào xóm kinh tế mới gần hơn. Hôm nay là ngày đầu tiên tôi đi thử. Tôi mang mắm muối, khô cá, chè chuối mang vào đó bán. Từ này về sau, cần mua gì anh cứ hỏi tôi.

               - Quý hóa quá. Lần sau nếu có thể cô mua giúp tôi một gói thuốc rê và vài cục đường thẻ.

Cô gái chào anh rồi quảy gánh đi trước khi  nài nỉ anh cầm một gói thuốc Đà Lạt. Anh trả tiền nhưng cô nhất định không lấy.  Từ ngày vào đây anh chưa tốn một đồng nào. Vì có chỗ nào cho anh mua đâu? Mỗi lần vào thăm nuôi, mẹ anh đều len lén dúi cho anh vài chục bạc. Anh cẩn thận  khâu vào trong chiếc quần đùi phòng khi hữu sự.

              Nhìn theo bóng cô gái đi khuất sau dãy đồi. Anh vội vã lấy  gói chè ra ăn. Cho gói chè vào miệng, cắn rách đầu miếng túi ni lông, anh nhẩn nha mút…Vị béo của đậu xanh, của nước dừa trộn lẫn vị ngọt của đường, thêm mùi thơm dịu của vani từ từ thấm vào lục phủ ngũ tạng. Chao ơi ngon quá! Có lẽ đây là món chè ngon nhất trong cuộc đời anh.Từ từ nhấm nháp thêm gói chè thứ hai, người tù mới thong thả đứng dậy quảy đôi thùng đi nhanh ra hầm chứa. Sau đó, anh lại quày quả trở về trại gánh tiếp. Trời gần tối, công việc cũng đã xong. Anh sung sướng đem thùng ra bờ sông rửa. Lục tìm trong hóc cây sồi cạnh bờ sông. Anh lôi ra một  cục xà phòng được quấn kỹ trong bọc nhựa...

              Cởi chiếc áo sơ mi rách tả tơi và chiếc quần đùi may bằng bao cát, máng lên một nhánh cây. Anh nhảy ùm xuống sông. Con sông Đại Bình rộng mông mênh . Vùng vẫy bơi lội trong quãng sông vắng. Anh thấy khoan khoái vô cùng. Trong ngày giây phút này là giây phút tuyệt vời nhất mà các bạn tù, ngoài tổ gánh phân ra có mơ ước cũng không có được. Trong tù tổ gánh phân là cực nhọc và chịu dơ bẩn nhất nhưng bù lại  có đôi chút tự do và no đủ hơn cả. Quảy gánh lên vai, bước ra khỏi lán trại là họ có thể tạm quên những hà khắc, nghiệt ngã trong kia.  Lúc đầu bọn anh đi đâu cũng bị cai tù kè kè một bên. Phải đi theo sau những thùng phân bốc mùi khó ngửi, thêm nữa qua theo dõi  biết các anh không thể bỏ trốn. Họ để các anh vào tổ “ tự giác”.Anh cũng không có ý định trốn trại vì không muốn liên lụy gia đình. Anh chỉ cầu mong sao được về sớm để đoàn tụ với mẹ già đang sống cô độc, mòn mỏi đợi con ngoài thị xã.Từ ngày được chuyển vào tổ gánh phân, anh khoẻ lên đôi chút, không bị những cơn đói lả  hành từng đêm. Cơm ăn không đủ no, với sức thanh niên như anh mà mỗi bữa chỉ được một chén cơm trộn khoai hẩm làm sao anh chịu nỗi. Anh cũng không còn bị những cơn sốt rét mà lúc nóng lên anh đã gào thét như điên trong đêm tối. Cũng ở trong tổ này, sau khi lén lút đào những củ khoai, củ sắn ăn tại trận, bọn anh còn dấu giếm  mang vào chia sẻ cho các bạn tù. Từ ngày bị đưa vào trại cải tạo này. Anh dường như phản ứng nhanh nhẹn hơn trước. Thường thường, sau khi tắm táp xong xuôi, quảy đôi thùng không trở về, đi ngang qua đám rau cải, bắp sú mà các ăn tự trồng̣( nhưng không được ăn). Mắt ngó trước, ngó sau. Anh dùng đôi tay lay gốc, nhổ nhanh một gốc sú, gốc cải. Dùng chân lẹ làng đạp văng cây sú văng ra xa, chân đè lên phần gốc, lấy tay bẻ nhanh phần ngọn. Nhanh như chớp, chiến lợi phẩm đã nằm trong thùng phân. Lúc ấy chỉ việc lấy chân khỏa lấp lớp đất mới bị lốc lên. Dùng sức ném nhanh phần gốc rễ thật xa cho chúng lọt tỏm xuống dòng sông đang chảy xiết. Vậy là yên tâm quảy gánh ra về. Trước khi vào cổng trại, anh cũng hồi hộp không kém. Nếu bị tóm chắc sẽ bị cùm nhưng nhờ trời khi thấy đội gánh phân đi ngang là bọn cán bộ vội lĩnh mất. Có lẽ vì vậy tội ăn cắp của tụi anh chưa bị phát hiện. Những rau quả tươi mang vào thường thì các bạn tù chia nhau ăn sống. Thỉnh thoảng bắt được con chuột, đập được con rắn, con gà rừng các anh đem ra sông làm sạch, mang về cắt nhỏ bỏ vào lon gô, chất đốt là những  bị ni lông dự trữ  khi lao động ở ngoài. Người thì đốt lửa, kẻ thì canh chừng cán bộ. Có một lần đang lúc tắm, anh bắt gặp một chú tắc kè khá to. Mừng quá anh bơi theo nó.Chụp bắt được con vật trong nước không phải là chuyện dễ. Vậy mà anh túm được nó. Vùng vẫy với con vật,  nước cuốn đưa anh ra xa, xém chút cho anh đi thăm Hà Bá nhưng anh vẫn không buông con tắc kè. Anh cố gượng, chống chỏi với nước và bơi được vào bờ… Tối ấy, nhóm bạn anh mỗi người được chia một đốt thịt bằng nửa lóng tay nhưng ai nấy đều vui vì có được chất tươi vào cơ thể đã lâu ngày không được ăn thịt. Nghĩ lại anh còn thấy sợ, dám đem mạng ra đùa giỡn với tử thần!!…

                                          .

               Hôm ấy, sau một ngày lao động trở về. Người tù mang theo niềm vui nho nhỏ, gặp được người con gái tốt bụng, “ rình” được một bắp sú lớn, còn được thêm  gói thuốc Đa Lạt cùng các   bạn hút chung.  Ở trong tù được miếng thuốc rê đã là “ quá đã”  Đằng này lại là thuốc lá “ Đà Lạt”.Đúng là một cực phẩm!. Cực phẩm này chỉ có được vào mỗi kỳ thăm nuôi. Vậy mà hôm nay chỉ là ngày thường thôi, bọn anh cũng có được những giây phút đốt đời bằng khói thuốc, không có gì hạnh phúc cho bằng!.

              Các bạn tù đều say trong giấc ngủ. Nằm yên lặng nghe những tiếng ngáy vang đủ cả giai điệu, âm điệu… anh không khỏi cảm thấy buồn cười. Anh thì gù gừ như như chim cu gù mồi. Chàng thì kéo như cưa xẻ gỗ. Có anh thì kéo như đàn cò lúc lên bỗng khi xuống trầm… Đạm, người  nằm cạnh anh trên chiếc giường tre ọp ẹp . Chiếc giường  khẽ “ rên” khi Đạm trở mình. Anh đoán có lẽ hắn cũng đang khó ngủ như mình...Anh mỉm cười “ Chắc tại đi ngủ trễ, lại phải nghe giàn nhạc “ đại hòa tấu” thế kia, làm sao mà ngủ được” Riêng anh, bình thường sau một ngày quần quật lao động,mệt mỏi.. Tối về, anh dễ thiếp đi trong giấc ngủ… nhưng hôm nay lại khác. Hình ảnh người con gái ám ảnh anh không thôi. Cô ta khoảng  ba mươi, có thể lớn hơn anh vài tuổi. Chiếc áo bà ba màu nâu cô mặc đã ngả màu, cũ kỹ. Khuôn mặt đen sạm vì nắng gió . Chỉ có đôi mắt, đôi mắt  cô đen láy, ánh lên vẻ tinh anh… Khi trao cho anh hai gói chè, cặp mắt của cô như mời mọc, như ân cần. Mấy năm ở trong tù, ngoài vài ba nữ cai tù mặt mày cau có, khó chịu, không thể nào có cảm tình được. Đây là lần đầu tiên gặp một cô gái có thể nói là cùng chung giới tuyến, tuy không xinh đẹp nhưng cũng khá dễ coi, lòng anh cảm thấy giao động. “ Mày nghĩ hơi nhiều về người con gái ấy rồi nghe Lâm”. Anh cảm thấy vui vui rồi mỉm cười đi vào giấc ngủ…

               Mặt trời vừa ló dạng, khi tiếng kẻng vang lên báo hiệu thời gian phải thức dậy. Tất cả tù nhân thật nhanh chóng làm vệ sinh cá nhân rồi đi xếp hàng điểm danh, lãnh phần ăn sáng.Tiêu chuẩn cho một người là một nắm cơm vắt chỉ bằng một nắm tay cọng thêm vài hạt muối hột. Buổi tối đỡ hơn, được một bát cơm độn khoai hoặc  hơi đầy đầy, một chén rau dền hoặc rau lang, rau cải trồng ngoài vườn. Mang tiếng là canh rau nhưng lỏng bỏng nước là nước. Bọn anh thường nói đùa là canh   “toàn quốc”. Ăn uống thiếu thốn kham khổ, lại làm việc vất vả nặng nhọc nên anh nào cũng ốm như ma đói, mặt mày xanh xao bệnh hoạn. Có người chịu không nỗi đã phải bỏ mạng trong tù.

               Sau hôm gặp gỡ cô bán hàng rong. Người tù đi làm với tinh thần phấn chấn hơn. Quảy đôi thùng lên vai, chàng đi thật nhanh, bước thật lẹ làng…miệng huýt  sáo liên hồi. Buổi sáng qua đi. Sau buổi ăn trưa, chàng bắt đầu nôn nóng chờ mong, nhất là sau hai giờ chiều, khoảng thời gian mà ngày hôm trước anh gặp người con gái…Ngồi dựa lưng vào một gốc thông, anh đưa mắt dõi theo con đường ngày hôm qua bóng hồng xuất hiện. Ngồi thật lâu, không biết bao nhiêu bạn tù đã gánh vượt qua chàng mà người ta vẫn không xuất hiện. Một nỗi thất vọng dâng lên. “ Một cô gái nhan sắc tầm thường , chỉ vài câu thăm hỏi, hai gói chè , một gói thuốc lá…đã khiến chàng xao động? Đã khiến chàng ngẩn ngơ. Đã khiến chàng thất vọng khi người ta không đến? Có phải chàng đã yêu? Đâu vội vàng yêu đến vậy? Hỏi và tự trả lời. Thật buồn rầu. Anh uể oải đứng lên tiếp tục công việc của mình. Đôi gánh trên vai dường như nặng , nặng thêm…

               Tháng ngày dần trôi,cô gái không một lần trở lại… Người tù vẫn tiếp tục trong kiếp sống đoạ đày, cực khổ. Mùa hè nóng nung người, gánh nặng oằn vai, mồ hôi nhễ nhại, nhớp nhúa. Mùa đông đến , lạnh lẽo, giá buốt. Sáng thức dậy tê cóng những đầu ngón tay nhưng những người tù vẫn phải thức dậy sớm, làm những công việc nhàm chán  đó. Lặng lẽ, ít nói, chàng lại càng âm thầm lặng lẽ hơn.

               Đông tàn, Xuân đến …Các bạn tù thêm một lần hy vọng vì cứ mỗi độ Xuân về là có đợt phóng thích. Hơn sáu năm trôi qua trong trại cải tạo. Bao nhiêu lần hy vọng là bấy nhiêu thất vọng. Anh không còn mơ, hết hy vọng trở về. Dễ gì một người tù bị kết án là gây nhiều nợ máu với nhân dân như chàng. Vả lại, chẳng bao giờ họ đưa ra toà, kêu án thì làm gì biết được ngày ra. Ngày trở về thật xa, xa lơ lắc!!…

               Cái Tết thứ bảy chàng ở trong tù. Trại tù cho tù nhân được nghỉ lao động. Trong năm, bọn chàng chỉ được nghỉ  hai ngày. Đó là ngày Quốc khánh XHCN  và ngày Tết. Bữa cơm ngày Tết được thêm hai lát thịt mỏng dính mà họ gọi là “cải thiện”. Ngày này là ngày hạnh phúc nhất trong năm. Anh em bạn tù ngồi quay quần tán gẫu, hồi tưởng lại những cái Tết xa xưa , thời đại hoàng kim xưa cũ. Những cái Tết trong quá khứ thật huy hoàng. Thịt thà bánh mứt ê hề. Nhà nào cũng cỗ bàn thịnh soạn. Pháo nổ vang đầu làng, cuối xóm… Đang lúc say sưa kể lễ chuyện trò để quên đi cảnh tù đày đói khổ, những người tù chợt nghe những tiếng kẻng vang lên. Tiếng kẻng báo tập họp khẩn. Đã quen với hiệu lịnh khẩn. Tù nhân lẹ làng chạy đến tập họp tại sân trại. Ai nấy hồi hộp lo âu. Không biết chuyện gì sẽ xả đến cho họ đây?Liệu họ có phải chuyển trại đi nơi khác. Long Giao? Suối Máu? Phú Quốc?   hay sẽ bị đày ra tận ngoài Bắc? Trên khuôn mặt cuả mọi người đều hằn lên vẻ lo lắng. Khi ai nấy đã tề tựu đông đủ theo từng tổ. Trưởng trại mới thong thả đọc quyết định tạm tha cho một số trại viên “ Theo chủ trương khoan hồng cuả Đảng và Nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Xét rằng trong quá trình lao động và cải tạo, một số anh em  đã có biểu hiện tốt, có tinh thần giác ngộ cao, tuân thủ theo kỷ luật của trại nên được xét tạm tha về với gia đình, dưới sự quản chế của điạ phương trong vòng ba năm…”  Tù nhân im phăng phắc. Ai cũng hy vọng có tên mình trong danh sách sắp được nêu ra. Đứng giữa nhóm bạn bè cùng hoàn cảnh. Anh cũng có chung niềm hy vọng. Cho mọi người cùng được thả ra, thoát khỏi địa ngục trần gian này. Và rồi, anh vơi dần hy vọng khi bên tai anh oà vỡ những tiếng reo mừng mà tên anh vẫn chưa được nhắc đến. “ Nguyễn Xuân Lâ …m” , Tổ phân Số….Đúng thật tên anh vừa được xướng lên đó ư? Nước mắt Anh chợt ứa ra trên khuôn mặt đen sạm, nhăn nheo qua những năm tháng tù đày khổ ải. Anh sẽ gặp lại mẹ già qua bao năm tháng tù đày xa cách. Anh sẽ gặp lại người chị gái tảo tần với đàn con dại. Và, một mơ ước mong manh, Anh sẽ tìm về những làng xã quanh Bảo Lộc tìm lại cô bán hàng rong đã cho anh hai gói chè, gói thuốc  Đà Lạt tình nghĩa mà anh mãi không quên…Người tù ngẩn ngơ, xúc động.  Tai anh như ù đi. Hoá ra khi mình quá vui mừng hạnh phúc. Mình cũng có cái cảm giác gần như lúc buồn đau… Gần bảy năm ở trong tù…Thời gian quá lâu, quá dài…Anh lại chợt lo lắng. Mình hẳn sẽ lạ lẫm với xã hội bên ngoài? Mình cũng sẽ như người rừng trở về thành phố? …Nhưng không sao. Bị hành hạ khổ sở. Bị đói đến rạc người. Bị sốt rét đến suýt chết. Mình vẫn vượt qua để trở về thì có điều chi làm khó mình được phải không?

                                                         XXXX

                 - Anh ơi . Ngưng việc một chút, ăn đỡ chén chè rồi làm tiếp anh à.

Đang gò người, cố gắng may cho xong lô hàng giao gấp. Lâm ngưng lại đón chén chè từ tay vợ, Thắm âu yếm lấy khăn thấm những giọt mồ hôi trên trán chồng.

