Sunday, September 4, 2011

VNDK CHỊ TÔI




CHỊ TÔI


Tôi đến chợ Phú Quý Phan Rang khoảng năm giờ chiều, chợ vẫn còn đông đúc người mua kẻ bán. Đi lòng vòng trong khu chợ nhỏ, hỏi thăm một vài người bán hàng là chúng tôi tìm ngay ra nhà chị. Mỗi lần viết thư cho chị điều mà tôi bực mình nhất là chỗ chị ở không có số nhà. Cứ như là sống một nơi khỉ ho cò gáy không ai biết đến. Thơ cho chị chỉ ngắn gọn đề tên thằng Vọi con trai chị, và tên ngôi chợ mới. “ Chợ Phú Quý ” Giờ đi tìm nhà mới thấy ở ngôi chợ nhỏ này, mọi người đều biết nhau. Ngôi nhà chị cất sát chợ. Nhà hai tầng, mái ngói...trước cửa nhà chị bày một sạp hàng bán trứng vịt, cá khô, nước mắm... Để tạo sự ngạc nhiên cho chị, tôi đội chiế́c mũ che kín vầng trán, mang kính to bản sậm màu, làm như người mua hàng tôi hỏi mua ít hàng hóa mang về Sài Gòn. Quên giả giọng nên khi ngước nhìn tôi chị nhận ra tôi ngay: “ Xạo mày! Nghe giọng nói là tao biết mày ngay mà.” Vẫn như xưa chị vẫn mày tao chi tớ với tôi. Cái tội mà mẹ tôi la mãi vẫn không chừa. Rồi khuôn mặt đang rạng rỡ reo vui bỗng dưng chùng xuống, chị oà lên khóc nức nở “ Chỉ mình mày về thôi sao? Tao nằm mơ thấy cả mày và Anh Châu về thăm tao. Sao chỉ có mày về thôi hả?” “ Tôi về được là cả một một vấn đề rồi. Còn Anh Châu, chị biết mà, cho đến chết ảnh cũng không quay lại ”. Nước mắt đoanh tròng chị lôi tôi vào nhà. Vào trong nhà, căn phòng rộng nhất chị để đủ thứ hàng hóa, vài giỏ lớn chứa trứng cút, trứng gà vịt, măng khô... ngoài ra còn có thêm một số mặt hàng như hành tây, tỏi, cà chua. Nhìn chung tôi đoán cuộc sống của chị cũng đã khá giả hơn trước, cũng mừng cho chị. Có điều trông chị hôm nay tưởng như một người đàn bà khác. Chị già đi thật nhiều. Không ai có thể hình dung chị là một hoa khôi năm nào ở một trường trung học tư thục nổi tiếng của Đà Lạt. Mái tóc dài đen mượt ngày nào giờ khô cằn xơ xác, trắng không ra trắng, đen không hẳn đen, được cắt ngắn như những bà xẩm thường gánh bánh bao, bánh mì đi dạo trên đường phố ngày nào. Mới ngoài sáu mươi mà khuôn mặt chị có thật nhiều vết nhăn, chị cười nhưng đôi mắt như chứa nhiều phiền muộn. Ngồi bên chị tôi ngỡ như đang trở về bên chị với những tháng năm thần tiên ở Đà Lạt quê tôi. Chị tôi hơn tôi những mười tuổi nên tôi được chị bồng ẵm, chăm sóc hồi tấm bé... Chị đã từng cõng tôi trên lưng mò mẫm chui vào từng bụi lau, bụi sậy để hái những quả bứa rừng, những trái mát mát theo lời đòi hỏi của người em quá quắt. Chị khác nào người mẹ trẻ luôn gần gũi bảo vệ tôi, chị đã nhận giùm tôi những lỗi lầm về phần mình để hứng đỡ những ngọn roi đau mỗi lần tôi phạm lỗi. Chị đã chiều tôi mọi điều kể cả những đòi hỏi thật vô lý. Có một lần tôi đã năn nỉ chị trèo lên mái nhà lấy cho được một tổ chim sẻ. Chị đã cho tôi biết làm như thế chim mẹ sẽ buồn, chim con cũng buồn phải xa mẹ, không biết có thể sống được không, nhưng tôi vẫn không nghe, nhất định đòi chị phải lấy cho bằng được tổ chim đó. Chiều tôi chị đã phải khó khăn lắm mới lấy tổ chim xuống được. Tôi dành chị phần đút cơm cho hai chú se sẻ con thật dễ thương. Dù được chăm sóc kỹ lưỡng nhưng chỉ qua mấy ngày hai chú chim tội nghiệp cũng chết, không biết chi vì xa mẹ, thiếu hơi ấm chim bỏ ra đi, hay bởi vì chim chết vì bội thực vì tôi cho chim ăn nhiều quá. Chị em tôi có biết bao nhiêu điều để nói, biết bao nhiêu kỷ niệm để nhớ về. Chị như người mẹ thứ hai mà tôi luôn thương quý.




Người ta thường nói “ Hồng nhan bạc phận ” câu nói ấy thật đúng khi nói về chị tôi, người đàn bà đã có một thời xinh đẹp ấy. Thuở ấy, dáng chị cao, thân hình thật cân đối, nước da trắng mịn màng, thật nhiều chàng trồng cây si, nhất là các thanh niên chòm xóm và các chàng Sinh Viên Sĩ Quan, bạn học của anh trai tôi. Được săn đón, chiều chuộng và tỏ lời thương yêu của nhiều chàng trai khá gỉả nhưng trái tim chị lại trao cho một thanh niên lớn hơn mình cả mười tuổi, làm huấn luyện viên thể dục trong một trường Quân đội, đã từng có vợ và ly dị vợ. Khi yêu đắm say thường ta hay quên đi khuyết đỉểm của người yêu mình, mặc dù bị gia đình phản đối chị cũng nhất định đòi lấy cho bằng được người mình yêu. Chị lấy chồng ở lứa tuổi đôi mươi, bỏ cả việc học đang dang dở. Sau khi lấy chồng, chồng chị chuyển công tác về Sài Gòn. Chị theo chồng về sống ở đó, lần lượt ba đứa con ra đời, hai trai, một gái. Sống ở nơi đô hội, bao quanh biết bao nhiêu gái đẹp, lại thêm bản tính đa tình, chồng chị lăng nhăng với nhiều người con gái khác, cuối cùng lập phòng nhì với một người đàn bà góa đã có con. Chị ghen tuông thì người chồng không nương tay đánh đập thậm tệ. Chị phải viết thư về nhà kêu mẹ xuống đón chị về. Về lại Đà Lạt, chị phụ với mẹ buôn bán nuôi con, cả tuổi thanh xuân không có được những ngày hạnh phúc. Rồi biến cố bảy lăm xảy ra, chồng chị bị đi tù. Quên đi những tháng năm bị ngược đãi chị lại lặn lội thăm nuôi chồng. Ngày chồng được thả ra chị lại nghe lời chồng bỏ Đà Lạt mang theo con cái về Phan Rang, dắt díu nhau lên tận một làng Chàm xa xôi thiếu thốn mọi tiện nghi để tránh sự theo dõi của chính quyền điạ phương. Mấy năm ở làng Chàm làm ruộng làm rẫy. Nắng khô, hạn, lại thêm mùi vị của nước biển, của gió cát ở vùng đất khắc nghiệt ấy làm làn da chị già cỗi, xấu hẳn đi ...Mỗi lần về thăm mẹ, nhìn đứa con yêu của mình khổ sở tàn tạ, mẹ chị cằn nhằn, cẳn nhẵn chị hoài, chê chị ngu, chị khờ khạo đi nghe lời một người không ra gì để bây giờ làm khổ chị, làm khổ con mình... ở làng Chàm được vài tháng người chồng đề nghị với chị cho chàng vượt biên. Để chồng ra đi, gánh nặng gia đình hằn trên đôi vai chị. Những đứa con lớn lên trong một xã hội chủ nghĩa, có cha là người làm việc trong chế độ cũ, là tù cải tạo cải tạo trở về lại thêm tội phản động vượt biên. Thật khó khăn khi phải sống trong chế độ hà khắc, vậy mà chị vẫn cố gắng làm việc cực nhọc cố gắng vươn lên, nuôi con, cho con ăn học đến nơi đến chốn. Nỗi đau của người mặt lại quặn thắt hơn khi đứa con gái xinh xắn, dễ thương của chị đột ngột qua đời chỉ sau vài cơn nóng sốt. Tội nghiệp chị với nỗi mất mát đớn đau ấy. Chị ngơ ngơ ngẩn hằng bao nhiêu năm dài mới nguôi ngoai nỗi mất con. Chồng chị vượt biển ra đi thật may mắn được đến bến bờ tự do. Xa cách muôn trùng, thêm nữa tính bay bướm vẫn không rời người chồng, chồng chị tiếp tục bước thêm từng bước, từng bước với những người đàn bà khác. Qua Mỹ được một thời gian, chồng chị gởi giấy tờ bảo lãnh cho con chị. Cậu con đầu thương mẹ không đi chỉ có người con thứ theo bố qua Mỹ. Chồng ra đi, Chị bỏ hẳn làng Chàm về mua đất làm nhà ở Phú Quý. Tuy cuộc sống đỡ cực nhọc hơn nhưng chị sức khoẻ của chị lại sa sút vì chứng đau khớp, kết quả của những tháng ngày lao động vất vả vẫn bám mãi không rời. Rồi những tháng ngày gần đây, mỗi lần gọi điện thoại về chị đều khóc và nói những lời như trối trăn “ Phúc ơi, tao sợ tao không có cơ hội gặp lại mày, gặp lại Anh Châu. Anh Châu và mày không muốn về thăm. Tao lại không có cơ hội qua đó. Tao nhớ mày lắm Phúc ơi. ” Lời chị như xoáy buốt tim tôi, những kỷ niệm về gia đình về chị lại thường tìm đến với tôi trong những giấc mơ. Từ lúc bỏ nước ra đi, tôi không một mảy may muốn quay lại nơi quê hương tội đày của mình, tôi không hề muốn quay lại nơi chốn đã chôn vùi tuổi thanh xuân của tôi trong lò cải tạo chịu nhiều nỗi đớn đau từ tinh thần đến thể xác. Thế nhưng, con người yếu đuối tình cảm của tôi lại quắt quay mỗi khi nhớ đến người chị khốn khổ của mình. Tôi đã tìm về thăm chị qua hai mươi năm trời xa xứ. Tôi đã găp lại người chị già nua, bịnh hoạn của mình, đau xót không chia được nỗi buồn, nỗi đau của chị. Nhìn chị gầy yếu so với những tháng ngày xưa mà xót xa thương cảm, mà bức rức đau lòng. Ngồi bên chị, hai chị em tay đan tay trong nhau tôi thấy ấm áp làm sao, hạnh phúc làm sao. Có tôi bên chị, chị vui cười nói huyên thiên, hỏi chị về căn bệnh thấp khớp chị cười nói : “ Tao đã bớt nhiều. Có mày về thăm, tiếp thêm nguồn sinh lực, tao sẽ mạnh lại ngay mà.”
Buổi sáng giã từ chị ra đi, chị cầm tay tôi bịn rịn “Những ngày ngắn ngủi em ở bên chị là hạnh phúc lớn lao nhất chị nhận được trong tháng ngày này. Chị cảm ơn Trời Phật đã đưa em về gặp chị. Chị cảm ơn em đã “quên” những điều không thể quên để về thăm chị. Em nhớ giữ gìn sức khỏe nghe em. Có sức khoẻ là có tất cả”. Ôm chị thật chặt trong vòng tay, nước mắt tôi ứa ra, không biết tôi khóc vì sắp xa chị hay vì chị ốm quá làm tôi xót xa thương chị. Leo vội lên xe tôi không dám quay đầu nhìn chị và tôi chợt nhận ra lần đầu tiên chị không xưng mày tao với mình.
Về lại Mỹ chỉ ba tuần sau thì chị của tôi ra đi. Chị đã dấu không cho tôi biết là chị đã vướng phải căn bệnh ngặt nghèo không chữa nỗi. Những ngày tôi ở bên chị, căn bịnh ung thư của chị đã đến thời kỳ cuối, chị đã cố gắng chịu đựng những cơn đau chợt đến, chợt đi mà...trời ơi tôi không hề hay biết. Tôi thật vô tâm và đáng trách làm sao... nhưng dù gì tôi cũng đỡ ân hận vì đã có cơ hội gặp chị lần cuối cùng, đã mang đến cho chị những nụ cười vui, những giọt nước mắt buồn khi cả hai nhắc về quá khứ. Giờ thì chị của tôi đã đi xa, thật xa... Chị ơi! Em cầu xin cho chị đang cùng ba mạ sống trong một cõi bình an miên viễn nhất, hạnh phúc nhất. Em nhớ chị lắm chị ơi....
Forget Me Not Đalạt


No comments: