Friday, April 29, 2022

MỘT LẦN VỀ THĂM

 

   

                      MỘT  LẦN  VỀ  THĂM

Ngày..... tháng.....năm...

     . Mình đang chuẩn bị cho chuyến xuôi Nam, về miền sông nước Hậu Giang, một trong những phần đất mà mình yêu mến nhất trên quê hương. Thoạt đầu mình và Mi bàn tính sẽ thuê một chiếc xe.  Chúng mình sẽ ghé Vĩnh Long thăm bạn Mi. Sau đó về Châu Đốc thăm gia đình Nhàn, Sậy, thăm viếng miếu Bà...Nếu  còn thời gian sẽ đi thăm vài tỉnh lân cận Châu Đốc như Rạch Gía, Hà Tiên nhưng qua sự sắp xếp của Nhàn chuyến đi của mình bị đảo lộn hết. Từ Nha Trang vừa về tới Sài Gòn chưa kịp nghỉ ngơi, cô bé Nhàn đã điện thoại lên cho biết,cô bé sẽ cho xe  đến đón ̀vào bốn giờ sáng  ngày mai.. Vậy là chẳng đặng đừng,  chúng mình vội vàng đi ngủ để hôm sau dậy sớm. Chuyến đi này có Sa bạn thân của Mi ở Đà Lạt xuống cùng tháp tùng với chúng mình.
         Chưa tới bốn giờ điện thoại đã reo vang, cô bé Nhàn và Huệ bạn Nhàn đã chờ dưới lầu khách sạn.  Làm vệ sinh thật nhanh. tụi mình ba chân bốn cẳng xuống lầu. Ra đi khi trời chưa sáng, trời mát mẻ thật dễ chịu, đường phố thưa vắng xe cộ  nhưng chưa hưởng được sự thoải mái bao lâu đã thấy kinh hoàng vì một mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Nhàn bảo  là do cường triều. Nước thuỷ triều dâng theo các sông lạch hoà̀ với nước cống bẩn đưa vào thành phố, mang theo những mùi thật khó chịu. Điều này xảy ra khá lâu rồi nhưng chính quyền không thấy làm gì với hiện trạng này cả !   .
         Chiếc xe đò nhỏ mang tụi mình ra khỏi thành phố. Mình lại được nhìn những đồng lúa vàng óng ả dưới ánh ban mai, nhìn những cánh cò trắng bay là đà trên những cánh đồng chạy dài xa tít tắp, hết ruộng lúa lại đến vườn cây. Dừa xanh ẻo lả chen lẫn những cây mận xum xê trái đỏ tươi quyến rũ...Qua bao nhiêu năm miền Nam có đổi thay nhưng không thay đổi chóng mặt như Sài Gòn, như những tỉnh và những thành phố miền Trung mình đi qua.

            Đến điạ phận Sa Đéc, trước khi xuống phà để qua Bến Dinh thăm dì Hồng, Bác tài trở tính nhất định không chịu đi kêu phà nhỏ ,xe  đi không an toàn nhưng thật ra mình biết ông viện cớ muốn về Tân Châu sớm để  chở khách hẹn . Mình đã nghe loáng thoáng ông nói điện thoại với khách. Thật khó chịu với lối làm ăn tắc trách này vì Nhàn đã thuê bao theo lộ trình giao hẹn. Tuy bất bình tụi mình vẫn phải nhượng bộ để Mi và Sa theo Huệ về Tân Châu trước. Mình và Nhàn qua phà đến Bến Dinh thăm dì Hồng. Chiếc phà nhỏ cũng chở được vài ba xe hơi và vài chục người. Phà rẽ sóng, máy tàu kêu xình xịch ... cái âm thanh quen thuộc của miền Nam sông nước gợi nhớ những chuyến đò ngày xưa cùng chàng lênh đênh suốt dọc con sông Cửu Long.

              Phà ghé Bến Dinh, mọi người lục tục lên bờ. Mình và bé Nhàn đi cuốc bộ về nhà Dì Hồng. Dì Hồng mừng rỡ đón tụi mình vào nhà, thưởng cho mỗi đứa một ly nước dừa rồi dẫn mình lên lầu thắp nhang cho hai bác, ba má của dì, cũng là ba má của người mà một thời mình thương yêu. Bên di ảnh của hai bác là một lô hình của người từ bé đến lớn. Hình nào cũng khôi ngô tuấn tú. Đẹp nhất là hình ảnh chàng oai hùng trong màu áo Biệt Động với chiếc mũ nâu nhớ đời !. Người tự hào đẹp trai, người tự tin sống thọ với mắt lớn, tai dài... Người thừa hưởng chiều cao của ba, vẻ mặt hiền hậu của mẹ. Bộ anh đây sao? Người mà mình đã có một thời yêu mê đắm, tưởng không bao giờ phải xa cách chia ly. Bộ anh đó sao? Anh đi đâu để giờ này hình anh được đặt trên bàn thờ cho em chào lạy. Thắp một nén nhang mình cầu xin cho ba má chàng bình yên nơi cõi xa xăm ấy. Mình không cầu xin gì hết cho chàng, chỉ cầu xin tâm hồn mình an lành...Trước khi rời Bến Dinh dì Hồng còn dẫn mình ra thăm khu mộ của dòng họ. Thật tủi thân cho chàng, trên ngôi mộ song thân ở hàng cuối có ghi tên họ, ngày sinh của anh nhưng không có tên ngày chết. Cậu con út mà ba má cưng yêu đã về nép bên mẹ cha... Anh đã đời đời ở bên những người  yêu dấu!
            Dì Hồng cùng với tụi mình tiếp tục xuôi Nam, khi thì đi phà, khi thì lên bờ dùng xe khách, Không nhớ mình đã đi qua bao nhiêu nơi nhưng có những điạ danh khó mà quên được như Năng Gù, Thuận Giang, chợ Vàm, Long Sơn.... Mình cũng muốn xoá ra khỏi bộ nhớ những cái tên quen thuộc này nhưng không hiểu sao đầu óc mình vẫn khắc sâu, như dấu ấn ấy đã nằm yên nơi đó. Như nỗi nhớ chàng vẫn quay quắt không nguôi!
             Đến Tân Châu, tụi mình gặp lại Mi và Sa ở nhà nhỏ Huệ. Trời đã trưa, cả bọn kéo ra quán, gọi những món đặc sản miền Nam, canh chua cá bông lau, ếch xào sả ớt, tôm nướng vỉ, cánh gà chiên nước mắm...Cả ngày bôn ba, đói bụng, tụi mình ăn uống thật ngon lành, khi trả tiền mới thấy thức ăn ở đây ngon và rẻ.
             Từ Tân Châu tụi mình đi xe ôm về Kinh Xáng. Đến đây là chặng cuối trong ngày. Về nhà Nhàn, căn nhà xưa của ngoại đây rồi. Căn nhà bao nhiêu năm vẫn không thay đổi mấy. Ngôi nhà sàn cất cao đề phòng lụt lội, rộng lớn, cột kèo cứng chắc trơ lì với năm tháng. Hành lang trước nhà vẫn mắc những chiếc võng đưa. Quanh nhà, hàng dừa lả ngọn, mang đầy những quả. Mình không biết là đây là những cây dừa năm xưa hay là những cây dừa mới trồng sau này?
              Cất hành lý xong việc đầu tiên của mình là chạy nhanh ra con kênh sau nhà. Dòng kênh vẫn ngàu đục phù sa. Lục bình vẫn bập bềnh trôi trên sóng nước....Hình như qua nhiều năm, con kênh có rộng hơn vì bờ kênh bị đất chuồi và sạt lở. Trên dòng kênh những chiếc thuyền nhỏ chèo tay, thuyền máy đuôi tôm đập dìu qua lại, khuấy động con kênh... Phía bờ bên kia ngày xưa là bãi đất trồng bắp, giáp mé kênh, dừa nước, điên điển mọc um tùm... Tụi mình đã từng chèo xuồng qua đó bẻ bắp, những quả bắp nghe nói lấy giống từ Ban Mê Thuột màu vàng ngọt thơm lại dẻo, còn hoa điên điển màu vàng hái về nấu canh, nấu lẫu và ăn sống ghém với những món rau hái ở đồng, chấm với nước cá rô kho... Chao ơi  ngon quá! Cứ làm mình nhớ mãi....
             Đi vòng vòng dọc theo bờ, ngắm nhìn hoạt cảnh trên kênh một lúc. Mình quay lại bến cũ. Ngồi dựa vào gốc dừa già cỗi dõi mắt nhìn theo đám lục bình trôi trên sóng nước. Nỗi nhớ quay quắt oặn lòng người trở lại! Nơi này ngày ấy, hai đứa tay đan tay, đầu tựa đầu, mộng mơ mong ước tràn đầy. “ Ước gì thời gian ngừng trôi, ước gì em được ngồi bên chàng mãi mãi ...” Ước mơ của chàng thực tế và đời thường hơn. “Anh chỉ muốn một ngày hoa nắng ngập trời, anh sẽ đón em về trên chiếc thuyền hoa. Em xúng xính trong bộ áo cô dâu vào ngày vui pháo nổ rộn ràng, rồi em sẽ buộc chặt đời anh, sẽ cùng anh đi qua bao nhiêu vùng sông nước...” Nhưng ước mơ chỉ là mơ ước chả bao giờ thành hiện thực... Anh không biết giờ này đang ở nơi đâu? Rừng sâu? Núi cao? Hay đang ở một một thế giới vô hình nào đó, đang đau buồn nhìn em nhưng không thể nói. Ờ, nếu có một thế giới mới ngoài cõi đời này, mình chỉ muốn được thấy lại chàng một lần, dù chỉ đứng thật xa để nhìn thôi...
              Một chuyến phà cặp bến, tiếng xập xình của động cơ thật lớn lôi mình trở lại với hiện tại. Thẩn thờ đứng lên, bỏ lại chốn kỷ niệm sau lưng. Mình quay lại nhà. Nhàn đang thái thịt. Dì Hồng bóc vỏ tôm, Mi và Sa phụ rửa rau chuẩn bị bữa cơm chiều. Tự cho phép rảnh rang. Mình lên nhà trên làm quen với lũ cháu của Nhàn, vui đùa với các cháu. Tuổi thơ rất hồn nhiên, mới quen trong khoảnh khắc mà tưởng như đã quen lâu. Nắm tay mình, tụi nhỏ kéo mình ra vườn trước . Để bọn trẻ chơi rượt bắt với nhau. Mình lặng lẽ dạo quanh, lặng lẽ đếm từng gốc dừa, gốc bưởi trong vườn cây của ngoại. Hương bưởi nồng nàn thơm ngát lan tỏa trong không khí. Cuối vườn một bụi khế với hoa tím nhỏ xinh xinh, vài cây so đũa trĩu quả...Khu vườn ngoại mát rượi nhờ những tàn dừa cao và nhiều cây quả bao quanh. Cảnh sắc miền quê sao thanh bình êm ả quá.! Chợt nghĩ phải chi mình được chọn nơi này sống những ngày yên vui quên mọi lợi danh thế tục thì hay biết bao nhiêu?
              T
ối đến.... có một người ngồi đong đưa trên chiếc võng âm thầm nhớ về ngày xưa thân ái rồi lặng lẽ khóc thầm.
       Ngày... tháng...năm
             Ở một đêm tại Kinh Xáng, sáng nay tụi mình lại tiếp tục ra đi. Nhàn kêu thêm Hùng, bé Ngân, Bé Ánh... mỗi người một chiếc honda chở tụi mình đi Châu Đốc. Hùng chở mình, Ánh chở Mi, Ngân chở Sa còn Nhàn chở Dì Hồng. Xe qua chiếc phà Châu Giang xuôi dòng qua Châu Đốc. Đến nhà Sậy cô bé bắt ăn sáng rồi chờ xe đến chở mọi người đi Ba Chúc. Chuyến đi này có thêm Tường Vi con dâu của Sậy cùng với một tài xế và người bạn của ông cũng tháp tùng. Rời thành phố Châu Đốc xe chạy từ từ qua những vùng đất tương đối khô cằn. Nhà cửa ở đây nhỏ bé nghèo nàn ít có sự thay đổi dù đã qua mấy chục năm đổi  thay chế độ. Trên đường đi mình thường gặp những chiếc xe đạp chất đầy mía đỏ do những thanh niên trẻ hì hục đẩy, không biết họ trồng mía ở đâu chứ hai bên đường không thấy vườn mía. Dọc bên đường thỉnh thoảng có những quán nhỏ treo vài ba chiếc võng , trước quán chất đầy trái thốt nốt để khách ngưng lại uống nước nghỉ mệt.

             Đến điạ phận Ba Chúc mình phải vận động toàn bộ nhớ để nhớ lại rằng chỗ nào, nơi đâu mình đã đặt chân tới nhưng mình chịu thua. Chỉ có khi xe ngưng lại trước ngôi chợ, trước cổng đề năm xây dựng “1985”, xây sau khi mình đến những mười năm. M̀nh mới nhớ đây là tiền thân ngôi chợ nhỏ năm nào mình đã từng lang thang ăn hàng, đã được thưởng thức món hủ tiếu Nam Vang tuyệt vời... và chính nơi đây người phía bên kia đã đặt chất nổ để giết chàng, may mà lúc đó  chàng bình yên. Mình đã một phen hú hồn cảm tạ Trời Đất. Vậy mà...cuối cùng có ai bảo vệ được chàng đâu hở !?

 
              Thăm qua ngôi chợ xong tụi mình tiếp tục cuộc hành trình đi xem nơi ghi lại tội ác của Khờ Me đỏ. Họ đã vào thị xã này giết hàng loạt mấy ngàn người vào năm bảy tám. Hàng ngàn đầu lâu chất đống ở đây. Mi và một người vài người không dám vào xem vì hãi sợ. Mình thì vào vái lạy nhưng không dám chụp hình. Cảm giác lành lành ở sóng lưng. Nhớ năm Khờ Me tràn sang Việt Nam mình còn ở bên đó, chị Chín viết thơ kể lại mà kinh hoàng. Bọn lính Khờ Me đỏ   tràn sang bắt dân tụ tập ở chùa rồi dùng dao, mã tấu chém đại trà, chỉ có một số người may mắn nhanh chân trốn vào núi là thoát được. Vào thời điểm trước đó vài tháng, trong dịp về thăm Nhàn, được đi thuyền trên dòng sông Cửu. Mình cũng đã từng thấy thật nhiều xác người trôi trên sông khi quân Pôn Pốt giết chính dân họ thả trôi trên dòng nước. Khi xác tấp vào bờ, người dân hai bên sông đem vào chôn cất. Mình không thể tưởng tưởng con người với con người với nhau mà họ ác độc mất nhân tính đến vậy. Hôm nay đến thăm tội ác của bọn họ, mình hối hận là đã đến xem, thà không thấy để nỗi suy nghĩ và ám ảnh khỏi lảng vảng bên mình. Gởi một ít tìền để mua hoa và nhang khói cho bao vong linh vô tội chết oan khuất nơi đây. mình rời xa nơi này với lòng trĩu nặng buồn thương. Hận thù, chiến tranh luôn đi liền với mất mát và chết chóc!
               Chặng đường cuối cùng của mình khi tới Ba Chúc là ghé thăm chị Chín. Giờ chị sống trong một ngôi chùa gần núi. Chị đã trên sáu mươi, tóc bạc phơ nhưng nước da chị vẫn rất đẹp. Những ngày rằm, mùng một các đạo hữu đến thăm chùa. Chị nấu ăn, châm nhang đèn hoa quả. Gặp chị sau mấy mươi năm xa cách, nhắc lại chuyện xưa để thấy đời sống vô thường, con người sống với khổ đau nhiều hơn hoan lạc. Anh Chín đã qua đời. Chị sống với đứa con duy nhất của hai người nhưng tâm thần cháu không được bình thường. Cầm chặt tay mình, chị thủ thỉ “ Nếu chú ấy biết được, em sống như vầy hẳn chú vui lắm ” Mình ứa nước mắt khi chị gợi lại dĩ vãng, cái dĩ vãng quá đẹp để mình khó quên. Thắp nhang lạy Phật chúng mình ra sau chùa lên ngọn núi đá chụp hình, nhảy nhót từ phiến đá này qua phiến đá khác, Mi và mấy đứa bạn vui vẻ giữa thiên nhiên nên thơ bao quanh, nói chuyện líu lo, rồi đem trái cây ra ăn, những quả nhãn Tân Châu ngọt lịm, trái nhỏ xíu nhưng cơm thật dày và hột tí nị. Lựa một phiến đá bằng phẳng  mình ngồi xuống đưa máy hình zum ra xa, những ruộng lúa xanh trải dài đến cuối chân mây. Xa xa là những ngôi nhà tranh với những hàng tre bao quanh rủ bóng, vài chú gà trống chậm rãi tìm thức ăn, lục tung đám cỏ lá tre, chả biết chúng tìm được gì trong đó?. Thả tầm mắt xa hơn, sau rặng núi là nước bạn mà xưa kia những người bạn láng giềng thỉnh thoảng tràn sang cáp duồn để cho “ người” phải ra sức bảo vệ. Dù nơi đây không phải là ngọn núi xưa kia mình đã được đến nhưng sao mình vẫn thấy thật quen thuộc. Giọng chàng vẫn như thoáng đâu đây ngọt ngào đầm ấm : “ Nhìn xa chỗ kia là biên giới đó em. Biên giới của nước mình và nước bạn chỉ là một dãy núi dài và nếu muốn mình có thể băng qua....” Mình ngậm ngùi tự nghĩ: không biết biên giới giữa mình và chàng hiện giờ dài bao nhiêu đây hở?
              Quá trưa mình rời Ba Chúc, cảnh cũ lạ xa, người xưa mất hút cho mình những luống ngậm ngùi...Trên đường về xe chạy nhanh hơn, bác tài chạy nhanh để kịp đến một quán ăn được đồn đãi là nổi tiếng. Ở đây đặc biệt là dùng toàn thịt bò, kiểu bò bảy món. Những món ăn nướng toàn dùng vĩ nướng trên than, thịt bò lại tươi, ăn rất ngon và giá cả cũng phải chăng. Chè chén no say, chúng mình chạy về, tiếp tục đển thăm miếu Bà. Miếu Bà ở Châu Đốc thật nổi tíếng. Hàng năm đến Lễ Viá Bà là bao nhiêu người đến chiêm bái Bà Chúa Sứ. Mình đến không nhằm Lễ Vía Bà nhưng cũng khá đông người đến thăm. Nghe nói mọi người đến cầu nguyện, cầu xin việc làm ăn, cầu xin sức khoẻ đều thuận lợi. Có nhiều gia đình mang đến cúng thường xuyên. Trong mâm cổ dâng cúng mình thấy bao nhiêu là hoa quả và có cả heo quay nữa. Tụi mình vào miếu thắp nhang xong đi quanh quanh chụp hình, nơi nào đi qua mình cũng ghi lại một vài tấm hình làm kỷ niệm.
               Trở lại thành phố Châu Đốc đã hơn sáu giờ chiều. Hẹn với Sậy ở lại Châu Đốc một đêm để thăm thành phố kỷ niệm sau bao nhiêu năm trở lại nhưng không hiểu sao trong mình chỉ muốn rời xa nơi chốn này ngay. Buồn quá! Buồn đến dại người!…Kỷ niệm ùa về. Phố trưa Châu Đốc với bụi cay vướng mắt đỏ kè khiến cho chàng phải đi tìm thuốc nhỏ. Quán chè sát dòng sông hai đứa tỉ tê tâm sự không muốn về và cuối cùng cuốn phim “ Vĩnh
Biệt Tình Hè ” ngày ấy như một điềm mang xui xẻo đến. Không muốn đi tìm lại một thoáng hương xưa, lấy lý do không có thời gian chuẩn bị cho chuyến về lại Mỹ, tụi mình nhờ Tường Vi gọi người quen mua vé trở lại Sài Gòn. Khoảng nửa tiếng sau xe đến tận nhà đón

.             Chào giã từ gia đình Sậy, lưu luyến chia tay với các anh chị em đã ân cần tiếp đón tụi mình trong mấy hôm nay. Chào giã từ thành phố thân yêu với một thời hoa bướm cũ, nước mắt đoanh tròng mình buồn bã bước lên xe. Nhàn ôm chặt mình trong vòng tay rồi dúi cho mình một hộp giấy. Em thì thầm: “ của chị đó ”
              Lên xe, mình chọn băng ghế thứ hai sau bác tài, Mi và Sa ngồi bên cạnh. Lẳng lặng mình đem món quà của Nhàn gởi ra xem. Một lá thư nhỏ do Nhàn viết để trên cùng “ Chị ơi, trước khi cậu đi đã gởi cho em cất giữ những lá thư này. Cậu đã rời xa. Em nghĩ chị sẽ thật ngạc nhiên khi có lại những gì chị đã trao gởi cậu.” Những lá thư với phong bì màu xanh do mình tự tay làm lấy được cắt gọn gàng đề ngày tháng năm theo thứ tự nhận được làm lòng mình chùng xuống. Cảm ơn người đã trân trọng giữ gìn... Mình đọc lại những gì đã viết mấy mươi năm về trước trong bóng tối chập choạng của buổi chiều đang đến. Nước mắt nhạt nhoà rơi...
Forget Me Not Dalat


 

 

 

                      NGƯỜI  

 

               Bà Hai ngồi ủ rũ trên chiếc ghế bành, tay vòng trước ngực, đôi mắt màu nâu sâu hoắm nhìn xa xăm, buồn thăm thẳm... Bà  ngồi với dáng điệu như thế đã lâu, từ dạo hai người con trai của bà đi tù "cải tạo". Kể từ lúc Miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản.  Cậu con trai trưởng của bà  là một sĩ quan thuộc quân chủng Biệt Động. Cậu con trai út làm ở bộ phận Tâm Lỵ́ Chiến.  Cả hai bị ghép vào tội trọng của chế độ mới, thành phần gây nợ máu của nhân dân. Người anh bị đem ra Bắc, đưa mãi tận Thanh Hóa. Người em bị nhốt vào trại Đại Bình. Ba tháng một lần người mẹ gánh lương thực, lặn lội vào thăm con. Từ  Đà Lạt xuống Bảo Lộc đã có xe đò nhưng từ Bảo Lộc vào đến trại bà phải gánh bộ. Đường khó đi lại thêm sức già còm cỏi.  Vào đến nơi là bà đã mệt rả rời nhưng người mẹ  không hề bỏ lỡ một lần thăm. Đến thăm được con, những người mẹ khác thì tíu tít  thăm hỏi, kể lể đủ mọi chuyện. Bà Hai sau khi trao thức ăn, đồ dùng cần thiết, bà vội vã quay về, cố ngăn những giọt lệ đang muốn trào ra trên khoé mắt. Bà Hai không muốn cho con buồn và lo lắng. Nhưng sau khi quay ra, bà ngồi vật bên đường  khóc nức nở, khóc thương cho hai đứa con giờ đã thôi không còn bay nhảy, đã mất hết tự do. Nghĩ đến đứa con trai  ở tận miền Bắc xa xôi, bà lại càng đau lòng xót dạ. Vì hoàn cảnh, vì sức khỏe, đường sá  xa xôi. Bà không thể đi thăm con được. Bà đau lòng tự nghĩ không biết con bà có chịu đựng được sự giam cầm tù tội nơi ấy không.

-          Bà cụ ơi, Tối nay bà phải đi họp tổ phụ nữ.

-          Không! Tao không đi

Bà trả lời cụt ngủn, chắc nịch.

       Người phụ nữ bỏ ra về nói lại với bà tổ trưởng . Một lát sau, với dáng vẻ giận dữ tổ trưởng dân phố đến gặp bà.

 

-          Nè bà! Tại sao bà không chịu đi họp?

-           Chân tao bị đau.  Tay tao run rẩy.Tai tao lại nghễnh ngãng không nghe được. Vậy tao đi họp làm gì?.

-  Bà thật cứng đầu. Chân đau mà đi thăm con được! Tay run rẩy mà biết đếm tiền à?  Với nữa, tai nghễnh ngãng mà  trả treo leo lẻo thế kia?

       Người đàn bà ngả người trên chiếc ghế dựa, tay vòng trên ngực ngó bâng quơ ra đường, tự nhủ thầm: “ Ráng nhịn. Ráng nhịn nghe mi. Đừng nói thêm gì nữa.”

       Tổ trưởng dân phố hầm hầm, giận dữ ra về, trước khi đi còn lẩm bẩm hăm dọa: “ Bà già cứng cổ! Để mà xem! Ta sẽ tống cổ đi kinh tế mới cho biết tay”.

       Rồi những lần họp sau đó, bà cũng không đi. Thư ký ghi lại những buổi họp, luôn ghi tên bà Hai vắng mặt. Người trong xóm ai cũng lo ngại cho bà. Họ sợ " cách mạng " sẽ bỏ tù bà .

     Một hôm, bà tổ trưởng dân phố cùng vài ba công an khu vực đến nhà bà hăm doạ:

                         - Bà không chịu họp hành, học tập đường lối của đảng và cách mạng là chúng tôi đưa bà vào kinh tế mới.

        Bà già nổi tam bành lên

                         -  Nhà này là nhà tao, tao không đi đâu cả, bộ muốn ăn cướp nhà tao hả? Rồi bà la to :

                         -  Bớ bà con ơi. Cán bộ muốn ăn cướp nhà dân kia!

 Bà tổ trưởng chưa kịp phản ứng. Bà Hai la to hơn, la khản cả tiếng, la hét như một người bị bệnh thần kinh. Vậy là bà tổ trưởng và mấy chú công an vội vàng chuồn ngay.

        Dọa dẫm, bắt nạt không được việc, bà tổ trưởng lại áp dụng một chiến thuật mới. Một hôm, bà ta đến với thái độ rất hoà nhã. Khác hẳn với những lần trước, bà ta nhỏ nhẹ:

                        - Mệ ơi! Con có tin này báo cho mệ nghe. Với sự khoan hồng của nhà nước, nếu mệ bằng lòng hiến căn nhà này cho nhà nước. Hai đứa con của mệ sẽ được thả về ngay. Nhà nước sẽ cấp đất đai ở vùng kinh tế mới cho con cái mệ làm lại cuộc đời.

                        -  Mụ cô mi.... Còn một thanh sắt trong ngôi nhà này tao  cũng sẽ bán để  tiếp tục nuôi con tao. Đừng lừa tao! Đừng thấy tao già cả mà đến đây lừa bịp để  cướp nhà.

         Rồi bà lại la lên:

                       -  Cái thứ người chi mà ác độc? Cái thứ nớ ngày xưa tao nhìn bằng nửa con mắt .

          La một hồi mệt quá, bà Hai ngồi tựa vào chiếc ghế dựa để thở. Lúc mở mắt ra thì mụ tổ trưởng đã biến mất.

                   Với số vàng dành dụm trong những năm tháng làm ăn khá giả, bà Hai bán từ từ để nuôi sống bản thân và nuôi con đang ở tù. Để che mắt cán bộ bà  bày ra một tủ nhỏ bán bánh kẹo cho con nít trong xóm. Bà Hai ít khi ra khỏi nhà, ngay cả việc bán bánh kẹo cũng có người đem đến bỏ mối. Gạo, mắm muối, thức ăn hàng ngày như rau cỏ, thịt thà  đã có bà  bán hàng  rong mỗi ngày ghé đến bán cho bà. Ban ngày bà ngồi trên chiếc ghế bành to, nhìn ra đường phố đông người qua kẻ lại. Ai đến mua hàng bà đứng lên, chậm chạp lại quầy bán. Khách hàng của bà thường là những đứa trẻ, thỉnh thoảng được mẹ cho vài đồng, số tiền nhỏ chỉ đủ để mua vài cái bánh, cây kẹo. Đứa bé nào ngoan ngoãn dễ thương bà lại cho thêm vài cái bánh, vài cây kẹo...bởi vậy đám trẻ nhỏ trong xóm thích mua ở quán bà Hai lắm.

                     Trước kia bà có một cửa hàng thật lớn bán bánh, mứt . Chồng bà khi còn sống là một thợ làm bánh ngọt nổi tiếng. Ông làm bánh bông lan, bánh lạp xưởng, bánh hạnh nhân, bánh kẹp...còn bà làm đủ các loại  mứt. Mứt của bà được các bạn hàng  mua mang về Sài Gòn. Cửa hàng bánh mứt đã giúp ông bà tạo nên cửa nhà , nuôi con ăn học. Nuôi con lớn lên, mong cho con đỗ đạt thành danh, có công ăn việc làm giúp bà đỡ cực nhọc nhưng các con bà mỗi đứa đều có lý tưởng riêng. Người con cả của bà chọn kiếp sống chinh nhân, ngày đêm xông pha ngoài lửa đạn ngăn chận quân thù. Đứa còn lại chọn ngành tâm lý chiến... mà với chế độ mới này họ cho là thành phần ác ôn , đày đi cải tạo không biết lúc nào trở về.?

                         Thương nhớ con, bảy, tám năm trời đợi chờ con trong vô vọng. Bao quanh bà là một số người mất nhân tính, bợ đỡ trên chà đạp người dưới, thường xuyên đến hù dọa bà. Đêm về, đối diện với đêm đen, một mình lủi thủi trong căn nhà rộng, vắng lặng. Nỗi ám ảnh, nỗi sợ hãi tăng dần... bà Hai lâm bệnh nặng. Bà nằm liệt giường. Thật may mắn,  một người hàng xóm tốt bụng thường xuyên đến thang thuốc, nấu cơm, giặt giũ giúp bà. Trong cơn đau nửa tỉnh nửa mê, người mẹ chỉ biết cầu xin Trời Phật phù hộ cho bà hết bịnh, cầu xin ông chồng đã chết  phù hộ cho bà được sống đến ngày hai con trở lại. Không biết có phải vì lòng quyết tâm cầu sống cùng với lòng yêu, nhớ con của một người mẹ mong gặp lại con,  thêm vào sự chăm sóc tận tình của người hàng xóm, bà Hai dần qua cơn bịnh nặng. Bà đã ngồi dậy được, đã đi đi, lại lại trong nhà nhưng lúc này đôi chân của bà rất yếu...

                     Bảy năm trôi qua, bà Hai vẫn kiên trì  vượt qua  sự răn đe, dọa nạt của bạo quyền, đã không chịu thua trước những áp lực đè nặng trên vai. Bà âm thầm chịu đựng mọi khổ đau chỉ với niềm tin có ngày hai con  trở về. Sự chờ đợi hầu như tuyệt vọng ấy đã có kết quả. Rồi... một buổi chiều, một buổi chiều cuối đông lạnh lẽo. Bà Hai lặng người vì vui sướng, lòng tràn đầy hạnh phúc đón người con  út trở về. Bà đã cười, đã khóc, âu yếm  ôm con trong vòng tay, run rẩy vuốt nắn bóp đôi tay chai sạn khô cứng của đứa con yêu . Một tháng sau đó, cậu con cả cũng trở về. Nói sao cho hết nỗi vui của bà trong ngày mẹ con đoàn tụ. Khập khễnh, từng bước khó nhọc người mẹ đến bên bàn thờ. Bà thắp nhang cảm tạ Trời Phật đã mang những đứa con yêu trả lại cho bà. Thắp thêm một nén nhang lên bàn thờ chồng bà lâm râm khấn vái: “ Ông ơi! Hai con ông đã trở về rồi đó. Lòng tôi đã cảm thấy bình yên thong thả. Ông hãy đợi tôi một ngày gần đây, tôi cũng sẽ đi gặp ông, nghe ông.” Bà Hai thì thầm nói với ông chồng đã khuất của mình. Niềm ước mong lớn lao của bà đã thành hiện thực. Chưa bao giờ bà cảm thấy vui sướng hạnh phúc như lúc này. Con bà đã ở gần bên mẹ!

                                                                                                 FMN DL

                                                        

 

Ba mươi tháng tư: ngày không thể nào quên.


 

Friday, April 15, 2022

 

 

                        NHÓ MẸ            

Những tháng tư về, con buồn nhớ mẹ,

Tóc bạc lưng còng, bới xách nuôi con.

Mẹ nắm tay con, dặn dò nhắn nhủ :

“Ráng nghe con, mẹ sẽ  đợi con về!”

 

Cầm tay con, bàn tay thô chai sạn.

Mẹ nghẹn ngào: “Thật tội nghiệp con tôi!

Bàn tay xưa chỉ biết cầm bút mực,

Giờ cầm búa rìu, xẻ gỗ cưa cây,

Cuốc đất trồng rau, dãi dầu mưa nắng…”

 

Thân con ngục tù, mẹ quặn lòng đau.

Những lần thăm nuôi, đường xa vời vợi,

Mẹ vẫn băng rừng, lội suối, trèo non.

Trại cải tạo xa, sâu trong rừng núi,

Mẹ đã không hề bỏ một lần thăm.

Tay xách vai mang, nặng trĩu thân gầy,

Gô ruốc xả , bánh thuốc rê, đường cát,

Gói nặng thâm tình, tình mẹ cho con.

Những đêm ngục tù, nước mắt con tuôn,

Những giọt nước mắt xót xa nhớ mẹ.

 

 Sáu năm cải tạo, con về bên mẹ.

Mẹ vui, sao nước mắt mẹ tuôn trào?

Bên mẹ, đời dù nghèo nhưng ấm áp.

Tình mẹ cho con, biển rộng sông dài...

 

Giờ đây tha hương, xứ người dung nạp,

Con đã có đời sống mới tự do.

Chỉ thiếu mẹ, thiếu tình thương của mẹ.

Tháng tư về, con nhớ quá mẹ ơi!

 

Mộ mẹ, cỏ vươn cao, hương khói nhạt?

Con vẫn biệt tăm đi mãi không về.

Đất nước vẫn còn mang màu cờ đỏ

Lòng con vẫn còn đau, hận mẹ ơi

Làm sao con quên nỗi đau mất mát?

Mất mát quê hương, mất mát mẹ hiền.

Con sẽ trở về khi đất mẹ bình yên .

Màu cờ đỏ thôi tung bay trong gió.

 

Tháng tư đen, nhớ mẹ hiền con thắp

Một nén nhang lòng, gởi đến mẹ yêu.

Một  nén nhang cho quê nghèo yêu dấu.

Mẹ của  con, đất nước Việt cuả con,

Xin gởi đến Người, niềm  thương bất diệt.

 

                                             Forget Me Not Dalat