Monday, November 30, 2009

Việt Nam Du Ký - Thăm Hà Nội

VIỆT NAM DU KÝ
(tiếp theo)
Thăm Hà Nội
Chuyến bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội của hãng Việt Nam Airline bay rất đúng giờ. Đúng sáu giờ mười lăm phút, máy bay cất cánh, khoảng hơn một tiếng sau tụi mình đã có mặt ở phi trường Nội Bài. Đón Taxi về nhà cô Nhuệ. Trên đường đi, Bác tài hỏi chuyện lan man…vì là lần đầu tiên ra Bắc, lại đến thăm một nơi đã vào tay CS khá lâu nên mình cũng e dè ...không dám nói nhiều và nhất định không hề lộ cho biết là mình ở bên kia về. Đường từ phi trường về Hà Nội rộng thênh thang, tráng nhựa láng bóng...Hình như được tu sửa nhiều sau ngày “miền nam giải phóng”. Trái với miền Nam đang mưa gíó. Hà Nội ban tối khí hậu khá dễ chịu. Thật may mắn trước khi đi Hà Nội mình đã được Cô Lăng giới thiệu ra Bắc gặp cô Nhuệ. Nhà cô ở Phố Hàng Bún. Đến nhà, Cô bắt hai đứa nghỉ ngơi, dùng cơm tối xong Cô mới chịu dẫn ra khách sạn. Lâu ghê mới được ăn thịt đông nấu kiểu Bắc. Thịt đông ăn với dưa chua không chê vào đâu được. Ăn xong cô gọi Thân, người cháu cô đến, Cô cho biết ngày mai Thân và Hưởng sẽ hướng dẫn hai chị em đi thăm nội thành. Cô rất bình dân và thật cấp tiến, chả thế cô có một cô con dâu người Anh, cậu cháu nội lên ba, nói tiếng Anh giỏi và tiếng Việt cũng rất nhuần nhuyễn . Cậu bé thật đẹp trai, có cặp mặt xanh và nước da trắng di truyền của mẹ, đôi má lúm đồng tiền dễ thương của cha.
Tuy mới gặp cô lần đầu nhưng cô rất thân thiện và cởi mở. Cô gọi điện thoại báo tin cho cô Lăng là tụi mình đã đến, sau đó kêu bé Thủy, cô bé giúp việc phụ với tụi mình đẩy hành lý về khách sạn. Dù không muốn làm phiền cô, cô cũng nhất định dành đẩy một hành lý.
Khách sạn có tên là Thiên Thai, ở đường Nguyễn Trường Tộ, chỉ ở cách nhà cô một khoảng , đi bộ chừng ba phút. Vào khách sạn mình lại càng phục sự khôn khéo, lịch sự của cô Nhuệ, một cô gái Hà thành xưa ,ăn nói duyên dáng, khôn ngoan, Cô đã mặc cả để khách sạn bớt cho tụi mình một đêm là mười đô. Số tiền không nhỏ ở Việt Nam. Dù đã được bớt rồi nhưng khách sạn ở đây cũng khá mắc so với Sài Gòn, 55 đồng một đêm. Thật ra tiền nào của nấy.Đây là khách sạn sang. Đa số khách là người Pháp, Anh , Đức... đến đây đi du lịch. Mình không gặp một Việt kiều nào ở đây cả. Phòng ở đây có hai giường rộng, ngăn nắp, sạch sẽ, có trà nước... Phòng tắm rộng, xây theo kiểu mới, không khác gì những khách sạn sang ở Mỹ. Điều lý thú nhất là phòng mình ở có thể nhìn ra mặt đường chính để tụi mình có thể quan sát sự sinh hoạt của thành phố.
Người tiếp viên khách sạn khiêng hành lý từ thang mạ́y đến cho tụi mình thật trẻ. Biết là khách nước ngoài về nên gạ gẫm tụi mình muốn đi tham quan hoặc đi ăn
tối ở Hà Nội cậu bé tình nguyện hướng dẫn. Cậu bảo thức ăn ở Hà Nội rất ngon với điều kiện phải biết chỗ. Mình từ chối khéo viện cớ mệt cần nghỉ ngơi, lúc cần sẽ nhờ sau. Cậu bé cười thật tươi tay mân mê đồng bạc năm đô mới toanh mình trao tặng...bảo là dân ở đây tin là đồng mới mang lại may mắn như tiền lì xì đầu năm...
Ngày...tháng..năm...
Hẹn với Thân và Hưởng sẽ gặp nhau tám giờ sáng tại khách sạn để bắt đầu cho một ngày viếng thăm nội thành. Khách sạn có buffet vào mỗi sáng nhưng hôm nay tụi mình quyết định sẽ đi ăn hàng ở Hà Nội. Thân bảo tiệm phở ở Nguyễn Trường Tộ rất ngon. Tiệm phở nhỏ chỉ để khoảng sáu bàn, phía trứớc tiệm thêm vài ba bàn nhỏ. Người ngồi ăn đầy nghẹt, tụi mình phải chờ một lúc mới có chỗ. Mới tám giờ sáng mà gàu, gân, vè dòn đã hết sạch, tụi mình chỉ ăn độc nhất món tái. Nước trong,bánh mềm nhưng không nát. Phở ở đây ăn với “ quảy” . Họ không gọi là “ gìò cháo quảy ”như trong Nam.
Bánh quảy ở đây bé xíu chỉ dài bằng một lóng tay. Quả thật Phở ở đây thật ngon. Từ nước dùng đến bánh phở thật tuyệt , Phở ăn với giò cháo quảy cũng khá đặc biệt. Mình hơi thấy lạ là phở ở đây không ăn chung với giá và rau quế, tuy vậy cũng không thấy giảm cái ngon của nó.
Đổ xăng cho bao tử xong tụi mình lên đường. Đường Hà Nội nhỏ hơn Sài gòn. Xe cộ cũng thật đông đúc nhưng người lái xe hình như ít chen lấn hơn Sài Gòn. Hà Nội vào mùa này khí trời mát mẻ. Được hai bác tài cẩn thận nên tụi mình thật yên tâm cho hai bác “ lai ” khắp nơi thăm Hà Nội. Trước tiên đi một vòng thăm qua thành phố, thăm “Hà Nội ba mươi sáu phố phường”. Cái tên gọi dính liền với Hà Nội xưa. Đa số những con phố không còn bán những đồ vật như những tên mang nữa mà họ bày bán đủ thứ..Trên một con phố... vài chị bán chiếu đang đẩy những chiếc xe đạp được chất những chồng chiếu đủ màu sắc.. cao ngất ngưỡng... Mình phải tự hỏi không hiểu làm thế nào họ có thể đẩy chiếc xe và mớ hàng cao hơn người thế kia?.Nhìn vẻ ốm o mà dẻo dai ấy mình càng thấy phục. Chưa hết mấy chú bán rổ, bán rá... còn thần sầu hơn, từ xa nhìn họ di chuyển,chỉ thấy chiếc mũ cối nhấp nhô bên cạnh mớ rổ, rá, to, nhỏ đủ cỡ trông thật buồn cười.
Loanh quanh vài vòng cho tụi mình ngắm ba sáu phố phường xong, Bác tài cho xe tiến ra xa thành phố để đến thăm Hồ Tây. Mua vài bó nhang, cả nhóm cùng nhau vào phủ Tây Hồ làm lễ. Nghe nói phủ ở đây thật linh. Ngôi phủ nhỏ mang những nét cũ kỹ...ít nhang khói, có lẽ tại ngày thường ít ai đến lễ. Phủ Tây Hồ được xây sát cạnh hồ bao quanh bởi những tàng cây to lớn nên thật mát mẻ. Dân chúng sống gần phủ Tây Hồ có vẻ nghèo, an phận với những ngôi nhà nhỏ bé, bình thường nhưng thơ mộng, khác hẳn dãy nhà đối diện bên kia hồ... biệt thự, cao ốc nhiều tầng mọc lên, ngạo nghễ, soi bóng mặt hồ. Hà Nội với cái cũ và mới đối chọi nhau. Không biết cái mới ấy có làm người dân Hà Nội ưa thích ?
Đi dọc ven hồ ngắm cảnh. Mặt hồ xanh trong, sóng nước lăn tăn. Mới sáng đã có những cụ già nhàn tản , bắc ghế ngồi trên những bệ đá câu cá. Nhỏ My mượn cần câu của một ông lão râu dài, bạc trắng để xin câu. Ông cụ vui vẻ trao cần, còn chỉ vẻ cách cầm cần câu như thế nào cho hợp cách. Tây hồ có lẽ thật nhiều cá. Mấy ông lão câu được bỏ vào lưới giữ lại hồ đến chiều câu xong mới mang về. Nghịch ngợm tụi mình kéo lưới cá lên để chụp hình, những nàng “ chép” thật lớn vùng vẫy trong lưới...Hy vọng tối nay các “lão câu” sẽ có một buổi nhậu thịnh soạn...
Rời Hồ Tây tụi mình đến thăm Hồ Trúc Bạch, chùa Trấn Quốc, đền Ngọc Sơn...Những địa danh thật quen thuộc này làm mình nhớ thật nhiều đến những bài Việt văn thời trung học làm sao.! Những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn như sống lại trong mình. Nào “ Nửa Chừng Xuân”, nào “ Đoạn Tuyệt”, nào “ Gánh Hàng Hoa”... . Hà Nội với cảnh sắc nên thơ của ngày xưa đã khiến người thơ rung động. Có lẽ thế Hà Nội đã sản sinh biết bao văn thi sĩ nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam.
Đi lòng vòng đã nửa ngày đường, ai cũng thấy đói bụng. Vậy là cả bọn về chợ Đồng Xuân ăn bún ốc. Nhìn kệ hàng xếp những cây chả lụa bé xíu, những dĩa ốc với những con ốc mấp mạp vàng ươm đã được khươi vỏ thật bắt mắt, chưa ăn đã thấy cồn cào. Ăn xong tụi mình còn gọi thêm mấy cây chả lụa. Chả ở đây thật ngon,thơm, đậm đà, không biết họ có dùng hàn the không nữa nhưng cũng chả sao, lâu lâu mới ăn một lần cũng chả hại gì.
Đến Hà Nội mình còn muốn viếng thăm cầu Long Biên. Cầu Long Biên được bắc ngang qua Sông Hồng. Đây là chiếc cầu cũ kỹ , những nhịp sắt đã rỉ sét, cầu cũng khá rộng, một bên đi và một bên về. Ở giữa là đường xe lửa. Song song với chiếc cầu cũ là chiếc cầu mới được xây cất sau này. Cầu mới với những nhịp cầu thấp, đều, đơn giản. Mình vẫn cảm thấy thích chiếc cầu cũ hơn, một phần cầu có giá trị lịch sử, một phần kiến trúc đẹp hơn. Nếu mình nhớ không lầm, cầu này do Pháp xây, còn có tên là Doumer...Điều thích thú nhất khi đi thăm viếng cầu Long Biên tụi mình còn được ngưng ngay trên cầu mua bắp. Bắp được trồng hai bên bờ sông, nhà vườn bẻ xong , ngồi ngay trên cầu bán. Mấy chị em mua ngay mấy chục bắp mang về. Từ cầu Long Biên (còn có tên là cầu Thăng Long) xe chạy ngang qua ga Long Biên, rồi trở về lại phố. Mấy chị em còn dừng chân trên phố ăn thêm món lục tàu xá. Đây là món lạ mà mình mới ăn lần đầu, mùi đậu xanh xay quyện lẫn với vị ngọt của đường, đậu phụng cũng khá hấp dẫn. Vui là mình và My còn mượn quang gánh của chú bán hàng gánh thử rồi cười dòn dã làm chú bán hàng cũng vui lây.Mình có cảm tưởng như trẻ ra, năng động hơn trong những ngày tháng rong chơi. Chàng Hưởng thật ít nói bỗng lên tiếng đề nghị : “ Thôi chúng mình mang “ ngô”về nhà cô Nhuệ, nhờ bé Thủy chiều “lay” “nuộc” giùm. Hai cô nghỉ ngơi khoảng một vài tiếng cho khoẻ, chiều chúng em sang “ nại”đi tiếp nhá”.
Ới ời....giọng Hà Đông của cậu bé không “chệt” đi tí nào làm chị em mình lại tủm tỉm cười.
Về lại khách sạn, tắm táp xong cả hai nằm dài trên giường thấy thoải mái làm sao. Chiếc giường thật rộng, mỗi người một cõi quả tuyệt thật. Không biết chợp mắt được bao lâu đã nghe điện thoại của Thân. Chiều nay hai nhỏ hướng dẫn tụi mình đi thăm một vài nơi nổi tiếng của Hà Nội .
Đến Hà Nội vào những ngày mùa Đông, nghe nói những ngày trước đây trời thật lạnh. Đón tụi mình trời chiều chỉ se lạnh. Không khí thật dễ chịu. Ngồi sau lưng bác tài, mình tha hồ bấm máy, thích nhất là hối chàng Hưởng chạy theo mấy chị bán hoa. Hoa ở đây được chất trên một rổ lớn, ràng sau xe đạp, vậy là các cô tha hồ đạp đi khắp thành phố. Cô bán hoa với gánh hàng của Nhất Linh hình như đã lùi vào dĩ vãng, cũng gieo vào lòng mình một chút xuyến xao. Tụi mình cũng có ghé thăm chợ hoa, hoa ở đây được chở từ những vùng phụ cận về. Chưa về thăm Đà Lạt lúc này nhưng mình nghĩ hoa ở đây nhiều và đẹp không thua gì hoa Đà Lạt. Lái một vòng loanh quanh thành phố theo lời đề nghị của mình xong, hai bác tài đưa tụi mình đến thăm Văn Miếu. Thật nhiều du khách, kể cả khách nước ngoài vào đây thăm viếng. Các cô hướng dẫn viên du lịch giới thiệu, giải thích từng địa điểm thăm viếng.. Cả một thời huy hoàng của hoàng thành xưa như được sống lại qua lời giới thiệu của các cô. Chụp vài pô hình kỷ niệm, mua một vài vật lưu niệm tụi mình trở ra ...tụi mình phải nhanh chân vì còn nhiều nơi muốn viếng. Rời Văn Miếu, hai cậu nhỏ chở ra chụp hình ở Thành cổ , thăm Hồ Hoàn Kiếm. Tháp Rùa không lớn như mình tưởng nhưng nếu không có Tháp Ruà, chắc có lẽ Hồ Gươm sẽ giảm đi những nét quyến rũ của nó . Chiều nay mặt hồ Gươm lăn tăn gợn sóng. Tuy là mùa Đông nhưng cảnh sắc nơi này hệt như muà Thu. Gió hiu hiu lay động những hàng cây lung linh soi bóng xuống hồ. Màu lá vàng gợi nhớ một mùa Thu nào đó trong thơ văn, trong nhạc...một mùa Thu rất Hà Nội...một mùa Thu thật quyến rũ!
Rời Hồ Gươm , điạ điểm kế tiếp là ngôi nhà yhờ cổ có từ lâu đời, sơn đã tróc lở phai mờ với thời gian nhưng thành phố vẫn giữ nguyên không sơn quết để giữ cái đẹp riêng và giá trị lịch sử của ngôi thánh đường lâu nhất nhì của thành phố Hà Nội. Sau khi thăm nhà thờ tụi mình đến thăm nhà hát lớn xây dựng từ thời Pháp thuộc. Một đoàn xe xích lô với màu sắc rực rỡ chở du khách ngang qua Nhà Hát Tây. Khá lâu rồi mình mới gặp lại những chiếc xe xích lô một thời của Sài Gòn xưa. Tụi mình cũng không quên đi viếng tượng Đức Lý Thái Tổ ở gần đó. Tượng Ngài được tạc thật cao, bề ngoài dát đồng uy nghi một cõi. Những chậu bông, những hoa tươi trước bệ thờ thật tươi tốt, có lẽ thường xuyên có người đến dâng hương, lễ bái..Thăm tượng Đức Thái Tổ xong tụi mình đi thăm Chuà Một Cột..Đến Hà Nội hầu như ai cũng muốn thăm viếng Chùa Một Cột. Đó cũng là mơ ước của mình. Chùa bé tí được dựng trên một cái hồ cũng thật nhỏ, trong hồ có thả hoa sen, hoa súng... bao quanh ngôi chùa là những hàng cau thật cao đang mùa nở hoa thơm ngát.Nhìn ngôi chùa nhỏ, xây dựng thật đặc biệt. Không biết người xưa có biết là họ đã ban tặng cho Hà Nội, cho đất nước mình một tặng phẩm thật quý giá không? Riêng mình, được đến đây ngắm cảnh chùa, được ngồi trên thảm cỏ xanh dưới hàng cau, loại cây thân thiết của quê hương,nghe hương cau tỏa lan trong không khí, thỉnh thoảng nghe đâu đây vài tiếng chim hót, chim hót giữa ban ngày... Sao chợt thấy lòng nhẹ nhàng thanh thoát lạ...
Giã từ Chùa Một Cột, tụi mình đến thăm “Lăng Bác”. Hai đứa đi bộ giữa quãng trường thật rộng. Đây là quãng trường Ba Đình. Ở đây thật nhiều người đi bộ tập thể dục. Tụi mình không thích vào thăm chỉ băng qua quãng trường để đến chỗ hai cậu em đang đậu xe chờ ở đó. Chỉ còn vài tiếng để đi thăm thành phố, tụi mình đề nghị hai cậu chở đến thăm trường Bưởi, ngôi trường nổi tiếng một thời, ngôi trường mà ngày xưa Huy, em Mai trong” Nửa Chừng Xuân” học ở đấy.Ngôi trường mà thầy giáo mình, thầy Diệu, thầy Lập...cũng đã từng cắp sách đến đây. Giờ ... các thầy đã ra đi về miền xa xăm... Ngôi trường vẫn còn đấy, to lớn hơn, khang trang hơn . Dù tên trường đã được thay tên “ Chu Văn An” nhưng với mình cái tên “ Bưởi” nghe sao vẫn dễ thương, nghe sao mộc mạc, đơn sơ mà thật gắn bó, thân tình. Đưa ống kính “ zum” thật xa đến những dãy lớp học, đến những lối đi quanh trường, đến những hàng cây to lớn xum xê. Mình có cảm tưởng như được về thăm lại ngôi trường xưa của mình trong thành phố mù sương thân yêu.
Đưa tụi mình về nhà Cô Nhuệ, phố đã lên đèn. Hà Nội rộn ràng với những quán hàng khuya, dập dìu người đi dạo phố, đi ăn hàng. Hà Nội cũng như Sài Gòn đêm về, thành phố như đông hơn...Tối nay, ở nhà cô Nhuệ, ngoài bữa ăn tối có thịt kho, canh rau đay ...tụi mình lại được thưởng thức món “ngô” luộc hồi sáng. Thành thật mà nói mình chưa tìm ra một quả bắp nào ngon bằng bắp Tùng Nghĩa xưa, dù về đây đã được ăn bắp ở Sài Gòn, Hóc Môn,bắp Bình Dương, bắp Đà Nẵng.
Chào từ giã Thân, Hưởng, cảm ơn Cô Nhuệ, tụi mình trở về khách sạn. Giấc ngủ tối đến thật ngon lành sau đó.
(còn tiếp)
Forget Me Not Dalat

No comments: