Friday, July 20, 2018

Mùa Xuân sang Có Hoa Anh Đào








Con gái xứ Phù Tang


Xứ Hoa Đào



  
                                                        N G Ư Ờ I    M Ẹ
  
              Bà Hai ngồi ủ rũ trên chiếc ghế bành, tay vòng trước ngực, đôi mắt màu nâu sâu hoắm nhìn xa xăm, buồn thăm thẳm... Bà  ngồi với dáng điệu như thế đã lâu, từ dạo hai người con trai của bà đi tù cải tạo. Kể từ lúc Miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản, cậu con trai trưởng của bà, vốn là một sĩ quan thuộc quân chủng Biệt Động, cậu con trai út làm ở bộ phận Tâm Lỵ́ Chiến.  Cả hai được ghép vào tội trọng của chế độ mới, thành phần gây nợ máu của nhân dân. Người anh bị đem ra Bắc, đưa mãi tận Thanh Hóa. Người em vào trại Đại Bình.  Cậu con trai út may mắn đã ở gần mẹ hơn nên cũng không đến nỗi đói. Ba tháng một lần người mẹ gánh lương thực, lặn lội vào thăm con. Từ  Đà Lạt xuống Bảo Lộc đã có xe đò nhưng từ Bảo Lộc vào đến trại bà phải gánh bộ. Đường khó đi lại thêm sức già còm cõi, vào đến nơi là bà đã rả rời thân xác nhưng người mẹ già không hề bỏ lỡ một lần thăm. Đến thăm được con những người mẹ khác thì tíu tít  thăm hỏi, kể lể đủ mọi chuyện, còn bà sau khi trao thức ăn, đồ dùng cần thiết là bà vội vã quay về, cố ngăn những giọt lệ đang muốn trào ra trên khoé mắt, người mẹ bươn bã bước lui. Bà Hai không muốn cho con buồn và lo lắng. Nhưng chỉ sau một lúc quay về, bà ngồi vật bên lệ đường  khóc nức nở, khóc thương cho hai đứa con giờ đã thôi không còn bay nhảy, đã mất hết tự do. Nghĩ đến đứa con trai  ở tận miền bắc xa xôi, bà lại càng đau lòng xót dạ, vì hoàn cảnh, vì sức khỏe bà không thể nào thăm con được. Không biết con bà có chịu đựng được sự giam cầm tù tội ấy không?
-          Bà cụ ơi, Tối nay bà phải đi họp tổ phụ nữ.
-          Không! Tao không đi. Bà trả lời cụt ngủn, chắc nịch. Bà không thèm quan tâm đến những buổi họp hành của chúng.
      Người phụ nữ bỏ ra về nói lại với bà tổ trưởng. Một lát sau, với dáng vẻ giận dữ,  tổ trưởng dân phố đến gặp bà.

-          Nè bà! Tại sao bà không chịu đi họp?
-           Chân tao bị đau.  Tay  đã run rẫy.Tai tao lại nghễnh ngãng không nghe được. Vậy tao đi họp làm gì.
- Bà thật cứng đầu. Chân đau mà đi thăm con được. Tay run rẫy mà biết đếm tiền à?  Với nữa tai nghễnh ngãng mà ai nói cũng trả treo leo lẻo thế kia.
   Bà Hai ngả người trên chiếc ghế dựa, tay vòng trên ngực ngó bâng quơ ra đường tự nhủ thầm: “ Ráng nhịn. Ráng nhịn nghe mi. Đừng nói thêm gì nữa.”
     Bà tổ trưởng dân phố hầm hầm, giận dữ ra về, trước khi đi còn lẩm bẩm hăm dọa: “ Bà già cứng cổ, để mà xem, ta sẽ tống cổ đi kinh tế mới cho biết tay”.
     Rồi những buổi họp sau đó bà Hai  cũng không tham gia.Tờ giấy cô thư ký ghi lại luôn luôn ghi tên bà Hai  vắng mặt. Phụ nữ trong xóm lo ngại cho bà, ai cũng sợ " cách mạng "sẽ bỏ tù bà mà thôi.
     Một hôm, bà tổ trưởng dân phố cùng vài ba công an khu vực đến nhà bà hăm doạ
                         - Bà không chịu họp hành, không học tập đường lối của đảng và cách mạng là chúng tôi đưa bà vào kinh tế mới.
        Bà già nổi tam bành lên : “ Nhà này là nhà tao, tao không đi đâu cả, bộ muốn ăn cướp nhà tao hả? ” Rồi bà la lên bải hải: “ Bớ bà con ơi. Cán bộ muốn ăn cướp nhà dân kia.” Mụ tổ trưởng chưa kịp phản ứng bà càng la to hơn, la khản cả tiếng, la hét như một người bị bệnh thần kinh. Vậy là bà tổ trưởng và mấy chú công an vội vàng chuồn ngay.
Dọa dẫm, bắt nạt không được việc, mụ tổ trưởng lại áp dụng một chiến thuật mới. Một buổi tối người cán bộ phụ nữ đến với thái độ rất hoà nhã, khác hẳn với những lần trước bà ta nhỏ nhẹ “ Mệ ơi,con có tin này báo cho mệ nghe. Với sự khoan hồng của nhà nước ta, nếu mệ bằng lòng hiến căn nhà này cho nhà nước hai đứa con của mệ sẽ được thả về ngay. Nhà nước sẽ cấp đất đai ở vùng kinh tế mới để con cái mệ làm lại cuộc đời.”  “ Mả cha mi. Tao cho mi một dao chết ngắc bây giờ. Còn một thanh sắt trong ngôi nhà này tao  cũng sẽ bán để  tiếp tục nuôi con tao. Đừng thấy tao già cả mà đến đây ăn hiếp. Đồ ăn cướp.” Rồi bà lại la làng nguyền rủa “ Đồ cái thứ ác độc, tưởng là ngon lắm hở, cái thứ nớ ngày xưa tao nhìn bằng nửa con mắt ”. Bà la một hồi mệt quá, ngồi tựa vào chiếc ghế dựa để thở, mở mắt ra thì mụ tổ trưởng đã biến mất tiêu.
                   Với số vàng dành dụm trong những năm tháng làm ăn khá giả, bà Hai bán từ từ để nuôi sống bản thân và nuôi con đang ở tù. Để che mắt cán bộ bà  bày ra một tủ nhỏ bán bánh kẹo cho con nít trong xóm. ….Bà Hai ít khi ra khỏi nhà, ngay cả việc bán bánh kẹo cũng có người đem đến bỏ mối. Gạo, mắm muối, thức ăn hàng ngày như rau cỏ, thịt thà  đã có bà  bán hàng  rong mỗi ngày ghé đến bán cho bà. Ban ngày bà ngồi trên chiếc ghế bành to, nhìn ra đường phố đông người qua kẻ lại. Ai đến mua hàng bà đứng lên, chậm chạp lại quầy bán. Khách hàng của bà thường là những đứa trẻ, thỉnh thoảng được mẹ cho vài đồng, số tiền nhỏ chỉ đủ để mua vài cái bánh, cây kẹo. Đứa bé nào ngoan ngoãn dễ thương bà lại cho thêm vài cái bánh, vài cây kẹo...bởi vậy đám trẻ nhỏ trong xóm thích mua ở quán bà Hai lắm. Trước kia bà có một cửa hàng thật lớn bán bánh, mứt . Chồng bà thuở còn sống là một thợ làm bánh ngọt nổi tiếng. Ông làm bánh bông lan, bánh lạp xưởng, bánh hạnh nhân, bánh kẹp...còn bà làm đủ các loại  mứt, mứt của bà được các bạn hàng ở Sài Gòn lên mua mang về Sài Gòn. Cửa hàng bánh mứt đã giúp ông bà tạo nên cửa nhà , nuôi con ăn học. Nuôi con lớn lên, mong cho con đỗ đạt thành danh, có công ăn việc làm giúp bà đỡ cực nhọc nhưng các con bà mỗi đứa đều có lý tưởng riêng. Người con cả của bà chọn kiếp sống chinh nhân, ngày đêm xông pha ngoài lửa đạn ngăn chận quân thù, đứa còn lại chọn ngành tâm lý chiến... mà với chế độ mới này họ cho là thành phần ác ôn rồi đày đi học tập cải tạo không biết bao giờ trở về.
                        
                     
                      Thương nhớ con. Bảy, tám năm trời đợi chờ con trong vô vọng. Bao quanh bà là một số người mất nhân tính, bợ đỡ trên chà đạp người dưới, thường xuyên đến hù dọa bà. Đêm về, đối diện với đêm đen, một mình lủi thủi trong căn nhà rộng, vắng lặng. Nỗi ám ảnh, nỗi sợ hãi tăng dần... người đàn bà lâm bệnh nặng. Bà nằm liệt trên giường. Thật may mắn,có một người hàng xóm tốt bụng thường xuyên đến thang thuốc, nấu cơm, giặt giũ giúp bà. Trong cơn đau nửa tỉnh nửa mê người mẹ chỉ biết cầu xin Trời Phật phù hộ cho Bà hết bịnh, cầu xin ông chồng đã chết  phù hộ cho bà được sống đến ngày hai con trở lại. Không biết có phải vì lòng quyết tâm cầu sống cùng với tình cảm yêu thương gắn bó,  chăm sóc tận tình của người hàng xóm nên người mẹ dần qua cơn bịnh nặng...
                     Người đàn bà sống một mình trong căn nhà vắng ấy đã kiên trì vượt qua khỏi sự răn đe, dọa nạt của bạo quyền, đã không chịu thua trước những áp lực đè nặng trên vai, bà đã  âm thầm chịu đựng mọi khổ đau chỉ với niềm tin có ngày hai con sẽ trở về. Sự chờ đợi hầu như tuyệt vọng ấy đã có kết quả. Rồi... một buổi chiều, một buổi chiều cuối đông lạnh lẽo,  người mẹ đã lặng người vì vui sướng, lòng tràn đầy hạnh phúc ôm đứa con út trong vòng tay. Bà đã cười, đã khóc, đã lịm đi vì sung sướng được ôm con trong vòng tay, run rẩy vuốt nắn bóp đôi tay chai sạn khô cứng của đứa con yêu . Một tháng sau cậu con cả cũng trở về. Nói sao cho hết nỗi vui của bà trong ngày mẹ con đoàn tụ. Khập khễnh, từng bước khó nhọc người mẹ đến bên bàn thờ, bà thắp nhang cảm tạ Trời Phật đã mang những đứa con yêu trả lại cho bà. Thắp thêm một nén nhang lên bàn thờ chồng bà lâm râm khấn vái: “ Ông ơi hai con ông đã trở về rồi đó. Lòng tôi đã bình yên thong thả. Ông hãy đợi tôi một ngày gần đây, tôi cũng sẽ đi gặp ông, nghe ông.”
                                                                                                 FMN DL