Friday, February 19, 2010

(Tiếp theo)

Forget me not Dalat


Ngày...tháng...năm...

Cuộc đời con người quả như chim bay!! Mới hôm qua đây mình còn ở Hà Nội. Giờ ở Sài Gòn. Trưa nay lại bay ra Vinh, về thăm quê hương Ông Bà chưa một lần gặp. Sáng nay tụi mình rủ nhau đi ăn phở. Từ hôm về Sài Gòn đến giờ mình đi ăn phở nhiều nơi nhưng chưa bao giờ vào tiệm phở 2000. Sau lúc cựu tổng thống Mỹ vào đây. Tiệm phở nổi tiếng như cồn. Để thoả mãn tính tò mò tụi mình rủ nhau vào ăn cho biết. Tiệm khang trang sạch sẽ nhưng phở thì chả có gì đặc biệt nếu không muốn nói là dở. Có lẽ vì vậy mà tiệm thật thưa khách!

Rời tiệm phở mấy đứa đi vội ra chợ Bến Thành mua thêm ít ký chà bông và vài đòn chả lụa biếu dì Thiện, em của mẹ. Sau đó vội vàng về khách sạn, chuẩn bị ra phi trường. Không nói ra nhưng mình biết cả hai cô em cũng hồi hộp như mình. Lần đầu tiên về thăm quê nhà yêu dấu. Hãng VN Air line tương đối đúng giờ. Lên máy bay lúc 11 giờ 40 thì 12 giờ máy bay cất cánh. Một giờ 55 phút máy bay đáp xuống phi trường Vinh. Đúng là mình đang sống ở thời đại mới có khác. Máy bay phản lực bay thật nhanh. Vừa bước xuống phi trường My gọi điện thoại ngay, chỉ vài phút sau, Tĩnh, chồng Hường đã có mặt. Cậu ta đã chờ sẵn ở phi trường cả tiếng trước. Lấy hành lý chất lên xe xong, Tĩnh hối bác tài đưa mấy bà chị vào một quán cháo ở Vinh và đặc biệt giới thiệu món cháo bồ câu. Bồ câu được hầm trong một hộp bằng thiếc, giống như lon guigoz xưa. Cháo được chưng cách thủy với gạo và đậu xanh. Thấy khá lạ và ăn cũng ngon nữa. Ăn uống xong vội vã lên đường. Nghe nói từ đây về Hương Sơn dài khoảng trăm cây số. Xe lăn bánh, chiếc xe phom phom tiến dần về quê nội, ngoại. Mình thầm thì với bố: “ Bố ơi con đã trở về. Con đang trên đường thăm lại ngôi làng xưa của bố, của mẹ đây... Quê hương ngọt ngào trong yêu thương , nhớ nhung của bố ngày nào. Quê hương mà bố nhắc nhở từng ngày trong những buổi cơm của gia đình. Quê hương mà cho đến những phút gần lìa đời Bố vẫn nuối tiếc nhớ mong. Bố đã không một lần được trở về. Con của bố đang về thăm nhà hộ bố đây. Con sẽ tường trình chuyến “ trẩy” quê bố ạ.”

Chọn một chỗ ngồi sát cửa, dõi mắt nhìn cảnh bên đường. Mình tưởng như mơ! Có bao giờ mình nghĩ rằng có ngày được tận mắt nhìn dòng sông La lững lờ uốn khúc, đỉnh núi Hồng mờ mờ trong sương chiều! Cảnh quê thật yên bình hạnh phúc. Những vườn bắp, những luống rau trải dài xanh ngắt. Ruộng lúa đã gặt xong. Đó đây những chú trâu, bò thong dong gặm cỏ. Gà, vịt lăng xăng nhặt thóc trên đồng hoặc vẫy vùng trên mương. Xe đi qua Ngàn Sao, Ngàn Phố, xe qua Linh Cảm...qua những địa danh quen thuộc mà mình đã nghe mẹ cha nói đến, hoặc trong những bài hát mình thường nghe:“ Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh, nhớ núi Hồng Lĩnh, nhớ dòng sông La, nhớ biển rộng quê ta..” rồi Khe Giao, đèo Ngang- Linh Cảm...những cái tên nghe gắn bó thân tình, quyện chặt lấy nhau.

Xe ngừng trước nhà Hường. Cả nhà ùa ra chào hỏi. May mà tụi mình thuộc vai lớn nên không phải cung kính vòng tay đáp lễ. Dì đang ở nhà không ra được vì đi lại khó khăn. Trong mấy người con dì có Hường là khá nhất. Hường là chị cả trong nhà. Nhà cửa tương đối khang trang, buôn bán tạp hóa cũng đấp đổi qua ngày. Kế Hường là Sơn, Hồ, Anh, Nhật, Mỹ, Nam. Nhật vừa chết năm trước trong một tai nạn xe gắn máy. Nam vì cuộc sống khó khăn phải đi lao động ở nước ngoài để lại vợ và một con còn nhỏ xíu nhìn thấy mà tội. Mỹ thì đang đi làm trong một đồn điền cà phê ở Đắc Lắc, lâu lâu mới về thăm nhà một lần.

Buổi họp mặt đầu tiên, tụi mình chụp chung một tấm hình cả gia đình rồi xuống phụ mấy em xào nấu chuẩn bị cho buổi ăn tối. Cả nhà quay quần trên chiếc chiếu rộng. Ngoài rau xào, thịt gà luộc ( gà đem từ vườn của dì ra làm thịt ) còn có món dê cũng luộc chấm nước mắm. Tụi mình thắc mắc không hiểu sao món thịt dê luộc hoàn toàn không có mùi hôi như ở Mỹ. Bên mình mỗi lần làm lẫu dê hay cà ri...phải biết cách nấu, không thôi ăn không được. Mình hỏi có bí quyết nào mà thịt dê thơm ngon vậy không. Hường lắc đầu, bảo mua ở nhà hàng xóm mang về chỉ việc rửa xong là mang luộc, không cần gia vị, chả có bí quyết gì cả. Thy nói nhỏ vào tai: “ Có bao giờ họ bán thịt cầy không?”

“ Nói bậy, không ai chơi ác vậy đâu ”. Mình trấn an vậy thôi chứ họ có treo “ đầu dê ” làm sao mình biết được.

Ăn uống xong xuôi tụi mình theo mấy em chở vào nhà dì. Dì cũng ở Hương Sơn, chỉ cách xa nhà Hường khoảng trên mười cây số . Xe vừa ngừng ở cửa dì đã lọm khọm bước ra, nước mắt nhạt nhoà ôm các cháu. Sau ngày miền Nam mất, dì có vào Đà Lạt thăm chúng mình. Vậy là trên ba mươi năm mới gặp lại dì. Dì đã trên tám mươi, thua mẹ ba tuổi nhưng trông già hơn mẹ. Tội nhất là lưng dì còng xuống thấp, mỗi lúc di chuyển phải chống tay xuống đất. Ngoài bịnh còng ra, dì rất minh mẫn tinh tường, tai còn nghe rất rõ, tiếng nói dì sang sảng. Sau nhiều năm không gặp có bao nhiêu chuyện để hỏi, để nói, để cười vui cũng như thỉnh thoảng rơi lệ khi nhắc lại chuyện vui buồn. Cả nhà xúm xít bên bếp lửa chuyện trò râm ran. Đến nửa đêm vợ chồng con cái, Sơn, Hồ, Anh... ai về nhà nấy. Mận,vợ của Nam và cu Long con của Mận, thường ngủ chung với Dì phải nhường giường cho tụi mình đi qua nhà Anh ngủ. Tối đó, bốn dì cháu ngủ chung giừờng nhưng có ngủ được đâu. Phần thì lạ nhà, phần vì sợ! Về quê mới nhớ đến bài “Vịnh cảnh nghèo” của Nguyễn Công Trứ “ Thời thái bình cửa thường bỏ ngõ ” Tụi mình càm ràm dì sao không chịu làm cửa nẻo cẩn thận. Dì một mực “ Không răng đâu, dì ở mấy chục năm ni có chi mô, toàn hàng xóm với nhau. Cả xóm không ai có cửa, mình làm một “chắc” dị lắm.” Nghe dì nói vậy nhưng tụi mình vẫn ngán, lỡ nửa đêm ăn trộm tìm đến, chắc chết mất! Trời đêm thật lạnh, mền lại mỏng, mấy chỉ em ngủ không được, còn dì chắc vui vì có cháu về thăm cũng khó chợp mắt nên dì cháu rù rì suốt đêm, kể đủ mọi chuyện rồi cười khúc kha khúc khích.

