Friday, April 9, 2010

VNDK Về Đà Lạt

(Tiếp theo)
Forget Me Not Đalat
Về Đà Lạt
Tối qua mình gọi điện thoại đến hãng xe đò Phương Trang lấy vé đi Đà Lạt. Người bán vé cho biết, cứ việc ra bến khoảng mười lăm phút thì có một chuyến. Sáng thức dậy, mấy chị em ra phố mua ít khoai lang, vài ổ bánh mì, vài cái bánh giò để ăn sáng, đồng thời mang theo ăn dọc đường. Từ hôm về Việt Nam đến giờ hình như mình không thấy thèm ăn một món gì cả. Chuyến này Thy không thể đi cùng với mình về Đà Lạt. Cô nàng phải ở lại Sài Gòn, chờ Bi và Dung từ Đà Nẵng vào, rồi về Mỹ trước, chỉ có Nhàn từ Châu Đốc lên từ tối qua để cùng mình và My đi Đà Lạt. Đón taxi đến Nguyễn Trãi. Bến xe đã khá đông người, có vài chuyến đã đi trước bọn mình. Mua vé xong, nhân viên hãng xe tập trung hành lý của tụi mình một chỗ, để sát lề đường chờ xe tới. Mình không mấy an tâm vì rất sợ nạn cướp giật nơi đây nên không dám đi đâu, chỉ đứng một chỗ canh hành lý. Chuyến xe khởi hành chín rưỡi. Chiếc xe bus mang nhãn hiệu Hundai của Đại Hàn, rộng rãi, chỗ ngồi thật thoải mái, mình có thể tự do duỗi chân thoải mái khác hẳn những chiếc xe đò năm xưa, hồi bảy lăm, mà mỗi lần về Sàigòn hành khách bị chất như cá hộp. Vừa ngồi yên, mình đã giật thót mình vì âm thanh của chiếc micro đang được một nhân viên dùng tay đập nhiều lần thử giọng. Chú nhân viên phục vụ mặc đồng phục của hãng, mặt mày trịnh trọng giới thiệu hãng xe, giới thiệu tên nhân viên phục vụ, tuyến đường đi, nơi dừng chân nghỉ ngơi... Anh chàng đọc một hơi không ngừng nghỉ với giọng Bắc của miền phát âm lẫn lộn phụ âm l, n thật buồn cười. Sau màn giới thiệu, xe từ từ lăn bánh. Từ những màn ảnh nhỏ trong xe, hành khách bắt đầu theo dõi những bài ca, những bản nhạc rập rình của những ca sĩ trong nước mà mình không biết đến. Ngồi sát cửa sổ, đưa mắt nhìn xe cộ, khách bộ hành qua lại. Thành phố mới sáng đã ồn ào, nhộn nhịp, xe nhiều đến độ chóng mặt. Qua Thủ Đức, xe từ từ ra khỏi thành phố, qua con sông Sài Gòn. Dòng sông xưa giờ thay đổi thật nhiều, trên sông cũng có những căn nhà nổi cũ kỹ, che chắn sơ sài, vẫn là những mảnh đời trên sóng nước, nghèo nàn cơ cực, không khác gì những dòng sông ̉ miền Bắc, miền Trung mình đã đi qua và cũng để lại trong mình nỗi ngậm ngùi, cảm xúc. Xe từ từ đến Biên Hoà rồi qua Hố Nai, Trảng Bom... ở đâu cũng thay đổi nhiều. Cũng may, những vườn cao su thẳng tắp, xanh tươi vẫn còn đây, vẫn cho mình ước mơ được chạy nhảy giữa những hàng cây xanh lá, vẫn cho mình cảm giác vui vui khi nhớ lại mỗi lần ngang qua đây là thử đếm xem có bao nhiêu hàng cây, sau đó chịu thua vì xe chạy nhanh quá. Đến ngã ba Dầu Dây, dọc hai bên đường thật nhiều quán bán trái cây như chuối, mít... Mình không thấy chôm chôm, có lẽ mùa này ở đây đã hết. Nhớ ngày xưa mỗi khi có dịp về Sài Gòn. Hai lượt đi về, xe đều ngừng ở nơi này. Chuyến đi thì mua chôm chôm, mít xấy, chuối khô mang về Sài gòn làm quà biếu. Lúc về cũng mua lỉnh kỉnh đủ loại trái cây như chôm chôm, sầu riêng, đu đủ,chuối...nhưng nhiều nhất là chôm chôm, có khi mình còn mua cả mít tươi mang về nhà ăn. Từ khi nhà mình chặt mấy cây mít đi mới thấy tiếc, nên nếu có dịp là mua về ăn cho đỡ thèm. Qua khỏi Long Khánh, đến Dốc Mơ, Gia Kiệm, qua một chặng xa là đến Định Quán. Những hòn đá chồng ngày xưa của mình vẫn còn đấy. Vào thuở bé mỗi lần đi qua mình đều trầm trồ, ngạc nhiên khi thấy những hòn đá với những hình thù ngộ nghĩnh, quá sức to lớn với đôi mắt của mình dạo ấy nhưng giờ đây đi nhiều nơi, biết nhiều chỗ, những hòn đá to lớn ở Định Quán như nhỏ đi trong mắt mình. Rồi xe đến vùng Phương Lâm, vùng này ngút ngàn chuối, đu đủ... Chẳng mấy chốc xe đến Ma- Ra- Gui, Đạ Oai. Nơi đây nhắc mình nhớ lại lần xe bị hư trên đèo Chuối, mình và Hiệp phải đón xe be chạy xuống đây vào nhà thờ xin ngủ nhờ. Số người đến nhà thờ đông quá. Hai chị em phải gõ cửa những cơ quan xin tạm trú. May quá lại gặp nhỏ Hương, bạn của My đang làm ở công ty thực phẩm nơi đây. Thế là vừa được ăn, vừa được ở qua đêm để sáng mai đón xe về Sài Gòn. Những chuyến xe trong thời gian sau bảy lăm hư hỏng dọc đường là chuyện thường xuyên xảy ra, nghĩ đến mình còn sợ, một lần xe lật ở gần cầu Lệ Uyên ở Tuy Hòa, tưởng không còn nhìn thấy mặt trời... một lần hư xe trên chặng đường Quảng Ngãi – Đà Nẵng phải ngồi chờ sửa xe đến khùng trong cái nóng khủng khiếp của miền Trung. Trên những nẻo đường đi qua trong những tuyến đường dài đã thấy biết bao cảnh lật xe, xe nằm ụ dọc đường vì thiết bị cũ kỹ thiếu an toàn. Ôi những chuyến xe trên những nẻo đường đất nước sau ngày miền Nam thất thủ chắc nhiều người không thể quên.

Xe của tụi mình từ từ bò lên đèo Chuối. Đèo Chuối năm xưa thật nhiều chuối, giờ chỉ thấy rải rác. Thật sự mình không đoán nổi tại sao chuối rừng đã mất đi nhiều như vậy. Người ta chặt cây hái lá đi bán? Hay là chúng tự hủy sau nhiều năm thiếu chất dinh dưỡng. Mình vẫn có những lẩm cẩm khi tự đặt ra những câu hỏi mà chính mình cũng không biết trả lời. Bắt đầu lên đèo là khí hậu đã thấy khác, trời lạnh lạnh. Nhỏ Nhàn và My lôi áo len ra mặc. Chú phục vụ báo là xe sắp dừng lại để hành khách nghỉ ngơi. Điểm dừng chân của hãng xe đò Phương Trang nằm sát trên đèo Chuối. Công ty xe khách này làm việc thật quy mô, nghe nói có mấy chục chiếc xe phục vụ trên nhiều tuyến đường. Họ xây nhà hàng ở những trạm dừng chân. Xe ngừng, tụi mình xuống xe nối đuôi vào nhà vệ sinh. Hành khách vào nhà vệ sinh phải cởi giày dép của mình ra mang dép của công ty. Nhiều người khen công ty làm việc chu đáo sạch sẽ. Riêng tụi mình thấy ngán ngẩm cho chân vào đôi dép mà không biết bao nhiêu người đã mang. Không muốn nhưng “ phép vua thua lệ làng” nên đành phải chịu. Sau khi làm vệ sinh xong, ba chị em lượn một vòng quanh những quầy bán đặc sản. Ở đây họ bán đủ thứ: trà , mứt, mật ong, khoai dẻo, chuối khô...cho đến trái cây tươi, vật lưu niệm. Tụi mình chỉ đi một vòng cho biết chứ không mua. Sau khi vận động cho đôi chân đỡ mỏi, mấy chị em vào cửa hàng ăn của công ty Phương Trang. Thiên hạ đồn không sai, nhà hàng này nấu ăn rất ngon, tụi mình đã có một bữa cơm thật ngon miệng với cơm sườn nướng, tôm nướng, canh chua cá kho tộ.

Khoảng gần hai giờ, hành khách lên xe tiếp tục cuộc hành trình. Xe bắt đầu lên đèo Bảo Lộc. Đèo khá dài và cũng khá ngoằn ngoèo nhưng nhờ đường sá tốt nên xe vượt lên đèo khá nhanh. Trên khoảng đường đèo này vẫn không thay đổi mấy, chỉ có đoạn gần qua hết đèo, ngày xưa có một am nhỏ, trước am có một tượng Phật Bà giờ được xây lớn hơn, đẹp hơn. Xe đi gần đến Bảo Lộc đã xuất hiện những vườn trà, những vườn cà phê... Trà và cà phê trải dài từ đồi xuống thung lũng, rồi chạy dài đến Di Linh. Đang là mùa thu hoạch nên trên những vườn trà bạt ngàn, lố nhố nhân công vai mang gùi, đầu đội nón lá đang hái trà. Trà, cà phê được phơi đầy sân. Nhìn mọi người tấp nập phơi, trở...mình nghĩ, dân chúng của Di Linh, Bảo Lộc có một cuộc sống khá giả hơn những vùng mình đi qua. Qua Di Linh, Phú Hiệp, Đại Ninh rồi đến địa phận Tùng Nghĩa, vùng đất lành nuôi dưỡng mình hằng bao nhiêu năm đây rồi. Dọc hai bên quốc lộ, nhà cửa san sát, mình không tìm ra một nét thân quen xưa, chợt buồn man mác! Kỷ niệm xưa sống lại trong mình mãnh liệt, lũ học trò thân thương, một vài bóng “tùng” chợt thấp thoáng. G. với dáng gầy, lênh khênh, nụ cười hiền hòa và tình yêu tha thiết của G. dành trao. D. với những tối đưa đón đến trường trong những buổi dạy bổ túc...và còn biết bao nhiêu bạn bè thương mến nơi đây. Nhớ ơi là nhớ! Mình cứ tưởng như mới ngày nào đây mình còn trẻ trung, tràn đầy niềm tin và hy vọng. Tưởng như mới ngày nào đây nhìn đời toàn bằng màu hồng... Tưởng như thời gian làm ta chai sạn, khô khan hết còn cảm xúc. Thế nhưng nước mắt lại lặng lẽ rơi...Nếu không có cuộc đổi đời? Mình sẽ ra sao đây nhỉ? Có còn nguyên vẹn thương yêu với người yêu dấu? Có phải xa cách trùng dương để có ngày trở lại ngỡ ngàng với bao vật đổi sao dời? Chiếc xe vượt qua mà mình vẫn còn ngoái lại. Hẹn Tùng Nghĩa mai mốt đây ta sẽ dành cho em trọn một ngày thăm viếng.
Còn tiếp
Forget Me Not Đalat
www.datque.com

No comments: