Monday, November 30, 2009

Hoa bán ở Hà Nội - Chùa Trấn Quốc


Câu cá ở Hồ Tây - Lưới cá ở Hồ Tây - Một cảnh ở ngoại thành Hà Nội - Chùa Một Cột




Cây đa cổ thụ - Văn Miếu - Trường Bưởi




Việt Nam Du Ký - Thăm Hà Nội

VIỆT NAM DU KÝ
(tiếp theo)
Thăm Hà Nội
Chuyến bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội của hãng Việt Nam Airline bay rất đúng giờ. Đúng sáu giờ mười lăm phút, máy bay cất cánh, khoảng hơn một tiếng sau tụi mình đã có mặt ở phi trường Nội Bài. Đón Taxi về nhà cô Nhuệ. Trên đường đi, Bác tài hỏi chuyện lan man…vì là lần đầu tiên ra Bắc, lại đến thăm một nơi đã vào tay CS khá lâu nên mình cũng e dè ...không dám nói nhiều và nhất định không hề lộ cho biết là mình ở bên kia về. Đường từ phi trường về Hà Nội rộng thênh thang, tráng nhựa láng bóng...Hình như được tu sửa nhiều sau ngày “miền nam giải phóng”. Trái với miền Nam đang mưa gíó. Hà Nội ban tối khí hậu khá dễ chịu. Thật may mắn trước khi đi Hà Nội mình đã được Cô Lăng giới thiệu ra Bắc gặp cô Nhuệ. Nhà cô ở Phố Hàng Bún. Đến nhà, Cô bắt hai đứa nghỉ ngơi, dùng cơm tối xong Cô mới chịu dẫn ra khách sạn. Lâu ghê mới được ăn thịt đông nấu kiểu Bắc. Thịt đông ăn với dưa chua không chê vào đâu được. Ăn xong cô gọi Thân, người cháu cô đến, Cô cho biết ngày mai Thân và Hưởng sẽ hướng dẫn hai chị em đi thăm nội thành. Cô rất bình dân và thật cấp tiến, chả thế cô có một cô con dâu người Anh, cậu cháu nội lên ba, nói tiếng Anh giỏi và tiếng Việt cũng rất nhuần nhuyễn . Cậu bé thật đẹp trai, có cặp mặt xanh và nước da trắng di truyền của mẹ, đôi má lúm đồng tiền dễ thương của cha.
Tuy mới gặp cô lần đầu nhưng cô rất thân thiện và cởi mở. Cô gọi điện thoại báo tin cho cô Lăng là tụi mình đã đến, sau đó kêu bé Thủy, cô bé giúp việc phụ với tụi mình đẩy hành lý về khách sạn. Dù không muốn làm phiền cô, cô cũng nhất định dành đẩy một hành lý.
Khách sạn có tên là Thiên Thai, ở đường Nguyễn Trường Tộ, chỉ ở cách nhà cô một khoảng , đi bộ chừng ba phút. Vào khách sạn mình lại càng phục sự khôn khéo, lịch sự của cô Nhuệ, một cô gái Hà thành xưa ,ăn nói duyên dáng, khôn ngoan, Cô đã mặc cả để khách sạn bớt cho tụi mình một đêm là mười đô. Số tiền không nhỏ ở Việt Nam. Dù đã được bớt rồi nhưng khách sạn ở đây cũng khá mắc so với Sài Gòn, 55 đồng một đêm. Thật ra tiền nào của nấy.Đây là khách sạn sang. Đa số khách là người Pháp, Anh , Đức... đến đây đi du lịch. Mình không gặp một Việt kiều nào ở đây cả. Phòng ở đây có hai giường rộng, ngăn nắp, sạch sẽ, có trà nước... Phòng tắm rộng, xây theo kiểu mới, không khác gì những khách sạn sang ở Mỹ. Điều lý thú nhất là phòng mình ở có thể nhìn ra mặt đường chính để tụi mình có thể quan sát sự sinh hoạt của thành phố.
Người tiếp viên khách sạn khiêng hành lý từ thang mạ́y đến cho tụi mình thật trẻ. Biết là khách nước ngoài về nên gạ gẫm tụi mình muốn đi tham quan hoặc đi ăn
tối ở Hà Nội cậu bé tình nguyện hướng dẫn. Cậu bảo thức ăn ở Hà Nội rất ngon với điều kiện phải biết chỗ. Mình từ chối khéo viện cớ mệt cần nghỉ ngơi, lúc cần sẽ nhờ sau. Cậu bé cười thật tươi tay mân mê đồng bạc năm đô mới toanh mình trao tặng...bảo là dân ở đây tin là đồng mới mang lại may mắn như tiền lì xì đầu năm...
Ngày...tháng..năm...
Hẹn với Thân và Hưởng sẽ gặp nhau tám giờ sáng tại khách sạn để bắt đầu cho một ngày viếng thăm nội thành. Khách sạn có buffet vào mỗi sáng nhưng hôm nay tụi mình quyết định sẽ đi ăn hàng ở Hà Nội. Thân bảo tiệm phở ở Nguyễn Trường Tộ rất ngon. Tiệm phở nhỏ chỉ để khoảng sáu bàn, phía trứớc tiệm thêm vài ba bàn nhỏ. Người ngồi ăn đầy nghẹt, tụi mình phải chờ một lúc mới có chỗ. Mới tám giờ sáng mà gàu, gân, vè dòn đã hết sạch, tụi mình chỉ ăn độc nhất món tái. Nước trong,bánh mềm nhưng không nát. Phở ở đây ăn với “ quảy” . Họ không gọi là “ gìò cháo quảy ”như trong Nam.
Bánh quảy ở đây bé xíu chỉ dài bằng một lóng tay. Quả thật Phở ở đây thật ngon. Từ nước dùng đến bánh phở thật tuyệt , Phở ăn với giò cháo quảy cũng khá đặc biệt. Mình hơi thấy lạ là phở ở đây không ăn chung với giá và rau quế, tuy vậy cũng không thấy giảm cái ngon của nó.
Đổ xăng cho bao tử xong tụi mình lên đường. Đường Hà Nội nhỏ hơn Sài gòn. Xe cộ cũng thật đông đúc nhưng người lái xe hình như ít chen lấn hơn Sài Gòn. Hà Nội vào mùa này khí trời mát mẻ. Được hai bác tài cẩn thận nên tụi mình thật yên tâm cho hai bác “ lai ” khắp nơi thăm Hà Nội. Trước tiên đi một vòng thăm qua thành phố, thăm “Hà Nội ba mươi sáu phố phường”. Cái tên gọi dính liền với Hà Nội xưa. Đa số những con phố không còn bán những đồ vật như những tên mang nữa mà họ bày bán đủ thứ..Trên một con phố... vài chị bán chiếu đang đẩy những chiếc xe đạp được chất những chồng chiếu đủ màu sắc.. cao ngất ngưỡng... Mình phải tự hỏi không hiểu làm thế nào họ có thể đẩy chiếc xe và mớ hàng cao hơn người thế kia?.Nhìn vẻ ốm o mà dẻo dai ấy mình càng thấy phục. Chưa hết mấy chú bán rổ, bán rá... còn thần sầu hơn, từ xa nhìn họ di chuyển,chỉ thấy chiếc mũ cối nhấp nhô bên cạnh mớ rổ, rá, to, nhỏ đủ cỡ trông thật buồn cười.
Loanh quanh vài vòng cho tụi mình ngắm ba sáu phố phường xong, Bác tài cho xe tiến ra xa thành phố để đến thăm Hồ Tây. Mua vài bó nhang, cả nhóm cùng nhau vào phủ Tây Hồ làm lễ. Nghe nói phủ ở đây thật linh. Ngôi phủ nhỏ mang những nét cũ kỹ...ít nhang khói, có lẽ tại ngày thường ít ai đến lễ. Phủ Tây Hồ được xây sát cạnh hồ bao quanh bởi những tàng cây to lớn nên thật mát mẻ. Dân chúng sống gần phủ Tây Hồ có vẻ nghèo, an phận với những ngôi nhà nhỏ bé, bình thường nhưng thơ mộng, khác hẳn dãy nhà đối diện bên kia hồ... biệt thự, cao ốc nhiều tầng mọc lên, ngạo nghễ, soi bóng mặt hồ. Hà Nội với cái cũ và mới đối chọi nhau. Không biết cái mới ấy có làm người dân Hà Nội ưa thích ?
Đi dọc ven hồ ngắm cảnh. Mặt hồ xanh trong, sóng nước lăn tăn. Mới sáng đã có những cụ già nhàn tản , bắc ghế ngồi trên những bệ đá câu cá. Nhỏ My mượn cần câu của một ông lão râu dài, bạc trắng để xin câu. Ông cụ vui vẻ trao cần, còn chỉ vẻ cách cầm cần câu như thế nào cho hợp cách. Tây hồ có lẽ thật nhiều cá. Mấy ông lão câu được bỏ vào lưới giữ lại hồ đến chiều câu xong mới mang về. Nghịch ngợm tụi mình kéo lưới cá lên để chụp hình, những nàng “ chép” thật lớn vùng vẫy trong lưới...Hy vọng tối nay các “lão câu” sẽ có một buổi nhậu thịnh soạn...
Rời Hồ Tây tụi mình đến thăm Hồ Trúc Bạch, chùa Trấn Quốc, đền Ngọc Sơn...Những địa danh thật quen thuộc này làm mình nhớ thật nhiều đến những bài Việt văn thời trung học làm sao.! Những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn như sống lại trong mình. Nào “ Nửa Chừng Xuân”, nào “ Đoạn Tuyệt”, nào “ Gánh Hàng Hoa”... . Hà Nội với cảnh sắc nên thơ của ngày xưa đã khiến người thơ rung động. Có lẽ thế Hà Nội đã sản sinh biết bao văn thi sĩ nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam.
Đi lòng vòng đã nửa ngày đường, ai cũng thấy đói bụng. Vậy là cả bọn về chợ Đồng Xuân ăn bún ốc. Nhìn kệ hàng xếp những cây chả lụa bé xíu, những dĩa ốc với những con ốc mấp mạp vàng ươm đã được khươi vỏ thật bắt mắt, chưa ăn đã thấy cồn cào. Ăn xong tụi mình còn gọi thêm mấy cây chả lụa. Chả ở đây thật ngon,thơm, đậm đà, không biết họ có dùng hàn the không nữa nhưng cũng chả sao, lâu lâu mới ăn một lần cũng chả hại gì.
Đến Hà Nội mình còn muốn viếng thăm cầu Long Biên. Cầu Long Biên được bắc ngang qua Sông Hồng. Đây là chiếc cầu cũ kỹ , những nhịp sắt đã rỉ sét, cầu cũng khá rộng, một bên đi và một bên về. Ở giữa là đường xe lửa. Song song với chiếc cầu cũ là chiếc cầu mới được xây cất sau này. Cầu mới với những nhịp cầu thấp, đều, đơn giản. Mình vẫn cảm thấy thích chiếc cầu cũ hơn, một phần cầu có giá trị lịch sử, một phần kiến trúc đẹp hơn. Nếu mình nhớ không lầm, cầu này do Pháp xây, còn có tên là Doumer...Điều thích thú nhất khi đi thăm viếng cầu Long Biên tụi mình còn được ngưng ngay trên cầu mua bắp. Bắp được trồng hai bên bờ sông, nhà vườn bẻ xong , ngồi ngay trên cầu bán. Mấy chị em mua ngay mấy chục bắp mang về. Từ cầu Long Biên (còn có tên là cầu Thăng Long) xe chạy ngang qua ga Long Biên, rồi trở về lại phố. Mấy chị em còn dừng chân trên phố ăn thêm món lục tàu xá. Đây là món lạ mà mình mới ăn lần đầu, mùi đậu xanh xay quyện lẫn với vị ngọt của đường, đậu phụng cũng khá hấp dẫn. Vui là mình và My còn mượn quang gánh của chú bán hàng gánh thử rồi cười dòn dã làm chú bán hàng cũng vui lây.Mình có cảm tưởng như trẻ ra, năng động hơn trong những ngày tháng rong chơi. Chàng Hưởng thật ít nói bỗng lên tiếng đề nghị : “ Thôi chúng mình mang “ ngô”về nhà cô Nhuệ, nhờ bé Thủy chiều “lay” “nuộc” giùm. Hai cô nghỉ ngơi khoảng một vài tiếng cho khoẻ, chiều chúng em sang “ nại”đi tiếp nhá”.
Ới ời....giọng Hà Đông của cậu bé không “chệt” đi tí nào làm chị em mình lại tủm tỉm cười.
Về lại khách sạn, tắm táp xong cả hai nằm dài trên giường thấy thoải mái làm sao. Chiếc giường thật rộng, mỗi người một cõi quả tuyệt thật. Không biết chợp mắt được bao lâu đã nghe điện thoại của Thân. Chiều nay hai nhỏ hướng dẫn tụi mình đi thăm một vài nơi nổi tiếng của Hà Nội .
Đến Hà Nội vào những ngày mùa Đông, nghe nói những ngày trước đây trời thật lạnh. Đón tụi mình trời chiều chỉ se lạnh. Không khí thật dễ chịu. Ngồi sau lưng bác tài, mình tha hồ bấm máy, thích nhất là hối chàng Hưởng chạy theo mấy chị bán hoa. Hoa ở đây được chất trên một rổ lớn, ràng sau xe đạp, vậy là các cô tha hồ đạp đi khắp thành phố. Cô bán hoa với gánh hàng của Nhất Linh hình như đã lùi vào dĩ vãng, cũng gieo vào lòng mình một chút xuyến xao. Tụi mình cũng có ghé thăm chợ hoa, hoa ở đây được chở từ những vùng phụ cận về. Chưa về thăm Đà Lạt lúc này nhưng mình nghĩ hoa ở đây nhiều và đẹp không thua gì hoa Đà Lạt. Lái một vòng loanh quanh thành phố theo lời đề nghị của mình xong, hai bác tài đưa tụi mình đến thăm Văn Miếu. Thật nhiều du khách, kể cả khách nước ngoài vào đây thăm viếng. Các cô hướng dẫn viên du lịch giới thiệu, giải thích từng địa điểm thăm viếng.. Cả một thời huy hoàng của hoàng thành xưa như được sống lại qua lời giới thiệu của các cô. Chụp vài pô hình kỷ niệm, mua một vài vật lưu niệm tụi mình trở ra ...tụi mình phải nhanh chân vì còn nhiều nơi muốn viếng. Rời Văn Miếu, hai cậu nhỏ chở ra chụp hình ở Thành cổ , thăm Hồ Hoàn Kiếm. Tháp Rùa không lớn như mình tưởng nhưng nếu không có Tháp Ruà, chắc có lẽ Hồ Gươm sẽ giảm đi những nét quyến rũ của nó . Chiều nay mặt hồ Gươm lăn tăn gợn sóng. Tuy là mùa Đông nhưng cảnh sắc nơi này hệt như muà Thu. Gió hiu hiu lay động những hàng cây lung linh soi bóng xuống hồ. Màu lá vàng gợi nhớ một mùa Thu nào đó trong thơ văn, trong nhạc...một mùa Thu rất Hà Nội...một mùa Thu thật quyến rũ!
Rời Hồ Gươm , điạ điểm kế tiếp là ngôi nhà yhờ cổ có từ lâu đời, sơn đã tróc lở phai mờ với thời gian nhưng thành phố vẫn giữ nguyên không sơn quết để giữ cái đẹp riêng và giá trị lịch sử của ngôi thánh đường lâu nhất nhì của thành phố Hà Nội. Sau khi thăm nhà thờ tụi mình đến thăm nhà hát lớn xây dựng từ thời Pháp thuộc. Một đoàn xe xích lô với màu sắc rực rỡ chở du khách ngang qua Nhà Hát Tây. Khá lâu rồi mình mới gặp lại những chiếc xe xích lô một thời của Sài Gòn xưa. Tụi mình cũng không quên đi viếng tượng Đức Lý Thái Tổ ở gần đó. Tượng Ngài được tạc thật cao, bề ngoài dát đồng uy nghi một cõi. Những chậu bông, những hoa tươi trước bệ thờ thật tươi tốt, có lẽ thường xuyên có người đến dâng hương, lễ bái..Thăm tượng Đức Thái Tổ xong tụi mình đi thăm Chuà Một Cột..Đến Hà Nội hầu như ai cũng muốn thăm viếng Chùa Một Cột. Đó cũng là mơ ước của mình. Chùa bé tí được dựng trên một cái hồ cũng thật nhỏ, trong hồ có thả hoa sen, hoa súng... bao quanh ngôi chùa là những hàng cau thật cao đang mùa nở hoa thơm ngát.Nhìn ngôi chùa nhỏ, xây dựng thật đặc biệt. Không biết người xưa có biết là họ đã ban tặng cho Hà Nội, cho đất nước mình một tặng phẩm thật quý giá không? Riêng mình, được đến đây ngắm cảnh chùa, được ngồi trên thảm cỏ xanh dưới hàng cau, loại cây thân thiết của quê hương,nghe hương cau tỏa lan trong không khí, thỉnh thoảng nghe đâu đây vài tiếng chim hót, chim hót giữa ban ngày... Sao chợt thấy lòng nhẹ nhàng thanh thoát lạ...
Giã từ Chùa Một Cột, tụi mình đến thăm “Lăng Bác”. Hai đứa đi bộ giữa quãng trường thật rộng. Đây là quãng trường Ba Đình. Ở đây thật nhiều người đi bộ tập thể dục. Tụi mình không thích vào thăm chỉ băng qua quãng trường để đến chỗ hai cậu em đang đậu xe chờ ở đó. Chỉ còn vài tiếng để đi thăm thành phố, tụi mình đề nghị hai cậu chở đến thăm trường Bưởi, ngôi trường nổi tiếng một thời, ngôi trường mà ngày xưa Huy, em Mai trong” Nửa Chừng Xuân” học ở đấy.Ngôi trường mà thầy giáo mình, thầy Diệu, thầy Lập...cũng đã từng cắp sách đến đây. Giờ ... các thầy đã ra đi về miền xa xăm... Ngôi trường vẫn còn đấy, to lớn hơn, khang trang hơn . Dù tên trường đã được thay tên “ Chu Văn An” nhưng với mình cái tên “ Bưởi” nghe sao vẫn dễ thương, nghe sao mộc mạc, đơn sơ mà thật gắn bó, thân tình. Đưa ống kính “ zum” thật xa đến những dãy lớp học, đến những lối đi quanh trường, đến những hàng cây to lớn xum xê. Mình có cảm tưởng như được về thăm lại ngôi trường xưa của mình trong thành phố mù sương thân yêu.
Đưa tụi mình về nhà Cô Nhuệ, phố đã lên đèn. Hà Nội rộn ràng với những quán hàng khuya, dập dìu người đi dạo phố, đi ăn hàng. Hà Nội cũng như Sài Gòn đêm về, thành phố như đông hơn...Tối nay, ở nhà cô Nhuệ, ngoài bữa ăn tối có thịt kho, canh rau đay ...tụi mình lại được thưởng thức món “ngô” luộc hồi sáng. Thành thật mà nói mình chưa tìm ra một quả bắp nào ngon bằng bắp Tùng Nghĩa xưa, dù về đây đã được ăn bắp ở Sài Gòn, Hóc Môn,bắp Bình Dương, bắp Đà Nẵng.
Chào từ giã Thân, Hưởng, cảm ơn Cô Nhuệ, tụi mình trở về khách sạn. Giấc ngủ tối đến thật ngon lành sau đó.
(còn tiếp)
Forget Me Not Dalat

Wednesday, November 11, 2009

Non Nước Ngũ Hành Sơn




Viet Nam Du Ký

VIỆT NAM DU KÝ
(Tiếp theo)




Chuyến bay Sài Gòn-Đà Nẵng khởi hành 12 giờ, bị hoãn đến 4 giờ chiều. Nghe nói hãng Pacific này chuyên môn bị trễ. Để hành khách khỏi phàn nàn. Hãng máy bay đã cho hành khách được dùng bữa ăn trưa free ở nhà hàng trong phi trường. Bởi tại ăn “ chùa” nên món ăn cũng bị giới hạn khi chọn lựa. Nhưng chả sao!. Có phở, có cơm sườn ăn cũng qua phà. Ăn uống xong xuôi tụi mình đem trái cây ra ăn .Hôm qua ra chợ thấy “Mãng cầu” ta “ chôm chôm” hấp dẫn quá nên mấy đứa đã rinh về thật nhiều. Ăn tối, ăn sáng…rồi lại ăn trưa. Ăn xong, mấy nhỏ nằm lăn ra những băng ghế trống nhắm mắt nghỉ ngơi …Còn mình , ngồi vớ vẩn xem ba, bốn phim Đại Hàn trên những Tivi quanh phòng đợi. Đầu óc không tập trung nên cũng chả hiểu nội dung phim gì cả. Khoảng gần bốn giờ, xét vé lên máy bay. Xe bus chở từ chỗ đợi đến máy bay. Hành khách lục tục lên máy bay bằng cầu thang kiểu xưa. Chiếc máy bay nhỏ khoảng một trăm chỗ ngồi cất cánh khi trời đổ mưa tầm tả, nghe nói Đà Nẵng cũng đang bão lụt tưng bừng.Không biết có thể lên Trà Mi rước dâu được không nữa.Chả hiểu duyên nợ sao mà Bi lên tận( mật khu Việt Cộng ngày xưa !) cưới vợ. Máy bay nhỏ thỉnh thoảng lắc mạnh. Nhân viên phục vụ chuyến bay cứ nhắc nhở hành khách không nên di chuyển trên tàu làm mình cũng thấy ớn. Chỉ khoảng hơn một tiếng bay là đến sân bay Đà Nẵng. Quả mau thật! Dung và Bi ra đón. Trời mưa lất phất. Cảm ơn Trời Phật chuyến bay an toàn. Đón tụi mình mưa cũng đã dịu bớt. Taxi chở đến Khách sạn “ Price” ở đường Phan Chu Trinh (̣ con đường xưa anh đi đây mà!.)
Trời mưa thì mặc trời mưa, tụi mình kéo nhau đi ăn. Lang thang trên con đường Phan Chu Trinh, tụi mình mua bánh mì vừa đi vừa gặm, cũng không quên nếm thử bánh bao xứ Đà. Chuyến đi Đà Nẵng lần này có Thanh Vân, bạn Thy tháp tùng. Cô bé cũng rất hòa đồng, lại có “tinh thần ăn uống” nên tụi mình cảm thấy thoải mái khi cùng đi chung.
Về lại Khách sạn một lúc, mấy đứa cháu anh Như từ Huế vào. Anh chàng Thắng cù mì cục mịch có vợ thật hiền, chàng Lợi, em Thắng lanh lẹ, nói năng dẻo quẹo, đi cùng con bé Hoà Anh, con bé con đầu lòng đang học Đại học Huế, người nhỏ nhắn thật xinh. Một lát sau Bình và Thành từ Ban Mê Thuột cũng kịp đến, chỉ có An không được khoẻ nên ở nhà. Nghe nói chặng đường từ Ban Mê về đây, sau cơn lũ lụt xe thật khó đi nên Bình bị ói mửa quá chừng. Gần ba mươi năm mới gặp lại Bình, Thành. Mình xúc động đến rơm rớm nước mắt.Bình, An, Thành là con của Dì Thảo. Tội nghiệp các em mất mẹ khi còn quá nhỏ. Ba chị em được Bố nuôi nấng khổ cực ở miền Trung nghèo khổ quê mình. Sau bảy lăm mấy cha con dời ngay lên Ban Mê Thuột . Vài năm sau Dượng qua đời. May mà các em chịu khó học hành, làm lụng nên người nào cũng trở thành Thầy, Cô giáo. Ngoài giờ dạy, thời gian còn lại dành cho việc trồng tỉa, chăm sóc vườn cà phê nên cuộc sống tương đối sung túc hơn xưa thật nhiều.
Ngày… tháng …
Hôm nay ngày cưới của Bi. Mới mờ sáng, Thủy chị của Dung đã cho xe đến rước. Chuyến xe chở tụi mình và một số bà con bên đằng gái có mười bốn người. Thành và Bình không đi vì mệt. Mưa thật lớn. Xe chạy ngược qua Quốc lộ hướng về phương Nam. Đường phố nhạt nhoà trong mưa. Mình cố nhìn ra ngoài nhưng chả thấy gì cả. Bác tài phải giỏi lắm mới điều khiển con ngựa sắt trong mưa gió thế này. Cái quạt nước gạt nước như say rượu, quạt không ngừng. Ngồi trên xe mình chỉ biết cầu nguyện. Cũng may chạy được khoảng hơn nửa tiếng, mưa từ từ nhỏ hạt lại. Qua cửa xe, con đường Quốc lộ Một vẫn không thay đổi bao nhiêu, cũng vẫn mái tranh vách lá, những ụ rơm cao, thỉnh thoảng có những căn nhà mái ngói ẩn mình sau những luỹ tre, vẫn còn những chú trâu đang gặm cỏ mà đây đang gặm cỏ ở cánh đồng ngập nước. Cánh đồng nước mênh mông nhìn xa giống như một dòng sông ngàu đục phù sa.Thật ra lụt lội mang nhiều tai hại cho dân nhưng cũng đem không ít lợi lộc đến,. Nước ở sông tràn vào mang theo nhiều tôm cá. Mọi người túa ra vó cá, một số người cũng đang ngồi bán cá ở dọc đường.
Xe đi qua điạ phận Tam Kỳ. Thật nhiều quán ăn nhỏ mọc lên ở dọc đường. Mình thấy thật nhiều quán Mỳ Quảng, bún, bún thịt Đà điểu, quán bán thịt cầy. Qua khỏi Tam Kỳ, xe tiến dần lên vùng núi. Hai bên đường có những đoạn gần giống như đèo chuối. Chuối được trồng thật nhiều. Đường ở đây vừa qua những ngày mưa lũ nên đất đá bị sạt lỡ còn nằm lăn lóc bên vệ đường, có lúc xe gập ghềnh khi bò trên đoạn đường vừa được “ chỉnh lý” .
Xe đến Trà Mi khoảng hơn chín giờ. Mưa tầm mưa tả. Mình chưa bao giờ được dự một đám cưới mưa gió thế này. Vài người trong họ nhà gái lấy dù ra đón bọn mình vào nhà khách của Xã. Mang tiếng là nhà khách nhưng chỉ như là trụ sở củ kỹ. Tội nghiệp Bi tối qua phải ngủ ở một nơi trống trải, hoang vắng như thế này. Ở đây phe nhà gái đã chuẩn bị giùm họ nhà trai đầy đủ lễ vật: mâm quả,trái cây…Mâm quả được sắp xếp thật đẹp. Trầu cau, bánh mứt …được bàn tay khéo léo của những cô, những bà khéo tay nào đó xếp thành những hình rồng, hình phượng trông thật đẹp mắt. Từ nhà khách đến nhà gái chỉ đi khoảng vài trăm thước. Đi dưới dù che.Con đường từ nhà khách đi đến nhà cô dâu theo thế đi xuống dốc, nước mưa chảy mạnh từ trên xuống. Mình nghịch ngợm đi vào chỗ nước lớn. Vui vui với cảm giác lội mưa như những ngày tháng mưa ở Đà Lạt. Mưa quá là mưa. Mang giày cao mà nước vẫn dâng cao trên mắt cá. Giày sủng ướt trong mưa. Tội nghiệp cho những người bưng mâm quả, rón rén đi nhẹ để khỏi chụp ếch. Nép hẳn vào những trợ tá cầm dù trông cũng lãng mạn đấy chứ. Tuy gió mưa tầm tả nhưng vẫn không thiếu người hiếu kỳ ở hai bên đường nhìn đoàn người rước dâu đi qua. Thấy vui vui vì lâu lắm mới dự một đám cưới quê. Nhà cô dâu nho nhỏ, có che rạp trước nhà,kê được khoảng mười bàn. Phải nhanh chóng trở về Đà Nẵng chuẩn bị cho buổi tiệc cưới buổi chiều nên buổi lễ Tân hôn diễn ra thật nhanh chóng nhưng cũng khá đầy đủ. Trước tiên đèn Long phụng được thắp lên. Cô dâu chú rễ làm Lễ gia tiên. Nhà trai đưa Lễ vật. Chú rễ, cô dâu trao nhẫn cưới. Mẹ chồng đeo bông tai cho cô dâu. Họ hàng hai bên trao quà cho đôi tân lang, giai nhân…Sau đó vào tiệc quê. Gà luộc, gỏi trộn, heo rừng nướng, bê thui, chả, ché…Ngon và thấy fresh.Ăn vội vàng rồi về thành phố vì sợ mưa lũ tới. Trên đường về chú rễ than đói vì ở tiệc cưới có ăn được đâu. Cả phái đoàn ngừng lại ở Tam kỳ ăn Mì Quảng. Ai cũng đồn mì Quảng ở đây rất ngon. Có lẽ ngon dỡ tuỳ khẩu vị của từng người nên mình cũng không thấy ngon bằng mì Quảng Đalạt.
Buổi tối dự tiệc ở Nhà hàng “ Phì Lũ” Tiệc cưới linh đình có ban nhạc giúp vui. Hình thức Tổ chức cũng như ở bên Mỹ. Thức ăn cũng thường chứ không xuât sắc…có điều nhà hàng ở đây dơ quá. Rác rưới vất đầy. Phòng vệ sinh thì khủng khiếp quá nên mình cũng không dám vào. Vậy mà nghe nói đây là một trong những nhà hàng có tiếng ở Đà Nẵng.
Khuya về, mình gọi và liên lạc được với Lan. Cô nàng chạy ngay tới. Hai đứa đi thăm Điểu, Điệp. Tối quá không thăm Điệp. Trở về, hai đưa chạy xe lang thang trên con đường gần biển. Gió mát rượi. Ôm eo ếch nàng…Hai đứa hét to trong đêm, tranh nhau với tiếng gió. Kỷ niệm xưa được nhắc nhở nhiều về những ngày học làm nghề thầy cô trên thành phố sương mù vương vấn.
Ngày ..tháng…
“Non Nước” cách xa Đà Nẵng khoảng mười lăm phút lái xe. Chiếc Taxi đưa năm đứa mình đến chân núi. Hai bên đường rất nhiều tiệm thủ công mỹ nghệ. Những vật bày bán ở đây đa số là những vật làm bằng đá đẽo ra từ những núi đá ở Ngũ Hành Sơn. Những vật trang sức như lược, còng đeo tay, nhẫn…cho đến những vật trang trí trong nhà như bình bông, sư tử, ngựa… được những nghệ nhân gọt đẽo rất công phu , đẹp mắt…ngắm mãi không biết chán. Người mua, kẻ bán rộn ràng…Mình muốn mua những vật kỷ niệm ở đây nhưng mỗi lần cầm lên là bị nhỏ Lan cản lại “ Thôi đi bà, để ra Đà Nẵng lại mua. Mua ở đây bị chém đẹp cho xem, thêm nữa mày mua bây giờ thì làm sao leo núi được” Nghe lời nàng nhưng trong bụng ấm ức lắm, theo kinh nghiệm nhiều khi mình sẽ không gặp lại những vật mình thích….Nên chi ..mua hàng cũng như cưới vợ…phải cưới liền tay…
Lần theo những bậc tam cấp đá, tụi mình tiến lên núi. Một khoảng không gian im vắng, cô tịch hiện ra trước mắt...núi cao ngất, lãng đãng hơi sương. Một ngôi chùa cổ kính nằm ẩn mình sau những lùm cây xanh lá. Chúng mình theo một chú tiểu bước vào chánh điện thắp nhang lễ Phật, sau đó đi thăm quanh chùa chụp hình...Đi lần xuống một thung lũng, cảnh sắc nơi đây quyến rũ bước chân mình. Dựa vào chân núi là một chiếc am nhỏ, khói hương nghi ngút, một bức tượng Phật ngàn tay sinh động được đặt trước am...Bên trái am là một khoảng sân nhỏ với rất nhiều tượng Phật nhiều màu sắc, khuôn mặt rất vui.. sắp xếp cách ngồi giống như đang đàm đạo. Ngó lên ngọn núi nhỏ là bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát với đôi mắt hiền từ, một tay cầm bình hồ lô, tay kia cầm nhành dương liễu...Bước vào thăm am, mình gặp hai hai cô gái mặc áo lam đang quét rác. Hai cô là hai học sinh Trung học đến đây vào mỗi tuần làm công quả. Thật đáng khâm phục làm sao, các em đã bỏ những sinh hoạt vui chơi cuối tuần để đến đây nhổ cỏ, nhặt rác làm đẹp thêm cho cảnh quan nơi này.
Giã từ am nhỏ và hai cô gái mình trở về chùa chính gặp lại các bạn để cùng nhau lên thăm ngôi tháp cao nhất của đỉnh núi này. Từ đây tụi mình có thể nhìn bao quát cả làng núi bao quanh Ngũ Hành Sơn. Nhà cửa chi chít...xa xa bốn dãy núi còn lại trong nhóm Ngũ Hành vẫn mờ mờ trong màn mây. Những ngôi tháp nhỏ với chóp nhọn vươn cao đẹp như trong những bức tranh cổ trong những chuyện Tàu. Thật may mắn ngày hôm nay trời không mưa,nắng dìu dịu....tha hồ cho tụi mình chụp hình. Nhìn xuống chân núi là một vùng nước rộng bao la, nước rất trong xanh. Mình ngây thơ khen là dòng sông đẹp quá, làm cô bé dân địa phương ở đây cười ngất cho biết đó không phải là sông, chỉ do nước lụt đ̉ể lại từ cả tháng trước. Đúng là “quê” thiệt .
Sau một hồi ngắm trời mây tụi mình đi thăm những hang động. Trước tiên vào thăm Hoa Nghiêm trước. Mua vài bó nhang, từ từ tiến vào động... Rón rén bước trên khoảng đất sũng ướt chỉ sợ trợt chân. Tụi mình đi thắp nhang hết những miếu thờ trong động...Cùng vào động với tụi mình có thêm nhóm sinh viên đang học ở Đà Nẵng. Tất cả các em đều ở Hà Tĩnh vào. Gặp nhau chốn lạ mà cũng khá thân tình. Đúng là : “ xa quê hương ngộ cố tri ”. Rời Hoa Nghiêm tụi mình đi thăm động Huyền Không, sau đó vào thăm Tàng Chơn động. Còn nhiều động nhưng mùa này trời mưa trơn trợt nên tụi mình không dám mạo hiểm đi thăm hết các động vì sợ nguy hiểm...Cùng đi với tụi mình có khá nhiều du khách ngoại quốc. Ai cũng khen quê hương mình đẹp. “ Lẽ đương nhiên rồi” Trong thâm tâm ai cũng tự hào về quê hương xinh đẹp của mình. Tụi mình còn đi loanh quanh thăm những tháp quanh núi trước khi hạ san. Sau gần cả ngày lang thang trên núi, ai cũng cảm thấy đói bụng...Tìm được một quán Mỳ Quảng dưới chân núi. Cả bọn tấp vào ăn...Mỳ Quảng ở đây không xuất sắc nhưng ăn cũng tạm được, một phần có lẽ vì đói. Nhỏ Lan đưa bọn mình về khách sạn xong quay về nhà hắn, hẹn buổi tối tới nhà dùng cơm và đi thăm cầu sông Hàn.
Về khách sạn tắm táp xong thì Dũng ở Quảng Ngãi ra thăm. Vui quá. Qua bao nhiêu năm không gặp mà tụi mình có cảm giác như mới vừa xa không lâu lắm. Nhớ ngày miền Nam mất, Dũng đang trọ học tại nhà mình. Mấy chị em cả ngày ngồi bên Radio nghe tin tức... cùng buồn, cùng khóc với số phận đau thương của cả dân tộc. Vài ngày sau ngày Đà Lạt thuộc quyền kiểm soát của Cộng quân. Dũng nằng nặc đòi về Quảng Ngãi, ai cản cũng không được. Anh chàng, khi thì đi bộ, lúc đón xe đò...cả mấy ngày trời mới về đến nhà...Bỏ học dở dang , cậu bé học nghề lái xe, giờ có xe tải chuyên chở hàng hóa đi các tỉnh miền Trung. Hỏi Dũng có bao nhiêu con. Cậu bé khề khà nói lớn : “ đầm đôi” chị ạ. Tụi mình cười xòa, thằng bé vẫn tếu như ngày xưa.
Tối nay, Dũng và tụi mình cùng đến nhà Lan. Thể theo lời yêu cầu của khách, Lan luộc rau lang chấm mắm nêm, cá khô nướng lên ăn với nước luộc rau, vậy mà tụi mình ăn thật ngon lành, cơm bới lia lịa. Chồng Lan trông cũng thật hiền. Hai người lập gia đình muộn nhưng cũng có được một cô con gái đang học ở Sài gòn. Ông xã Lan đã về hưu, Lan vẫn còn đang đi dạy. Cuộc sống tương đối ổn định...
Dù trời lắc rắc mưa, Lan cũng cố dẫn tụi mình đi thăm cầu sông Hàn. Đi bộ dưới chân cầu , chờ cầu sông Hàn quay mà chờ mãi hoài cũng chưa thấy. Tự nhiên mưa nặng hạt...cả bọn cuống cuồng chạy lại chỗ đậu xe. Vậy là tụi mình không có duyên thấy được cầu quay rồi. Thôi chào giã từ vậy...Giã từ sông Hàn...Hẹn ngày gặp lại...nhưng chả biết lúc nào sẽ gặp lại đây?

Ngày...tháng...năm....
Sáng nay Dũng phải vô lại Quảng Ngãi. Mấy chị em kéo đi ăn phở, có Dung và Bi cùng đi. Luyến lưu rồi cũng phải chia tay. Phải chi không có vụ bão lụt cản đường thì tụi mình đã ghé vô Quảng Ngãi thăm Thím Cường và các em rồi. Quả là mình tính không bằng Trời tính. Chờ Dũng lên Honda ra đi . Thy và Vân cũng ra phi trường trở về Sài Gòn, còn lại mình và My theo Dung vào chợ Cồn mua sắm. Áo quần may sẵn ở đây rất rẻ. Mua vài ba bộ làm kỷ niệm,tìm một ít đồ đá Ngũ Hành Sơn nhưng không thấy bán nơi đây. Rõ tiếc là đã nghe lời xúi dại của nhỏ Lan!!. Rời chợ Cồn, tụi mình đến nhà Thủy, chị của Dung chơi, ở lại ăn trưa. Trở về khách sạn thanh toán tiền bạc. Dung và Bi còn ở lại Đà Nẵng thêm vài hôm mới vào Sài Gòn. Chiều nay mình và My tiếp tục cuộc du hành tiến ra phía Bắc.
( Còn tiếp )
Forget Me Not Dalat

Friday, October 16, 2009

Việt Nam Du Ký ( tiếp theo)

FMN 4
Ngày...tháng...năm...
Chưa sáng Sài Gòn đã thức giấc, ồn ào sôi động.Hai em còn say giấc . Mình len lén ngồi dậy, mở cửa bước ra ban công. Nắng chưa lên… và dù nắng đã lên đi chăng nữa chắc không thể nào nhìn thấy mặt trời mọc ở nơi này. Mình lấy máy hình ra chụp, lấy cammera ra quay. Mới sáng mà xe gắn máy, xe hơi đã chạy ào ào… Sàigòn hôm nay ồn ào, nhớp nhúa!... Lúc mình ra đi...Sài gòn chừng ba triệu người. Chưa đến hai mươi năm trở về...dễ đến hơn tám triệu. Con số kinh khủng quá!. Mọi người đổ dồn về nơi đây.Đường phố, nhà cửa cũ kỹ, dây điện chằng chịt. Xe chạy như mắc cửi...Đứng tựa lan can nhìn buổi sáng Sài gòn, chợt thấy nhớ nhà... Mình lấy điện thoại ra gọi cho bé Tâm , tối qua Trang đã gắn vào điện thoại cho mình một cái “ sim” mới. Bé Tâm bảo đây là ngày thứ hai mẹ xa nhà rồi đó. Con nhớ mẹ nhiều. Con bé lúc nào cũng tình cảm. Nói chuyện với Tâm xong, cô bé chuyển qua cho Bảo và Anh. Khoảng cách từ Sài gòn đến Cali xa lơ lắc mà điện thoại nghe rõ mồn một như mình đang gọi con từ chỗ làm về nhà.Thời buổi điện tử có khác!. Cúp máy rồi, mình mới thấy buồn buồn...Ở Cali thấy nhớ Việt Nam. Giờ ở Việt Nam lại thấy trống vắng vì nhớ Cali. Đúng con người phức tạp thật. Thôi...tạm quên nỗi nhớ này. Hãy vui với ngày mới bắt đầu trên quê hương nhiều năm thấy lại nghe mi!.
Chờ My, Thy thức dậy, tụi mình đi ăn sáng và đến thăm Thím Bảy. Níu chặt tay khi băng qua đường, mình có cảm tưởng như xe nào cũng đang muốn húc vào mình. Hình như luật lệ đi đường ở đây không được tôn trọng lắm, mạnh ai nậ́y lấn, mạnh ai nấy chạy và…người đi bộ cứ việc đi càn, không liều bước là kể như …chờ đến Tết congo mới đi qua được.
Tụi mình đến bến hỏi thăm lộ trình xe bus từ Sài Gòn đi Gò Vấp. Cậu bé làm việc mặt mày khó chịu, trả lời nhát gừng…Cuối cùng tụi mình cũng lên được xe mang biển số 18 .
Chú phụ xế của chuyến bus này cũng mang bộ mặt lạnh lùng không kém. Mình không nói nhiều chỉ nhờ cậu bé: Nhớ báo cho biết khi đến Xí nghiệp Đồng Tâm.
Xe đi ngang qua những con đường xưa, có những con đường giờ đã thay tên. Qua Bưu điện, đi qua nhà thờ Đức Bà, xe qua vùng Tân Định… Suốt con đường xe đi qua, mình cũng còn nhận ra những nét quen nhưng buồn quá Sài Gòn hôm nay thay đổi quá nhiều, không còn là Sài Gòn mà ngày xưa mình thích về thăm mỗi lần hè đến. Ngày xưa cũng đông đúc, cũng xuống cấp nhưng đâu có dơ bẩn như bây giờ.
Xe dừng lại ở Xí nghiệp Đồng Tâm, vùng này ngày xưa vườn tược thật nhiều. Giờ nhà cửa đã mọc lên như nấm, lấn chiếm hết cả vùng xanh cây trái. Đi lòng vòng vài con hẽm mới đến nhà thím Bảy. Ngày xưa thím ở Tân Định, “ giải phóng” về, nghe nói bà con ở trong bưng ra đòi bán đi chia chác vì nhà này do ngoại đế lại, Thím bán căn nhà ở Hiền Vương . Số tiền chia được Thím mua căn nhà bé tí xíu ỏ Gò Vấp. Mình không biết căn nhà này được bao nhiêu mét vuông, chỉ biết nhỏ thật nhỏ. Căn gác xép kê được hai cái giường. Tầng trệt có một phòng khách kê một chiếc sô pha. Lúc dùng cơm thì dọn ở dưới sàn. Nhà bếp chật ních, nếu hai người cùng nấu chắc sẽ đụng nhau. Toa lét và nhà tắm thì làm chung sát căn bếp, cũng bé tí nị. Sau mấy mươi năm gặp lại, thím già đi nhiều, thêm nữa thím đang bịnh nên trông thím thật già nua, mệt mỏi... trông thấy thương quá. Thím trẻ hơn mẹ cả bảy tám tuổi nhưng không có sức sống bằng mẹ. Cần đôi tay gầy guộc của thím mình không nén được xúc động. Có lẽ thím bịnh hoạn nhiều bởi cuộc đời quá thay đổi. Chú chết, hai đứa con trai cũng chết vì bịnh tiểu đường. Năm ngoái Huơng, đứa con gái mà thím nhờ cậy được nhất, nó quán xuyến mọi việc trong ngoài , bỗng dưng bị đột quỵ và qua đời để lại hai đứa con, giờ ở với thím…Có lẽ nỗi đau buồn về tinh thần làm sức khoẻ thím sa sút đến vậy!….
Bữa nay tụi mình ở lại ăn trưa với gia đình thím. Trang cho ăn món cá rô kho , canh chua cá thát lát, cá lóc chiên và thêm món rau xà lách, món dưa cải luộc. Mình chưa dám ăn xà lách , chỉ dám ăn cải luộc. Chao ơi!. Bữa cơm thân mật và ngon lành làm sao!. Ăn xong, Trang chở mình đi lựa vải may áo dài cho Tâm. Đi từ Gò Vấp đến Tân Định lựa biết bao nhiêu tiệm, cuối cùng mua được xấp vải khá dễ thương.Nói khó mua cho Tâm vì con bé quá đơn giản, Tâm không thích màu mè, nhiều hoa, mà vải vóc ở Việt Nam dạo này thật lắm kiễu mẫu. Mua vải xong tụi mình ghé vào tiệm may chỗ quen của Trang may luôn để vài hôm đi chơi xong về lấy. Kích thước mình đã đo sẵn ở nhà. Buổi chiều, trời đổ mưa…Cơn mưa chiều kéo dài cả hai tiếng. Từ giã thím và các em tụi mình đón xe qua thăm An. Nhà An ở bên Nguyễn Kiệm, con hẽm ngoằn ngoèo, nước ngập cả đường xe chạy. Ớn quá. Chiếc xe ôm luồn lách thiếu điều hất mình xuống đường. An ở cuối một con hẽm, cũng may khoảng đường nhà An nước ít ngập. Nhà tuy nhỏ nhưng có gác, rất sạch sẽ khang trang. Từ Đà Lạt chạy về đây, chả biết ai giới thiệu mà ở tận chỗ này. Ông chồng làm Công ty cung cấp nước lọc. An thì làm thủ công, mỹ nghệ chuyên làm những vòng tay, dây chuyền,những chuỗi hạt để bán ra nước ngoài. Đời sống cũng khá ổn định. Lập gia đình muộn nhưng cũng sinh được hai con gái sinh đôi thật dễ thương, lanh lẹ . Trong khi chờ đợi buổi cơm tối, hai bé mạnh dạn múa hát cho chúng mình xem. Hai cô bé chỉ ngưng khi mẹ kêu chuẩn bị cơm nước. Hôm nay, An đãi bọn mình món lẫu thập cẩm đồ biển thật tươi ngon. Chồng An và Ông xã Sanh lai rai vài lon bia, còn tụi mình chỉ cụng ly với nước ngọt. Không dám ngồi lâu vì lỡ hẹn với chị Kim bảy giờ ở khách sạn và đồng thời cũng phải về để đón Nhàn từ Châu Đốc lên nên chị em mình xin cáo từ. Bé Ni và Na khóc mếu máo không muốn cho về, cũng may cô giáo dạy kèm đến nên hai đứa phải lên gác học.
Trở về Khách sạn, chị Kim đã ngồi chờ. Gần hai mươi năm mới gặp chị vẫn không thay đổi bao nhiêu, vẫn giữ nét sang cả và vẫn dịu dàng như ngày xưa. Xém một chút chị đã là chị dâu của mình rồi. Ngồi một lát thì Nhàn đến.Ôm em trong vòng tay nghe thương yêu lan rộng. Nước mắt rưng rưng. Thấy em như thấy lại cả một thời xưa cũ. Cô bé Nhàn thay đổi nhiều so với ngày xưa, cùng tuổi với My mà trông My trẻ hơn nhiều. Đời sống vất vả quá cũng làm con người thay đổi.Hàn huyên một lúc Chị Kim mang bánh hỏi và chả cuốn bắt tụi mình phải ăn. Dù thật no cũng phải ăn một tí cho chị vui. Chị em tâm sự cho đến tối chị mới về.
Ngày tháng năm…
Cậu tới. Bao nhiêu năm không gặp, cũng một thoáng giao động. Giờ cậu như một ông chủ bự. Chàng hơi phát tướng. Nhưng không sao trông càng đẹp trai. Chàng bảo “ Tim đập cấp năm, cấp sáu khi chờ mình xuất hiện” Thật vậy sao? “Em đẹp và vẫn trẻ”. Ừ, Ta không tin nhưng vẫn cảm thấy vui. Chàng rủ mình và Thy đi uống cà phê nhưng hai đứa từ chối vì còn phải ngồi chờ Mơ và Ti. Bắt tay Cậu. Hai đứa hẹn, sau khi ở Đà Lạt về sẽ có dịp “ không say, không về”. Vui vui, một thoáng hương xưa của mình đó.
Sáng nay, trước khi Cậu tới mình cũng đã gặp Trung , Triều… Sau hơn ba mươi năm không gặp, hai bạn cũng đã già đi, thay đổi nhiều, nếu gặp ngoài đường chắc không nhận ra, riêng Triều đẩy đà hơn… ngày xưa ốm nhom ốm nhách.Trung, Triều có một người con gái đang đi du học ở Mỹ. Cô bé thật may mắn được vợ chồng Nghĩa giúp đỡ hết mình. Vẫn có những tình bạn bền vững mãi với thời gian. Vợ chồng Nghĩa Phong qua bên này chịu khó lắm, giờ là một trong những gia đình thành công, nổi tiếng trong cộng đồng nhưng tính tình vẫn dễ thương như xưa.
Buổi trưa, nhỏ Mơ tới, con bé nhỏ xíu mà dám lái xe ở Thành phố Sài Gòn này làm mình phục sát đất. Nhưng khi nó đòi chở mình bằng xe gắn máy thì mình chào thua từ chối không thể để thân hình ốm yếu của nó phải “ lai” bao gạo chỉ xanh này nên đề nghị đi Taxi. Đến thăm Cô Lăng, người giúp việc nói cô vừa đi ngủ. Biết cô bệnh nên tụi minh kéo nhau đi ăn. Mơ dẫn vào một quán bề thế lắm. Bảo ăn cho biết. Đúng là ăn cho biết thật, vừa mắc, vừa dở. Ăn xong hai đứa lóc cóc đi thăm cô Thu Cúc. Thật tiếc Cô vừa về Đà Lạt dự Lễ Kỷ niệm Năm mươi lăm năm ngày Thành lập trường Bùi Thị Xuân. May mà còn có Thầy ở nhà. Thầy là Giảng sư Đại Học ở đây Thầy Hoàng Thạch Thiết Người lịch sự, cởi mở. Thầy trò nói chuyện thật vui, luôn nhắc mình sau khi thăm khắp nơi , về lại Sài Gòn nhớ ghé lại thăm Cô. Mình không hứa chắc nhưng hứa sẽ cố gắng.
Rời nhà Thầy , trở lại thăm Cô Lăng. Cô thật vui khi gặp lại học trò cũ của mình. Căn bịnh nan y làm cô xanh xao, gầy ốm nhưng cô vẫn cố vui, vẫn lạc quan. Nhắc nhở lại kỷ niệm nơi mái trường xưa. Bàn về ngày BTX hội ngộ sắp tới ở nhà Cô. Nếu nhìn bề ngoài của Cô lúc nào cũng cười nói luôn miệng đâu ai biết cô vướng phải căn bệnh hiểm nghèo như vậy. Mình phục Cô quá. Cô can đảm vô cùng khi cố chịu đựng cơn đau. Cô phải thường xuyên qua Singapore trị liệu. Cô ơi ráng bảo trọng. Cầu xin cho Cô qua khỏi cơn bệnh ngặt nghèo này. Em thương Cô lắm nhưng làm sao chia sẻ được với Cô những nỗi đau Cô đang gánh chịu đây. Cầu xin ơn trên cho Cô mau khỏe lại.
Tụi mình về sớm để Cô nghỉ ngơi, sau đó, đi náo loạn Anh Sáu. Giả giọng, lấy tóc che gần hết khuôn mặt hỏi có nhận ra mình không. Anh tỉnh bơ gõ vào đầu mình “ Vẫn phá phách như xưa....Làm sao mà không nhận ra được ”Anh vẫn trẻ nhiều nếu so với số tuổi . Cười vui thoải mái chọc anh, chớ ngày xưa nào dám... Giờ lằn ranh giữa Thầy trò đã gần lại. Đã có thể trò chuyện như bạn bè, như anh em. Giá như ngày xưa là hiện tại thì mình sẽ ra sao với “ tình trong như đã…”. Lại một thoáng hương xưa! …
Trời chuyển mưa…Đáng lý phải “ Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách…” nhưng ở đây Anh Sáu đuổi hai đứa như đuổi tà. Anh sợ mưa làm “ ướt áo em yêu’’chăng? Hai đứa ra đường đón xe, cười rũ rượi. Vui như chưa bao giờ được vui như thế. Nhỏ Mơ đoán già, đoán non, có lẽ anh Sáu cảm động quá…luống cuống, lúng túng khi hai đứa thẳng tay đàn áp, sợ thua hai con nhỏ nên lo đuổi đi sớm…và biết đâu anh quá “ xúc động” khi lâu quá mới gặp lại người xưa. Cũng có thể lắm chứ sao?
Buổi tối
Đi thăm Anh Luật và chị Kim . Anh thật cởi mở dễ thương, có tình, có nghiã chứ không như những ông cán khác. Chị săn sóc anh hết mình. Đúng là một người vợ hết lòng với chồng con, thương yêu chăm sóc không quản ngại. Mình nghĩ anh đau lâu lắm rồi thì phải. Anh bị bịnh tiểu đường. Giờ lại mới mổ tim.Trông anh thật xanh xao nhưng luôn lạc quan, tin tưởng. Anh còn bày cho mình cách tập thể dục để giữ cân bằng cho cơ thể. Chị đang làm cho một công ty Đại Hàn. Rất may là công ty mướn nhà chị để làm việc nên chị vừa có thể làm việc, vừa gần gũi chồng để trông chừng. Chừng một vài tháng nữa Bằng, con Anh chị sẽ qua Mỹ du học. Chị có vẻ lo lắm. Tụi mình hứa với chị sẽ thường xuyên gọi, động viên thằng bé. Sống ở Sài Gòn, lại sinh trong một gia đình giàu có mà Bằng lại ngoan ngoãn, chí thú học hành, không ăn chơi phá phách như những con cáí những cán bộ có tiền khác. Cũng mừng cho anh chị.
Nói chuyện với anh khá lâu, anh hối chị dẫn tụi mình đi ăn tối. “ Quán Ngon ” buổi tối đông nghẹt người, dễ chừng cả mấy trăm khách hàng. Phải chờ một lúc mới có chỗ ngồi. Việt , Mỹ , Tây ba lô ngồi chật ních. Người tiếp viên dẫn vào bàn ngồi. Mình và chị Kim làm một vòng quanh quán tìm món ăn để gọi. Nhìn món nào cũng hấp dẫn hết. Mùi thịt nướng, mỡ hành, gà quay, riêu ốc… bay lên ngào ngạt. Tụi mình quay lại chỗ ngồi để cho My, Thy đi một vòng lựa món ăn tiếp. Mình nghĩ đây là quán làm theo dạng Quốc doanh xưa. Mỗi chủ nhân chịu trách nhiệm về món ăn của mình. Khi có người order. Họ làm ngay tại chỗ. Người tiếp viên trực tiếp nhận thực đơn và mang lại bàn cho khách. Kiểu làm này thật nhanh chóng nên tụi mình không phải đợi lâu. Trong lúc chờ thức ăn mang lại , tụi mình ngồi nhìn bao quát. Tây balô có vẻ rất sành ăn, dùng đũa thuần thục như dân mình. Vừa ăn vừa líu lo trò chuyện. Nhìn họ điệu nghệ lấy rau sống, gói bánh xèo chấm vào chén nước mắm ăn một cách ngon lành… Mình chợt mỉm cười thán phục. Quả thật nhập gia tùy tục. “ Bạn có thấy ăn bốc cũng tuyệt vời lắm chứ?” Chỉ nghĩ vậy thôi chứ đâu dám hỏi. Tối nay tụi mình chọn những món ăn quen thuộc mà ngày xưa tụi mình vẫn thích ăn. Nghêu, ốc…chấm mắm gừng. Bánh khọt chấm mắm nêm. Bánh tôm, chạo tôm, bánh bèo, chả giò. Sau đó còn gọi thêm bún riêu, mì Quảng…Mỗi thứ ăn một ít. . và hình như món nào cũng ngon cả…Hy vọng mọi người cũng có cảm nghĩ như mình khi vào quán “ Ngon” này. Tối về, chắc phải gọi các con khoe đã được dự một buổi tối thật tuyệt.
Ngày tháng …
Sáng thức dậy sớm, ra balcon ngắm xe qua lại. Sàigòn thức vội, hối hả chạy đua với thời gian, với cuộc sống…Trời hôm nay nóng hơn mọi hôm, hy vọng sẽ có một cơn mưa cho đỡ nóng...nhưng dù mưa hay không thì mười hai giờ trưa nay tụi mình cũng lên máy bay ra Đà Nẵng.
( còn tiếp... )
Forget me not Dalat

Sunday, August 16, 2009


VIỆT NAM DU KÝ
Ngày..tháng...năm
Mua vé chuẩn bị cả gần nửa năm trời.Thời gian chờ đợi dài dằng dặc. Vậy mà, lúc nó đến mình lại thấy nhanh làm sao. Chờ những chiều tan sở, những hôm chủ nhật rảnh rang, những ngày cửa hàng big sale . Mình đã góp nhặt, mua sắm khá đầy đủ quà để mang về Việt Nam tặng bạn bè, người thân... Tân hứa tối nay sẽ đưa hai đứa ra phi trường nhưng thấy xe nhỏ không đủ chở hết hành lý, My gọi bác tài Hiệp đến chở. Chuyến bay sẽ khởi hành lúc mười một giờ bốn lăm tối. Mới năm giờ chiều, Ông đã gọi đến:
- Chuẩn bị đi nghe. Hai mươi phút sau là tôi có mặt đó.
- “ Có thật không bác tài?? ” Mình lẩm bẩm một mình nhưng cũng nhanh chóng mang hành lý lên xe để bé Tâm chở đến nhà ngoại.
Ăn thật lẹ tô mì Quảng do Ngân nấu. Bác tài đã đến hối lên xe. Té ra ông phải đi đón một cặp vợ chồng cùng đi trong chuyến bay của mình .Ngồi trên xe nghe hơi rượu nồng nặc. Ớn quá!!.Không dám hỏi, chàng có “xỉn” không? Mà hỏi thì làm được gì bây giờ nên thôi cứ giao thí cho bác tài cái mạng này vậy. Lòng vòng chàng chạy đến Diamond Bar đón khách. Đêm tối lại thêm hơi men nên loanh quanh tìm nhà trễ cả hai chục phút. Sau khi chuyển hành lý lên xe, bác phom phom hướng về phía phi trường. Lúc này mình lại điên cái đầu vì mùi dầu thơm nồng nặc của bà khách đi cùng xe. Ngày hôm nay lỗ mũi của mình bị tra tấn kỹ quá. Riêng bác tài yêu dấu của bọn mình. Long thể bất an ( hẳn là vì rượu rồi? ) Bác càm ràm. Bác nói tiếng Đức hơi nhiều khi nghe tiếng bóp còi của những chiếc xe chạy sau mình. Trên đường lại gặp một tai nạn xe có người chết ,do bất cẩn của một tay lái motocycle. Xe kẹt khoảng hơn nửa tiếng..Vậy mà đến Lax vẫn còn thật sớm, mới khoảng tám giờ tối. Check hành lý, trả thêm cho một kiện hàng một trăm lẻ chín đồng. Tìm gate ngồi chờ. Mình và My đem chả giò ra ăn để chờ lên máy bay. ..
Máy bay khởi hành thật đúng giờ. Mười một giờ bốn lăm máy bay cất cánh. Chuyến bay 105 . Boing 777- 300 Er. Khá rộng rãi. Ngồi ở hàng ghế giữa mình mới cảm thấy tức bà bán vé. Vậy mà nói bốc cho mình ngồi ở cửa sổ nhìn ra ngoài! Nhìn xéo ra ngoài khung cửa, nhạt nhòa một màn mưa…Lạy trời! Cho tụi mình đi đến nơi về đến chốn!. Lúc này các cô tiếp viên bắt đầu chuẩn bị cho bữa ăn tối. Những cô tiếp viên người châu Á quả xinh đẹp hơn những cô Mỹ ở những đường bay nội địa mà mình thường đi. Có một cô Việt Nam làm tiếp viên trong chuyến bay này. Bữa ăn đầu tiên trên chuyến bay họ dọn hai món: Pasta và cơm. Mình chọn cơm với tàu hủ. Khá ngon! My chọn Pasta . Nghe nói ăn cũng được!...
Cơm nước xong mình mở Tivi ra xem. Mở Sky compass để xem bản đồ cho biết thời gian máy bay đi được bao lâu. Bao giờ thì máy bay đến?
Thời gian dài dằng dặc mình không hề chợp mắt tí nào. Xem trên màn hình, máy bay đang bay với tốc độ 902/Km giờ. Nhiệt độ ở ngoài trừ Bốn lăm độ C ( - 48 độ F ) Trong khoang máy bay khá lạnh . Mình lấy mền ra đắp rồi mở phim ra xem. Một phim Ấn Độ thật buồn. ..
Ngày… tháng …năm …
Vẫn trên phi cơ. Ngày mới bắt đầu. Cô tiếp viên đến trao cho mỗi người một chiếc khăn ấm để rửa mặt. Điểm tâm với món sandwich, bacon, trái cây. Ai không dùng sandwich có thể ăn cháo cá hoặc thịt. Suốt những tiếng dài không ngủ mình chỉ biết xem phim, đọc báo và đợi chờ …Máy bay giảm độ cao và từ từ đáp xuống phi trường Đài Bắc lúc 5 giờ 40 phút sáng giờ Đài Loan ( 4 giờ 40 sáng giờ Sài Gòn , nhằm lúc 1 giờ 40 phút chiều giờ Cali) . Phải đợi ở phi trường Đài Bắc hơn ba tiếng rưỡi. Thấy phải đợi khá lâu, tụi mình gởi hành lý xách tay cho mấy bà Việt Nam đi cùng chuyến rồi dung dăng dung dẻ đi chụp hình. Phi trường Đài Bắc rộng và sạch. Trong phi trường họ trang trí thật đẹp, tạo những cảnh nhà tranh, hoa, trái thật tự nhiên để du khách có thể chụp hình, quay phim…Có thật nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, bán những vật cần thiết khi du lịch như máy quay phim, máy chụp hình… nhưng thật đắt so với giá bên Mỹ. Tụi mình còn được nếm thử món bánh dứa( thơm) ở đây thật tuyệt. Khách chờ cũng có thể lên internet ở đây không phải trả tiền. Mình muốn gởi Email cho nhà nhưng thấy computer bận rộn nên thôi…
Khoảng 9 giờ 10 phút tụi mình sắp hàng lên máy bay nhưng phải đợi đến 9 giờ 45 phút máy bay mới bắt đầu rời khỏi phi đạo. Mình đang tiến dần về Việt nam rồi đó. Có một chút nôn nao.Từ Đài Bắc về Việt Nam tụi mình cũng đi bằng phi cơ phản lực 777 nhưng những tiện nghi trên máy bay không bằng. Đã chán xem phim trên chặng đường dài từ Los về Đài Bắc, ở đây TiVi cũng không có mà xem mặc dù chuyến bay cũng dài hơn ba tiếng.
Khi cô tiếp viên loan báo Phi cơ sắp đến phi trường Tân Sơn Nhất, tụi mình bắt đầu sắp xếp lại hành lý. Thật tiếc không thể quay phim từ trên cao xuống như dự tính
Nhưng không sao tụi mình có cả tháng trời thâu vào ống kính cả một quê hương thân yêu cơ mà!. Máy bay đáp xuống phi đạo đúng 11 giờ 45 giờ Việt Nam ( 12 giờ 45 giờ Đài Bắc). Chuyến bay dài đúng ba tiếng từ Đài Bắc về đến Sài Gòn. Rốt cuộc mình đã đặt chân trở lại mảnh đất quê nhà yêu dấu!.
Đẩy hành lý vào phi trường, cũng khá ngạc nhiên là Tân Sơn Nhất đã thay đổi, lớn hơn, khang trang hơn. Dĩ nhiên không bằng những sân bay mình đi qua nhưng như vậy cũng đã tiến bộ rồi. Bước vào nơi phải xuất trình Passport - một hàng dài cán bộ với bộ màu áo xậm màu hơn màu áo vàng ngày xưa, màu áo mà mì̀nh thật “dị ứng”. Hơi run. Không phải sợ mà thấy ghét. Mấy chàng hải quan đi lòng vòng, điện thoại lớn cầm tay nó oang oang, giọng Bắc phía bên kia…Mặc cho bạn bè dặn dò không thèm bỏ một xu nào. Thôi kệ. Họ khác mình khác. Kẹp đại năm đồng vào Passeport, gọi là tiền Tê cho xong, cho đầu đuôi đi lọt mà. Cậu em khoảng hai lăm, hai sáu tuổi hỏi thật dịu dàng :
- Tiền cà phê hả chị? . Mình mỉm cười
- Chị về ở đâu?
- Chị ở Khách sạn.
- Khách sạn nào?
- Chị chưa biết. (dù mình đã biết!)
- Chị có về Đàlạt không?
- Có chứ.
- Thôi chị đi du lịch vui nhé!.
Quả thật “ êm như mơ”…Tụi mình đi lần ra chỗ lấy hành lý gởi. Vài chàng áo xanh chạy ra đon đả.
- Chị có mấy kiện hàng? Những kiện hàng chị buộc dây màu gì?
- Màu hồng có hoa giống sợi giây này nè. My trả lời và chỉ sợi dây đang quấn trên hành lý xách tay.
Thế là hai đứa đã mặc nhiên chấp nhận để cho họ giúp mình đưa hành lý lên xe đẩy. Nghĩ cũng phải thôi, những hành lý nặng trịch nếu không nhờ giúp đỡ làm sao mình rinh cho được. Lại lén lút giúi vào tay anh chàng. Dĩ nhiên là tip đó nha.
Chưa hết, thủ tục phải đi qua trạm cuối. Nhìn thiên hạ bị lục tung hành lý ra xét mình cũng ngan ngán. Thật ra mình đâu mang hàng quốc cấm đâu mà sợ nhưng nếu bị bắt lục tung ra , cái màn xếp vào cũng đã mệt. Đẩy qua màn hình scan. Lại một nhân viên hải quan giúp đỡ dành giúp khiêng lên xe và đẩy phụ. Hành lý cuả mình đi ngon ơ qua trạm cuối. Ngoài cửa đã thấy lố nhố thân nhân đi đón ngoài vòng cản. Miệng chàng mấp máy nhìn mình .” “ O.K chị biết rồi chú út ạ.”
Ra ngoài, đội quân taxi chạy ào đến thăm hỏi, đã nói là có người đến đón rồi mà họ vẫn bám theo không buông tha. Chờ hoài không thấy ai, My phải chạy quanh tìm, một lúc dẫn Trang lại. Con bé ngày xưa ốm nhom ốm nhách nay khá là tròn trĩnh. Một lúc vợ chồng Sanh, An đến, sau cùng là Thy, Thy cũng ở bên Mỹ về trước cả tuần nay. Lên xe tụi mình thở phào nhẹ nhõm. Sài gòn giờ trưa xe cộ đông đến ngộp, tiếng còi xe, tiếng máy xe nổ của xe hơi, xe gắn máy ồn ào. Sài gòn trước lúc mình đi đã đông nay càng đông khiếp. Phải nói là họ dành nhau chạy trên đường phố. Họ lấn nhau chạy. Họ kèn kựa nhau. Nhiều lần mình thót tim tưởng xe mình sẽ đụng. Thật hú hồn bác tài đã khéo léo lách ngay trong đường tơ kẽ tóc. Ôi Sài gòn!. Ngày đầu tiên trở về, mình đã hãi sợ xe cộ nơi đây. Mình ngẫm nghĩ : Vài năm sau nữa Sài Gòn làm sao xoay trở với nạn kẹt xe đây? Niềm yêu xưa, cảm tình với Sàigòn ngày xưa đã suy giảm ngay ngày đầu mình về thành phố.
Xe chở tụi mình đến Khách sạn ở trên đường Lý Tự Trọng. Khách sạn Thy mướn gần chợ Bến Thành cho tiện việc đi lại. Căn phòng thật rộng có hai giường lớn. Gần cửa ra vào lại có một phòng chiếc, giá cả cũng thật nhẹ nhàng, ba trăm năm chục ngàn một đêm, khoảng hơn hai mươi đô Mỹ.
Đưa hành lý vào khách sạn, tụi mình kéo nhau ra chợ Bến Thành. Đi bộ chỉ khoảng năm phút là đến. Mình chọn món đầu tiên khi về đây là bánh bèo. Ăn cũng tạm được. Món da heo trong bánh bèo thật ngon, có lẽ hấp dẫn hơn bên Mỹ. Ăn xong cũng chưa đủ no , cả bọn kéo qua hàng bánh cuốn tráng tay, ăn cũng tạm được chớ không xuất sắc. Mặc cho bà hàng mời mọc, mình và My nhất định không dám uống nước đá. Bịnh dịch tả đang có ở Việt Nam. Đương nhiên ai mà dám thử lửa! .
Về đến khách sạn, tắm táp xong mình leo lên giường đánh một giấc đến sáng.
( Còn tiếp)
Forget me not Dalat

Thursday, June 25, 2009

TRĂNG XƯA TRĂNG XƯA

Chị Lạng khoác lên vai chiếc khăn tắm, rón rén mở cửa. Bà Cửu đang ngồi têm trầu trên chiếc trường kỷ nói vọng ra:
- Nhớ tắm nhanh về sớm, nghe con!
Chị đáp vội :
- Dạ! Con tắm một chút rồi về liền mà mạ. ̀̀̀̀̀̀̀ Từ nhà chị Lạng ra sông chỉ non hai trăm bước. Để khăn tắm lên bụi cỏ cạnh bờ sông. Chị từ từ bước xuống bậc cấp bằng đá, xây sát cạnh bờ. Để nguyên quần áo, chị nhẹ nhàng đặt chân xuống nước, rồi đi lần ra giữa dòng. Sông Hương mùa này nước thật cạn, chỉ cao ngang ngực chị. Nước mát lạnh, chị cảm thấy thật dễ chịu. Gần cả năm nay, chị mới được tắm lại trên dòng sông quê hương của mình. Kể từ lúc thay đổi chỗ làm, đến dạy tại một vùng xa tít ở mũi Cà Mau, mỗi năm chị mới về một lần. Chị ở lại đây một hai tháng. Bà Cửu thương con, không muốn con sống xa nhà nhưng lại chiều theo ý con gái, bà không ngăn cản sự chọn lựa của con mình.
Trăng đã lên, ánh trăng mười sáu nhẹ tỏa, lung linh in bóng xuống dòng sông. Chị Lạng nghịch ngợm lấy tay khỏa nước cho trăng tan, rồi đứng thật yên lặng, hầu như bất động, chờ trăng tụ lại nơi đáy sông. Chị chợt mỉm cười thấy mình đã lập lại những động tác này ở những tháng năm xa xưa cũ.
Trăng nằm đáy nước trong veo.
Cầm chèo ta đập mấy hèo trăng tan.
Khác với thái độ cay cú của người thơ, chị Lạng yêu mặt trăng lồng đáy nước. Chị chỉ muốn trăng lung linh, diễm ảo không tan. Chị chỉ muốn ôm mảnh trăng vào lòng. Chị nín thở, ngụp xuống dòng sông để nhớ lại cảm giác xưa cùng bạn bè tuổi nhỏ lặn xuống sông tìm trăng. Chỉ vài giây sau, chị ngoi lên, mặt mũi, tóc tai sủng ướt. Vuốt mớ tóc dài ra sau, chị Lạng tiếp tục bơi, tiếp tục lặn ngụp, vẫy vùng trên quãng sông vắng. Dòng sông thân thương đã cho chị quá nhiều kỷ niệm của tuổi ấu thơ, cuả tuổi trưởng thành. Nhớ những buổi chiều, sau giờ tan học, cả bọn trai gái trên mười đứa, rủ nhau ra bến sông bơi lội. Cái thưở chưa biết mắc cở, còn tồng ngồng nghịch nước, tạt nước vào nhau rồi cười đùa vang cả khúc sông. Lớn hơn một chút đã biết e thẹn, cũng cùng nhau đi tắm sông nhưng bọn con gái đều mặc cả áo quần xuống nước. Dù vậy, cái phá phách, nghịch ngợm chỉ tăng chứ không giảm. Giờ thì, mỗi người một nơi. Sơn và Thắm sau đám cưới đã dọn vào Lâm Đồng lập nghiệp. Thành và Vinh, đi lính, tử trận ở hạ Lào. Một số bạn sau Mậu Thân đã bỏ Huế ra đi không về nữa. Trong nhóm bạn xưa chỉ có mình Thủy là còn ở đây, sống đạm bạc với mẹ già, nguồn thu nhập chính của hai mẹ con là mảnh vườn trồng cây ăn trái. Vườn nhà Thuỷ có thật nhiều thanh trà. Thanh trà nhà chị ngon nhất xóm, trái ngọt lịm. Trong vườn còn có những cây mận xanh trái nhỏ, dòn và thơm, quyến rũ bọn nàng vô cùng. Bởi thế, sau mỗi lần đi tắm sông về, chị Lạng và các bạn đều ghé nhà Thủy, len lén mạ hắn hái trộm mận, trộm đào rồi chia ra mỗi đứa vài trái, mang về nhà ăn với muối ớt dằm, có bạn không ăn thì để dành hôm sau đi học mang nhem thèm với các bạn cùng lớp. Trái cây ở Kim Long ngon nổi tiếng. Kim Long không những nổi tiếng có trái cây ngon, còn nổi tiếng có nhiều gái đẹp.
Kim Long gái đẹp mỹ miều
Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi.
Những ông vua còn mê gái đẹp Kim Long nữa là! Kim Long thơ mộng trữ tình. Kim Long nằm hiền hòa bên cạnh dòng sông Hương bốn mùa nước trong xanh. Kim Long là quê hương vô cùng yêu dấu của chị. Chị Lạng cảm thấy hãnh diện được sinh ra và lớn lên ở nơi này, được nuôi lớn bằng những giếng nước ngọt ngào thanh khiết. Cây cỏ tươi xanh, nước ngọt ngào. Có lẽ vì vậy mà con gái Kim Long có nước da trắng hồng, mịn màng tươi mát, đẹp tự nhiên không son phấn. Chị Lạng yêu biết bao nhiêu nơi chốn này, nơi chị sinh ra và lớn lên, nơi cho chị biết bao nhiêu kỷ niệm. Chị yêu tiếng hò trên dòng Hương giang, những điệu hò trầm bỗng ngọt ngào thấm đượm lòng người. Chị thương tiếng chuông trong trẻo của Thiên Mụ vào những hồi kinh sáng, chiều. Chị đâu muốn xa Kim Long. Chị đâu muốn xa cố đô yêu dấu của chị. Chị nào muốn xa mạ. Rứa mà chị cũng đành đoạn ra đi. Chị đi để quên Tuấn, quên mối tình đầu đời gắn bó. Nơi đây, một gốc cây, một bụi cỏ, một con đường và...cả dòng sông mênh mông trước mặt, tất cả đầy ắp hình bóng chàng. Cậu con trai cùng học chung trường tiểu học, cùng tắm chung một dòng sông, cùng uống chung dòng nước mát, cùng chạy nhảy chơi đùa, bẻ hoa bắt bướm, cùng phá phách nghịch ngợm bên nhau. Lớn lên , hai đứa thề nguyền gắn bó. Lễ dạm ngõ cũng đã cử hành. Lễ hỏi cũng đã diễn ra. Chị Lạng đã run run xúc động khi nhận chiếc nhẫn đính hôn tự tay chàng đeo vào ngón áp út của mình. Nghĩ mình là người sung sướng nhất, hạnh phúc nhất. Vậy mà! Một buổi sáng mùa Xuân, giặc đã về bắt Tuấn ra đi biệt tăm, biệt tích. Ngày họ rút lui, chị đã gào khóc thê thảm chạy đi tìm xác chàng trong những mồ chôn tập thể. Chị Lạng đã không thể tìm ra một dấu tích nào chứng minh Tuấn có mặt trong số nạn nhân xấu số ấy. Chị nuôi hy vọng anh còn bị giam giữ ở một nơi nào đó. Chị Lạng đã đến chùa, đến miễu … cầu nguyện cho Tuấn được bình yên. Nghe nơi đâu có thầy bói giỏi, chị cũng không bỏ qua chỉ để hy vọng tìm biết tin chàng. Người cho biết chàng đã chết. Kẻ thì quả quyết Tuấn chỉ bị bắt giam và sẽ được trở về một ngày gần đây. Chị Lạng đợi chờ trong hy vọng. Năm bảy mươi lăm, ngày miền nam Việt Nam hoàn toàn rơi vào tay cộng sản. Chị Lạng lại khấp khởi hy vọng Tuấn sẽ trở về sau những tháng năm bị bên kia giam giữ. Nhưng thật hoài công, như “ bóng chim tăm cá ’’ Tuấn của chị đã vĩnh viễn không trở về. Quá thất vọng đau buồn, chị Lạng quyết định bỏ Huế ra đi. Chị xin thuyên chuyển về tận một vùng cuối Việt.
Những dòng suy nghĩ cuốn hút chị trở về với dĩ vãng đau buồn mà chị Lạng đã chôn chặt tự đáy lòng. Chị Lạng uể oải trở về nhà, ra sau chiếc bể cạn. Chị múc nước xối lại toàn thân. Nước mát lạnh làm chị thấy dễ chịu hơn. Lặng lẽ vào nhà thay quần áo. Chi ̣Lạng để nguyên cả tóc còn chưa khô lắm, thả mình xuống chiếc giường quen thuộc. Chị sung sướng hít mùi thơm của drap, mền mới giặt. Bà Cửu biết con sắp về đã thuê người đến giặt giũ, lau chùi căn phòng của chị. Chị Lạng chợt thấy thương mạ vô cùng. Mạ lúc nào cũng thương yêu, chiều chuộng nàng. Vậy mà chị đành đoạn bỏ mạ ra đi. Sau ngày chị Lạng đi, bà ở với đứa cháu gái gọi bằng cô. Tháng trước đây, cô
cháu gái đi lấy chồng, dọn ra Đà Nẵng. Bà Cửu lại ở một mình. Bà không hề đề nghị chị Lạng về đây sống với bà nhưng chị Lạng biết niềm mong ước lớn nhất của mạ lúc này là mong chị trở về. Chiều hôm qua, về đến nhà, sau lúc hàn huyên với mạ, chị Lạng chạy qua thăm Thủy ngay. Thủy chửi nàng : “ Cái con bất hiếu ni. Bao chừ mi về ở đây luôn. Liệu mà về cho sớm. Mạ đã già rồi mi nợ !” Ờ, mạ đã già đi! Lần này trở về, chị Lạng thấy mạ đã ốm hơn, tóc bạc nhiều. Mạ đã gần bảy mươi tuổi rồi còn gì. Chị Lạng tự nghĩ : “ Mình phải về thôi ” Chị cũng đã thấm mệt với sự ruỗi rong, tránh né của mình. Chị sẽ về lại đây với mạ, với Huế thân thương.
Trằn trọc không ngủ được, chị Lạng mở cửa bước ra sân. Nằm trên chiếc võng đưa cột giữa hai gốc cây sung, chị Lạng ngước mắt nhìn trời đêm. Trăng đã lên cao, ánh trăng sáng tỏ chiếu xuống khu vườn. Gió lay động những tàn cây, kẽ lá lao xao. Cây, lá, hoa lung linh mờ ảo trong đêm trăng tuyệt diệu. Ve kêu râm ran. Chúng đang tấu những tấu khúc nhịp nhàng, êm ả. Mùi hương hoa bưởi, hoa chanh trộn lẫn mùi hoa lài, hoa dạ lý ngào ngạt trong đêm. Ồ, chị Lạng còn ngửi được cả hương thơm thật đặc biệt thoang thoảng trong gió. Phải rồi, đó là hương ngọc lan. Bụi ngọc lan mà Tuấn đã đem đến tặng chị. Chị chê mùi hoa nồng quá nên bắt Tuấn trồng tận cuối vườn. sát bờ hàng rào nhà hàng xóm. Vậy mà Tuấn không giận, vẫn chiều theo ý chị. Gần hai mươi năm rồi, cây ngọc lan đã già cỗi nhưng vẫn cho hoa hàng năm. Lần theo mùi hương, chị Lạng đến tận cuối vườn. Trong ánh trăng sáng, chị Lạng thấy rõ cả những nụ hoa chi chít trên cành. Với tay ngắt một đoá ngọc lan, chị cài lên tóc. Mùi hương nồng, hơi gắt ở ngày xưa, bây giờ bỗng nhiên như dịu đi, ngọt ngào quyến rũ hơn. Chị thì thầm “ Tuấn ơi! Em đã thấy yêu mùi ngọc lan rồi đó Tuấn biết không? Em sẽ về lại đây Tuấn ạ. Sẽ thay anh chăm sóc cội ngọc lan. Sẽ mãi mãi sống nơi này. Dù không có anh bên cạnh nhưng anh mãi hiện hữu trong em. Anh là vầng trăng cao cao, bàng bạc trên kia. Anh là con sông mênh mông trước mặt nhà. Anh là hoa, lá, cỏ cây, bao quanh ngôi nhà mạ. Tuấn ơi, sáng mai này, em sẽ thưa với mạ. Sẽ nói với người: “ Mạ ơi! Con sẽ về ở luôn với mạ, với Huế dấu yêu. Con sẽ sống hết quãng đời còn lại bên mạ, bên mảnh vườn tràn đầy hương sắc của mình.’’
Chị Lạng ngước mắt nhìn lên cao, trăng vẫn vằng vặc sáng, soi rõ bóng cây đa với chú cuội. Chi Lạng chợt mỉm cười nhớ lại bài ca ở những mùa trăng tuổi nhỏ Tuấn và bọn nàng thường hát “ Thằng cuội yêu chị Hằng Nga, nói dối ông bà đi bán cà rem. Ố tang tình tang, ố tang tình tình …” Ôi ! Thiên đường tuổi nhỏ! Chị Lạng chợt nhận ra ở nơi này. Huế của chị. Kim Long yêu dấu của chị. Chị đã tìm lại tất cả những gì chị ngỡ đã đánh mất. …………..
Forget me not Dalat

Wednesday, April 29, 2009

NHỚ MẸ
Những tháng tư về, con buồn nhớ mẹ,
Tóc bạc lưng còng, bới xách nuôi con.
Mẹ nắm tay con, dặn dò nhắn nhủ :
“Ráng nghe con, mẹ sẽ đợi con về!”

Cầm tay con, bàn tay thô chai sạn.
Mẹ nghẹn ngào: “Thật tội nghiệp con tôi!
Bàn tay xưa chỉ biết cầm bút mực,
Giờ cầm búa rìu, xẻ gỗ cưa cây,
Cuốc đất trồng rau, giãi dầu mưa nắng…”

Thân con ngục tù, mẹ quặn lòng đau.
Những lần thăm nuôi, đường xa vời vợi,
Mẹ vẫn băng rừng, lội suối, trèo non.
Trại cải tạo xa, sâu trong rừng núi,
Mẹ đã không hề bỏ một lần thăm.
Tay xách vai mang, nặng trĩu thân gầy,
Gô ruốc xả , bánh thuốc rê, đường cát,
Gói nặng thâm tình, tình mẹ cho con.
Những đêm ngục tù, nước mắt con tuôn,
Những giọt nước mắt xót xa nhớ mẹ.

Sáu năm cải tạo, con về bên mẹ.
Mẹ vui, sao nước mắt mẹ tuôn trào?
Bên mẹ, đời dù nghèo nhưng ấm áp.
Tình mẹ cho con, biển rộng sông dài...

Giờ đây tha hương, xứ người dung nạp,
Con đã có đời sống mới tự do.
Chỉ thiếu mẹ, thiếu tình thương của mẹ.
Tháng tư về, con nhớ quá mẹ ơi!

Mộ mẹ, cỏ vươn cao, hương khói nhạt?
Con vẫn biệt tăm đi mãi không về.
Đất nước vẫn còn mang màu cờ đỏ
Lòng con vẫn còn đau, hận mẹ ơi
Làm sao con quên nỗi đau mất mát?
Mất mát quê hương, mất mát mẹ hiền.
Con sẽ trở về khi đất mẹ bình yên .
Màu cờ đỏ thôi tung bay trong gió.

Tháng tư đen, nhớ mẹ hiền con thắp
Một nén nhang lòng, gởi đến mẹ yêu.
Một nén nhang cho quê nghèo yêu dấu.
Mẹ của con, đất nước Việt cuả con,
Xin gởi đến Người, niềm thương bất diệt.

Forget me not Dalat

Tuesday, April 28, 2009

Tường như mơ

TƯỞNG NHƯ MƠ




Thật không thể ngờ sau ba mươi năm Phương mới nhận được tin của người yêu dấu cũ. Sau cuộc chia ly đổi đời, Phương cùng gia đình di tản qua Mỹ, lúc ấy Anh đang đóng quân ở tận Cà Mau. Ra đi mang theo nỗi đau nhức không cùng, mất mát quê hương,mất mát người yêu đầu đời với những nguyện thề gắn bó. Anh đã đến với Phương khi nàng còn là cô học trò Trung học. Cậu con trai miền lục tỉnh mê kiếp chinh nhân, bỏ sông nước Miền Nam yêu dấu lên tận quê nàng tầm sư học đạo. Đến đây lạ xứ quen “ nàng” rồi yêu thương cô gái xứ Hoa Đào . Tình yêu thật dễ thương , nhẹ nhàng như mây trời Đàlạt. Bốn năm trui rèn văn, võ. Ra trường Anh lại chọn kiếp sống hải hồ. Thuyền Anh lênh đênh trên rông rạch Miền Nam, canh giữ những miền đất thân yêu của Tổ Quốc...Lời hứa trở về đón Phương trong ngày vui pháo cưới chưa thực hiện thì Miền Nam vĩnh viễn rơi vào tay Cộng sản. Thất lạc tin Anh. Chẳng đặng đừng Phương phải bỏ đất nước ra đi. Qua Mỹ, Phương không ngừng tìm kiếm nhưng vẫn biệt tin anh. Những năm gần đây, một vài nguồn tin từ bạn bè cho biết, sau nhiều năm cải tạo anh được thả ra. Nghe nói, anh đã có gia đình, sống đâu đó ở miền Nam quê anh. Phương nghĩ mừng cho anh, dù trong lòng vẫn không nguôi thương nhớ...
Sống độc thân ở một đất nước tự do, làm việc tương đối bận rộn trong một hãng điện tử. Rảnh rỗi đi đây đó du lịch, Phương cũng nguôi ngoai nỗi buồn xưa. Vậy mà, bỗng dưng sau bao năm trời vắng bặt tin Phương nhận được một món quà đóng gói kỹ càng, đề rõ tên người gởi là Anh, người nhận đúng tên nàng. Vui buồn lẫn lộn choáng ngợp hồn Phương...
Thật khó tin làm sao! Từ phương trời xa xôi ấy,từ Đà Lạt của nàng, Anh đã gởi đến Phương một bức ảnh chụp đẹp vô cùng. Bức ảnh thật lớn. Bức ảnh có chiều dài dễ chừng ba mét. Không biết anh làm cách nào để ghép, để rửa một bức ảnh chụp dài đến vậy. Run run xé chiếc hộp anh quấn tròn trong một ống giấy, cứng chắc như ống tre đằng ngà. Phương không đủ thông minh để đoán ra món quà anh trao tặng : Gởi em “ Đà Lạt một thời để nhớ” . Mắt Phương như nhoà đi. Cảm ơn anh đã bưng một trời Đà Lạt vào trong khung ảnh, cả một rặng thông xanh bao quanh vòng bờ hồ lung linh sóng nước. Phương như nghe đâu đây bản đàn êm dịu của ngàn thông. Thông reo trên ngọn đồi của ngôi trường ngói đỏ với vòm tháp cao của một thời đi học làm cô giáo. Thông xào xạc bên ngọn đồi cù, ngọn đồi thơ mộng nhất của Đà Lạt với những kỷ niệm khó quên. Những lần cắm trại ở lại đêm đốt lửa ca hát tưng bừng của những năm Trung học. Những hôm nghỉ học chạy nhảy bắt bướm, hái hoa, lang thang đào củ dẽo, củ mưa đá. Thông gợi nhớ bước chân trần rón rén bước trên những tấm thảm lá thông. Và nhớ làm sao những hôm mượn bờ vai anh để tựa. Chân duỗi dài trên thảm cỏ xanh, tỉ mỉ bện lá thông thành những chiếc nôi xinh xinh cho búp bế . Phương làm sao có thể quên những lúc nằm dài trên cỏ nhìn nắng lao xao qua những ngọn lá thông rồi cùng chung ước nguyện, ước cho tình yêu mình dễ thương như nắng, êm ả như mây. Anh ơi, gởi chi cho Phương rừng thông xanh lá ấy, gởi chi cho Phương nền trời pha sắc tím , màu tím buồn buồn như bản tình ca anh thường hát lúc sánh bước bên Phương dạo ấy “Anh sẽ đưa em về nơi chân trời tím... gom hết mây hai đứa xây lâu đài yêu...” Và đây rồi, Thủy tạ của chúng mình vẫn còn đây, vẫn yêu kiều duyên dáng soi bóng hồ Xuân Hương. Một chiếc thuyền câu với một lão ngư có chòm râu bạc trắng như tiên lững lờ buông lưới trên hồ khi sương mờ còn vương vấn. Cảm ơn anh đã đem vào trong ống kính một Thủy tạ mờ ảo lung linh đẹp như những lâu đài trong chuyện thần thoại.. Nhớ ngày xưa anh thường bảo, anh yêu sương mờ Đàlạt, anh yêu sương mờ quấn quýt chân em. Anh cao như thông rừng. Anh mạnh bạo như gió ngàn. Chí nguyện lớn, vẫy vùng ngang dọc nhưng... Anh lại lãng mạn như thơ, như sương, như khói mây Đalạt. Có phải vì vậy mà em yêu anh, người con trai vừa dịu dàng vừa uy dũng? Anh đi đâu, anh làm gì trong thời gian dài dằng dặc ấy? Dù có vợ, có con? Em vẫn mong biết một chút về anh. Để em không còn hoài mong, hy vọng!
“ Cảm ơn anh, dù muộn màng! Em giờ đây đã biết tin anh. Ít ra cũng biết được số nhà và thành phố đang có anh. Cảm ơn anh vẫn còn hiện hữu để còn nhớ đến em..và cũng rất cảm ơn anh đã gởi cho em cả một khung trời kỷ niệm.” Phương thầm thì như đang thủ thỉ cùng anh. Nàng đưa tay vuốt nhẹ mép ảnh, sờ nhẹ trên nền giấy láng mềm mại, tưởng như đang vuốt ve thảm cỏ xanh mướt ở đồi cù năm xưa. Kỷ niệm ùa về. Niềm xúc động trào dâng. Cố giữ không để nước mắt ứa ra, sợ nhòe bức ảnh. Bức ảnh mà người xưa của nàng đã gởi vào đây biết bao yêu thương, mong nhớ. Cảm ơn anh, em sẽ giữ mãi bức ảnh bên mì̀nh và tuy xa cách em sẽ không bao giờ quên được tình anh.
Cuốn bức ảnh lại. Phương nhẹ nhàng cho vào chiếc hộp. Lúc lấy tấm ảnh ra thật dễ nhưng lúc cất vào sao khó thế này?. Hình như có cái gì vướng trong chiếc hộp gỗ!
Phương kéo bức ảnh ra. Một lá thư với phong bì màu xanh khi xưa anh thường gởi, chợt rơi xuống.
Đàlạt, ngày, tháng, năm...
Phương yêu thương của anh,
Sau những tháng năm tù đày khổ cực, được thả ra. Anh tìm về Đà Lạt. Đau xót thật nhiều khi biết em đã ra đi. Anh trốn mình trong một cốc sâu...ẩn cư, quên đời, quên thế sự...Tưởng em đã có gia đình, có niềm hạnh phúc mới... Nhưng thật không ngờ, sau bao năm vắng bóng anh lại biết tin em. Có phải chăng cả anh, cả em vẫn còn chung nỗi nhớ?
Anh của em
Ôm bức thư vào lòng. Nước mắt nhạt nhòa. Phương nghe như đâu đây ngàn thông
vi vu réo gọi từ đồi cù lộng gió, từ đỉnh Lâm Viên đến đồi Bắc lao xao, kéo dài đến những thung lũng ngút ngàn thông xanh của Đàlạt yêu dấu, lời réo gọi thật thương yêu từ bên kia quả địa cầu xa lơ lắc... Phương cứ tưởng như mơ....
Forget me not Dalat

Mơn mởn

Sunday, February 15, 2009

CẢM ƠN ANH
* Viết cho T.


Cảm ơn anh với những lời ngọt ngào yêu thương trao gởi. “ Niềm vui, nỗi xúc động và sự mong chờ làm tim anh đập cấp năm, cấp sáu...” Dù là lời thật xuất phát tự trái tim yêu hoặc chỉ là lời nói đùa đẩy đưa làm em vui, thỏa mãn niềm kiêu hãnh ngấm ngầm của một người phụ nữ ở vào những ngày tháng về chiều vẫn biết còn có người thương nhớ. Dù gì chăng nữa em vẫn cảm ơn anh. Cảm ơn cái tình cảm muộn màng anh mới ngỏ.Ngày xưa tình thầm kín, yêu nhưng không dám nói. Sợ nói lại phải ngượng ngùng. Chừ bây giờ cứ nói ra để lòng thanh thản, tĩnh lặng...Nếu cuộc sống chúng mình gặp những trái ngang, những đau khổ...hẳn hai con tim sẽ cùng đập những nhịp đập cảm thông? Còn đây, chúng mình với những trùng vây giăng mắc, hạnh phúc có, yêu thương có… thì những gì mình nói hôm nay,mai đây chỉ là hoài niệm, nói để ...mà nói ..thế thôi...? Anh vẫn như xưa dịu dàng, ân cần và đầy niềm trìu mến. Anh vẫn như xưa..vẫn là một bóng dáng mờ xa, em chỉ muốn đứng xa ngắm, e ngại khi đến gần. Bởi thế, mình đã để vụt mất nhau. Cả em và cả anh không dám hỏi lòng mình. Có phải đó là tình yêu không đấy? Cũng thật buồn cười. Với anh, sao em ngại ngùng lúng túng, thế mà khi D. anh học trò trường làng với em ngày xưa mạnh bạo khoác vai em “ Bà, bà có biết là ngày xưa tui yêu bà không?” Em đã cười ngặt ngoẽo trả lời: “ Dở quá, nếu ngày xưa mà ông chịu nói là tui O.K liền.” Không cần biết lời hắn nói là thật hay giả ...cứ vui đùa thỏa thích để thấy mình như trẻ ra, để thấy sao dễ thương quá khi nhớ về ngày xưa thân ái đó.
Quán cà phê chiều nay thật vắng, nghe rõ từng giọt phin buồn thánh thót.Anh có già đi một ít với thời gian nhưng dáng dấp vẫn còn phong độ...Giá như còn khoác trên mình bộ treillis ngày nào, anh vẫn có thể làm rung động những em gái hậu phương yêu màu áo chiến. Ngày xưa em lúng túng bên anh trong ngày anh giã từ ngôi trường mẹ thân yêu đi vào nơi gió cát. Em chỉ biết chúc anh đi bình an. Anh ngập ngừng. Lời từ giã nhẹ nhàng… cơ hồ như anh chỉ nhấp vành môi “ Anh đi...nhé.” Những cánh thư từ phương xa gởi về dí dỏm, đùa vui...và những lời căn dặn ngoan ngoãn học hành cứ như thư của một anh trai dành cho em gái. Thế thôi... Ngày “ con sáo sang sông, con sáo sổ lồng..”.em vẫn ngậm tăm dấu kín tình cảm...và anh cũng vậy, chỉ chúc cho em những lời chúc hạnh phúc đến em trong ngày vui pháo cưới ngập đường...Rồi thôi...rồi mịt mù biệt tăm....rồi mất dấu....để qua bao nhiêu vật đổi sao dời, mình lại gặp nhau, để có thể trải lòng mình, dù cuộc đời đã chia muôn lối....
Anh về....bóng đổ dài trong buổi chiều nhạt nắng. Nhìn khoảng lưng với bờ vai rộng mà thuở nào em thầm mong một lần được dựa bên bờ vai cứng cáp ấy, từ từ khuất xa ở khúc quanh con dốc... Em chợt thấy lòng chùng xuống, nao nao...Thật mâu thuẫn làm sao! Em vừa muốn được nghe anh nói ra và....cũng nghĩ rằng phải chi anh đừng nói...để mặt hồ trong em không gợn sóng lao xao... “ Thôi đã muộn rồi..đừng mang theo hồn tôi. Thôi đã muộn rồi, tình yêu xa tầm với....” Đã xa khuất , đã muộn màng...vậy chúng mình hãy quên đi anh nhé? Thời gian rồi sẽ đi qua...tình yêu ấy chỉ còn là một thoáng hương xưa, nhẹ nhàng, lãng đãng...như mây thu, như sương mờ ban sáng. Đẹp đấy như không vững bền..Anh ơi! dù sao em vẫn muốn nói với anh một điều “Em cảm ơn Anh. Xin cảm ơn một thoáng hương xa xưa của em” anh nhé!.
Forget me not Dalat

Tuyết đầu mùa