                 - Chả ai có thể nấu chè ngon bằng em. Đúng là anh lấy được em cũng nhờ hai gói chè tình nghĩa đó.

Thắm mỉm cười nói với chồng:

                - Anh cứ nhắc mãi đến chuyện ấy. Cứ như là yêu hai gói chè, chứ chả phải yêu em.

               - Ừm, yêu cả hai.

Hai vợ chồng Lâm được chính phủ cho qua Mỹ theo diện tị nạn. Mới định cư ở một xứ sở xa lạ, ngôn ngữ nước ngoài lại không rành nên cuộc sống của hai vợ chồng cũng khá khó khăn.  Lâm vừa đi  học vừa nhận hàng may thêm. Thắm cũng  may vá, cắt chỉ… Nàng còn phải thay chồng chăm sóc mẹ già, đón  đưa cô con gái đang học lớp bốn ở một trường tiểu học gần nhà. Gia đình  họ thật ấm êm hạnh phúc… Lâm luôn cảm ơn Thượng đế đã cho anh gặp nàng, người con gái bình thường nhưng hiền lành, tốt bụng.Thời gian mới cưới nhau, lúc còn ở trong nước. Người con gái ấy luôn ở bên anh, khích lệ anh khi tinh thần anh sa sút. Chăm sóc, lo lắng cho anh trong những lúc bệnh hoạn ốm đau… Bệnh hoạn, ốm đau là hệ lụy của những năm tháng trong tù ăn uống thiếu thốn, không cử kiêng. Bất cứ món nào có thể  cho vào bao tử mà chặn được cơn đói là anh không từ. Thắm của anh đã phải tảo tần buôn bán, chạy ngược chạy xuôi  phụ giúp chồng nuôi mẹ, nuôi con. Thắm như một nàng  tiên  trong chuyện cổ tích hiện ra nâng đỡ anh khi anh sa cơ thất thế. Lâm thật sự tin tưởng  vợ chồng lấy nhau phải có duyên phận. Được thả từ trại cải tạo ra Lâm không có thời gian đi xuống Bảo Lộc tìm cô bán hàng rong như dự tính. Gặp gỡ vội vàng, không biết cô ấy ở đâu, không biết tên tuổi …thêm nữa cứ mỗi tuần, Lâm phải đến trình diện Công an phường một lần để khai báo giờ giấc, công việc làm trong một tuần lễ. Đi đến đâu, làm việc gì..thậm chí đi cắt tóc, đi khám bịnh cũng phải khai báo… nên chuyện tìm gặp người ta để đền ơn báo đáp cũng qua đi. Nàng vẫn như bóng chim , tăm cá….

                  Khoảng một năm sau, Đạm, người bạn cùng Tổ, cùng giường ở trong tù mời Lâm xuống dự ngày đầy tháng của con trai hắn, cũng nhằm vào Lễ Giáng Sinh. Nhờ một năm trời siêng năng lao động, trình diện thường xuyên, Lâm được Công an cấp cho giấy phép về Lộc Phát thăm Đạm. Trong buổi tiệc nhỏ thân tình. Khi mọi người “ dzô dzô” cụng ly mừng Đạm sinh con quý tử thì Lâm chợt sững sờ…Nơi góc bàn một đôi mắt sâu sâu quen thuộc đang nhìn anh đăm đăm. Và rồi cả hai cùng bật lên tiếng. “ A ! Tôi nhớ ra anh  rồi.”  “A! Tôi nhớ ra cô rồi” Đúng là duyên kỳ ngộ!.. Lâm không ngờ lại gặp nàng ở đây. Người con gái mà trong  anh luôn nghĩ đến, luôn mong  mỏi  kiếm tìm. Thắm lại là em họ của bạn chàng. Cả bàn tiệc cười vui  ghép đôi cho hai đứa. Thắm bẻn lẽn cúi mặt …Riêng Lâm  ngẩn ngơ suy nghĩ: Không lẽ định mệnh đã đem người con gái ấy đến với chàng thì dù có trải qua bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu xa cách vẫn được gặp lại?

                Tối ấy bên bếp lửa hồng nổ tí tách reo vui, bên máng cỏ mà gia đình Đạm kết vội vàng chào đón ngày Chúa ra đời. Có hai trái tim cùng chung nhịp đập. Lâm kể cho Thắm nghe nỗi mong chờ, ngóng đợi của mình, nỗi thất vọng thế nào của anh khi không thấy nàng xuất hiện …Còn Thắm cho chàng hay, sau khi tìm vào vùng kinh tế mới, Thắm biết phần đông dân ở Kinh tế mới là vợ con của những công cán chính đang đi cải tạo. Tiền bạc không có phải nai lưng ra vỡ đất trồng rau, trồng củ..Phân tro không có, cây trái èo ọt… Thu hoạch không đủ ăn…nên cuộc sống rất cơ cực . Tiền đâu mà ăn quà vặt!!. Mớ chè mang bán, Thắm mang cho hết lũ trẻ con trong xóm. Sau đó nàng quyết định đi nơi khác làm ăn .Không ngờ gần cả hai năm trôi qua Lâm mới  gặp lại người con gái năm xưa, người ơn của chàng. Gói thuốc lá, hai gói chè nàng cho anh không là bao… nhưng vào lúc ấy, lúc thiếu thốn, lúc đói lòng…Anh thấy ngon hơn cao lương mỹ vị.  Một tình cảm nào đó không diễn tả nỗi mỗi khi anh nghĩ về nàng. Cái tình cảm đơn phương, một chiều bỗng dưng  hôm nay được đối tượng biết đến,thương yêu đón nhận…Còn hạnh phúc nào hơn? Mùa Giáng sinh đầu tiên ra trại Chúa đã ban cho Lâm một món quà tuyệt vời. Đó là tình yêu của một người con gái dành cho chàng-  cho người thanh niên không có tương lai. Nói theo kiểu của xã hội lúc đó là “ ngụy quân, ngụy quyền ” Thắm đã đón nhận lời cầu hôn của chàng ngụy quân, ngụy quyền ấy với niềm yêu thương, hãnh diện… Anh đã từng là một chiến sĩ oai hùng trong Quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Friday, April 29, 2022

MỘT LẦN VỀ THĂM

 

   

                      MỘT  LẦN  VỀ  THĂM

Ngày..... tháng.....năm...

     . Mình đang chuẩn bị cho chuyến xuôi Nam, về miền sông nước Hậu Giang, một trong những phần đất mà mình yêu mến nhất trên quê hương. Thoạt đầu mình và Mi bàn tính sẽ thuê một chiếc xe.  Chúng mình sẽ ghé Vĩnh Long thăm bạn Mi. Sau đó về Châu Đốc thăm gia đình Nhàn, Sậy, thăm viếng miếu Bà...Nếu  còn thời gian sẽ đi thăm vài tỉnh lân cận Châu Đốc như Rạch Gía, Hà Tiên nhưng qua sự sắp xếp của Nhàn chuyến đi của mình bị đảo lộn hết. Từ Nha Trang vừa về tới Sài Gòn chưa kịp nghỉ ngơi, cô bé Nhàn đã điện thoại lên cho biết,cô bé sẽ cho xe  đến đón ̀vào bốn giờ sáng  ngày mai.. Vậy là chẳng đặng đừng,  chúng mình vội vàng đi ngủ để hôm sau dậy sớm. Chuyến đi này có Sa bạn thân của Mi ở Đà Lạt xuống cùng tháp tùng với chúng mình.
         Chưa tới bốn giờ điện thoại đã reo vang, cô bé Nhàn và Huệ bạn Nhàn đã chờ dưới lầu khách sạn.  Làm vệ sinh thật nhanh. tụi mình ba chân bốn cẳng xuống lầu. Ra đi khi trời chưa sáng, trời mát mẻ thật dễ chịu, đường phố thưa vắng xe cộ  nhưng chưa hưởng được sự thoải mái bao lâu đã thấy kinh hoàng vì một mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Nhàn bảo  là do cường triều. Nước thuỷ triều dâng theo các sông lạch hoà̀ với nước cống bẩn đưa vào thành phố, mang theo những mùi thật khó chịu. Điều này xảy ra khá lâu rồi nhưng chính quyền không thấy làm gì với hiện trạng này cả !   .
         Chiếc xe đò nhỏ mang tụi mình ra khỏi thành phố. Mình lại được nhìn những đồng lúa vàng óng ả dưới ánh ban mai, nhìn những cánh cò trắng bay là đà trên những cánh đồng chạy dài xa tít tắp, hết ruộng lúa lại đến vườn cây. Dừa xanh ẻo lả chen lẫn những cây mận xum xê trái đỏ tươi quyến rũ...Qua bao nhiêu năm miền Nam có đổi thay nhưng không thay đổi chóng mặt như Sài Gòn, như những tỉnh và những thành phố miền Trung mình đi qua.

            Đến điạ phận Sa Đéc, trước khi xuống phà để qua Bến Dinh thăm dì Hồng, Bác tài trở tính nhất định không chịu đi kêu phà nhỏ ,xe  đi không an toàn nhưng thật ra mình biết ông viện cớ muốn về Tân Châu sớm để  chở khách hẹn . Mình đã nghe loáng thoáng ông nói điện thoại với khách. Thật khó chịu với lối làm ăn tắc trách này vì Nhàn đã thuê bao theo lộ trình giao hẹn. Tuy bất bình tụi mình vẫn phải nhượng bộ để Mi và Sa theo Huệ về Tân Châu trước. Mình và Nhàn qua phà đến Bến Dinh thăm dì Hồng. Chiếc phà nhỏ cũng chở được vài ba xe hơi và vài chục người. Phà rẽ sóng, máy tàu kêu xình xịch ... cái âm thanh quen thuộc của miền Nam sông nước gợi nhớ những chuyến đò ngày xưa cùng chàng lênh đênh suốt dọc con sông Cửu Long.

              Phà ghé Bến Dinh, mọi người lục tục lên bờ. Mình và bé Nhàn đi cuốc bộ về nhà Dì Hồng. Dì Hồng mừng rỡ đón tụi mình vào nhà, thưởng cho mỗi đứa một ly nước dừa rồi dẫn mình lên lầu thắp nhang cho hai bác, ba má của dì, cũng là ba má của người mà một thời mình thương yêu. Bên di ảnh của hai bác là một lô hình của người từ bé đến lớn. Hình nào cũng khôi ngô tuấn tú. Đẹp nhất là hình ảnh chàng oai hùng trong màu áo Biệt Động với chiếc mũ nâu nhớ đời !. Người tự hào đẹp trai, người tự tin sống thọ với mắt lớn, tai dài... Người thừa hưởng chiều cao của ba, vẻ mặt hiền hậu của mẹ. Bộ anh đây sao? Người mà mình đã có một thời yêu mê đắm, tưởng không bao giờ phải xa cách chia ly. Bộ anh đó sao? Anh đi đâu để giờ này hình anh được đặt trên bàn thờ cho em chào lạy. Thắp một nén nhang mình cầu xin cho ba má chàng bình yên nơi cõi xa xăm ấy. Mình không cầu xin gì hết cho chàng, chỉ cầu xin tâm hồn mình an lành...Trước khi rời Bến Dinh dì Hồng còn dẫn mình ra thăm khu mộ của dòng họ. Thật tủi thân cho chàng, trên ngôi mộ song thân ở hàng cuối có ghi tên họ, ngày sinh của anh nhưng không có tên ngày chết. Cậu con út mà ba má cưng yêu đã về nép bên mẹ cha... Anh đã đời đời ở bên những người  yêu dấu!
            Dì Hồng cùng với tụi mình tiếp tục xuôi Nam, khi thì đi phà, khi thì lên bờ dùng xe khách, Không nhớ mình đã đi qua bao nhiêu nơi nhưng có những điạ danh khó mà quên được như Năng Gù, Thuận Giang, chợ Vàm, Long Sơn.... Mình cũng muốn xoá ra khỏi bộ nhớ những cái tên quen thuộc này nhưng không hiểu sao đầu óc mình vẫn khắc sâu, như dấu ấn ấy đã nằm yên nơi đó. Như nỗi nhớ chàng vẫn quay quắt không nguôi!
             Đến Tân Châu, tụi mình gặp lại Mi và Sa ở nhà nhỏ Huệ. Trời đã trưa, cả bọn kéo ra quán, gọi những món đặc sản miền Nam, canh chua cá bông lau, ếch xào sả ớt, tôm nướng vỉ, cánh gà chiên nước mắm...Cả ngày bôn ba, đói bụng, tụi mình ăn uống thật ngon lành, khi trả tiền mới thấy thức ăn ở đây ngon và rẻ.
             Từ Tân Châu tụi mình đi xe ôm về Kinh Xáng. Đến đây là chặng cuối trong ngày. Về nhà Nhàn, căn nhà xưa của ngoại đây rồi. Căn nhà bao nhiêu năm vẫn không thay đổi mấy. Ngôi nhà sàn cất cao đề phòng lụt lội, rộng lớn, cột kèo cứng chắc trơ lì với năm tháng. Hành lang trước nhà vẫn mắc những chiếc võng đưa. Quanh nhà, hàng dừa lả ngọn, mang đầy những quả. Mình không biết là đây là những cây dừa năm xưa hay là những cây dừa mới trồng sau này?
              Cất hành lý xong việc đầu tiên của mình là chạy nhanh ra con kênh sau nhà. Dòng kênh vẫn ngàu đục phù sa. Lục bình vẫn bập bềnh trôi trên sóng nước....Hình như qua nhiều năm, con kênh có rộng hơn vì bờ kênh bị đất chuồi và sạt lở. Trên dòng kênh những chiếc thuyền nhỏ chèo tay, thuyền máy đuôi tôm đập dìu qua lại, khuấy động con kênh... Phía bờ bên kia ngày xưa là bãi đất trồng bắp, giáp mé kênh, dừa nước, điên điển mọc um tùm... Tụi mình đã từng chèo xuồng qua đó bẻ bắp, những quả bắp nghe nói lấy giống từ Ban Mê Thuột màu vàng ngọt thơm lại dẻo, còn hoa điên điển màu vàng hái về nấu canh, nấu lẫu và ăn sống ghém với những món rau hái ở đồng, chấm với nước cá rô kho... Chao ơi  ngon quá! Cứ làm mình nhớ mãi....
             Đi vòng vòng dọc theo bờ, ngắm nhìn hoạt cảnh trên kênh một lúc. Mình quay lại bến cũ. Ngồi dựa vào gốc dừa già cỗi dõi mắt nhìn theo đám lục bình trôi trên sóng nước. Nỗi nhớ quay quắt oặn lòng người trở lại! Nơi này ngày ấy, hai đứa tay đan tay, đầu tựa đầu, mộng mơ mong ước tràn đầy. “ Ước gì thời gian ngừng trôi, ước gì em được ngồi bên chàng mãi mãi ...” Ước mơ của chàng thực tế và đời thường hơn. “Anh chỉ muốn một ngày hoa nắng ngập trời, anh sẽ đón em về trên chiếc thuyền hoa. Em xúng xính trong bộ áo cô dâu vào ngày vui pháo nổ rộn ràng, rồi em sẽ buộc chặt đời anh, sẽ cùng anh đi qua bao nhiêu vùng sông nước...” Nhưng ước mơ chỉ là mơ ước chả bao giờ thành hiện thực... Anh không biết giờ này đang ở nơi đâu? Rừng sâu? Núi cao? Hay đang ở một một thế giới vô hình nào đó, đang đau buồn nhìn em nhưng không thể nói. Ờ, nếu có một thế giới mới ngoài cõi đời này, mình chỉ muốn được thấy lại chàng một lần, dù chỉ đứng thật xa để nhìn thôi...
              Một chuyến phà cặp bến, tiếng xập xình của động cơ thật lớn lôi mình trở lại với hiện tại. Thẩn thờ đứng lên, bỏ lại chốn kỷ niệm sau lưng. Mình quay lại nhà. Nhàn đang thái thịt. Dì Hồng bóc vỏ tôm, Mi và Sa phụ rửa rau chuẩn bị bữa cơm chiều. Tự cho phép rảnh rang. Mình lên nhà trên làm quen với lũ cháu của Nhàn, vui đùa với các cháu. Tuổi thơ rất hồn nhiên, mới quen trong khoảnh khắc mà tưởng như đã quen lâu. Nắm tay mình, tụi nhỏ kéo mình ra vườn trước . Để bọn trẻ chơi rượt bắt với nhau. Mình lặng lẽ dạo quanh, lặng lẽ đếm từng gốc dừa, gốc bưởi trong vườn cây của ngoại. Hương bưởi nồng nàn thơm ngát lan tỏa trong không khí. Cuối vườn một bụi khế với hoa tím nhỏ xinh xinh, vài cây so đũa trĩu quả...Khu vườn ngoại mát rượi nhờ những tàn dừa cao và nhiều cây quả bao quanh. Cảnh sắc miền quê sao thanh bình êm ả quá.! Chợt nghĩ phải chi mình được chọn nơi này sống những ngày yên vui quên mọi lợi danh thế tục thì hay biết bao nhiêu?
              T
ối đến.... có một người ngồi đong đưa trên chiếc võng âm thầm nhớ về ngày xưa thân ái rồi lặng lẽ khóc thầm.
       Ngày... tháng...năm
             Ở một đêm tại Kinh Xáng, sáng nay tụi mình lại tiếp tục ra đi. Nhàn kêu thêm Hùng, bé Ngân, Bé Ánh... mỗi người một chiếc honda chở tụi mình đi Châu Đốc. Hùng chở mình, Ánh chở Mi, Ngân chở Sa còn Nhàn chở Dì Hồng. Xe qua chiếc phà Châu Giang xuôi dòng qua Châu Đốc. Đến nhà Sậy cô bé bắt ăn sáng rồi chờ xe đến chở mọi người đi Ba Chúc. Chuyến đi này có thêm Tường Vi con dâu của Sậy cùng với một tài xế và người bạn của ông cũng tháp tùng. Rời thành phố Châu Đốc xe chạy từ từ qua những vùng đất tương đối khô cằn. Nhà cửa ở đây nhỏ bé nghèo nàn ít có sự thay đổi dù đã qua mấy chục năm đổi  thay chế độ. Trên đường đi mình thường gặp những chiếc xe đạp chất đầy mía đỏ do những thanh niên trẻ hì hục đẩy, không biết họ trồng mía ở đâu chứ hai bên đường không thấy vườn mía. Dọc bên đường thỉnh thoảng có những quán nhỏ treo vài ba chiếc võng , trước quán chất đầy trái thốt nốt để khách ngưng lại uống nước nghỉ mệt.