Ngày...tháng..năm...
Mới bốn năm giờ sáng gà đã gáy râm ran. Nằm nướng thêm một chút chờ ông mặt trời thức dậy. Mình len lén xuống giừờng, đi nhúm lửa đun nước nóng rửa mặt. Quê dì bây giờ hệt như Đà lạt của mình năm chục năm về trước. Nhà vẫn còn nấu bằng củi. Mận khá siêng năng, những ngày nghỉ việc đồng áng cô nàng đã lên rừng đốn khá nhiều củi để dành cho mùa đông. Lúi húi lấy tre làm mồi nhúm. Mình nhớ thưở nhỏ chi lạ. Sáng nào nhà mình cũng thay phiên dậy sớm nấu cơm sáng nhưng đỡ một cái là ở Đà Lạt nhúm lửa bằng củi ngo nên nhóm thật nhanh. Nhóm bằng tre mình phải chẻ tre thật nhỏ mới dễ mồi lửa. Lửa đỏ, mình bỏ thêm củi vào. Đổ thêm nước vào ấm chè dì nấu hôm qua. Mình đun sôi rồi chế vào bình mang lên bỏ vào cái bình giữ ấm được khoét bằng quả dừa khô . Khi thấy lại bình chứa bằng quả dừa khô, cảm thấy vui vui. Thật sự, nếu không thấy lại, cơ hồ mình quên mất đã có thời gia đình mình cũng dùng những vật dụng đơn giản mà dễ thương như vậy. Đánh răng rửa mặt xong mình lấy áo len khoác vào rồi bước ra ngoài. Trời lành lạnh, mình đi một vòng thăm cảnh vườn nhà dì. So với căn nhà bé, lợp tranh của dì. Vườn nhà dì khá rộng. Một lũy tre bao bọc quanh vườn. Vườn sau, dì trồng mấy luống khoai mì, khoai lang và một vạt chè xanh. Dì cũng trồng vài bụi chuối cau. Có một chú bò với bộ lông vàng thật mướt đang nằm khoanh mình bên gốc chuối giương đôi mắt to nhìn. “ tắc” nhanh tay mình thu vào ống kính đôi mắt to ngơ ngác của chú bò. Mình ra vườn trước. Vườn thật nhiều cam sành, bưởi, có một dây trầu lá xanh tươi tốt và một vài gốc cau cao chi chít trái. Nghe nói quanh năm suốt tháng dì không phải tốn tiền mua trầu cau mà còn có thể hái bán, phụ thêm chi tiêu cho gia đình. Phía bên hông nhà có vài cây khế, cây mận, nghe nói khế nhà dì rất ngọt nhưng thật tiếc năm nay cây cho trái sớm, tụi mình không được thưởng thức khế ngọt nhà dì. Đi lần ra cuối vườn mình còn “ chớp” được mấy đụn rơm và một chuồng trâu, vài cây chuối trồng cạnh chuồng trâu với những nảy chuối sai oằn.

- Bà Thiện ơi! Mời ả qua nhà “mền” uống “ nác” mới.

Bà Mai, người hàng xóm tối qua có đến thăm tụi mình đang đứng sát cạnh vườn giữa đám tre( có con đường mòn do đi lại nhiều lần đã vạt ra thành một lối đi lớn) gióng tiếng thật to.

Thiện là tên của chồng dì . Dượng đã qua đời lâu lắm. Dì của mình đã thức dậy đang rải lúa cho đàn gà cả mấy chục con, chúng đang dành nhau ăn trên sân vuông trước nhà dì. Nghe bà hàng xóm gọi. Dì vội vàng ngưng tay , lớn tiếng trả lời:
- Bữa ni “ mền ” qua nhà ả không được mô. Thôi bữa khác hí?

Chạy lại phụ dì cho gà ăn. Mình hỏi Dì:
- Dì ơi. Ở đây vẫn giữ tục lệ mời nhau uống nước vào buổi sáng hở dì?.
- Ừ. Từ lúc dì lớn lên đến giờ vẫn rứa. Khi thì nhà ni, lúc nhà tê thay phiên nhau nấu nác chè mới, mời nhau.

Thật vui, kỷ niệm xưa sống lại. Hèn gì bố và những người cùng quê của bố đã mang tập tục tốt đẹp ấy từ quê hương vào. Trong xóm mình, nhà nào cũng trồng chè xanh. Nhà ít thì có vài bụi. Nhà nhiều như nhà mình có một vạt trước nhà vài chục cây, phía sau vườn thêm hai dãy khoảng vài mươi cây nữa, tha hồ uống. Trong xóm thay phiên nhau nấu nước chè xanh mời bà con lối xóm. Hôm nào đến phiên nhà mình. Mẹ hoặc mình thức dậy sớm ra vườn cắt một bó chè tươi khá lớn, mang vaò rửa đi, rửa lại thật sạch. Bẻ gấp chè lại, dồn vào trong ấm thật chặt, đổ nước vào đun sôi. Chờ cho nước chè biến thành màu xanh. Nếu nấu không chín tới nước sẽ không đủ xanh, nước chè sẽ có vị tanh khó uống. Không canh kịp lúc, nước sẽ sậm màu, màu nước nhìn không đẹp, nước uống sẽ không ngon. Khi nước chín, mang ấm nước chắt vào một ấm nhỏ . Nước này gọi là nước cốt để dành cho gia chủ dùng vào ngày hôm sau. Phần nước còn lại trong ấm, cho thêm đầy ấm, bỏ lên bếp đun sôi thêm vài trào, lúc ấy mới chế ra ly đãi khách. Khi những ly chè xanh được mang ra, khách lần lượt bưng lên hớp một ngụm nhỏ nhâm nhi khen, chê. Cách nấu xem đơn giản nhưng thật ra không phải dễ. Người nấu chè cũng phải có kinh nghiệm mới có được một ấm trà ngon. Nhiều khi cũng một loại chè ấy, cũng cái ấm như vậy nhưng người nấu ra hoàn toàn khác nhau. Để có một ấm chè ngon, chúng mình phải ước chừng cân lượng chè, nước khi nấu, canh lửa củi đều (đặc biệt nếu nấu bằng nước mưa nước chè lại càng ngon hơn nữa). Bởi vậy khi được phân công nấu chè đãi khách là mình ngồi dí ở bếp chả dám đi đâu. Trong tiệc chè, chuyện thời sự được mang ra bàn luận, mọi người cùng nghe chung tin tức từ đài phát thanh. Mấy cụ thường xuyên nghe đài BBC, đài VOA... hoặc nghe tin tức chiến sự từ đài điạ phương hoặc nhiều khi cũng xúm lại giải một đề toán khó, bàn luận một bài luận văn trong trong những cuộc thi vào đệ thất. Bên ly nước, bên ấm chè xanh cả một quê hương xa xôi cũng được mọi người gợi lại với nhiều nhớ mong, hoài cảm… Giờ, những người cùng tuổi bố mình đã cùng với người ra đi về bên kia thế giới. Nhóm trẻ ngày xưa biết được tập quán dễ thương này như mình đã bỏ quê hương mà đi. Những người ở lại cũng bận bịu đa đoan với cuộc sống. Làm gì có được những giây phút quay quần bên ấm trà, ly nước mới, thắt chặt mối thâm tình. Và chính nơi quê hương này của mẹ, cuả dì, của mình... chỉ một thời gian sau, cũng có thể không ai còn nhớ nấu ấm nước chè xanh mời nhau trong buổi đầu của ngày mới. Với một hoài niệm và cũng với niềm ước mong, mình nói với dì: “ Dì ơi nhớ nói với Sơn, Hồ, Anh... và bè bạn của họ ở đây, nhớ giữ cái lệ “ nấu nác chè xanh mời nhau mỗi buổi sáng ” như ri nghe dì. Dì cười: “ Dì cũng muốn rứa nhưng không biết khi dì chết rồi tụi hắn có nhớ làm rứa không.” Mình ngậm ngùi, lời nói của dì thật đúng...không hẳn những gì mình nghĩ là hay, là tốt đẹp, mọi người cũng có cảm nghĩ giống mình và dù có thật sự tốt đẹp chưa hẳn đã bền vững với thời gian. Tự dưng mình thấy buồn mênh mang...

(Còn tiếp)
Forget me not Dalat


www.datque.com

No comments: