Tuesday, May 24, 2011

Nghìn Trùng Cát Bụi Đã Bay Xa

NGHÌN TRÙNG CÁT BỤI ĐÃ BAY XA*
( Thơ của anh Trần Văn Lương )

Chỉ trong vòng một tháng mà tôi đã mất đi hai người thân, một người chị và một người anh thân thiết , chị Đỗ Thị Tiến, anh Nguyễn Đức Quang. Thật bàng hoàng khi hay tin chị ra đi và cũng buồn thương khi biết tin anh Quang vĩnh viễn rời xa gia đình, rời xa bạn bè yêu mến. Chị Tiến, anh Quang đều là bạn của ông anh tôi. Họ quen biết nhau hồi Trung học, lên Đại học, anh Quang học chung với anh tôi ở Chính Trị Kinh Doanh. Những năm ở Đại học với lý do chính đáng có nhiều bài vở, ông anh tôi được ba mẹ cho phép ra nhà cô tôi ở lại học hành. Nhà cô cách xa nhà tôi chỉ khoảng mười phút đi bộ̣ nên thỉnh thoảng tôi ra giúp anh dọn dẹp nhà cửa. Anh tôi cũng thường về nhà ăn những món ăn ngon do mẹ nấu. Thỉnh thoảng anh dẫn vài người bạn về nhà chơi , bởi vậy tôi cũng không nhớ rõ là tôi gặp anh Quang ở nhà cô tôi hay ở nhà mình, chỉ biết là tình cảm anh em cũng thân thiết lắm. Quen biết anh Quang, tôi cũng bắt đầu thích hát những bản nhạc do anh sáng tác thời anh hoạt động trong phong trào du ca, những bài ca khai phá, những bài hùng ca ngạo nghễ vang lên với niềm tự hào dân tộc. Qua bốn năm đại học, anh tôi và anh Quang đều về Sài Gòn . Tôi không có dịp gặp lại anh. Sau cuộc đổi đời năm một chín bảy lăm nghe nói anh vượt biên đi Mỹ. Ông anh tôi cũng nối bước ra đi nhưng không may mắn như anh Quang. Anh tôi đã không thể đến bến bờ tự do đoàn tụ người thân, gặp gỡ bạn cũ.
Khoảng cuối năm chín mươi, tôi được qua Mỹ và gặp lại anh Quang trong một lần họp mặt thân hữu Đà Lạt. Chúng tôi ngậm ngùi nhắc lại những kỷ niệm về người anh xấu số của mình, nhắc về một thời Đà Lạt thân yêu nay đã lùi vào dĩ vãng. Sau đó, thỉnh thoảng tôi cũng gặp anh. Như một cơ duyên, những lần gặp gỡ sau tôi thường gặp chung anh Quang với chị Tiến. Có một lần đón anh Thực, chị Hoài ở Canada sang. Anh Quang đến, anh hát say mê những bài hát do bạn bè yêu cầu, cùng với anh Anh Phương, anh Cường cũng hát những bài ca do anh sáng tác. Nhớ làm sao lời ca mênh mang của “ Bên kia sông ” bài hát trữ tình “ Vì tôi là linh mục” cùng nhiều bài ca do anh sáng tác hoặc phổ nhạc. Nhờ bài ca “ Bên kia sông” tôi đã cảm hứng viết một đoản văn để tặng anh, với tựa đề cùng tên bản tình ca tôi yêu thích ấy. “ Này người yêu, người yêu tôi ơi, bên kia sông là ánh mặt trời. Này người yêu người yêu tôi hỡi, bên kia đồi cỏ tranh đan lối .....” . Lần gặp gỡ ấy cũng có chị Minh Thông, người bạn đời của anh. Chị bận rộn với cậu cháu , cậu cháu chạy loăng quăng trong khi ông nội đang đánh đàn. Nhìn gia đình anh chị với con cháu đề huề, chúng tôi thấy hạnh phúc làm sao! Nhưng hạnh phúc thật mong manh! Chỉ không lâu sau đó chị Thông đột ngột qua đời trong một cơn tai biến. Chúng tôi sững sờ đón nhận hung tin. Đến đưa tiễn chị Thông lần cuối, tôi gặp chị Tiến gầy rạc đau buồn trước sự ra đi của cô bạn thân, chị ở cả ngày cùng bạn ở nhà quàng, cùng tụng niệm cầu siêu với ban hộ niệm. Gặp anh Quang, chia buồn với sự mất mát lớn lao của anh, tỏ sự đau buồn với sự ra đi quá vội vã của chị Thông, anh Quang chỉ nói được với tôi một câu “ Chị ấy đang chơi trò cút bắt với anh đấy em ơi.” Buồn quá! Lời anh thật buồn ! Tôi chỉ biết cầm tay anh xiết mạnh.
Về chị Tiến, tôi biết chị Tiến cũng qua ông anh của mình. Vào những năm mới bước vào Trung học, ông anh tôi đã mang khoe tôi một tập “ Lưu Bút Ngày Xanh” trong đó phần lớn là những bạn nữ viết cho anh, những dòng chữ viết tay mềm mại bằng mực tím, vài tấm hình xinh xinh, thường là khổ hình nhỏ dán trong thẻ học sinh. Tôi biết chị Tiến là nhờ vậy. Năm tôi vào Đệ thất, chị Tiến, chị Minh Thông học Đệ nhất. “ Thấy sang bắt quàng làm họ” tôi thường tự hào khoe với các bạn “ Chị Tiến là bạn anh tôi đấy ”. Không phải chỉ mình tôi mà các bạn tôi cũng mê mấy chị Đệ nhất xinh đẹp của mình nên vào giờ ra chơi thường chạy đi tìm các chị. Khi các chị ở trong lớp không ra ngoài là chúng tôi lấp ló đến lớp dòm lén. Những lúc họ đi dạo trong sân trường chúng tôi lẳng lặng theo sau, chỉ để bắt chước dáng đi tha thướt của các chị rồi ước ao khi lớn lên mình cũng xinh như thế. Thú nhất là những hôm trường tổ chức văn nghệ là thể nào chúng tôi cũng được nhìn các chị biểu diễn trong những màn đơn ca, hợp ca, múa, hoạt cảnh. Vừa xinh đẹp lại nhiều tài nên các chị đều ở trong Ban Văn Nghệ của trường. Tôi không biết, ông anh tôi làm sao quen được chị Tiến vì anh học khác trường nhưng tôi biết một điều là anh rất yêu một người bạn thân của chị mà anh không dám mở lời. Anh Quang, anh Phong cũng biết được chuyện tình đơn phương ấy. Người bạn chị Tiến trùng tên với người con gái trong tác phẩm “ Lục Văn Tiên ” nổi tiếng của cụ Nguyễn Đình Chiểu . Hình như giờ này chị ấy cũng đang sinh sống ở Mỹ.
Lần gặp gỡ sau cùng với chị Tiến là ngày đám tang anh Mùi, hội trưởng Hội Thân Hữu Đà Lạt. Hôm ấy, chị Tiến mặc áo già lam, chị ốm hơn ngày thường nhưng trông chị vẫn trẻ trung, xinh xắn. Tôi thật không ngờ đó là lần cuối cùng tôi gặp chị. Nói chuyện với chị sau thời kinh siêu độ cho anh Mùi. Ngồi bên chị trong nhà quàng, hai chị em thật buồn nhắc đến sự ra đi của anh Mùi. Anh Mùi cũng ra đi đột ngột quá, anh cũng là một trong những người bạn thân thiết của anh hai tôi. Hôm ấy chị nhắc nhở tôi cố gắng đến nhà chị vào chủ nhật sau đó, ngày ấy, sẽ có anh Thực ở Canada, anh Hoàng Kim Châu ở Texas qua, anh Nguyễn Đức Quang cũng sẽ có mặt. Các anh chị họp lại để chuẩn bị Đại Hội BTX và THĐ vào năm 2012. Dù đã nói với chị là tôi khó có thể đến nhà chị vào hôm ấy vì tôi không lái xe đi xa được, người em gái thường cùng tôi đến nhà chị hôm đó phải đi làm đột xuất, nhưng chị vẫn năn nỉ “ Em phải cố gắng đi nghe em. Đời sống mong manh vô thường quá, gặp đó rồi mất đó nên còn thấy nhau là còn hạnh phúc. Vui được mình cứ vui. Mình đâu biết ngày mai ra sao em hở? ”. Tối ấy, sau khi chờ cô em đi làm về, tôi gọi cho người bạn cũng có mặt trong buổi họp mặt cho biết là tôi có thể đến khoảng gần chín giờ tối nhưng cô bạn có ý kiến “ Mi mà đến giờ ấy chắc vãn tuồng rồi nhỏ ạ” Ái ngại đến trễ nên chúng tôi không tới. Ai ngờ nghe nói đêm ấy đến mười hai giờ mọi người mới ra về. Tôi thật ân hận là đã có cơ hội gặp chị, gặp anh Quang thêm một lần nữa mà không gặp. Giờ anh chị đã đi xa. Ngày đưa tiễn chị thật đông người tham dự. Chị được biết bao nhiêu người thương mến . Gởi đến chị một đóa hoa hồng vĩnh biệt trước khi lớp đất mới phủ lên áo quan chị, chia cách chị với bao người yêu thương, tôi nghẹn ngào nhớ đến lời chị: “ Đời sống vô thường, có đó mất đó…” Chị Tiến ơi, chúng em nhớ chị! Nhớ chị nhiều lắm!
Chị đã đi rồi
Xa lìa “cõi tạm”
Đến chốn bình an
Miền có nắng vàng
Hào quang chói sáng.
Chị Tiến ơi, em tin tưởng chị đang ở một nơi thật bình yên, an lạc. Cầu xin chị thanh thản, yên vui trong thương yêu tỏa sáng của Đức Phật từ bi.
Ngày tiễn đưa chị Tiến, anh Quang đang nằm trong bịnh viện và... giờ đây anh cũng đã vĩnh viễn ra đi, anh đã qua “ bên kia sông ” - khoảng sông mênh mông bên kia với màu trời chói nắng, với sương núi chập chùng, với suối reo, thác đỗ. Anh đang trở về với Đà Lạt dấu yêu, hồn anh đang bay bỗng trên đồi cù lộng gió, đang đến viếng Thủy Tạ ngày xưa anh thường cùng bạn bè đến nhâm nhi cà phê sáng, tối... hay lang thang trong khuôn viên đại học Đà Lạt năm nào? Anh đã trở về nơi miền bình yên miên viễn?
Thôi nhé anh, em đã đến bên anh, nhìn anh lần chót, ghi nhận cuối cùng hình ảnh anh, vầng trán cao cao, đôi mắt khép kín, đôi môi đã từng hát vang những bài ca không biết mệt giờ cũng đã im lìm, lặng câm. Anh Quang! Em đã đến gặp anh , thắp cho anh một nén nhang tiễn biệt. Nhìn bức ảnh trên bàn thờ anh, không phải là những bức hình chân phương đặt trên bàn thờ như thường lệ mà bức ảnh chụp với nét phóng khoáng đầy nghệ sĩ tính, bức ảnh đen trắng với đôi tay tì trên cây đàn, cây đàn ngày xưa anh đã từng gắn bó. Bức ảnh để thờ anh, em thấy thật đẹp. Em lại khen anh như ngày xưa khen anh đàn, anh hát hay vậy đó. Anh Quang ơi, nhớ Anh em chỉ biết cầu nguyện cho anh mãi mãi bình yên nơi cõi mới. Em cũng xin cảm ơn anh đã để lại muôn vàn bài ca, điệu đàn, cho chúng em cùng hát.
.
Anh nằm xuống xuôi tay yên nghỉ
Xa lánh cuộc đời, bỏ lại nợ, duyên.
Anh nằm xuống nhưng lời ca không tắt.
Anh ra đi nhưng hào khí vẫn còn.
Anh để lại cho người muôn nỗi nhớ.
Vĩnh biệt chị Tiến, vĩnh biệt anh Quang.

Nghiêm Đàlạt
Tháng ba / 2011