             Đến điạ phận Ba Chúc mình phải vận động toàn bộ nhớ để nhớ lại rằng chỗ nào, nơi đâu mình đã đặt chân tới nhưng mình chịu thua. Chỉ có khi xe ngưng lại trước ngôi chợ, trước cổng đề năm xây dựng “1985”, xây sau khi mình đến những mười năm. M̀nh mới nhớ đây là tiền thân ngôi chợ nhỏ năm nào mình đã từng lang thang ăn hàng, đã được thưởng thức món hủ tiếu Nam Vang tuyệt vời... và chính nơi đây người phía bên kia đã đặt chất nổ để giết chàng, may mà lúc đó  chàng bình yên. Mình đã một phen hú hồn cảm tạ Trời Đất. Vậy mà...cuối cùng có ai bảo vệ được chàng đâu hở !?

 
              Thăm qua ngôi chợ xong tụi mình tiếp tục cuộc hành trình đi xem nơi ghi lại tội ác của Khờ Me đỏ. Họ đã vào thị xã này giết hàng loạt mấy ngàn người vào năm bảy tám. Hàng ngàn đầu lâu chất đống ở đây. Mi và một người vài người không dám vào xem vì hãi sợ. Mình thì vào vái lạy nhưng không dám chụp hình. Cảm giác lành lành ở sóng lưng. Nhớ năm Khờ Me tràn sang Việt Nam mình còn ở bên đó, chị Chín viết thơ kể lại mà kinh hoàng. Bọn lính Khờ Me đỏ   tràn sang bắt dân tụ tập ở chùa rồi dùng dao, mã tấu chém đại trà, chỉ có một số người may mắn nhanh chân trốn vào núi là thoát được. Vào thời điểm trước đó vài tháng, trong dịp về thăm Nhàn, được đi thuyền trên dòng sông Cửu. Mình cũng đã từng thấy thật nhiều xác người trôi trên sông khi quân Pôn Pốt giết chính dân họ thả trôi trên dòng nước. Khi xác tấp vào bờ, người dân hai bên sông đem vào chôn cất. Mình không thể tưởng tưởng con người với con người với nhau mà họ ác độc mất nhân tính đến vậy. Hôm nay đến thăm tội ác của bọn họ, mình hối hận là đã đến xem, thà không thấy để nỗi suy nghĩ và ám ảnh khỏi lảng vảng bên mình. Gởi một ít tìền để mua hoa và nhang khói cho bao vong linh vô tội chết oan khuất nơi đây. mình rời xa nơi này với lòng trĩu nặng buồn thương. Hận thù, chiến tranh luôn đi liền với mất mát và chết chóc!
               Chặng đường cuối cùng của mình khi tới Ba Chúc là ghé thăm chị Chín. Giờ chị sống trong một ngôi chùa gần núi. Chị đã trên sáu mươi, tóc bạc phơ nhưng nước da chị vẫn rất đẹp. Những ngày rằm, mùng một các đạo hữu đến thăm chùa. Chị nấu ăn, châm nhang đèn hoa quả. Gặp chị sau mấy mươi năm xa cách, nhắc lại chuyện xưa để thấy đời sống vô thường, con người sống với khổ đau nhiều hơn hoan lạc. Anh Chín đã qua đời. Chị sống với đứa con duy nhất của hai người nhưng tâm thần cháu không được bình thường. Cầm chặt tay mình, chị thủ thỉ “ Nếu chú ấy biết được, em sống như vầy hẳn chú vui lắm ” Mình ứa nước mắt khi chị gợi lại dĩ vãng, cái dĩ vãng quá đẹp để mình khó quên. Thắp nhang lạy Phật chúng mình ra sau chùa lên ngọn núi đá chụp hình, nhảy nhót từ phiến đá này qua phiến đá khác, Mi và mấy đứa bạn vui vẻ giữa thiên nhiên nên thơ bao quanh, nói chuyện líu lo, rồi đem trái cây ra ăn, những quả nhãn Tân Châu ngọt lịm, trái nhỏ xíu nhưng cơm thật dày và hột tí nị. Lựa một phiến đá bằng phẳng  mình ngồi xuống đưa máy hình zum ra xa, những ruộng lúa xanh trải dài đến cuối chân mây. Xa xa là những ngôi nhà tranh với những hàng tre bao quanh rủ bóng, vài chú gà trống chậm rãi tìm thức ăn, lục tung đám cỏ lá tre, chả biết chúng tìm được gì trong đó?. Thả tầm mắt xa hơn, sau rặng núi là nước bạn mà xưa kia những người bạn láng giềng thỉnh thoảng tràn sang cáp duồn để cho “ người” phải ra sức bảo vệ. Dù nơi đây không phải là ngọn núi xưa kia mình đã được đến nhưng sao mình vẫn thấy thật quen thuộc. Giọng chàng vẫn như thoáng đâu đây ngọt ngào đầm ấm : “ Nhìn xa chỗ kia là biên giới đó em. Biên giới của nước mình và nước bạn chỉ là một dãy núi dài và nếu muốn mình có thể băng qua....” Mình ngậm ngùi tự nghĩ: không biết biên giới giữa mình và chàng hiện giờ dài bao nhiêu đây hở?
              Quá trưa mình rời Ba Chúc, cảnh cũ lạ xa, người xưa mất hút cho mình những luống ngậm ngùi...Trên đường về xe chạy nhanh hơn, bác tài chạy nhanh để kịp đến một quán ăn được đồn đãi là nổi tiếng. Ở đây đặc biệt là dùng toàn thịt bò, kiểu bò bảy món. Những món ăn nướng toàn dùng vĩ nướng trên than, thịt bò lại tươi, ăn rất ngon và giá cả cũng phải chăng. Chè chén no say, chúng mình chạy về, tiếp tục đển thăm miếu Bà. Miếu Bà ở Châu Đốc thật nổi tíếng. Hàng năm đến Lễ Viá Bà là bao nhiêu người đến chiêm bái Bà Chúa Sứ. Mình đến không nhằm Lễ Vía Bà nhưng cũng khá đông người đến thăm. Nghe nói mọi người đến cầu nguyện, cầu xin việc làm ăn, cầu xin sức khoẻ đều thuận lợi. Có nhiều gia đình mang đến cúng thường xuyên. Trong mâm cổ dâng cúng mình thấy bao nhiêu là hoa quả và có cả heo quay nữa. Tụi mình vào miếu thắp nhang xong đi quanh quanh chụp hình, nơi nào đi qua mình cũng ghi lại một vài tấm hình làm kỷ niệm.
               Trở lại thành phố Châu Đốc đã hơn sáu giờ chiều. Hẹn với Sậy ở lại Châu Đốc một đêm để thăm thành phố kỷ niệm sau bao nhiêu năm trở lại nhưng không hiểu sao trong mình chỉ muốn rời xa nơi chốn này ngay. Buồn quá! Buồn đến dại người!…Kỷ niệm ùa về. Phố trưa Châu Đốc với bụi cay vướng mắt đỏ kè khiến cho chàng phải đi tìm thuốc nhỏ. Quán chè sát dòng sông hai đứa tỉ tê tâm sự không muốn về và cuối cùng cuốn phim “ Vĩnh
Biệt Tình Hè ” ngày ấy như một điềm mang xui xẻo đến. Không muốn đi tìm lại một thoáng hương xưa, lấy lý do không có thời gian chuẩn bị cho chuyến về lại Mỹ, tụi mình nhờ Tường Vi gọi người quen mua vé trở lại Sài Gòn. Khoảng nửa tiếng sau xe đến tận nhà đón

.             Chào giã từ gia đình Sậy, lưu luyến chia tay với các anh chị em đã ân cần tiếp đón tụi mình trong mấy hôm nay. Chào giã từ thành phố thân yêu với một thời hoa bướm cũ, nước mắt đoanh tròng mình buồn bã bước lên xe. Nhàn ôm chặt mình trong vòng tay rồi dúi cho mình một hộp giấy. Em thì thầm: “ của chị đó ”
              Lên xe, mình chọn băng ghế thứ hai sau bác tài, Mi và Sa ngồi bên cạnh. Lẳng lặng mình đem món quà của Nhàn gởi ra xem. Một lá thư nhỏ do Nhàn viết để trên cùng “ Chị ơi, trước khi cậu đi đã gởi cho em cất giữ những lá thư này. Cậu đã rời xa. Em nghĩ chị sẽ thật ngạc nhiên khi có lại những gì chị đã trao gởi cậu.” Những lá thư với phong bì màu xanh do mình tự tay làm lấy được cắt gọn gàng đề ngày tháng năm theo thứ tự nhận được làm lòng mình chùng xuống. Cảm ơn người đã trân trọng giữ gìn... Mình đọc lại những gì đã viết mấy mươi năm về trước trong bóng tối chập choạng của buổi chiều đang đến. Nước mắt nhạt nhoà rơi...
Forget Me Not Dalat